* Jakha & chú cừu, hè 2001.
Tiếng Chăm có rất nhiều từ chỉ đơn vị đo lường. Với danh từ chỉ người, ta hay sử dụng lẫn lộn giữa urang và mưnwix. Người Chăm nói:
dom urang pathang / mấy người chồng
kluw urang anưk / ba người (đứa) con
hu dom urang mai? / Có mấy người tới?
Chứ không nói:
Kluw mưnwix anưk hay Hu dom mưnwix mai?
Như vậy, trong hai từ này, chỉ có urang được dùng như từ chỉ đơn vị đo lường. Còn ở các trường hợp khác chúng có chức năng như nhau. Có thể nói:
Urang halei đom? hay Mưnwix halei đom? / Người nào nói?
cũng được.
Tiếng Chăm không có các từ: là, của, hãy…
Vì lệ thuộc vào ngữ pháp tiếng Việt, thế hệ trẻ rất lúng túng khi gặp trường hợp này. Cho nên khi muốn diễn ý mình lắm lúc họ đã tạo ra các câu văn khá gượng ép.
Ví dụ: muốn diễn tả câu:
Tôi là Jaka.
Nó là con ông ấy.
người Chăm chỉ nói đơn giản: Dahlak Jaka.
Nhu anưk ong nan.
Từ nan (có thể dịch là đấy là, ấy là) được sử dụng trong trường hợp này và dịch thành “là” thì không đúng với tinh thần ngữ pháp tiếng Chăm.
Từ của và hãy cũng vậy
Bbut dahlak. / Cây viết (của) tôi.
Tanưh riya khaul drei. / Đất nước (của) chúng ta.
Ngap bruk nan! / (Hãy) làm việc ấy!
Anưk pơng amaik baik! / Con (hãy) nghe mẹ đi!
Đặc biệt trong tiếng Chăm có một số giới từ thường được dùng kèm với động từ để tạo một ý nghĩa đặc trưng cho động từ đó. Chẳng hạn trường hợp giới từ di, hoặc nó không có mặt trong tiếng Việt hoặc cần được dịch thật linh hoạt tùy ngữ cảnh để khỏi gây lúng túng cho người học.
Nhim tapuk di nhu / Mượn sách ở nó
Mượn sách của nó.
(động từ mang ý nghĩa chuyển nhận)
Tuh ia di nhjơm / Tưới nước (tại) rau. Tưới nước cho rau.
(động từ di chuyển đối tượng)
Tabiak di sang / Ra (ở) nhà. Từ nhà đi ra.
(động từ chuyển động có phương hướng)
Mưtai di ơk / Chết (nơi) đói. Chết vì đói, chết đói.
Khơp di gơp / Yêu ở nhau. Yêu nhau.
Nhưng người Chăm nói:
Anit gơp / Thương nhau.
Anit anưk / Thương con.