Chay Mala: Câu chuyện về thầy trò Ngài giáo sư Khả Kính

(ngụ ngôn hiện đại)

Danh tiếng của Ngài giáo sư Khả Kính thế nào thì cả làng Chăm đều biết rồi. Người ta cũng không lạ về kinh nhật tụng của Ngài giáo sư Khả Kính là: học sinh Chăm học chữ Chăm của Ban Biên soạn sách chữ Chăm mất 5 năm mà không đọc được chữ Chăm truyền thống. Đi bất kì đâu ngài cũng tụng câu kinh đó. Trước khi ăn, trong cuộc họp hành, và nhất là sau mỗi buổi học, ngài đều bắt đám seh tội nghiệp tụng hết câu kinh đó 7 lần mới được về.

Năm kia, Ngài giáo sư Khả Kính vừa xong lớp “Tiếng Chăm vỡ lòng” 3 tháng, năm ngoái lại mở tiếp cua 4 tháng “Trung cấp tiếng Chăm”. Năm nay ngài tuyển từ đám seh tinh tuyển của lớp kia được 8 đứa để mở khóa “Tiếng Chăm cao cấp”. Người ta có rau muống cao cấp, bột giặt cao cấp, kẹo kéo cao cấp được… thì tiếng Chăm cao cấp sao lại không chớ!

Khóa Tiếng Chăm cao cấp của Ngài giáo sư Khả Kính rền tiếng khắp vùng vang ra ngoài bờ cõi đất nước hình chữ S. Một hôm, như thường lệ, thầy trò vừa dứt câu kinh: học sinh Chăm học chữ Chăm của Ban Biên soạn sách chữ Chăm mất 5 năm mà không đọc được chữ Chăm truyền thống… thì đoàn khách Nhật bước vào.

– Đúng lắm! Đúng lắm! Đoàn chúng tôi vừa đi thực địa Phan Rang về. Đáng buồn là không có học sinh nào đọc được cả…

– Chân lý! Chân lý! Ngài vừa lặp lại đúng chân lý mà chúng tôi vừa khám phá…

Ngài giáo sư Khả Kính cầm cả hai tay từng người từng người một trong phái đoàn ngoại quốc, lắc lắc, lắc lắc, cười toác miệng: Chân lý… chân lý.

– Thế học trò lớp cao cấp của ngài có đọc được không? – Vị khách hỏi.

– Được, quá được! Chân lý, chân lý…

Sau một hồi chào nhau lịch sự lễ phép, vị khách đưa cho 2 học trò xuất sắc nhất lớp cao cấp tập giấy vàng khè. Hai đứa cắm cúi hồi lâu, rồi lắc đầu ú ớ không ra tiếng. Nó được chuyển qua Ngài giáo sư Khả Kính, ngài dòm hồi lâu rồi buông tiếng thở dài:

– Sách chép lỗi nhiều quá…

– Chiếu chỉ nhà vua Champa 2 thế kỉ trước đó, thưa ngài.

Cả phòng im lặng như có đám ma, như nhà Ngài giáo sư Khả Kính đang có tang.

– Còn đây là khế ước mua bán ruộng ạ! – Vị khách lấy ra một tập khác, ít vàng khè hơn.

Ngài giáo sư Khả Kính nắm chặt tập sách, nhìn trừng trừng như muốn lủng tờ giấy. Kăk, Păk, Nhưk, balău poh thơk… Ngài đánh vần dăr tha chroh ao... sắc mặt đỏ màu gà chọi của ngài chuyển nhanh sang tái mét như trâu nghé thấy lính Tây.

2, 3 phút nặng nề trôi qua…

Bất thình lình, tiếng điện thoại di động trong túi ngài giáo sư reo vang.

– Xin lỗi, – ngài nói và lao ra ngoài.

Ngoài đó, Ngài giáo sư Khả Kính nói điện thoại lâu thiệt là lâu…

___________

* Hú vía! Cái mobile phone bé tí đầu mà đã cứu Ngài giáo sư Khả Kính được một bàn thua trông thấy.

 

6 thoughts on “Chay Mala: Câu chuyện về thầy trò Ngài giáo sư Khả Kính

  1. Chay Mala có câu chuyện rất dễ thương và hóm hỉnh. Tôi đọc mà nhịn cười không được. Nhưng dẫu sao cũng cám ơn cái điện thoại di động. Nếu có bài tương tự, nhớ cho điện thoại reo sớm hơn.
    Ranam Chay Mala.

    Kan Kun

  2. Các bài ngụ ngôn của Chay Mala rất tếu. Đây đích thực là trào phúng Chăm hiện đại – điều hiếm thấy trong văn học Chăm. Mặc dầu ít thấy trong văn học nhưng trong sinh hoạt đời sống Chăm, đôi lúc cũng gặp nhiều “tay” có thể làm cho bạn cười đến tè ra cả quần. Rất dí dỏm, huyên náo và rất Chăm (Chăm nghèo nhưng không thiếu tiếng cười).
    Chay Mala cũng tếu rất Chăm nhưng, đặc biệt hơn ở chỗ táo bạo hơn trong tư tưởng, thời sự hơn – ngay cả ở những vấn đề nhạy cảm trong Chăm hiện nay. Vì vậy, cũng khiến độc giả cười không thật thoải mái mà phải suy ngẫm lại.
    Và ở bài ngụ ngôn này, tiếng cười có thể khựng lại vì Chăm trầm trọng quá trong ngôn ngữ – thời cuộc. Bế tắc đến thế sao Chay Mala? Đọc xong tôi thấy ngôn ngữ Chăm nó cứ giống như chị Dậu khóc mãi hoài trong tăm tối vậy! Vậy, Chay Mala có thể dẫn dắt cốt truyện đến hướng mở hơn được không!?

  3. Lâu quá tôi mới ghé lại còm.
    Theo dõi Chay Mala viết ngụ ngôn quả là thích thú. Đến ngụ ngôn này phải nói là Siêu!!!
    Nghĩ ra chuyện điện thoại di động thì cực siêu.
    Không biết các bạn sao chớ, theo tôi có lẽ thằng học trò nào đó đã ra tay cứu thầy, chớ không phải tự nhiên mà điện thoại reo đâu! Phải không Chay Mala.
    Cảm ơn Chay!!!

  4. Chàm tui ơi! Chàm ơi là Chàm!!! Tui lạy trăm ngàn lạy Hời ơi…
    Ngu vừa vừa thôi, nhà cháy tới nơi mà còn cãi nhau chuyện chổi cùn rế rách. Lò hạt nhân sắp cuốn hết Chàm tận diệt tới nơi mà đi cãi nhau về poh gak, dar tha. Chỉ để chứng minh cho thiện hạ biết ta không mù chữ… Chàm. Ôi Chàm ơi, ôi trời phật cứu con…

Leave a Reply to Kan Kun Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *