Cei Kadhar, hiện ở Hậu Sanh – Phước Hữu – Ninh Phước – Ninh Thuận
đã đăng Tagalau 12.
Gần đây, trên đền tháp Po Romé đã phát hiện khu mộ “Ghur” chôn hài cốt người, hộp Klaong đựng mảnh xương trán và những mảnh vỡ của bức tượng đá được chôn lắp dưới đất… Nhận thấy rằng những vấn đề này là bí ẩn của tháp Po Romé. Thiết nghĩ cần phải có sự giải đáp đúng đắn về luận cứ khoa học cũng như giá trị lịch sử liên quan đến vị vua Po Romé và đền tháp Po Romé. Nhằm để làm rõ thêm về tháp Po Romé cũng như vị vua Po Romé, chúng tôi trình lên bài viết “Bí ẩn của tháp Po Romé” để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng thảo luận và đưa ra lời giải đáp chung.
1. Lý lịch di tích
Tháp Po Romé, tiếng Chăm là “Bimong Po Romé” nằm trên đồi “Mbuen Acaow” cách làng Chăm Hậu Sanh (Palei Thuen) 2 cây số về phía Tây, được xây dựng vào thế kỷ XVII, để thờ vị vua Po Romé. Thuở thiếu thời ngài tên là Jakathaot, sau khi lên ngôi vua lấy tên hiệu là Po Romé, trị vì vương quốc Champa (1627 – 1651). Là vị vua có nhiều công trạng đối với sự nghiệp phát triển của dân tộc Chăm như: dung hòa sự mâu thuẫn giữa cộng đồng người Chăm Ahiér (Chăm ảnh hưởng tôn giáo Bà-la-môn) và cộng đồng người Chăm Awal (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo cũ). Phát triển công trình thủy lợi như đập Cà Tiêu (Banâk Katéw), đập Chavin (Banâk Caping), đập Marên (Banâk Marén)… Với công lao như vậy nên khi mất đi được cộng đồng người Chăm tôn thờ như một vị thần.
Theo nhà nghiên cứu người Pháp H. Parmentier đã tiến hành điều tra khảo sát vào năm (1909 – 1918), thì xưa kia tháp Po Romé là trung tâm của một quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau (Tháp chính, tháp cổng và tháp lửa)(1). Nhưng hiện tại chỉ còn một ngôi tháp chính: thờ vị vua Po Romé, hoàng hậu người Êđê (Bia Than Can), hai con bò thần Nandin. Tháp lửa (đã bị sụp đổ, chỉ còn lại phế tích) nằm về phía Đông – Nam tháp chính, ngôi miếu nhỏ thờ hoàng hậu người Chăm Bàni (Bia Than Cih), và những cột đá có đẽo gọt hình tượng “Kut” của người Chăm, trụ cột hình tượng Linga.
Hàng năm, trên tháp Po Romé được diễn ra bốn lễ chính: Lễ cầu đạo (Yuer yang) diễn ra vào tháng 4 Chăm lịch, lễ hội Katé (Mbeng Katé) diễn ra vào tháng 7 Chăm lịch, lễ cúng tưởng nhớ người mẹ Xứ sở (Cambur) được tổ chức vào tháng 9 lịch Chăm, lễ mở cửa tháp (Peh mbeng yang) diễn ra vào tháng 11 (Bilan Puis) Chăm lịch.
Tháp Po Romé thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, năm 1992 được Bộ văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) xếp công nhận di tích cấp quốc gia.
2. Những phát hiện mới
Ngày 22-6-2010, Đoàn khảo cổ thuộc Trung tâm Phát triển bền vữngNamBộ đã tiến hành khai quật trên đền tháp Po Romé. Tham gia khai quật có Giáo sư Bùi Chí Hoàng, ông Đặng Ngọc Kính (thuộc Đoàn trên) và ông Bá Văn Quyến (cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận).
