Lưu Văn: Về triết lý hổng chân

Đây là “phản hồi” được đăng làm bài chính.

Inrasara.

*

Dang Phan (PR) viết “phản hồi” về đoạn văn trong “Văn chương & Tư tưởng II-109”:

“Cái ông Inrasara chửi ta đau thấy mẹ thấy cha luôn đó! Đau mà khoái. Viết văn như vậy mới gọi là viết. Tui đã đọc đoạn này nhiều lần rùi, đọc lại vẫn vỗ đít cười ha hả. Chả mang nòi giống Chàm ra đặt bên cạnh Ba Tàu với Do Thái, để chả nhạo chả nhiếc, nhiếc bạn rồi nhiếc chính mình (tác giả – mầy là thứ hèn đại nhân). Nhiếc cả lũ… Cuối cùng chả đẩy cái nhiếc này đến tận cùng bằng câu kết cười nứt bụng:

– Mầy biết tao sẽ đi đâu không? Qua Campuchia mà làm bộ trưởng giáo dục bên đó.

Viết văn như vầy mới gọi là viết văn…”.

 

Nhân dịp này, tôi xin nêu ý kiến dài như sau:

Nhà văn Inrasara khái quát tinh thần hay triết lý mà anh đặt tên là “triết lý hổng chân” của người Chăm chỉ trong một đoạn văn. Anh không nói triết lý đó bằng các khái niệm mà đã đặt nó vào miệng một nhân vật rất cá biệt là Cao Xuân Hoang. Trong tác phẩm Chân dung Cát, tôi xem đây là nhân vật dị biệt nhất, qua nhân vật này tác giả muốn nói lên thông điệp của mình. Nhân vật này nói lên triết lý đó ra qua một giọng rất đặc thù. Tôi xin phân tách như sau:

1. Nội dung triết lý hổng chân

– “không nhỏ vào tâm linh Chăm lấy môt giọt tế bào thực tế hay khôn ngoan”.

– “đổ xô đi làm chuyện trời ơi”.

– “đòi truy tầm tư tưởng chiều sâu của tổ tiên Chăm

– “nhưng hắn có chịu cụ thể hoá nó đâu

– “Chăm đúng là nòi phung phí” (phung phí khả năng)

2. Về nhân vật

– Nói đến cả dân tộc: “Trọn ổ bọn chút tài còm đổ xô đi làm chuyện trời ơi”.

– Về nhân vật Saman: “Tư tưởng biết đi ấy hiện đang đứng canh chòi dưa tận núi Chàbang

– Chỉ thẳng tác giả Inrasara (nếu “mầy” ở đây được coi là tác giả của Chân dung Cát): “thằng Thuman nói mầy đồ hèn đại nhân. Biết mà không dám. Chỉ cần ý tưởng lớn đó sượt qua đầu thôi cũng đủ khiến mầy vãi ra quần”.

– Chính người phát ngôn: “cả tao cũng chả hơn gì

Nghĩa là triết lý hổng chân này không chừa ra một ai cả!

3. Về giọng điệu:

– 2 lần nhân vật này thốt chữ “đù mẹ”, 1 lần “mẹ khỉ”, “vãi ra quần”. Qua lối dùng chữ, ta nhận thấy đây là loại người bán trời không chứng, ăn nói bạt mạng.

– Giọng nhân vật này cường điệu rất kịch: “thật muốn điên cái đầu lên được”, “nhưng dù sao đi nữa cũng phải cố lần chót”. Làm như hắn yêu dân tộc mình lắm, đang lo lắng cho xã hội Chăm ghê gớm lắm – nhiều người Chăm hiện nay cũng rất kịch như thế!. Kịch có khi không biết mình đang tự lừa.

– “chả có lấy mống nào ra hồn để mà gửi gắm lí tưởng” – làm như ta đây lý tưởng to tát và siêu đẳng lắm.

– cũng cần chú ý đến cách so sánh của tác giả: so sánh triết lý hổng chân đó của người Chăm với “thực tế Do Thái hay khôn ngoan Tàu

– “Phung phí ngu xuẩn không Chúa, Phật nào thèm độ lượng cúi xuống chạy chữa!”

4. Về nhân vật Cao Xuân Hoang

Nhưng cuối rốt là anh ta quay lại với chính mình. Hãy nghe nhân vật này phát ngôn:

Cả tao cũng chả hơn gì, mẹ khỉ. Nhưng dù sao đi nữa cũng phải cố lần chót. Ba năm nữa không rục rịch gì tao cũng chuồn, đi trước,… Mầy biết tao sẽ đi đâu không? Qua Campuchia mà làm bộ trưởng giáo dục bên đó.”

Theo tôi, đây là đoạn cao trào nhất. Nó làm cho người đọc bật cười to thành tiếng. Làm như Chăm là nhất lắm, làm như Cao Xuân Hoang là ngon lắm, muốn qua làm bộ trưởng bên Campuchia lúc nào cũng được!!!

 

Cũng cần lưu ý thêm, trong Chân dung Cát còn có “triết lý đi trước” của một nhân vật khác nữa. Nghĩa là nhân vật này không nằm chờ truyền thống văn hóa dân tộc Chăm sụp đổ hay phá sản, cho nên anh ta chủ động ra trước, dzọt trước, đi trước – không để cho nó đổ sập đè nát mình. Một lối bỡn cợt rất đặc trưng của nhà văn Inrasara.

 

 

2 thoughts on “Lưu Văn: Về triết lý hổng chân

  1. Đoạn văn ngắn viết như chơi mà chứa đựng nhiều điều nghiêm trọng toàn vấn đề lớn của xã hội.
    Đâu phải ta phải la to lên như thế này thế nọ đâu, mà chỉ cần một thối thoại ngắn, đúng hơn một độc thoại của nhân vật cũng không phải là nhân vật chính. Nhà văn có tầm là thế. Điều này chúng ta nhớ đến Dostoievski.
    Và điều đáng nói nữa là nhà văn Inrasara đã làm cho chúng ta biết cười.

  2. Các bạn làm thống kê trình độ người Chăm sau đại học, hay lắm! Nhưng hãy chú ý “triết lý hổng chân” trong Chân dung Cát của nhà văn Inrasara:
    “Trọn ổ bọn chút tài còm đổ xô đi làm chuyện trời ơi. Sao cái ông trời thiên vị không nhỏ vào tâm linh Chăm lấy môt giọt tế bào thực tế Do Thái hay khôn ngoan Tàu khi nặn ra thứ nòi giống này!?”

    Đấy là Inrasara mượn nhân vật để nói về triết lý này.
    Lên Thạc sĩ hay Tiến sĩ rồi, các bạn làm gì? Hay chỉ làm công chức, dạy học nuôi gia đình? Hay chỉ biết vinh thân phì gia? Tôi có đọc thống kê mới nhất đáng tin cậy rằng: Số Tiến sĩ cấp Thứ trưởng ở Việt Nam gấp 5 lần Nhật Bản (chú ý nhé: 5 lần đấy). Nhưng các ông Thứ trưởng Việt Nam này đã làm gì cho Việt Nam????

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *