Đã đăng Tagalau 12.
I. Bài học từ 6300 tiếng đã bị tiêu vong
1. Ngôn ngữ CHẾT (death), tức là thứ tiếng đó không GIAO TIẾP được, không còn người nói thông viết thạo, do người cuối cùng nói thứ tiếng đó chết hoặc người nói và viết được tiếng đó (active language) chuyển sang giao tiếp bằng ngôn ngữ khác, cho dù còn nhiều người nghe, đọc, và hiểu được, tiếng nói đó (passive language) vẫn xem như đã chết. Khi số người còn hiểu được tiếng đó chết đi thì ngôn ngữ đó TIÊU VONG (extinct).
2. Ngôn ngữ chỉ tồn tại khi có quá trình GIAO TIẾP, hội đủ ba yếu tố sau:
Người nói thông viết thạo thứ ngôn ngữ đó (native speakers).
Mạng lưới người cùng ngôn ngữ, đồng tộc (minority language network), hay mạng lưới người cùng hoàn cảnh xã hội và văn hóa (minority socio-cultural network), ví dụ như giữa người Chăm với nhau trong không khí lễ Kate, Ramưwan hay Rija (ngày lễ ở vùng Chăm Nam Bộ).
Họ cùng có nhu cầu giao tiếp với nhau (communicative needs).
Nghĩa là các cá nhân trong cộng đồng ngôn ngữ đó, gia đình, dòng họ Chăm, nhóm trí thức Chăm, nhóm bạn Chăm, muốn GIAO TIẾP nói và viết bằng tiếng mẹ đẻ của họ thì quá trình giao tiếp tiếng Chăm xảy ra. Ví dụ như tiếng Chăm, đây là hoàn cảnh duy nhất có thể giao tiếp được bằng tiếng mẹ đẻ, cơ hội hiếm hoi để truyền bá tiếng Chăm. Đây là không gian giao tiếp (communicative space) duy nhất để nuôi dưỡng tiếng Chăm, nếu ai đó dùng tiếng Việt thì khi nào và với ai họ có thể dùng tiếng Chăm? Hay không bao giờ và như thế đồng nghĩa với – không giao tiếp bằng tiếng Chăm – tức là tiếng Chăm đang chết. Giống như sự đang chết của tiếng Jawa, Sunda, và Bali ở Indonesia bị thay bởi tiếng Mã, sự đã và đang chết của 6.300 tiếng mẹ đẻ trong tổng số khoảng 7000 tiếng nói của loài người. Tuy nhiên nếu dân tộc nào quyết và biết giữ tiếng của mình thì không ai có thể giết chết tiếng đó được (Baker, 2006). Quá trình hồi sinh tiếng Hebrew của dân tộc Do Thái là một ví dụ điển hình, dù đã chết, sau 1000 năm lưu lạc, nhưng khi họ tập trung lại để lập quốc thì họ học lại và sử dụng mọi lúc mọi nơi, khi có cơ hội giao tiếp với nhau, nay có trên năm triệu người nói thứ tiếng này (Zuckermann, 2006).
3. Cơ chế dịch chuyển ngôn ngữ (language shift) Trong một cộng đồng sự dịch chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác thường diễn ra theo năm giai đoạn (bước). Ví dụ đối với người Chăm sống tại Mỹ thì sự dịch chuyển ngôn ngữ khả dĩ được mô tả như sau (C- dùng tiếng Chăm thông thạo, E- dùng tiếng Mỹ thông thạo, c- dùng tiếng Chăm ít, khả năng hạn chế, và không tự tin, e- dùng tiếng Mỹ ít, khả năng hạn chế, và không tự tin): C- Ce- CE- cE- E
Nghĩa là ban đầu chỉ tình trạng ngôn ngữ của họ là thông thạo chỉ có tiếng Chăm, sau đó có thêm một ít tiếng Mỹ, sau nữa là thông thạo cả tiếng Chăm và Mỹ, rồi thông thạo tiếng Mỹ với tiếng Chăm bị ít dùng, quên dần, và cuối cùng chỉ có tiếng Mỹ duy nhất. Cơ chế đó lặp đi lặp lại từ ngày làn sóng di cư sang Mỹ lần đầu tiên cho đến ngày hôm nay, có thể kéo dài trong vòng 3 thế hệ, hoặc bốn thế hệ. Ví dụ cháu, chắc của người di trú tới Hoa Kỳ gốc Nhật, Hoa, và châu Âu nay hầu hết là người đơn ngữ tiếng Mỹ. Tuy nhiên đối với cộng đồng thiểu số dù nhỏ, bị bao quanh bởi môi trường ngôn ngữ ưu thế hơn, nếu họ tạo được không gian văn hóa và giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ lành mạnh và bền chặt thì tiếng mẹ đẻ của họ có môi trường để tồn tại và phát triển. Ví dụ như người Puerto Rican ở New York, người Mễ ở Texas và California, và người Thổ Nhĩ Kỳ ở Bắc Hy Lạp.
4. Tâm lý sử dụng song ngữ của các trẻ em thiểu số là khi ngôn ngữ thứ hai (tiếng Việt của các em Chăm ở Việt Nam, tiếng Mỹ của các em Việt ở Mỹ) đạt mức “thành thạo như tiếng mẹ đẻ” (native-like proficiency) thì họ thường giao tiếp bằng tiếng thứ hai hơn và tránh, giảm, rồi thôi dùng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp với người đồng tộc trong cộng đồng, và với cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp khiến lượng người nói và viết tiếng mẹ đẻ sắc tộc thiểu số giảm mạnh (vì lớp trẻ là nguồn bổ sung duy nhất lượng người nói tiếng mẹ đẻ). Ngôn ngữ thiểu số không được dùng trong giao tiếp thì sẽ chết và bị tiêu vong.
II. Thực trạng của người thiểu số Chăm
1. Một bước nữa tiếng Chăm thành tử ngữ
Nếu nhìn vào lộ trình tiêu vong năm giai đoạn (cơ chế dịch chuyển ngôn ngữ) của một ngôn ngữ thí chúng ta, tiếng Chăm, đang ở giai đoạn thứ tư hoặc bốn rưỡi: tức là một bước nữa thì tiếng Chăm thành tử ngữ và chúng ta chỉ còn có một thứ ngôn ngữ duy nhất để giao tiếp đó là tiếng Việt tại Việt Nam và tiếng Anh tại Mỹ. Vì hiện nay không gian giao tiếp trong nội bộ cộng đồng Chăm, nói và viết bằng tiếng Chăm ít hơn, thậm chí rất ít hoặc pha trộn hoặc không có tiếng Chăm (như trong điện thư trao đổi giữa các trí thức đàn anh hàng đầu của Chăm hoàn toàn bằng tiếng Việt). Vài ý kiến cho rằng tiếng Chăm hiện nay đã ít dùng mà lại còn pha trộn nhiếu tiếng Việt, ví dụ: theo Inrasara và Phutra Noroya trong Inrasara.com có 50-60% tiếng Việt, Văn Món có 60% tiếng Việt, trong “Sự lai căng và suy thoái, 2010”. Thực ra tỷ lệ pha trộn tiếng Việt trong lời nói Chăm đó có thể thấp hơn vì nhiều từ mới chúng ta không có phải vay mượn như: Ti vi, va li, computer… tiếng Việt, Tagalog, Mã… vẫn vay mượn khi cả cộng đồng họ thấy thuận tiện trong giao tiếp. Một số từ mới phát sinh và vài từ cũ chết đi là điều tự nhiện đối với một sinh ngữ, và sẽ được thể hiện trong các từ điển. Ví dụ như có sự khác nhau trong mục từ Chăm trong Từ Điển Chăm – Phap (1906), Chăm – Việt – Pháp (1971), Chăm – Việt (1995), Việt – Chăm (2004)…
2. Phạm vi sử dụng thu hẹp
Hằng ngày chúng ta đã phải dùng tiếng Việt, tiếng Mỹ với người ngoại tộc phải tiếp xúc (qua sách báo, radio, ti vi, trường học, internet) lại tiếp tục dùng nhiều tiếng thứ hai đó với người đồng tộc- thì sự tự tin, khả năng, lòng yêu mến thứ tiếng đó sẽ tăng vượt lên đối với tiếng mẹ đẻ của mình. Tiếng mẹ đẽ càng trở nên mù mờ và xa vời hơn trong tiềm thức và ký ức của họ. TIẾNG CHĂM THÂN THƯƠNG CỦA CHÚNG TA ĐANG CHẾT TRONG MỘT TƯƠNG LAI RẤT GẦN.
Hoàn cảnh tiếng Chăm thiếu nghiêm trọng các biện pháp hỗ trợ: như chính sách nâng đỡ của chính phủ, sách báo tiếng Chăm, đài phát thanh, truyền hình (đã có chương trình ở Việt Nam tuy hạn chế nhưng cũng rất đáng trân trọng), internet tiếng Chăm (vài chương trình), trường lớp chính quy bằng tiếng Chăm (có ở Việt Nam và vài nơi trên thế giới). Phương tiện để người thông thạo tiếng Chăm (trí thức, và cao niên) truyền bá ngôn ngữ cho thế hệ tiếp theo duy nhất là bằng tấm gương giao tiếp thực tế của mình trong gia đình và cộng đồng. Con cái trong nhà, người trẻ trong cộng đồng nhìn, học và thực hành từ giao tiếp nói viết của cha mẹ, bậc cao niên và trí thức Chăm, để rồi truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Nay trí thức Chăm, bậc cao niên cũng có tâm lý ngại giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, mà dần dân giao tiếp nói và viết bằng tiếng không là tiếng Chăm, thì giờ ai sẽ làm việc này??? Tăng cường biện pháp hỗ trợ, nhưng không có giao tiếp giữa người bản ngữ thì tiếng đó cũng chết, ví dụ: tiếng Chorockee, và Navajo.
3. Giao tiếp là bảo tồn
Đối với Chăm hiện nay GIAO TIẾP LÀ BẢO TỒN, giao tiếp bằng tiếng Việt là chúng ta đang bảo tồn tiếng Việt. Tiếng Chăm đang rất cần chúng ta nói viết và thực hành giao tiếp, nếu không nói viết bây giờ thì con cháu chúng ta không có cơ hội để nhìn thấy tiếng Chăm phong phú, đẹp đẽ như thế nào, con cháu chúng ta không có dịp để học và thực hành tiếng Chăm, dân tộc chúng ta sẽ không còn cơ hội để nói viết tiếng Chăm nữa.
III. Giải pháp nào cho tiếng Chăm tồn tại
1. Niềm hy vọng:
Bài học Do Thái trong việc hồi sinh tiếng Hebrew, bài học người Puerto Rican ở New York, người Mễ ở Texas và California, và người Thổ Nhĩ Kỳ ở Bắc Hy Lạp duy trì được tiếng mẹ đẻ của họ cho ta hy vọng. Tuy nhiên làm gì và làm như thế nào thì mọi người Chăm đều đã trăn trở băn khoăn, nhất là đối với bậc trí thức và cao niên nên tự hỏi và có giải pháp cho riêng mình:
Nên chăng chúng ta vay mượn từ mới phát sinh trong xã hội hiện đại làm giàu cho tiếng Chăm? Hay chúng ta tranh thủ học hỏi, giao tiếp bằng tiếng Chăm, theo mọi phương án, miễn là hiểu được nhau, và không chê bai nhau đúng sai? Để rồi ôn hòa tìm ra cách giao tiếp thống nhất và thuận lợi? Tạo một không gian văn hóa thông thoáng cho mọi người tự nguyện tự giác theo sở thích của mình để giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ.
2. Vai trò tiên phong của trí thức và cao niên:
Một lần nữa, nếu tiếng Chăm mất, người Chămpa mất hết, còn gì nữa đâu để mà giận hờn trách cứ phê phán nhau. Là người Chăm, “không ai có thể hát thay chúng ta” (thơ Inrasara), từng cá nhân một, đều có trách nhiệm ngang nhau và hoàn toàn có thể đóng góp phần mình cho sự trường tồn của tiếng Chăm bằng cách giao tiếp và sử dụng nhiều tiếng Chăm, nói, viết, hát khi có thể, không những với người Chăm mà với cả người ngoại tộc nếu được.
Các cá nhân, lớn tuổi, ưu tú và trí thức của cộng đồng đó, là người thành thạo tiếng Chăm hơn ai hết, càng phải đi tiên phong để cho thế hệ đàn em, con cháu học hỏi, noi theo và có cơ may vận dụng tiếng đó tốt hơn hoặc như thành thạo thế hệ đi trước. Thái độ mỗi người chúng ta hôm nay sẽ là vận mệnh của tiếng Chăm ngày mai.
______
Sách tham khảo:
Aymonier E. & Cabaton A, 1906. Dictionaire Cam – Français, L’ecole Française D’Extrême-Orient, Volume VII.
Bùi Khánh Thế, 1995. Từ điển Chăm – Việt, NXB Khoa học Xã hội.
Colin Baker. Foundation of Bilingual education and bilingualism, (2006).
Colin Baker, and Sylvia Prys Jones. Encyclopedia of Bilingualism and bilingual education, (1998).
Moussay G., 1971. Từ Điển Chàm – Việt – Pháp, Phan Rang.
Inrasara, Phan Xuân Thành, Từ điển Việt – Cham, (2004) NXB Giáo dục.
Inrasara.com, Phutra Noroya, “Tiếng Cham đi về đâu?”; Trần Can, Văn 15 – “Chuyện chữ và tiếng”. (2008).
Spolsky, B. & Shohamy, E. (1999). The languages of Israel: Policy, ideology and practice. Clevedon, England: Mulitlingual Matters Ltd.
Trương Văn Món, “Sự lai căng và suy thoái”, (2010).
Zuckermann, G. (2006). Hebrew as myth: The genetics of the Israeli language. A paper Presented at the University of Arizona, February 3, 2006.