Chung Tử: Kì quặc chuyện nhà thơ Inrasara

báo An ninh Thế giới giữa tháng, số 45, tháng 10-2011.

* Tác giả Chung Tử tại phòng văn Inrasara ở Sài Gòn, 8-2011.

Ai hỏi, nhà thơ Inrasara đều tuyên bố mình là người nông dân cày ruộng chính hiệu, và không hề giấu giếm rằng, mình bỏ học giữa chừng để về quê làm ruộng. Nhưng nếu nói nguyên do thì anh lại nói thẳng thừng: ở trường thấy chẳng có gì để học cả. Chán! Thế là về nhà tự học theo kiểu của mình. Cầy ruộng kiếm tiền sinh sống và để lấy tiền mua sách. Làm thơ và dành không ít thời gian cho việc nghiên cứu, sưu tầm kiến thức về văn hoá Chăm, tại quê hương mình. Anh cứ mải mê cày ruộng và tự học quên ngày quên tháng, bất cần đời trôi dạt ra sao.

Mà ngay từ khi còn nhỏ, ở tuổi lên mười, anh đã mang tiếng là mọt sách, bỏ mọi cuộc vui với bạn bè, mụ mị với chuyện đâu đâu, nên ai cũng gọi anh với cái tên cúng cơm là Phú Trạm “mát” hay “khùng”. Học giỏi vào loại nhất trong làng. Được học bổng hẳn hoi. Nhưng mỗi ngày lại thêm một “mát” hơn.

 

1- Những chuyện kỳ quặc về sách vở học hành

Chuyện thứ nhất phải kể hồi tuổi mười tám, sau khi bỏ dở năm thứ nhất khoa Anh văn trường Đại học Sư phạm, về quê với dự tính soạn bộ tự điển Việt – Chăm. Nhưng bắt đầu như thế nào không phải chuyện dễ dàng gì. Anh đã mượn được cuốn từ điển Chăm – Pháp, xuất bản năm 1906, để chép tay lại. Tất cả  532 trang. Việc này ai cũng cho là hoang đường, vì cất công chép từng chữ cổ như vậy quả là có họa điên. Vậy mà Inrasara đã “điên” như vậy, với ý chí làm được một việc gì đó có ý nghĩa cho dân tộc mình. Mà đấy chỉ là sự khởi đầu cho một công việc rất lớn trong cuộc đời sau này. Trong đầu chàng trai trẻ Sara còn bao dự tính còn ấp ủ khác như: sưu tầm phục dựng văn học cổ điển và văn học dân gian dân tộc, nghiên cứu về văn hoá và xã hội người Chăm…

Chuyện thứ hai xảy ra vào khoảng năm 1978, để có được bộ sưu tập về kinh Phật, rất hiếm hoi ngày đó, Sara đã dành dụm toàn bộ tiền cày thuê được trong nhiều năm để mua. Nghe tin bộ sách này chỉ có ở trong Huế, mọi người đều gàn anh, bởi thời điểm này phương tiện đi lại khó khăn. Tiền đường tàu xe ăn uống tốn kém lắm, lấy đâu còn tiền để mua sách nữa. Nhưng Sara đã quyết chí đi bộ ra tận nơi. Mặc ai chê mình kỳ quặc hay kêu lên đúng là Trạm “mát” thật rồi. Nhưng ai đâu biết, trong đầu anh chàng Chăm này nghĩ gì? Ngày đêm vất vả, lầm lũi như một con trâu cày trên cánh đồng làng vậy. Sara đến Huế trong sự háo hức khó tả khi trút toàn bộ tiền mang theo để mua hai bộ Kinh Bát Nhã (4 cuốn) và Kinh Hoa Nghiêm (8 cuốn), với giá tương đương hai chỉ rưỡi vàng ngày đó. Và rồi anh lại khệ nệ cõng sách trở về quê hương, với niềm vui vô bờ.

Lại còn chuyện kỳ quặc hơn, vào cái đận 1978, Sara đã cạo đầu đi tu ở một chùa tại Nha Trang, đến cả tháng trời. Việc anh cạo trọc đầu, ngược hẳn với đạo người Chăm. Vì người Chăm chưa có ai làm như vậy. Nhưng Sara lại quan niệm bước vào con đường Phật đạo với mục đích học hỏi thêm những điều về đạo làm người và sống hết lòng vì dân tộc quê hương mình. Anh kỳ công tìm mua bộ sách kinh Phật cũng vì lẽ đó.

Ấy là chưa nói đến việc anh cặm cụi đi các làng xã người Chăm quanh vùng chỉ để nghe, ghi chép và viết lại mọi điều suy tư về dân tộc, đã làm mọi người hết sức ngạc nhiên. Bởi lẽ ai trả công cho đâu. Cái tiếng giỏi giang, chịu lao động cày thuê, cuốc mướn và yêu dân tộc Chăm như vậy, nên được bà con làng xóm kính trọng và tin cậy. Họ đã bầu anh làm kế toán trưởng cho hợp tác xã hồi năm 1979, khi mới 22 tuổi.

 

2- Những chuyện kỳ quặc về tình duyên và buôn bán

Phía sau một Sara, nông dân thực thụ còn là một Sara năng nổ thức thời về kinh doanh. Nhất là vào thời điểm lấy vợ, sinh con.

Chuyện lấy vợ của Sara cũng bị mọi người cho là kỳ quặc bởi lẽ giỏi giang và nổi tiếng khắp vùng như anh, nhất là vào năm 1982, khi được trên tỉnh mời về Ban Biên soạn sách giáo khoa cho người Chăm, thì không thể lấy một người phụ nữ đã có hai mặt con, cho dù là hát hay, múa đẹp.

Anh không hề dao động với tình yêu chân thực của mình. Ngay cả vào thời điểm khó khăn, khi sau bốn năm soạn sách giáo khoa, anh lại bỏ biên chế về làng cày ruộng như thường để sinh sống, nuôi vợ con và tiếp tục công việc nghiên cứu, học hỏi của mình. Nhưng rồi đến khi có con trai thứ hai, hai vợ chồng anh phải nghĩ đến việc buôn bán. Đó là một cuộc mưu sinh, cày ải trên cánh đồng thị trường đầy gian nan.

Đầu năm 1990, anh đã bán nhà lấy vốn đi buôn. Bà con trong làng đều cho anh là tên kỳ quặc khó lường. Phải bán nhà là chuyện khó trở lại quê hương. Quả nhiên, vợ chồng anh buôn thuốc lá từ Phước An ra bán ở Cam Ranh, lỗ chỏng vó. Sau đó phải khăn gói lênh đênh sông nước về phươngNamlàm ăn. Bán thổ cẩm, buôn rau quả, lợn gà… Nhưng do không lường trước mọi chuyện và là tính cả nể, hay bán chịu cho bà con nghèo, chỉ 9 tháng sau là mất cả vốn lẫn lãi. Thế là sạt nghiệp.

Trở về quê ư? Nhà đã bán mất rồi. Con thơ nheo nhóc thế biết sao. Nhưng không thể không về. Đó là vào năm 1991, gia đình anh đã phải thuê nhà để ở và kết hợp bán hàng ở ngay đầu làng. Quán Cà phê Haly ra đời như thế đó. Ai ngờ trời có mắt. Hay tin Sara ăn nên làm ra mọi người lại cho rằng đó là chuyện kỳ quặc, vì ở chính ngôi nhà đó, ai buôn bán cũng lỗ vốn và phải bán xới ra đi. Vậy mà thật khó tin gia đình anh đã trụ vững, ngày một phương trưởng, nhiều phen lãi to. Nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao. Thì ra điều kỳ quặc này lại do chính Sara làm nên khi anh ôm cả đống sách về kinh doanh để đọc. Anh đã tóm tắt đề tài buôn bán của mình gọn đúng 100 trang để cho vợ con thực thi. Sara đã buôn trăm thứ ba rằn, từ cà phê giải khát đến bia rượu, sợi tơ, kể cả phân bón… Đến mức anh còn thâu tóm được mọi mối bỏ sỉ, bán lẻ cả một vùng rộng lớn, mấy làng lân cận. Mà cũng lạ, trong thời kỳ này anh còn bán chịu cho rất nhiều bà con trong làng nhưng không hề lo lắng chút nào. Sổ nợ của khách hàng trong tay anh tới hàng mấy chục triệu mà vẫn ung dung làm ăn. Tiền lãi nhiều đến mức anh đã mua lại cả cửa hàng đang thuê. Gia đình anh lại có nhà từ đó.

Mọi việc làm ăn đang hưng thịnh, đầy phấn chấn, thì đến tháng 8-1992, anh được Trường Đại học Xã hội – Nhân văn TPHCM mời vào làm việc. Ai cũng khuyên và đều muốn anh ở lại với quê hương. Hơn nữa công việc thương trường đang lên như diều gặp gió, bỏ đi phí hoài lắm. Nhưng rồi Sara lại có một quyết định kỳ quặc, đem sổ nợ của bà con ra đốt hết, rồi kéo cả nhà vào Sài Gòn. Còn ngôi nhà Sara giao cho người cháu trông nom giúp và sau này trở thành Nhà Trưng bày văn hoá Chăm tại trung tâm làng Mỹ Nghiệp do anh gây dựng phục vụ phi lợi nhuận cho cộng đồng.

 

3 – Những chuyện kỳ quặc trong văn chương

Phải nói, sự xuất hiện thơ của Inrasara là một hiện tượng bất ngờ và có phần kỳ quặc, bởi lẽ nó như một tia chớp với một sắc mầu chói chang với cái nắng gió của miền cát trắng mênh mông như sa mạc và sự bí ẩn của những điệu múa cổ Chàm đầy quyến rũ bên những toà tháp trầm mặc với thời gian. Làm thơ từ tuổi niên thiếu mà chờ đợi tận 25 năm sau mới đưa in quả là một bản lĩnh của một nghệ sĩ Chăm đến kỳ lạ. Nhà thơ Trúc Thông người đem bài thơ đầu tiên có cái tên thật kỳ quặc: “Nỗi buồn ứng trước” in cho Sara trên báo Văn nghệ năm 1996, đã ngạc nhiên với một tứ thơ lạ lùng.

Ngay sau đó nhà thơ Phạm Đức đã trở thành người đỡ đầu cho tập thơ đầu tiên của Sara : Tháp nắng, in ở NXB Thanh Niên cũng phải thốt lên, tác giả thơ kỳ quặc này sẽ đoạt giải và trở thành hiện tượng trong làng thơ Việt của năm 1997. Quả nhiên, đến tuổi bốn mươi mới in bài thơ và tập thơ đầu tiên lại đoạt ngay giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, được đặc cách kết nạp trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thì Inrasara đạt một kỷ lục khó ai vượt được sau này.

Chưa hết, liên tiếp vài năm sau, Inrasara còn đoạt cú đúp với hai giải thưởng cho tập thơ thứ hai: Lễ Tẩy trần tháng Tư; Giải Hội Nhà văn ViệtNam – 2003 và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á – 2005. Anh là nhà thơ dân tộc thiểu số đầu tiên đoạt giải thưởng văn học quốc tế này. Ấy là chưa kể thêm các giải thưởng khác và có thể nói nhà thơ Inrasara đã có một trữ lượng thơ rất dồi dào, được tích luỹ suốt 25 năm âm thầm chờ đợi một thời điểm có một không hai trong đời mình.

Đồng thời thơ Inrasara còn được các nhà phê bình văn học coi như một hiện tượng văn học thể hiện khá rõ nét tinh thần hậu hiện đại của thế kỷ 21.

 

Inrasara là một người thành thực và thẳng thắn với chính mình và bạn bè đồng nghiệp. Những bài tiểu luận hay phê bình của anh đều thể hiện tính cách đó, với nhiều ý tưởng táo bạo mang tính khám phá, góp phần tìm ra một hướng đi cho thơ Việt Namđương đại. Trong những cuộc hội thảo hay diễn đàn văn học, anh thường bộc trực thẳng thắn, nhiều người cho là anh kiêu ngạo. Khi có người hỏi về chuyện này, anh chỉ cười và nói rằng, không có thời gian để kiêu ngạo. Nghĩa là anh chỉ tập trung vào làm việc. Hiện trong tay anh có tới hàng mấy ngàn trang sách đã in và còn tới chục ngàn trang sách đã viết xong và đang chờ ra lò. Và nữa, khi phát biểu về mình qua tập thơ Tháp nắng, mới đây thôi anh nói, có nhiều chỗ non, nếu in lại sẽ bỏ bớt đi.

Vậy đó, Inrasara một nhà thơ Chăm với đúng nghĩa, sáng tạo với cái khác lạ luôn luôn vẫy gọi và đáng yêu không hề kiêu ngạo chút nào.

 

_____________

 

Ghi chú của Inrasara:

Tác giả Chung Tử là người tôi biết nhưng chưa quen thân. Anh từ Hà Nội ghé nhà tôi ở Sài Gòn một lần mà đã viết về Inrasara “hay” như vậy, là điều đáng quý. Quý hơn nữa, anh có hướng nhìn khá mới: từ chữ “kì quặc” mà triển khai. Và nhất là cái tâm của anh.

Có đôi chỗ hơi chệch, nhưng không sao cả! Riêng câu này, tôi xin nói lại. “Học giỏi vào loại nhất trong làng“. Nó chung chung quá, nên có khi dễ bị hiểu lầm. Giỏi nhất cùng thế hệ, hay cụ thể hơn: “giỏi nhất trong lớp” thì đúng hơn. Vì học thì chỉ hạn định trong lớp thôi. Đúng: tôi giỏi nhất lớp tôi ở làng, sau đó thi vào Trung học An Phước tôi thủ khoa (gồm học sinh Chăm từ hơn 20 làng ở Ninh Thuận) với điểm rất cao của toàn Tỉnh, nên mới có học bổng (cũng khá lớn), suốt năm Trung học.

 

5 thoughts on “Chung Tử: Kì quặc chuyện nhà thơ Inrasara

  1. Nhà báo này có khám phá “khoa học” vui về nhà thơ Inrasara: con người kì quặc!
    – kì quặc bỏ học và tự học, làm việc cơ quan và bỏ việc
    – kì quặc chép từ điển, đi bộ ra Huế mua Kinh Phật với cạo đầu tu
    – kì quặc chuyện lấy vợ, cày ruộng, buôn heo con, làm đủ nghề tay chân
    – kì quặc bán nhà hay mua nhà, mở quán tạp hóa rồi đốt sổ nợ
    – kì quặc 40 tuổi mới chịu in thơ và đăng thơ
    – kì quặc một hiện tượng văn chương với các kì quặc kỉ lục
    Cuối rốt, không có gì kì quặc cả: “Inrasara một nhà thơ Chăm với đúng nghĩa, sáng tạo với cái khác lạ luôn luôn vẫy gọi và đáng yêu không hề kiêu ngạo chút nào”.
    Hay!

  2. Đồng quan niệm với nhà báo. Tôi đọc các bài phê bình lý luận của nhà thơ Inrasara thấy rất hấp dẫn, nhưng vẫn nghĩ ông kiêu ngạo. Vài người tôi quen cùng có cảm giác tương tự. Nhưng rồi mãi khi nhà thơ về Trường qua tiếp xúc mới biết anh cực kỳ dễ thương, dễ gần và rất khiêm nhường. Các bạn tôi và tôi thử tìm hiểu nguyên nhân: thì ra do mình thấy quá lép khi đọc anh, và nhứt là khi phê bình của anh rất tự tin.
    Con người hay dễ hiểu lầm nhau là vậy đó.
    Cảm ơn nhà báo.

  3. Tôi nhặt sạn nhà báo Chung Tử:
    – Tôi nghe nói nhà thơ được bà con gọi là “thằng Trạm mát”, chính nhà thơ cũng kể như vậy, chứ đâu có ai kêu KHÙNG bao giờ.
    – Nhà thơ đi bộ ra Huế thì được (mát mà làm gì chả dám), nhưng khi về thì dứt khoát phải đi xe, chứ cõng 2 bộ kinh Phật dày thế thì có mà còng lưng.
    – Theo tôi, thì năm 2005, nhà thơ Inrasara được bình bầu là Nhân vật văn hóa của năm và 6 Luận văn Thạc sĩ với lại 20 phim về nhà thơ mới đúng là kỉ lục.
    – Nhà thơ cạo đầu tu Phật, là chuyện xưa nay xã hội Chăm chưa từng có. Tôi đọc nguyên văn trên báo như vậy, khi cho lên mạng này, nhà thơ Inrasara có chỉnh lại, vì như bản in thì không đúng: Bởi vì sau Inrasara, có ít nhất 2 người cạo đầu tu Phật (theo tôi biết).

  4. Cách đây mấy năm, tôi có đôi ba lần công tác ở Quy Nhơn bằng xe máy, dọc đường, thấy cảm giác “mát” chỉ khi đi qua đoạn có đồng ruộng, còn lại là nóng hết! Mà trên đường đi ở miền Trung thì đa phần là đồi núi khô hạn, gió hanh… Vậy thiên hạ phải gọi anh là “thằng Trạm nóng” mới đúng chớ! Xin théc méc!
    Hôm trước đọc đến đoạn này thấy ngờ ngợ, nhưng thấy anh không đính chính. Như vậy đích thực là thật rồi!
    Cho nên nếu nói theo giọng của Chay Mala:
    – Thằng Trạm nóng, nóng thật!
    – Quá nóng là đằng khác.
    – Thế mới ra “trò” ra “trống” chứ!

  5. Tôi nghĩ cái kif quặc hay cái điên/ mát của nhà thơ chính là cái tư tường. Tư tưởng thế nào thì hành động thế ấy. Còn tôi thấy phục và quí nhà thơ về những hành trạng có lúc như nhập thiền (thỉnh kinh chẳng han), có lúc vô lối mà rất khoa học (như chép tự điển- đó là cách học để nhớ đời, các bạn trẻ nên theo). Tôi có người bạn là nhà thơ Đài Nguyên Vu (Bình Thuận) cũng có cái thú viết/ chép kinh Phật và sách cổ, chỉ để giết thời gain, nhưng ai biết đó là tu, là thiền, là tư tưởng đang rèn luyện không ngừng/ vô cùng.
    Rất cám ơn nhà báo đã có bài viết hay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *