Đồng Chuông Tử: Hôn nhân ngoại tộc, nguyên vẹn nỗi buồn lớn

(chuyên đề Hôn nhân ngoại tộc)

Qua vài trao đổi với bạn đọc, BBT nghĩ rằng cần thiết đặt riêng chuyên mục cho vấn đề này. Cũng nên thay đổi tên gọi để đề tài mang tính nhân văn hơn. Tác giả khác có thể đóng góp bài viết, ý kiến và BBT giữ nguyên “thuật ngữ” của tác giả đó.

*

Nhiều thập niên qua, dòng sông văn hóa-xã hội Chăm đã chầm chậm trôi, òa vào lòng ‘biển” đa văn hóa đa màu sắc. Cái “sự trôi” trầm lặng, lóng lánh và mang phẩm chất thiền tính/minh triết Chăm. Nó như lão đạo sư Bà La Môn đã lãng quên thế tục và mang mang cõi linh thánh của riêng mình. Lão đạo sư có ngờ đâu, trong giây phút sắp chuyển hóa năng lượng vật chất ấy, một ngọn gió đi rong, vô tình đã làm rơi viên gạch cũ, dưới chân ngọn tháp. Một viên gạch trổ đầy vết tích nắng mưa, bụi hoang và rêu cỏ xanh rì. Vỡ vạc đụn buồn thế thái.

Quan điểm ngắn

Thập niên 30, 40 thế kỉ trước, tình trạng người Chăm kết hôn ngoại tộc, có nhưng không đáng kể. Ở cả 4 địa khu:Parang, Krong, Parik, Pajai.Tình trạng này chỉ nở rộ, trong khoảng hơn hai thập niên trở lại. Nó trở thành vấn nạn hôm nay. Có thể khẳng định, đây không phải là vấn nạn thông thường. Nó đã trở nên vấn nạn hàng đầu, nhiều yếu tố rủi ro cao. Thậm chí đẩy đến bi kịch, không chỉ cho cá nhân. Mà hệ quả của nó, tồn tại lâu dài, dai dẳng, dư âm nhiều thế hệ. Vì thế, nó đánh động và thu hút sự quan tâm của dư luận Chăm ngày càng rộng rãi. Đã có nhiều bài viết, thảo luận trên mạng về vấn nạn gây khó ngủ/mất ngủ cho nhiều người. Đặc biệt là giới nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ, trí thức lẫn sinh viên Chăm. Đây là lực lượng có ý thức kế thừa, gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa tộc người, có tầng bậc và ổn định. Cốt lõi vấn đề của ý thức đó là, phát triển bản sắc nội tại, riêng biệt, ngày càng tiên tiến và đậm đà hơn nữa, trước xu thế tất yếu, hội nhập biển lớn.

Nguyên nhân lớn làm cho người Chăm bị vơi đi?

Lẽ thường, dân số một tộc người/quốc gia, theo tiến trình phát triển tự nhiên của nó, sẽ tăng lên. Tăng chậm tăng nhanh, tùy thuộc tốc độ sinh đẻ và lứa tuổi trong độ tuổi sinh đẻ. Trong đó, có phần can dự do chính sách hạn chế sinh đẻ của quốc gia và thái độ của giới trong độ tuổi ấy. Sự biến chiến tranh cũng ảnh hưởng yếu tố phát triển dân số này.

Riêng ở người Chăm, khi kết hôn với người ngoại tộc, thế hệ mới sinh ra, thường bị thay đổi dân tộc. Thế hệ mới sinh ra này, lớn lên rất hiếm người biết/chịu nói tiếng Chăm. Đa số, họ chối bỏ/lờ đi dòng tộc thiểu số từ người cha/mẹ thiểu số của mình. Có khi còn xem thường xuất thân của người cha/mẹ có nguồn gốc thiểu số nữa. Nó phát triển lên, có khả năng xảy ra bi kịch cho người cha/mẹ ở cuối đời. Mà nhiều trường hợp đem trả lại, còn nóng hổi, rất thương tâm.

Nếu tình hình kết hôn ngoại tộc, xảy ra đều đặn và liên tục theo cấp số nhân, như hiện nay, thì chẳng bao lâu nữa, người Chăm có nguy cơ teo dần và biến mất. Biến mất ở đây là hình thức thay hình đổi dạng, lẫn qua tộc khác. Từ hình thức sơ khai như vậy đến mất đi/triệt tiêu đi nguồn cội ở vài thế hệ tiếp theo. Như vậy, có thể khẳng định, hôn nhân ngoại tộc, là nguyên nhân hàng đầu cho ‘sự vơi” dân số trong cộng đồng xã hội Chăm hôm nay. Và cũng là tiền đề tiêu bản cho khả năng biến mất của tộc người trong tương lai.

Trong khi đó, chỉ có một bộ phận quá ít, có ý thức giữ gìn. Họ giữ gìn trong bất lực và khả năng tuyệt vọng lớn. Theo nghĩa “còn nước còn tát”, “được chừng nào hay chừng ấy”. Nhưng họ vẫn còn hi vọng, dẫu ít ỏi thôi.

Trái ngoe quá không, khi một bộ phận nhỏ lẻ, gắng gượng níu kéo. Bộ phận kia, ngày nay, đang “phình ra”, lại lờ đi. Và tâm lí đổ thừa cho duyên phận đời người là có thật. Thậm chí tâm lí ấy, thể hiện ấy, nguy hiểm thay, nó trở thành ‘chót lưỡi đầu môi” của phần đông, từ lúc nào không rõ.

Giải pháp nào cho vấn nạn

Chúng ta đã biết, kết hôn là dấu hiệu quan trọng của đời người. Nó tham gia vào nhiều kế hoạch phía trước và có lợi thế định đoạt vận mệnh phía sau.

Chúng ta cũng biết, chẳng gia đình/cộng đồng nào ép buộc cá nhân trong vấn đề hôn nhân. Càng không có chế tài, quy ước cụ thể gì cả. Đơn giản, đó chỉ là ý thức giống nòi, bản sắc văn hóa, hình thành, tồn tại và phát triển ở mỗi cá nhân mà ra.

Một cá nhân không có ý thức đó. Rồi hai cá nhân, ba cá nhân,… quả thực là quá hẩm hiu và “bạc phước” cho tộc người nào đầy rẫy cá nhân như vậy. Nhưng xét cho cùng, tộc người nào/quốc gia nào cũng tồn tại nhiều mặt thực trạng đời sống của nó. Quan trọng là nhìn thấy nó, chuyển hóa nó và điều chỉnh nó. Đó là bổn phận của “bộ óc cộng đồng”. Khiến nó hài hòa trở lại, thấu cảm và cân bằng trở lại. Dĩ nhiên, đây là công việc khó khăn, cực kì khó khăn. Nó đòi hỏi khả năng bao quát, tháo vát và linh động ở từng khâu, từng lộ trình cụ thể đã hoạch định trước đó. Đó rõ ràng không phải công việc của một cá nhân, mặc dù gốc gác của vấn đề là vấn đề cá nhân. Một cá nhân thực hiện, không bao giờ đạt năng suất như mong muốn.

Nó đòi hỏi sự chung tay của toàn thể cộng đồng. Mà trước tiên, là những cá nhân uy tín, khả năng ảnh hưởng/cộng hưởng lớn chấp nhận cùng ngồi lại. Nén cái tôi to tát xuống cùng bàn bạc, điều nghiên và đốc thúc nhau từng ngày từng giờ. Vô vị lợi, lắm vất vả mà tính chất công việc chất chồng theo từng giai đoạn, công đoạn cùng khả năng kéo dài, dai dẳng về không gian/thời gian.

Trong đó cần lưu ý, nhân sự ở khía cạnh tín ngưỡng-tôn giáo là cần thiết, tính chất quyết định, khả năng thành bại lớn.

 

 

12 thoughts on “Đồng Chuông Tử: Hôn nhân ngoại tộc, nguyên vẹn nỗi buồn lớn

  1. Nhưng bài tiểu luận ngắn này thì rất khá. Hoan hô Đồng Chuông Tử.
    Tôi cũng hơi lo về chuyện này như anh.

  2. Xalam ĐCT
    Chyên đề rất hay.
    Nhớ 1 lần ngồi lai rai với vài anh cán bộ người Kinh huyện Bắc Bình, Tỉnh Bình Thuận. Có anh phát ngôn (không biết đúng hay bừa bãi): “Mẫu hệ Chăm là lạc hậu, đàn ông Chăm vứt đi”. Hôm đó có vài người đàn ông Chăm ngồi im chẳng nói 1 lời (chắc họ sợ mất việc). Riêng mình tôi căng giọng cãi lại (làm cuộc chơi mất vui).
    Theo các anh thì ông này nói đúng hay sai? và nó tác động nhiều hay ít đến hôn nhân ngoại chủng.
    Mong nhận được nhiều ý kiến của các anh để sau này nếu có dịp gặp tên đó nữa thì tôi phân tích thêm cho ông đó biết.

  3. ĐCT ” xấu trai” mà viết hay quá đi, cố lên nhé, anh ủng hộ em nhiều. Hẹn khi nào vào sài gòn anh em lai rai thịt chó nhé.

  4. salam Harayatha
    Không biết câu nói của ông này như thế nào, theo kaka ông ấy nêu quan điểm như thế không chuẩn xác lắm, mẫu hệ Chăm có từ bao đời nay, thử hỏi ông có đọc nhiều sách hay biết nhiều kiến thức không, kaka nhớ một lần có đọc sách cổ Chăm của ông nội để lại, rất nhiều motif hay, trong đó còn nói người đàn ông nên làm việc lớn. Thành thử như thế mà mọi thế hệ trẻ chẳng học và không biết viết chữ Chăm. Trách ai đây, gia đình ư? tế bào xã hội ư? giáo dục ư?
    “Mẫu hệ Chăm là lạc hậu, đàn ông Chăm vứt đi”, thế hỏi anh ta “lạc hậu” như thế nào và “lạc hậu” hiểu theo quan điểm hay yếu tố nào. Í kiến của ông ta như thế nào, đàn ông Chăm bao gồm những thành phần nào, xin lỗi có những người nông dân còn biết nhiều hơn người cán bộ gì gì đó, họ biết, họ làm vì đồng lương ít ỏi, biết được mớ kiến thức bòng bong mà ông ấy dám phát ngôn như thế…
    Ông ấy nên tìm sách Ấn Độ để đọc và hiểu thêm

  5. Đwa krun Sara.
    Yatha chỉ sợ vi phạm pháp luật. Chứ truyền tải thông của người nói cho đúng thì Yatha không việc gì phải ngán.
    Harayatha đang đợi những ý kiến hay tiếp theo.
    Yatha có đọc một đoạn trong ‘Đạo Đức Kinh’ (gần như Yatha thuộc làu làu): “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. xin cho hỏi thêm là đàn ông Chăm bao nhiêu người tề gia được? Chuyện này rất nhỏ mà làm chưa được thì sao làm được chuyện lớn.
    Đọc sách Ấn Độ hay để làm gì? để được gì? họ đâu phải là nhà văn hóa muốn tìm hiểu văn hóa Ấn Độ hay Chăm? họ cũng đâu cần hiểu nhiều về những điều đối với họ là xa lạ (mặc dù rất rất rất gần).
    Có phải là ta đã thua từ “Mẫu Hệ” chứ không phải là hôn nhân ngoại tộc” hay “dị chủng” gì đó????
    Mong nhận được sự chỉ dạy của thế hệ cha anh.
    Trân trọng.

  6. Harayatha@ Minh xin noi lai la nhung nguoi khong hieu ve VH Cham moi dam buong nhu loi nhu the. Toi chi muon nhan manh la Cham minh theo che do MAU HE-Phu QUYEN. So sanh voi vai dan toc theo phu he, ro rang se nhan ra cai nao tien bo hay khong tien bo. Voi toi, Cham minh con luu duoc ban sac hien tai la nho thanh tri vung chac cua CHE DO MAU HE.

  7. Chào Yatha, bạn hơi gây gắt quá, thảo luận bàn bạc để có cái nhìn khách quan. Theo tớ Phụ hay Mẫu cũng đều là cha mẹ mình cả, cái quan trọng làm sao mình sống cho trọn đạo hiếu và có ích cho xã hội là tốt nhất, còn anh CB người Kinh gì đó nói mà người khác không dám cai lại, không phải là không dám hay sợ mất việc mà có thể có nói họ cũng chẳng hiểu thì nói làm gì cho mệt. Ngay câu nói đã thấy CB này “dốt” quá còn gì, cãi chi cho phiền phức, nhậu sướng hơn. Theo tớ trong cuộc nhậu 3 vấn đề nhạy cảm nhất không nên nói, nhất là có 2 nhóm người không cùng dân tộc, tôn giáo mà cùng ngồi chung bàn nhậu đó là: Vấn đề dân tộc, tôn giáo và chính trị. dễ bị “choảng nhau” lắm, Yatha có đồng ý không. Chúc Yatha luôn vô tư yêu đời. Mến

  8. “Mẫu hệ Chăm là lạc hậu, đàn ông Chăm vứt đi” một câu nói khiến cho người Chăm phải suy nghĩ. Liệu một gia đình Chăm có tự thấy gia đình mình, và đàn ông Chăm có thể vinh hạnh để phản biện lại câu nói ấy là sai! anh ĐCT viết về chủ đề hay!

  9. Trước kia, khi học môn cơ sở văn hóa Việt Nam, giảng viên của chúng tôi từng phân tích Việt Nam trước khi Nho giáo xâm nhập vào cũng là một dân tộc theo mẫu hệ. Ai trong chúng ta cũng biết Nho giáo luôn xem thường phụ nữ và có sự bất công rất lớn đối với nữ phái. Bởi lẽ vậy, khi Việt Nam du nhập nho giáo thì mọi thứ cũng thay đổi theo nó. Tôi không khẳng định điều gì cả vì lịch sử đã chứng minh tất cả. “Mẫu hệ Chăm là lạc hậu, đàn ông Chăm vứt đi” tôi nghĩ câu này xứng đáng hơn đối với người chỉ có bộ não tương xứng ở thời kì “ăn lông ở lỗ”.

  10. Các bác có lo lắng thái quá không?

    Năm 1989 dân số Chăm là 99.000 người, đến năm 2009 tăng lên 162.000 người, tốc độ tăng 64%

    Năm 1989 dân số Việt Nam là 86.000.000 người, đến năm 2009 tăng lên 86.000.000 người, tốc độ tăng là 34%

    Kết luận: dân số Chăm tăng gần gấp đôi so với tốc độ tăng của cả nước trong cùng kỳ (1989-2009)

  11. Tóm lại bài chuyên đề của ĐCT theo tôi không có gì hay ho cả. Tôi người Chăm, từ khi tôi lớn lên xung quanh tôi không có cô nương Chăm nào làm tôi rung động. Tôi yêu và lấy người Kinh bị ĐCT tử kêu lãnh tụ tôn giáo đến cấm đoán cho là “Hôn nhân ngoại lai”, cho là “nguyên nhân làm cho người Chăm vơi đi” hay gì đó nữa….Lấy ai là chuyện của người ta, ĐCT quan tâm làm gì cho ốm. Rồi đưa ra giải pháp “hòa cả làng”, sống và làm việc phải theo PL cho dù anh là ai, là dân tộc nào? Nhiều người Kinh người ta vẫn lấy người nước ngoài đó thôi. mến ĐCT.

  12. Nhân đây. Lâu rồi “ghé” thăm chú Sara và đồng thời bàn đến nguyên nhân làm cho người Chăm vơi đi.
    Phải công nhận một điều dân tộc nào cũng có người tốt, kẻ xấu. Người sáng dạ, kẻ thiển cận. Tuy nhiên cần phải thừa nhận rằng dân tộc ta “Một bộ phận không nhỏ” (kẻ cả người có học) đang từng ngày làm cho hình ảnh Chăm xấu đi.
    – Vạch áo cho người xem lưng hay Cõng rắn cắn gà nhà. Nói nhiều làm ít là một căn bệnh khó chữa.
    Trên diễn đàn thì thôi rồi. cãi nhau chí chóe, phe nào lực lượng nhiều phe đó áp đảo toàn cục.
    Làm việc ở cơ quan thì cứ 3 người Chăm nói chuyện với nhau tương đương một cái chợ nhà quê.
    ………………..Nhiều vô số kể.
    Ăn gì , mặt gì là chuyện người ta. Cứ suy nghĩ anh/chị là Chăm anh/chị phải mặt cái này, mặt cái kia kìa. Tôi thấy ngán quá.
    Nói chung trình độ dân trí chưa cao, chưa đủ nhận thức.
    Cần những vị như ĐCT liệt kê ở trên đến để nâng cao nhận thức chứ ai rảnh mà tuyên truyền dân số.
    Chúng ta có đạo giáo nhưng chưa phát huy nội lực.?!

Leave a Reply to Harayatha Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *