Học, Chăm sẵn sàng trả giá đắt cho việc học của mình. Để sở hữu tri thức, người học dám hi sinh, cả điều không thể hi sinh: tài sản, vợ con, có khi tính mạng nữa! Học, không phải để mưu lợi mà là để biết. Là tinh thần thiện tri thức. Chỉ như vậy, người học mới đạt đến minh triết thực sự. Yêu tiếng Chăm, thế hệ cha ông học nó, chứ không học vì nó có hứa hẹn cho ta có cái gì bỏ vào nồi không. Thầy, không buộc trò phải làm nô lệ mình, nô lệ vật chất nhất là, nô lệ tinh thần. Khi trò đã khôn lớn, hãy bỏ thầy mà đi, đi một mình. Và thầy phải đuổi trò đi, để trò dám và biết đi một mình. Đức Phật: Con hãy rời bỏ ta, đừng tin tưởng vào sách vở, vào kinh Phật, cũng đừng tin tưởng vào cả ta nữa,… mà hãy tin tưởng những gì mi từng trải, kinh nghiệm và cho là đúng mà thôi.
Ông bà Chăm đã có lối suy nghĩ tuyệt chiêu như vậy đó.
Inrasara, Hàng mã kí ức, 2011.