Trong quá trình khai quật, đoàn khảo cổ đã chứng minh được tại một số khu vực trên đền tháp Po Romé là do quá trình nhân tạo. Như vậy, thời xưa các bậc cha ông ta phải xếp những tảng đá hay phiến đá chồng chất từ dưới lên, rồi lấp lớp đất ở mặt trên tạo nên mặt bằng.
Cũng như vậy, bên trong tháp lửa đào khoảng 105cm thì thấy lớp đá, dưới chân đế phế tích Tháp lửa được gia cố móng theo cách tạo khối đá nhân tạo. Tại khu vực phía Tây, Tây – Bắc hiện rõ những tảng đá khối nhô lên mặt đất gần chân đế tháp chính. Vấn đề này trùng hợp với sự nhận định của những người trùng tu tháp ở Phú Yên và Khánh Hòa “các nhà kiến trúc Chăm trước khi xây tháp họ phải “khảo sát địa chất” rất kỹ lưỡng. Vị trí xây tháp lý tưởng là phía dưới chân tháp có một khối đá tảng to lớn, những nơi không tìm được khối đá tảng phía dưới thì người ta phải gia cố móng theo cách tạo khối đá nhân tạo”(2).
Ngày 25 tháng 6 năm 2010 ông Phú Văn Thánh (Đoàn nhân công) đã phát hiện cái hũ gốm sành trong phế tích Tháp lửa. Tình trạng hiện vật khi phát hiện: Cái hũ đã bị bẻ miệng, màu hơi nâu, nằm úp miệng xuống đất, do bị đào trúng nên đáy hũ đã bị nứt kéo dài đến cổ miệng. Hũ cao 19,3cm, đường kính miệng 11cm, đường kính đáy 10,2cm. Hiện vật được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu giữ.
Ngày 26-6-2010, ông Lưu Văn Chuyển (Đoàn nhân công) đã phát hiện hộp Klaong chất liệu đồng nằm phía góc ngoài hướng Đông – Bắc phế tích tháp lửa. Tình trạng hiện vật khi phát hiện: Hộp Klaong có đường kính 3,5cm được gắn chặt chính giữa lỗ khoét của miếng gạch hình vuông 16cm x 16cm, dày 4,2cm. Bên trong hộp Klaong đựng mảnh xương trán người. Vì mang tính tâm linh nên hộp Klaong được giao cho ông Lộ Phú Lượng (nhân viên bảo vệ tháp) chôn cất.
Tại khu vực phía Bắc, ngày 1-7-2010, ông Đặng Ngọc Kính (thuộc Trung tâm trên) trong lúc kiểm tra hố đã phát hiện phiến đá màu xanh có dấu tích đẽo gọt hoa văn, cùng ngày đoàn nhân công đào và phát hiện 5 phiến đá nữa, cùng nằm trong một quần thể của cái hố sâu khoảng 110cm: ba mặt tường Đông cao 67cm, Tây cao 110cm và Nam cao 79cm đều được chắn ngang bởi mặt đá có dấu tích đẽo gọt của con người, chỉ có mặt tường phía Bắc cao 55cm được chắn ngang bởi lớp đất và tạo nên một cái hố. khoảng cách từ cái hố đến tháp chính được thông qua bởi một đường rãnh, bên trong lòng hố là những lớp cát được lấy từ các con sông. Tình trạng hiện vật khi phát hiện: Các phiến đá xếp thẳng hàng theo chiềuNamBắc và Đông Tây. Trong 6 phiến đá nói trên thì có một phiến đá bàn, một phiến đá có khắc vẽ hoa văn, hai phiến đá hình trụ tròn trơn rất giống Linga được xếp thẳng hàng theo chiềuNam- Bắc, một phiến đá trong giống hình trái tim, một phiến đá trơn hình khối. Theo suy luận của Giáo sư Bùi Chí Hoàng, đây có thể là máng nước thiêng. Khi đào sâu thêm 50cm thì vào ngày 2-7-2010, ông Lộ Phú Kính (Đoàn nhân công) đã phát hiện hài cốt người. Tình trạng hài cốt khi phát hiện: Hài cốt được chôn quay đầu về hướng Bắc, hai chân chồng chéo vào nhau. Vì mang tính tâm linh nên đoàn chúng tôi không đào tiếp mà lắp lại, đồng thời lắp thêm lớp cát vào hố và nâng những phiến đá lên cao hơn lúc ban đầu. Nhưng vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu của mỗi phiến đá. Theo nhận định, đây có thể là khu mộ “ Ghur” của người Chăm Bàni (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo).
Vào ngày 13 tháng 10 năm 2010, ông Đạt Trui và ông Thiên Sanh Cổ (Đoàn nhân công) trong quá trình đào bờ kè để đổ bê tông làm bậc cấp lối lên tháp Po Romé, thì phát hiện những mảnh vỡ của tượng đá được chôn lắp tại hướng chính Đông đối diện chính giữa cửa tháp chính. Tình trạng hiện vật khi phát hiện: Theo lời kể của ông Đạt Trui thì khi ông đào khoảng 50cm đã phát hiện những mảnh vỡ của tượng. Ngày 14 tháng 10 năm 2010 ông Lộ Phú Lượng chuyển xuống Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận. Hiện vật được Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận lưu giữ trong kho và quản lý.
3. Bí ẩn của tháp Po Romé
Qua phát hiện mới gần đây trên đền tháp Po Romé đã đặt ra nhiều câu hỏi cho cộng đồng người Chăm, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Cho đến nay, những phát hiện này vẫn chưa có lời giải đáp, và cộng đồng người Chăm cho rằng đó là bí ẩn của tháp Po Romé. Nhưng thế nào là bí ẩn?
Nhận thấy rằng vấn đề này cần phải có lời giải đáp, theo đúng luận cứ khoa học và đúng theo giá trị lịch sử vốn có của nó. Là người làm công tác bảo tồn văn hóa, chúng tôi cũng muốn góp một phần nhỏ về nhận định riêng của mình trong sự phát hiện mới này.
Theo nguồn sử liệu thì vị vua Po Romé thuộc tộc người Churu, thuở nhỏ tên Jakathaot, lên ngôi vua lấy hiệu Po Romé. Ngài lấy con gái của vua Po Mâh Taha trị vì vương quốc Champa tên gọi Bia Than Cih (Người Chăm Bàni), và được vua Po Mâh Taha truyền ngôi. Người vợ Êđê tên gọi Bia Than Can, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Khoa (BiaUt) con út của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Bên cạnh đó trong quá trình đi học thuật luyện mình bằng phù phép (Kabar rup) tại Kalentan Ngài đã có vợ ở đó(3). Tuy nhiên, trên đền tháp Po Romé lại không có tượng thờ của vị “Bia” này. Theo tập tục của đạo Hồi thì việc tạc tượng để thờ là điều cấm kỵ, phải chăng vì lý do này mà công chúa Hồi giáo cũng không được tạc tượng để thờ như các vị “Bia” được thờ trên đền tháp Po Romé? Trên đền tháp cũng đã phát hiện khu mộ chôn hài cốt người, và được xác định là khu mộ “Ghur” của người Chăm Bàni (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo). Nhưng không thể kết luận rằng đây là khu mộ “Ghur” của vị công chúa Hồi giáo này. Theo nguồn sử liệu, thời trị vì của vị vua Po Romé có hai tướng tài người Chăm Bàni (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo) cùng theo hầu cận, nhưng vì bất mãn với sự mê muội của vị vua này, họ đã cáo quan lui về ở ẩn. Như vậy, khu mộ được phát hiện trên đền tháp có quan hệ như thế nào với vị vua Po Romé, với hoàng hậu người Chăm Bàni (Bia Than Cih)? Giả thuyết đặt ra khu mộ “Ghur” này là của hoàng hậu người Chăm Bàni (Bia Than Cih) và được giải thích rằng khoảng cách từ đền tháp đến khu mộ “Ghur” được thông qua bởi một đường rãnh. Thông qua đường rãnh hoàng hậu sẽ hứng nước tấm của vị vua để tắm cho bản thân mình, thể hiện tính âm dương lưỡng hợp(4). Thêm vào đó trong bài hát cúng lễ về hoàng hậu Po Romé (Daoh kanâ yang Po Bia) của ông kéo đàn Kanhi (Ong Kadhar) có tên gọi Po bia Than Yang (Ni Po bia Than Can Than Cih Than Yang, klau Po bia paoh gep di mblang yua Po Ramé siam likei…). Vậy, tượng thờ của Bia Than Yang ở đâu? Theo lời kể của Cả sư (Po Adhia) chủ trì tế lễ trên đền tháp Po Romé thì Than Yang là hóa thân của vị vua Po Romé, và giải thích rằng vị vua Po Romé có nhiều biệt danh khác nhau(5). Trong cuốn Lễ nghi nông nghiệp truyền thống tộc người Chăm – Raglai Ninh Thuận cho rằng Po Bia Than Yang còn gọi là Bia Ut(6). Mặt khác, hộp Klaong đựng mảnh xương trán được phát hiện tại góc ngoài phía Đông Bắc phế tích tháp lửa có quan hệ như thế nào với vị vua Po Romé? Nhận thấy người Chăm Ahiér (Chăm ảnh hưởng tôn giáo Bà-la-môn) có tục lễ hỏa táng cho người chết và giữ lại chín mảnh xương trán nhập vào nghĩa địa “Kut” bên dòng họ mẹ. Theo phong tục của người Chăm những người được chôn cạnh vua, hay trên đền tháp Chăm phải là người thân cận với nhà vua.
Hoặc cũng có thể là một ông quan cận thần nào đó đã có công dìu dắt nhân công xây tháp Po Romé, và được nhà vua ưu ái chôn trên tháp? Hay là vị Cả sư (Po Adhia) đầu tiên chủ trì lễ cúng trên đền tháp Po Romé. Tất cả vấn đề này vẫn là điều bí ẩn, chúng tôi chỉ đưa ra giả thuyết để cộng đồng người Chăm, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng thảo luận.
Bên cạnh đó, vào ngày 13 tháng 10 năm 2010, trong quá trình đào bờ kè quanh đồi tháp, đoàn nhân công đã phát hiện những mảnh vỡ của bức tượng đá được chôn lắp dưới đất sâu khoảng 50cm. Đặc biệt hơn có 04 mạnh vỡ của bức tượng này hiện lên những dòng chữ Chăm, và những dòng chữ này rất giống chữ Chăm trên bia ký tháp Po Romé. Vì vậy, chúng tôi tạm kết luận rằng những dòng chữ này có niên đại từ thời Po Romé. Tuy nhiên, vì những mảnh vỡ có dòng chữ của bức tượng này rời rạc nhau, nên chúng tôi vẫn chưa dịch được nội dung.
Theo nhận định của ông Lưu Phương(7): Đây là bức tượng của vị thần Shiva (Người Chăm gọi Po Ginuer Mâtri), được gắn phía trước cửa tháp chính. Tuy đây mới chỉ là sự giả định bước đầu, nhưng theo chúng tôi nhận thấy, sự giả định của ông cũng phù hợp với một số vấn đề được thể hiện qua những mảnh vỡ của bức tượng và trên đền tháp Po Romé: tượng thần Shiva phía trước cửa tháp Po Romé đã bị mất cắp, những mảnh vỡ của bức tượng được phát hiện, tuy đã vỡ nát thành từng mảnh và thiếu rất nhiều bộ phận. Nhưng, qua các bộ phận còn lại như khuỷu tay, bàn tay, đầu, dòng chữ Chăm thể hiện tư thế tương đồng như tượng thần Shiva được gắn phía trước cửa tháp chính. Vì vậy, chúng tôi tạm kết luận là tượng thần Shiva.
Câu hỏi đặt ra là tại sao tượng thần Shiva lại vỡ nát thành từng mảnh, một số bộ phận của mảnh vỡ bị mất, số bộ phận còn lại rất ít và được chôn đối diện với cửa chính của đền tháp? Còn các bộ phận khác được chôn ở đâu, hay đang cất giữ ở nơi nào? Để giải thích cho vấn đề này, chúng tôi chỉ nêu lên những giả thuyết mà ông Lưu Phương đã đưa ra và phân tích, nhằm không ngoài mục đích là góp thêm cứ liệu, để cộng động người Chăm, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng tham luận và góp ý. Từ đó, đưa ra những lời giải đáp đúng hơn về mảnh vỡ của bức tượng này: theo ông, thời xưa trong đền tháp Po Romé có đồng đen đặt ngay trước cửa tháp chính (Hiện nay, đồng đen không còn nữa), gần tượng thần Shiva, chắc kẻ trộm ngộ nhận rằng bên trong bức tượng của vị thần Shiva cũng có đồng đen. Vì lợi ích cá nhân nên họ đã bất chấp thủ đoạn, và đập nát bức tượng ra thành những mảnh vỡ? Giả thuyết: thời xưa, trong quá trình xây tháp, người xưa đã tạc nên tượng thần Shiva, đem gắn vào phía trước cửa tháp chính. Nhưng có lẽ vì sơ suất đã làm cho bức tượng Shiva bị vỡ thành từng mảnh. Sau đó, vì tính tâm linh họ lại đem những mảnh vỡ của bức tượng này chôn đối diện với cửa của tháp chính. Để người đời sau, nếu có phát hiện thì cũng nhận dạng được đây là bức tượng của vị thần Shiva. Theo nguồn sử liệu, tộc người Chăm theo tín ngưỡng đa thần, họ rất đề cao đến vấn đề tâm linh, mọi hòn đá nếu đã được đẽo khắc lên thì họ cho rằng hòn đá đó đã mang một linh hồn, và xem hòn đá này như là một vị thần. Như vậy, mặc dù bức tượng đã bị vỡ nát nhưng họ luôn ý thức gìn giữ và tôn thờ.
Ngoài ra, trên đền tháp Po Romé còn hiện diện những nghĩa địa “Kut” của người Chăm Ahiér, đây là nghĩa địa “Kut” bên dòng họ vợ của vị vua Po Romé. Hàng năm cứ đến ngày cúng lễ trên đền tháp, những người trong dòng họ của nghĩa địa “Kut” này thường đến dâng lễ cúng.
4. Thay lời kết
Tháp là biểu tượng sức mạnh của Bà-la-môn giáo, thể hiện sự tôn nghiêm, hưng thịnh của vương quốc Champa. Đồng thời là nơi phụng sự tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Chăm. Tùy thuộc vào giai đoạn lịch sử, thời trị vì của các vị vua Chăm nên mỗi đền tháp Chăm đều thể hiện một phong cách riêng. Cũng như tháp Po Romé được xem là đền tháp cuối cùng của vương quốc Champa, và chứa khá nhiều yếu tố bí ẩn.
Qua đợt khai quật năm 2010 đoàn khảo cổ đã chứng minh được vị trí xây tháp Po Romé một phần là do quá trình nhân tạo. Phía dưới chân đế tháp chính có một khối đá tảng to lớn, còn các phế tích Tháp lửa, và một số mặt bằng xung quanh khu vực tháp chính thì người ta gia cố móng theo cách tạo khối đá nhân tạo. Quá trình gia cố móng theo cách tạo khối đá nhân tạo đòi hỏi phải tập trung nhiều nhân công. Người chủ trương để ra lệnh thực hiện việc này phải là người có uy quyền, như vậy trong thời kỳ này chỉ có vị vua Po Romé mới có đủ quyền lực. Vì rằng, Po Romé là vị vua cuối cùng của vương quốc Champa, thời trị vì của Ngài đã bình an được lòng dân chúng như dung hòa sự mâu thuẫn giữa cộng đồng người Chăm Ahiér và cộng đồng người Chăm Awal, chăm lo cho sự nghiệp phát triển dân tộc, có mối bang giao với các quốc gia lân cận. Thời trị vì của Ngài đất nước rất hưng thịnh, và nhằm thể hiện sự hưng thịnh của vương quốc mình Ngài đã cho xây tháp.
Trên đền tháp Po Romé là hỗn dung giữa tôn giáo Bà-la-môn, Hồi giáo và một số yếu tố liên quan đến các tộc người thuộc vương quốc Champa; các yếu tố này được thể hiện khá rõ nét qua tục thờ nghĩa địa “Kut” và hộp Klaong đựng mảnh xương trán của người Chăm Ahiér (Chăm ảnh hưởng tôn giáo Bà-la-môn). Tượng hoàng hậu người Chăm Bàni (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo) và khu mộ “Ghur” của người Chăm Bàni. Tượng hoàng hậu tộc người Êđê (Bia Than Can), vị vua Po Romé tộc người Churu. Ngoài ra, trên đền tháp Chăm (Đền Po Inâ Nâgar, tháp Po Klaong Garai, tháp Po Romé) nói chung đều có bóng dáng của tộc người Raglai. Xưa kia tộc người Raglai có nhiệm vụ giữ y trang của các vua chúa Chăm, mỗi khi đến ngày cúng lễ trên đền tháp Chăm thì tộc người Raglai chuyển y trang xuống cho tộc người Chăm. Tộc người Chăm làm lễ đón rước và cùng tộc người Raglai tham gia cúng lễ(8).
Theo nguồn sử liệu thì vương quốc Champa là quốc gia đa chủng tộc, bao gồm cả dân tộc Chăm và các dân tộc định cư trên vùng cao nguyên như Êđê, Giarai, Raglai, Churu họ thuộc hệ ngôn ngữ Mã Lai – Đa Đảo. Hiển nhiên, đền tháp Po Romé thể hiện một phần nào đó về sự đa chủng tộc này.
________
1 Xem Hồ sơ di tích tháp Po Romé, Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.
2 Xem Trần Long (2009), “Những bí ẩn tháp Chăm”, Đặc san Tagalau 10, NXB Văn học, H., 2009.
3 Xem Inrasara, (2006), Trường ca Ariya Cam, NXB Văn nghệ, tr. 50.
4 Ghi theo lời kể của Cả sư (Po Adhia) Hán Đô chủ trì tế lễ trên đền tháp Po Romé, Ong Ngap heng Lưu Phương ở làng Hậu Sanh – Phước Hữu – Ninh Phước – Ninh Thuận.
5 Ghi theo lời kể của Cả sư (Po Adhia) Hán Đô ở Làng Vụ Bổn – Phước Ninh – ThuậnNam – Ninh Thuận.
6 Xem Th.s Nguyễn Thị Thu – Thập Liên Trưởng – Phạm Văn Thành, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm (2010), Lễ nghi nông nghiệp truyền thống tộc người Chăm – Raglai Ninh Thuận, NXB Nông nghiệp, tr. 326.
7 Ông Lưu Phương ở Làng Hậu Sanh – Phước Hữu – Ninh Phước – Ninh Thuận. Là chức sắc tín ngưỡng dân gian có nhiệm vụ trang trí nhà táng (Ngap Sang Suer), cắt con chim trảo, con rồng Chăm (Ciim mâh, Ciim heng), cắt hình bùa Omkar và bò thần Kapil (Limaow Kapil). Người Chăm gọi “Ong Ngap heng”.
8 Xem Hồ sơ di tích tháp Po Romé, Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.
Sau khi đọc bài của Bá Văn Quyến, tôi có lời đáng khen cho tác giả đã cho nhiều độc giả trong đó có tôi một thông tin rất có giá trị, Tuy nhiên,tôi có một tí thôi muốn tham khảo với tác giả bài nay vì có đoạn có đoạn tác giả viết “Phát triển công trình thủy lợi như đập Cà Tiêu (Banâk Katéw), đập Chavin (Banâk Caping), đập Marên (Banâk Marén)… Với công lao như vậy nên khi mất đi được cộng đồng người Chăm tôn thờ như một vị thần” ==> Theo riêng tôi nghĩ, phần này không sai nhưng không đủ…vì sao? Vì khi bắt đầu chọn làm vua thì Poromé đã là một vị thần trong suy nghĩ của dân Chăm thời đó và cho đến ngày nay cũng vậy. Vua = thần, thần = vua.
Q không biết phải xưng hô với Ngak Pui như thế nào mới đúng, nên tạm xưng hô yut Ngak Pui vậy. Phải nói rằng, phần góp ý của yut Ngak Pui quả thật hữu ích. Và như vậy, Q rất cảm ơn.
Với Q chỉ mới sở hữu kiến thức còn rất hạn chế, nên trong bài viết không tránh khỏi thiếu sót.
Thuk siam
Cảm ơn Cei Kadhar, bài viết có nhiều thông tin thú vị. Xin hỏi Cei Kadhar đã có thông báo chính thức về kết quả KCH chưa? Nếu có thì nhờ Cei Kadhar thông tin nha.
cảm ơn Amalinh, Q ghi nhận lời nhắn của Amalinh, và sẽ thông tin với Amalinh.
Đọc xong bài của Bá Văn Quyến tôi có ý kiến mong tác giả tháo gỡ dùm: Dựa vào đâu tác giả kết luận “Thời trị vì của Ngài đất nước rất hưng thịnh, và nhằm thể hiện sự hưng thịnh của vương quốc mình Ngài đã cho xây tháp”. Nhiều nguồn tư liệu điều cho rằng trong thời trị vị của vua Po Rome đất nước đang sa sút, cũng chính vì thế mà Chúa Nguyễn mới xua quân đánh chiếm vùng đất này và thành công nhanh chóng. Sự suy yếu về kinh tế là nhân tố quyết định sự sụp đổ nhanh chóng của Vương quốc Champa giai đoạn này (tất nhiên nó bao gồm nhiều nguyên nhân: kinh tế, chính trị và quân sự… nhưng kinh tế là yếu tố hàng đầu). Tôi thấy kết luận trên của BVQ là thiếu cơ sở khoa học. Mong tác giả có thể đưa ra dẫn chứng để chứng minh cho nhận định của mình. Xin cảm ơn!
Xin độc giả Ngak pui giải đáp đoạn này dùm: “Vì khi bắt đầu chọn làm vua thì Po Romé đã là một vị thần trong suy nghĩ của dân Chăm thời đó và cho đến ngày nay cũng vậy. Vua = thần, thần = vua”. Đây có lẽ là phát hiện mới của Ngak pui, mong Ngak pui có thể chứng minh rõ về phát hiện mới này.
Xin cảm ơn!
Đây không là phát hiệi gì mới cả. Bạn xuan on nên tìm hiểu nhiều hơn nữa.
chờ anh Quyến hồi âm mà lâu quá đi!
tác giả mới viết gồm có nhiều sơ hở nên không trả lời được đâu, tốt hơn tác giả nên có 1 tiếng cám ơn bạn Xuân, rồi hứa chỉnh đón lại. góp ý nhau trên phản hồi này có lợi là như thế đó.
Xin lỗi nhé Xuân!Anh nhớ rằng đã hồi âm qua email của em vào khoảng tháng 01 rồi mà.
Em mong hồi âm của anh từng ngày mà có thấy đâu! hay anh gửi sai địa chỉ rồi
Có gì mong anh gửi lại cho em với!
Cảm ơn anh nhiều
Gmail: quanghoaixuanlsk31@gmail.com