Tạp chí Tia sáng, số 19, 5-10-2006.
* Gia đình INRA trước Nhà trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani tại Chakleng – photo Nguyễn Á.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận), ngay từ nhỏ Thuận Thị Trụ đã tự tạo cho mình đức tính tự lập, một ý chí thoát khỏi cảnh nghèo. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Trụ vừa phải học vừa xoay xở, bươn chải kiếm sống. Thuận Thị Trụ đã từng làm nhiều ngành nghề: từ nhân viên cửa hàng thương nghiệp thời bao cấp, đến Giám thị Trung tâm Văn hóa Chàm – Phan Rang, là giáo viên và sau đó là Hiệu trưởng trường Mẫu giáo xã, và cuối cùng là cán bộ chuyên trách giáo dục mầm non phòng Giáo dục huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho đến năm 1988. Và từ đây, cuộc đời của cô bé nghèo, giàu ước mơđã chuyển hướng khi cô quyết tâm đi theo con đường kinh doanh, lựa chọn nghề dệt thổ cẩm để gắn bó như một cái nghiệp.
Dệt thổ cẩm của người Chăm là nghề mẹ truyền con nối. Cho đến bây giờ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nghề dệt thổ cẩm Chăm hình thành và phát triển như thế nào trong quá trình lịch sử. Truyền thuyết về bà chúa Xứ kể rằng: Po Inư Nưgar từ Trung Quốc trở về, đã đặt kinh đô Champa ở Nha Trang và dạy người Chăm – lúc đó còn trong thời kỳ mông muội – cày cấy, dệt vải, xây tháp, tổ chức hành chính… Theo Lê Quý Đôn (Vân đài loại ngữ): “ở Lâm Ấp trồng cây cát bối, khi chín hoa cây giống như lông ngỗng, kéo sợi làm chỉ dệt khăn không khác gì loại gai”. Từ những cứ liệu này, chúng ta có thể khẳng định nghề dệt thổ cẩm Chăm đã hình thành từ rất sớm và phát triển đến mức tinh xảo. Một trong những tiêu chuẩn đạo đức được Muk Thruh Palei (Bà Tổ Quê hương) đặt ra cho phụ nữ Chăm là phải thông thạo nghề dệt. Nên có thể nói nghề dệt thổ cẩm được truyền bá đều khắp trong các làng Chăm: từ Hữu Đức, Chung Mỹ, Văn Lâm… ở Ninh Thuận đến các làng xa xôi nhất ở Bình Thuận. Trong đó Mỹ Nghiệp là trung tâm dệt sản xuất đa dạng và nhiều mặt hàng nên được biết đến nhiều hơn cả.
* Inrahani – vũ nữ – ảnh chụp năm 1995.
Khi mới mười tuổi, Trụ đã tỏ ra có năng khiếu dệt vải. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, cô bé thường tự dệt cho mình những chiếc áo váy thổ cẩm xinh xắn, giản dị mà vẫn khéo léo. Yêu thích nghề dệt nhưng lúc đó Trụ cũng không biết được rằng chính sự khéo léo ấy, sau này, đã biến cô trở thành nghệ nhân thổ cẩm với danh hiệu Bàn tay vàng và được nhiều người biết đến.
Nghề dệt thổ cẩm cũng có nhiều đổi thay theo lịch sử. Trước năm 1975, phụ nữ Chăm thường tận dụng giờ nông nhàn để sản xuất. Hàng dệt chỉ gồm các sản phẩm thô, chủ yếu được mang bán cho đồng bào Tây Nguyên như: Êđê, Churu, Kơho, Raglai…, một số ít dùng phục vụ trong những dịp lễ hội, phong tục tập quán của người Chăm. Đất nước mở cửa, nhận thấy nghề dệt truyền thống của dân tộc có cơ hội phát triển, Thuận Thị Trụ xin thôi việc để chuẩn bị mở cơ sở sản xuất thổ cẩm. Chị nghiên cứu các hoa văn cổ, cách phối màu để làm ra nhiều sản phẩm mới lạ. Từ sản phẩm thô, chị chế tác các mẫu mã mới – gần 200 mẫu mã các loại – phục vụ nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước, thổ cẩm Chăm nhờ vậy đã phát triển mạnh mẽ.
Năm 1991, Cơ sở dệt nhỏ của chị Trụ ở Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được thành lập với nhân công ban đầu là 10 thợ dệt. Bà chủ nhỏ đã kết hợp với các công ty may mặc thành phố Hồ Chí Minh để tìm đầu ra cho hàng thổ cẩm Chăm. Không dừng lại ở sản phẩm thô, cơ sở đã chế tác ra nhiều mẫu mã như túi xách, ví, ba lô… và nhiều mặt hàng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Bởi vậy, chỉ sau 5 năm, đến năm 1996, cơ sở của chị chính thức được UBND Huyện cấp giấy phép hoạt động với 100 – 150 thợ dệt. Nhiều đại lý được mở tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, Đà Nẵng… Cuối cùng, vào tháng 11-2000: Công ty TNHH dệt may Thổ Cẩm Chăm INRAHANI được thành lập, ngày càng mở rộng sản xuất và buôn bán, phát triển và góp phần đưa thổ cẩm Chăm đi lên.
Bằng những nỗ lực của bản thân, chị đã tạo công ăn việc làm cho 200 phụ nữ nghèo có thu nhập ổn định. Thổ cẩm mang thương hiệu Inrahani không chỉ khẳng định được vị trí ở thị trường trong nước mà còn được người dân quốc tế biết đến tại các Hội chợ triển lãm lớn: Malaysia (10-1997), Thụy Sỹ (3-1998 và 3-2000); Pháp (3-2000); Nhật Bản (5-2000 và 6-2001), Bỉ (cuối 2001), Singapore (1-2002)…
Sản phẩm của Công ty đoạt 4 Huy chương vàng Hội chợ triển lãm trong nước, và nhất là Huy hiệu Bàn tay vàng do Hội đồng Trung ương Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cấp ngày 3-9-1996 tại Hà Nội, là bằng chứng xác minh cho tài năng và nỗ lực không biết mệt mỏi của người phụ nữ Chăm này.
Chẳng những có tài trong hoạt động kinh doanh, chị Thuận Thị Trụ còn có giọng hát hay và còn là một nghệ nhân múa nức tiếng cả vùng, được hầu hết bà con Chăm biết đến và yêu mến. Càng yêu mến hơn nữa, bởi nghệ nhân này còn có tấm lòng thương người, hoạt động xã hội giúp ích cho làng, cho đồng bào. Những việc làm, hành động cụ thể như: Tặng sách cho thư viện làng, phần thưởng cho học sinh làng, học sinh mẫu giáo huyện Ninh Phước, giúp tiền người tàn tật, hỗ trợ mổ đục thủy tinh thể cho bà con thuộc huyện Ninh Phước, và quý hơn cả là chị đã dùng uy tín của mình xin Quỹ của Sứ quán Canada làm hệ thống nước sạch và nhà mẫu giáo cho làng Mỹ Nghiệp, là những việc làm có ý nghĩa, góp phần xây dựng quê hương Chăm ngày càng giàu đẹp hơn.
Đến Ninh Thuận, không ai không biết đến làng nghề truyền thống Chakleng – Mỹ Nghiệp. Và đến Mỹ Nghiệp, không ai là không biết đến nghệ nhân Inrahani Thuận Thị Trụ.
Cô Hani bàn tay vàng Thổ cẩm còn sinh được cho chú Sara 3 anh rất đẹp chai nữa, thì cô đúng là bà mẹ Chăm vĩ đại…
Chúc cô nhiều sức khỏe.
Đọc những lời Nguyễn Lự viết, kaka rất xúc động khi nhớ về một thời mà bác mình đã kể về cuộc đời làm kinh doanh của bác Trụ, bác Ve kể rằng lúc đó bác Trụ cũng mời bác Ve đầu tư để phát triển ngành dệt thổ cẩm, nhưng bác Ve sợ, không dám đầu tư…sơ sơ như thế chuyện của người lớn nên kaka chỉ nghe như thế là đủ, chúc mừng bác Trụ có bàn tay vàng Chăm tuyệt vời…
Con đã có dịp nói chuyện với bác, chân tình và cởi mở.
Những điều con nhận được từ bác là sự ấm áp của một người mẹ.
Kính chúc bác sức khỏe và mãi hạnh phúc.