Văn chương & Tư tưởng III-03.

Nguyễn Hưng Quốc
Tienve.org, 4-1-2009.

Nhà cầm quyền phi dân chủ nào cũng muốn độc quyền viết lại lịch sử để, thứ nhất, tạo nên một thứ đại tự sự hầu hợp thức hoá quyền lực và cách hành xử quyền lực bất chính của họ; và thứ hai, để thực dân hoá trí tưởng tượng của các thế hệ mai sau. Chủ nghĩa hậu hiện đại với chủ trương tương đối hoá lịch sử, truất bỏ chức năng đại tự sự của lịch sử, xem lịch sử như một loại hình tự sự, một câu chuyện của hắn (his-story) hay của ả (her-story), lúc nào cũng bị điều kiện hoá bởi tính văn bản, tự nhiên trở thành một thứ đối-tự sự (counter-narrative) và đối-văn hoá (counter-culture) của các loại chủ nghĩa toàn trị.

Bản chất của chủ nghĩa hiện đại có tính toàn trị; chủ nghĩa hậu hiện đại có tính đa nguyên. Chủ nghĩa hiện đại tin vào sử tính của các biến cố, chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ tin vào ký ức. Tin vào sử tính cũng có nghĩa là tin vào sự tiến hoá và sự tiến bộ; tin vào ký ức, người ta chỉ tin vào chủ quan tính. Niềm tin vào tính chủ quan đồng nghĩa với niềm tin vào tính tương đối. Tin vào sự tương đối, thật ra, là không thực sự tin vào cái gì cả, hay nói cách khác, chỉ tin vào chính mình và những sự thật có tính điều kiện, chủ yếu là gắn liền với một chu cảnh về lịch sử và văn hoá nhất định.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *