1. Lịch sử nhân loại thế kỉ qua, mỗi biến động thời cuộc luôn kéo theo khủng hoảng giá trị.
Mỗi khủng hoảng giá trị mang trong nó khả tính cách mạng, làm nên những thay đổi lớn. Thay đổi lớn về nhiều mặt. Từ chính trị xã hội cho đến văn hóa tư tưởng và dĩ nhiên – cả văn học nghệ thuật. Thay đổi lớn và thành tựu lớn.
Sau thế chiến thứ nhất, thế hệ mất gốc (hay thế hệ mất mát) lost generation ra đời. Một thế hệ hoàn toàn đánh mất niềm tin vào các lí tưởng từng được coi là thiêng liêng như: tiến bộ, văn minh, ái quốc, bổn phận,… Thế hệ đã sản sinh ra các nhà văn tài danh: Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald, T.S. Eliot, E.Maria Remarque…
Thế chiến thứ hai kết thúc, khủng hoảng khác nổ ra. “Sự hoài nghi của các văn nghệ sĩ thế hệ trước liên quan đến tài năng của họ. Ngược lại, với văn nghệ sĩ hôm nay, sự hoài nghi động chạm đến sự cần thiết của chính nghệ thuật”(1) Hoài nghi văn chương, thế hệ văn nghệ sĩ dấn thân xuất hiện: J-P. Sartre, A. Camus,…ảnh hưởng rộng lớn trên toàn thế giới.
Thế kỉ hai mươi sắp kết thúc, nhà văn chẳng những hoài nghi nghệ thuật thôi, mà họ còn hoài nghi chính ngôn ngữ, vốn được coi là phương tiện chuyển tải tác phẩm văn học. Qua đó, hàng loạt nhà văn hậu hiện đại lớn ra đời.
Ngoài kia là như thế, Việt Nam thì sao?
Không kể thế hệ tràn “niềm tin và hi vọng” sản sinh nền “văn học phải đạo”, một nền văn học đáng “đọc lời ai điếu”(2); không kể cả khối khổng lồ cây bút hì hục viết với mục tiêu phấn đấu vào Hội Nhà văn Việt Nam, rồi nghỉ, chuyển sang làm việc khác; không kể các nhà văn viết trong cõi mù mờ hay cày sâu cuốc bẫm nơi đám ruộng truyền thống; cũng không kể bộ phận nhà văn có chân đứng trong xã hội, an phận chấp nhận tiện nghi bé nhỏ, an ninh bé nhỏ, tự do bé nhỏ rồi câm lặng khiếp nhược trước bất công xung quanh; càng không kể vài nhà văn đầy tài năng và ý thức sáng tạo, nhưng khi có chút tiếng tăm, vội về hưu non, quay sang viết sách ba xu nhảm nhí(3) – ở đây ta chỉ đề cập đến kẻ sáng tạo như là sáng tạo, sáng tạo khi đã kinh qua cuộc khủng hoảng tinh thần.
2. “Khủng hoảng như một tín hiệu tốt lành”(4).
Tôi đã viết như thế, non mươi năm trước. Tín hiệu tốt lành từ thời đổi mới với những tên tuổi phản kháng sáng giá như Bùi Hoằng Vị, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Phan Bá Thọ, Nguyễn Viện… cho đến thời hậu hiện đại [Việt Nam] qua sự xuất hiện của Nhóm Mở Miệng cùng mươi nhà văn tài năng khác sáng tác trong tinh thần dân chủ mới.
Đó là các vệt nắng hiếm hoi giữa vùng sương mờ của nền văn học Việt Nam đương đại. Nhưng mươi năm thử ngoảnh lại để làm cuộc kiểm kê đo đếm: Tốt lành thì ít, còn độc hại ngày càng nhiều, lớn dậy áp đảo làm teo tóp mấy vệt nắng le lói kia.
Teo tóp từ bên trong…
Hời hợt tư tưởng nên khủng hoảng nếu có, chỉ là khủng hoảng bề mặt. Hệ quả là mỗi phản kháng chỉ là những thứ phản ứng lớt phớt, cạn cợt, rộ lên một hồi rồi thôi, không gì khác, không gì thêm. Như cây non vươn vội lên khoảng xanh, chỉ qua cơn nắng nhiệt đới đầu mùa, nó tàn lụi nhanh chóng. Tận sâu thẳm tâm hồn ta chưa xảy ra cuộc nổ lớn, để ta có thể phản tỉnh sâu và toàn diện, qua đó nhà văn đặt vấn đề trên nền tảng vững chắc hơn, đẩy vấn đề đi tới cùng hơn.
Bất tín đại học các loại, hỏi có nhà phê bình [tương lai] nào đứng giữa giảng đường chửi rủa chương trình lạc hậu kia và dũng cảm từ bỏ nó chưa? – Chưa! Hết còn tin tưởng vào sứ mệnh văn học, có nhà văn nào dám cắt đứt với văn giới, không thèm nhìn lại văn chương chữ nghĩa chưa? – Chưa! Hoàn toàn mất niềm tin vào cơ cấu xã hội hiện đại, có nhà thơ Việt Nam nào đã thắt cổ tự tử chưa? – Càng chưa hề!
chích một giọt máu đem xét nghiệm
tý trí thức – tý thợ cày – tý điếm
tý con buôn – tý cán bộ – tý thằng hề
Phật và Ma mỗi thứ tý ty
khốn nạn thân nhau
nặng kiếp phân thân mặt nạ
… đổi mới thật hay giả vờ đổi mới?
máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?
… Ta là gì?
ta cần thiết cho ai?(5)
Cả thế hệ với bao nhiêu người cầm bút đã trụi hết niềm tin, ở đó dù khủng hoảng giá trị đã xảy ra, nhưng sáng tác của ta cứ nghèo nàn, èo uột. Ở cá thể, sau mỗi một nỗ lực là nhà văn như thể muốn làm hụt hơi. Văn học Việt Nam cứ thế mà nghèo nàn và không thể… lớn.
Bởi các vệt sáng hiếm hoi kia chẳng những không biết và thiếu khả năng tự nuôi lớn đã đành, chúng càng không được một lượng bộ phận tối thiểu trong cộng đồng tự do hỗ trợ, khích lệ và tiếp lửa mà luôn bị khống chế, áp đảo từ môi trường văn học xung quanh…
Mọi mặt, mọi nơi, mọi lúc.
3. Nhìn nhận nhà văn Việt Nam hôm nay “sống và viết hoàn toàn tự do,“(6) – dù phát ngôn xuất phát từ kẻ sáng tác hay người làm phê bình, nếu không phải là hoang tưởng ngu ngốc thì chắc chắn là thứ tự dối lừa, không hơn không kém.
Một nền văn học tự do phải là nền văn học trong đó mọi người học tự do, viết tự do, in ấn và phát hành tự do, tiếp nhận tự do, phê bình và thảo luận tự do. Văn học Việt Nam đã nhận được đủ đầy nỗi ấy chưa? – Chưa, hoàn toàn chưa.
Học, cơ chế Đại học ta muôn năm đóng cửa với cái mới. Sinh viên Việt Nam mơ hồ về các trào lưu văn học tiên tiến trên thế giới hiện tại. Cả với sinh viên khoa văn chương. “Ở nước ta hiện nay thì những suy kém về giáo dục – nhất là ở cấp đại học – quá đỗi trầm trọng, thể chế lại quá cứng nhắc, ù lỳ, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự ù lỳ này sẽ giảm đi trong thời gian trước mắt”(7). Ta tiêu phí hết thời thanh xuân cho những thứ cũ kĩ, học vẹt và nhai lại mấy thứ cũ nát để trả bài cho thầy, để bước qua khóa luận. Ví có chút đầu óc khám phá cái mới, ít tinh thần phản biện, sinh viên Việt Nam hiếm khi được giáo sư ủng hộ, khuyến khích. Ngược lại là khác. Cho nên, chỉ cần một nhắc nhở, nửa trừng mắt cảnh cáo, tất cả đều trở lại nề nếp khuôn phép, vâng lời thầy ngay. Không biết thiên hạ đi tới những đâu, thì làm gì có chuyện “tiếp thu tinh hoa thế giới”?
Viết hoàn toàn tự do, – đúng lắm! Đổi mới và cởi trói, ta đã toàn quyền tự do thơ vần hay không vần, vắt dòng hay trình diễn, truyện ngắn biểu dương sex, thơ tự do siêu thực bí bức hay siêu hình bí hiểm, tiểu thuyết cách tân giả mạo với phê bình cách mạng miệng lưỡi,… cùng đủ kiểu làm dáng trí thức. Chúng chỉ vừa đủ cho kẻ tò mò nhăn trán, chớ chuyện nó đã thực sự “gây chấn động”(8) dư luận văn giới thì chỉ là một tưởng tượng phi thực! Xét ở mức độ hay khía cạnh nào bất kì, “hậu đổi mới là thời kì hoàng kim của tự kiểm duyệt”(9). Mà tự kiểm duyệt thì còn gì là sáng tạo. “Tự do” của đại bộ phận nhà văn Việt Nam hôm nay là tự do viết về đủ thứ chuyện, thử nghiệm mọi thủ pháp khiến không ít người mang ảo tưởng tệ hại, ảo tưởng cả ở bộ phận cây bút được cho là cách tân, cấp tiến. Chỉ trong vùng tối sáng nhập nhằng kia thôi, sến với tục tĩu lên ngôi và làm mưa làm gió. Khốn khổ thay, ta được tự do tất, ngoại trừ phơi bày cái sự thật thực nhất của hiện trạng xã hội.
Viết tự do luôn song hành với in ấn và phát hành tự do. Chưa có tự do báo chí, thì mệnh đề sau chỉ là một phát ngôn tự lường gạt. Dù “được quyền nghĩ những điều đã ước” (thơ Mai Văn Phấn), cả được quyền viết những điều đã nghĩ, nhưng in ấn và phát hành thì – chớ hòng. Nếu cái nghĩ, cái viết kia có tầm – tầm tư tưởng, nó càng không. Nhà văn Việt Nam hoàn toàn tự do đăng sáng tác của mình lên mạng, đủ loại mạng văn học mở ra khắp nơi, – không sai. Nhưng đâu là độc giả trực tiếp như là chất kích thích quan yếu nhất cho mọi sáng tạo văn học? Văn học tiếng Việt hải ngoại bị phân cách với độc giả đã đành, ngay cả sáng tác ngoại vi ở trong nước cũng bị cấm cản. Không phải không lí do khi không ít tác giả hải ngoại nóng lòng thấy tác phẩm mình được in trong nước, dù đã phải chịu vài thỏa hiệp(10).
Còn độc giả hôm nay thế nào? Chúng ta đang bị đóng khung khô cứng trong môi trường văn học ngột ngạt, tù túng, một môi trường văn học vô cùng lạc hậu. Ngay từ khởi đầu hành trình đến với văn học, tinh thần cảm thụ cái mới của độc giả tương lai bị bó hẹp trong tầm mong đợi quy định từ chương trình Đại học, sau đó năng lực tiếp nhận sự sáng tạo bị phân tán bởi các phương tiện thông tin đại chúng có mặt khắp xung quanh; rồi khi độc giả đang hoang mang mất phương hướng thì họ liền được định hướng qua mênh mông giải thưởng từ trung ương tới địa phương; và cuối cùng điểm sáng thoi thóp còn lại nơi tâm hồn người đọc bị dập tắt hoàn toàn bởi giọng điệu phê bình các loại đang thịnh hành(11).
Phê bình, ta “tự do” triển khai đủ kiểu phê bình. Dù là Phê bình bè phái hay Phê bình núp bóng, dù là Phê bình quan phương hay Phê bình hàng hai, hoặc cho dù phê bình là Phê bình chỉ điểm hay “Phê bình liếc nhìn“(12), chúng có thể khác nhau ở tên gọi, ở mục đích cá thể, thậm chí chống nhau kịch liệt vì lợi ích phe nhóm, nhưng tất cả đều nhất quán ở ý định: Triệt hạ ý hướng cách tân, ý chí sáng tạo khác mình, và nhất là triệt tiêu tự do nghệ thuật; qua đó chi phối phủ trùm lên hệ mĩ học văn chương Việt Nam một thời, áp đặt lên độc giả thứ tư tưởng nghệ thuật đầy bảo thủ và phản động.
Thế nhưng, khi các loại phê bình trên đã trở nên lạc thời và không còn hiệu quả nữa, để hội nhập với thế giới, văn đàn Việt Nam dăm năm qua nổi lên loại phê bình mới. Đó Phê bình “trẻ” ba hoa hãnh tiến trên nền kiến thức mò mẫm(13) bên cạnh Phê bình cách tân giả cầy nhân danh sự đổi mới nghệ thuật, có tri thức nhất định nhưng xuất phát từ các toan tính khác nhau, đã chơi trò lập lờ đánh lận, tung hỏa mù làm lạc hướng độc giả(14). Tội là, chính hai loại phê bình này đang chiếm lĩnh diễn đàn, ngày càng làm vẩn đục khí hậu văn học vốn đã vẩn đục.
4. Như vậy, văn học Việt Nam về đâu?
Hay cụ thể hơn – nhà văn đích thực sẽ viết thế nào?
Khi bao nhiêu khuynh hướng chính lưu quy định mọi bộ phận sinh hoạt văn học, khi khí hậu văn học chính thống phủ trùm tất cả, khi sáng tác giả cách tân bắt tay với phê bình giả cấp tiến thao túng văn đàn, và khi tài năng văn chương bị bóp nghẹt, sức sáng tạo bị gặm nhấm, bị bào mòn ngày qua ngày, miệt mài và kiên trì – kẻ sáng tạo chán nản rồi bỏ cuộc. Họ không thể không bỏ cuộc, khi mục tiêu mất hút. Khi kẻ sáng tạo đích thực bị xã hội coi khinh như một sinh thể thất cơ lỡ vận, một công dân vô tích sự, thậm chí một tên vô lại cùng mênh mông hình dung từ tiêu cực khác, – họ đầu hàng.
Đầu hàng.
Bỏ cuộc chữ nghĩa là đầu hàng đã đành, ngay cả khi họ lao vào viết báo kiếm sống, viết truyện diễm tình éo le, viết kịch bản phim để trở thành nhà văn ăn khách, hay khi họ “quyết đui điếc trước thời cuộc, chui vào vỏ sò cô độc, viết vọng ra” cũng là cách đầu hàng. Đầu hàng, khi “nhà văn chạy thoát thân, như đám chuột vội vã rời bỏ con tàu sắp đắm”(15) thì miễn rồi, cả khi họ đã giật được vài giải thưởng con con, được ném cho cái ghế quan văn nho nhỏ để từ đó đăng đàn phát ngôn khệnh khạng, là thứ đầu hàng trá hình khác. Đầu hàng, khi nhà văn tình nguyện làm thứ nô bộc viết theo chỉ thị của mọi loại quyền lực hay viết phục vụ thị hiếu đám đông; và sau rốt, đây là kiểu đầu hàng nguy hiểm hơn cả, khi đầu hàng khoác lên mình đủ màu áo cấp tiến – cấp tiến trong tôn vinh giá trị ảo, tụng ca cách tân giả, cách mạng dối lừa.
Thì… văn học Việt Nam về đâu, ngày mai?
Sài Gòn, 25-2-2011
_
Chú thích
(1) “Le doute des artistes qui nous ont précédés touchait à leur propre talent. Celui des artistes d’aujourd’hui touche à la nécessité de leur art”, Albert Camus, Sứ mệnh văn nghệ hiện đại, Trần Phong Giao dịch, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1974, tr. 29.
(2) “Văn học phải đạo” là dụng ngữ của Hoàng Ngọc Hiến; “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, Nguyễn Minh Châu, báo Văn nghệ, số 49&50, 5-12-1987.
(3) Trần Thiện Khanh viết về trường hợp Nguyễn Huy Thiệp:
“Cũng từ các sáng tác như Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm của Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta còn thấy: thái độ thỏa hiệp và dễ dãi viết theo đơn đặt hàng, cùng những mưu toan thực dụng của nhà văn hiện nay… Trước biết bao nhiêu thứ mồi, một nhà văn có bản lĩnh như Nguyễn Huy Thiệp còn nhanh chóng bị “sa ngã”, thì chuyện những tác giả trẻ nào đó khó tránh được những cám dỗ không phải là vô lý” (Trần Thiện Khanh, “Hiện tình sáng tác tiểu thuyết nhìn qua một trường hợp”, Phongdiep.net, 24-2-2011)
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=12166
(4) Inrasara, “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, H., 2006, tr. 63-92.
(5) Nguyễn Duy, Nhìn từ xa… Tổ quốc, NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh, 1989.
(6) Về “tự do”, nhà thơ Vi Thùy Linh viết:
“Tôi luôn sống và viết tự do, như mình muốn, dám nghĩ dám nói dám làm như chính mình ấp ủ và muốn được làm sứ mệnh của các nhà thơ, không chỉ nói lên những vấn đề to lớn của đất nước hay thời đại…” (Vi Thùy Linh, “Sức sống và tín hiệu Việt Nam trong thơ tôi”, do Phạm Xuân Nguyên dẫn lại trong bài “Phê bình văn học hiện nay: cái thiếu và cái yếu”, tham luận tại buổi toạ đàm ở Viện Văn Học: “Phê bình văn học – Bản chất và đối tượng”, Hà Nội, 27-5-2004).
(7) Trần Hữu Dũng, “Trí thức Việt Nam ở nước ngoài và Đại học Việt Nam”, Tuanvietnam.net, 13-2-2011 http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-02-09-tri-thuc-viet-nam-o-nuoc-ngoai-va-dai-hoc-viet-nam
(8) Hoàng Hưng nhận định về sáng tác đương đại:
“… Tuy chưa mới bao nhiêu về thể điệu, cấu trúc, từ pháp, cú pháp, nhưng Vi Thùy Linh chẳng hạn, gây chấn động nhờ cảm hứng bạo liệt, tuôn trào của người đàn bà yêu một thứ tình khát dục không cần kiềm chế hay giấu giếm, là tiếng nói chân thực của một bộ phận lớp trẻ thời chuyển tiếp hai thiên kỷ.
Nhóm “Mở miệng” sẽ có vị trí trong lịch sử thơ Việt, ghi dấu buổi giao thời hỗn loạn, cái tục tĩu, rác rưởi, “hạ cấp” ngang nhiên đòi quyền ngôn luận bình đẳng với cái đạo đức (giả), vàng son (rỏm), “cao quí” (bịp). Những hình thức như giễu nhại, thay lắp từ, khai thác vốn từ lóng – ngọng của giới bụi đời rất ăn với tinh thần dân túy cực đoan của nhóm trẻ bản lĩnh này. Nhóm này “cách tâm” và “cách tân” đồng bộ. Nếu là ở phương Tây thì chẳng thua gì Dada!” (Hoàng Hưng, “Thơ – cách tân và cách tâm”, Phongdiep.net, 19-2-2011) http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=12144
Về Nhóm Mở Miệng, Hoàng Hưng nhận định ngắn gọn nhưng khá chính xác. Còn thơ Vi Thùy Linh “gây chấn động” thì rất cần xem lại. Có thể loại thơ kia ít nhiều làm xôn xao dư luận độc giả ở phía Bắc khi mới xuất hiện, nhưng với người đọc phía Nam thì – không! Riêng thái độ thơ của Vi Thùy Linh, hoàn toàn nhảm, không đáng nói. Tôi đã một lần nhận định về hiện tượng cách tân thơ Việt hôm nay:
“Không thể hiểu hết nỗ lực của Mai Văn Phấn, nếu không đặt anh và sáng tác của anh vào môi trường xã hội và môi trường thơ hiện đại miền Bắc. Không phải trong thời gian dài sự sáng tạo và thưởng thức thơ ấy bị bó hẹp bởi khuôn phép hệ mĩ học hiện thực xã hội chủ nghĩa mà đúng hơn, bởi chính quan niệm mang tính phổ quát của người làm thơ và người đọc thơ. Thơ là thơ ca, nó đòi hỏi sự trau chuốt kĩ lưỡng ở ngôn từ, chặt chẽ của tứ thơ, ý thơ cần đẹp, thi ảnh chọn lọc, giọng điệu phải nên thơ. Phá cách tới đâu, người làm thơ cũng chỉ dừng lại ở Đặng Đình Hưng, Lê Đạt hay Dương Tường. Có vậy thôi mà cũng đã chịu bao hệ lụy.
Nghĩa là thơ vẫn cứ phải nên thơ. Và mọi người chấp nhận kêu nó là thơ.
Sự thể không có gì sai cả.
Ở miền Nam thì khác. Mười năm sau đất nước nhập một, cả khu vực rộng lớn này hầu như không nảy nòi một thi sĩ xứng danh nào. Mãi mở cửa cởi trói, các thi sĩ miền Nam mới rục rịch làm thơ trở lại, tìm mọi phương cách để đưa sản phẩm của mình đến với công chúng. Ở đó, họ đã tiếp nhận nhiều truyền thống khác lạ. Thơ tự do, đi trước họ là mấy tên tuổi lẫy lừng: Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên,… Hậu hiện đại sơ kì, họ có một Phạm Công Thiện với vô lượng từ xô đẩy nhau vỡ bờ vỡ đê, cuồn cuộn khó hiểu nhưng đẹp và lôi cuốn lạ thường; một Bùi Giáng điên chữ, xáo trộn ngôn từ cả Việt lẫn Hán Việt vào bát quái trận đồ chữ liên tu bất tận, đọc chẳng hiểu ông nói mô tê gì cả nhưng vẫn cứ thích. Làm thơ bất kể ngôn từ thông tục, thông tục đến thô tục, họ có Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Tôn Nhan ở sau lưng. Thơ huyền ảo lãng đãng sương khói, Phạm Thiên Thư đã lừng lững. Thơ Thiền, thơ siêu thực, thơ hiện sinh, thơ điên, ca từ nhạc sến, nhạc vàng, vọng cổ… Nghĩa là không thiếu bất kì thứ gì thế giới ngoài kia có. Quan trọng không kém là các bộ phận công chúng văn học khác nhau chấp nhận chúng là các sáng tạo nghệ thuật (Inrasara, “Mai Văn Phấn, kết thúc cho một khởi đầu”, Tienve.org, 1-2009)
http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=8080
(9) Phạm Thị Hoài, “Nhà văn thời Hậu đổi mới”, Talawas.org, 2004.
(10) Sự kiện Thơ đến từ đâu? vừa qua là minh chứng rõ nhất.
(11) “Người đọc cũng cần được đào tạo”, Inrasara trả lời phỏng vấn của Vĩnh Quyên, tạp chí Thơ, số 1, 2006.
(12) Inrasara, “Điểm danh căn bệnh phê bình hôm nay” (bản chỉnh sửa), Inrasara.com, 6-9-2008 http://inrasara.com/?p=799
(13) Lê Thiếu Nhơn, “Mùa hào hứng cách tân thơ trẻ”, Hội thảo khoa học Đời sống Văn học – Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh thời kì hội nhập tại TP Hồ Chí Minh, 16-10-2007 http://lethieunhon.com/read.php/2251.htm. Xem thêm phần bình luận: Inrasara, “Nhận diện các trào lưu thơ Việt đương đại”, Tienve.org, 19-8-2010 http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=11172
(14) Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn trả lời phỏng vấn:
“Bây giờ người viết hoàn toàn tự do. Chỉ trong một tích tắc, người viết hoàn toàn có thể xuất bản tác phẩm của mình ở bất cứ một blog nào hoặc gửi cho các trang mạng văn chương khắp nơi… Bây giờ mọi người đổ lỗi cho không có tự do sáng tác, không có tự do nghệ thuật. Điều đó không hẳn” (báo Thể thao – Văn hóa, ngày 8-2-2011)
Đánh đồng tân hình thức với hậu hiện đại, Nguyễn Chí Hoan nhận định:
“Một nhánh đi mới đây của xu hướng thơ cấp tiến là “thơ tân hình thức”, được xem là một sản phẩm mang tinh thần “hậu hiện đại” rõ rệt nhất của ngôn ngữ thơ ca, ít ra cũng là thơ ca tiếng Việt đương thời.
… Nhưng những bài thơ “tân hình thức” tiếng Việt trong nước cho đến nay tỏ ra không mấy thuyết phục, không phải vì nó mới quá, mà vì nó quá tếu táo hay khô cứng. Nếu sự tếu táo còn dựa được vào yếu tố trào lộng gây cười thì sự khô cứng lại không thể dựa gì vào nghệ thuật kể chuyện thô sơ và ngôn ngữ quá thông thường, thậm chí còn gò bó.
Trong khi đó kể chuyện bằng thơ là một truyền thống lâu đời ở người Việt…” (“Thơ, những đụn cát vô hình”, báo Văn nghệ trẻ, 20-2-2011).
(15) Inrasara, “Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu”, tạp chí Tia Sáng, 5-9-2010 http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&CategoryID=41&News=3433
Bàn về chuyện văn học anh Inrasara quyết liệt đến mất mặn mất nhạt. Anh phê phán không kiêng nể ai cả. Anh phê phán cả Hội nhà văn VN nữa.
Nhưng sao bàn về người Chăm và xã hội Chăm anh lại dè dặt. Quá đỗi quá chừng dè dặt.
Nhiều bài chống anh, tôi thử dõi xem thử, thấy anh vẫn im lặng. Nhiều người Chăm viết xuyên tạc anh (mà họ gọi là trao đổi khoa học), các bác ng Chăm đợi xem phản ứng Inrasara thế nào, nhưng anh vẫn không thấy trả lời.
Hay anh coi thường họ chăng? Sức suy nghĩ hay sức hiểu của họ quá thấp, không đáng cho anh nhọc công ư? Hay anh ngại va chạm? Nhưng tại sao với nhà văn VN thì anh không ngán gì cả, là sao?
Ví dụ anh đặt tên cho tác phẩm một nhà văn là thứ văn chương nịnh bợ, còn Phạm Quang Trung thì anh kêu đích danh là phê bình chỉ điểm.
Rất khó hiểu. Tôi đem chuyện này ra hỏi vài nhà văn ở SG, họ cũng thấy rất khó hiểu.
Nếu là tâm tính anh thì tâm tính luôn cả hai đi, sao một đằng thế này một đằng thế nọ. Cũng không hiểu.
Đoạn này quá đúng:
“Ta tiêu phí hết thời thanh xuân cho những thứ cũ kĩ,học vẹt và nhai lại mấy thứ cũ nát để trả bài cho thầy,để bước qua khóa luận. Ví có chút đầu óc khám phá cái mới,ít tinh thần phản biện,sinh viên Việt Nam hiếm khi được giáo sư ủng hộ,khuyến khích. Ngược lại là khác. Cho nên,chỉ cần một nhắc nhở,nửa trừng mắt cảnh cáo,tất cả đều trở lại nề nếp khuôn phép,vâng lời thầy ngay. Không biết thiên hạ đi tới những đâu,thì làm gì có chuyện “tiếp thu tinh hoa thế giới”?
Nhà thơ Inrasara viết nhiều ý tôi tâm đắc, bên cạnh một số ý nhỏ cần trao đổi lại. nhưng có ý tôi tâm đắc nhất là phó giáo sư tiến sĩ Phạm Quang Trung đúng là nhà phê bình chỉ điểm. nhiều người trong văn giới Việt Nam ai cũng thấy như vậy cả, nhưng chỉ có Inrasara chỉ đúng tên gọi. Đấy mới chính xác. Có người vừa cho tôi đọc ông Trung “chỉ điểm” Tuệ Nguyên như sau trong tạp chí Nhà văn, in tháng 6.2011:
Tuệ Nguyên viết về mấy đứa trẻ Chăm nói độn tiếng Việt, mấy đám trẻ học đòi:
những đứa con hư hỏng nổi loạn và bất trị
những đứa con yêu cuồng dại tự do
nghĩa là anh miêu tả thế hệ Chăm hiện nay.
Vậy mà ông Trung “chỉ điểm” như sau:
“Chẳng lẽ trách nhiệm xã hội ở người cầm bút bị tiêu tan trong sự sáng tạo được coi là vô bờ? Nhất là đối với những nhà văn, nhà thơ trẻ?”.
Bảo ông Trung ko hiểu câu thơ đó là ko đúng. Phó giáo sư tiến sĩ rồi mà.
Ý ông nói Tuệ Nguyên ca ngợi sự vô trách nhiệm xã hội. Chỉ điểm như muốn công an bắt TN không bằng!!!
Theo tôi nếu nhà thơ hành xử như thế thì hơi phân biệt. Tôi có theo dõi tình hình người Chăm,có nhiều điều trớ trêu. Ví dụ người Chăm ở nước ngoài sanh ra nhiều tổ chức chống nhau. Có tổ chức có 2 người thôi mà cũng gọi là quốc tế international. Rồi có cuộc họp ở Mã Lai Á có hơn chục người mà toàn là Chăm cũng kêu là Hội thảo ngôn ngữ học quốc tế. Cái gì cũng international cả thôi. Hay trí thức người Chăm hiều chữ quốc tế khác nhân loại? Xấu hổ quá đi.
Ở ngoài đó thì không nói gì,vừa rồi tôi đọc thấy một nhóm người Chăm ở trong nước in sách cũng lại gọi hội nghị đó là QUỐC TẾ!!! Tôi biết có hội thảo khoa học do người Việt hải ngoại họ tổ chức gần 100 chuyên gia có mời gần nửa số đó là người nước ngoài nữa,vậy mà họ có kêu đó là quốc tế đâu.
Trình độ người Chăm tới đó,mà đâu thấy nhà thơ phê bình.
Tôi thấy nhà thơ Inrasara phê bình dũng cảm lắm. Nhiều nhà văn người Việt đã nhận định như vậy về anh. Nhưng anh chỉ dũng cảm một nửa thôi!!! Do anh sợ mất lòng người Chăm. Chứ trình độ như anh thì mấy vụ đó coi như nhẹ.
Chắc ông nhảy nhép này muốn bi đập như Nguyễn Thành Thống rồi.
Ông có thể viết quá 100 chữ về văn hóa Chăm không mà nói là hiểu về Chăm?
Hội thảo về ngôn ngữ Chăm thì mời bao nhiêu giáo sư tiến sĩ người Việt?
Mời mấy ông này tới thì tốn kém chứ có ích gì? người Việt mời mấy chục ông thế giới tới đề bàn về chữ viết mà mấy ông đã vây mượn của người Mường ah?
Ông mà nói thêm nữa là công an bắt ông đó ong Sáng nhảy nhép ah.
Tôi không hiểu sao nhà thơ Inrasara lại đăng còm này (còm của Harayatha ở mục: Lễ Tẩy trần tháng Tư) lên trang mạng rất lành mạnh của mình. Tôi nói rõ lại:
+ Thứ nhất tôi là Chăm, chớ không là dân tộc nào khác để anh Hara phân biệt. Phân biệt dân tộc là xưa rồi, Diễm.
+ Thứ hai, chuyện của ông Thống qua lâu rồi, sao lại đưa tên ông vào bài của anh? Anh không tôn trọng con người là vậy.
+ Thứ ba, tôi đâu bảo phải mời mấy ông giáo sư Việt đâu! Tôi cũng không biết ai hiểu chữ Chăm để giới thiệu. Nhưng kêu đó là international là hỏng to. Thế giới họ gọi đó là cuộc Họp nhóm mà thôi.
+ Thứ tư, anh Hara dùng từ “nhảy nhép” dù chưa biết tôi bao nhiêu tuổi. Rồi dọa công an bắt tôi nữa! Ui thôi, nếu anh mà làm phó chủ tịch Xã thôi chắc anh đã bắt rất nhiều người rồi đó. Hay nhỉ!
Bốn điều đó, nên tôi trách anh Inrasara là chính, chứ tôi với anh Hara chưa biết mặt biết tuổi nhau mà.
Tôi nói thêm về QUỐC TẾ.
+ Họp hành gì đó từ 20-30 người thì người ta kêu là Bàn tròn hay Bàn vuông chi chi thôi. Nhà thơ Inrasara từng tổ chức nhiều bàn tròn như thế từ Bắc tới Nam. Có một bận anh làm cái bàn gồm 70 người toàn người Việt đến từ 12 nước khác nhau đến, thảo luận về hậu hiện đại chi chi đó, nhưng có ai kêu quốc tế đâu! Vẫn là Bàn tròn văn chương.
+ Ở Hà Nội vừa qua tổ chức ra mắt sách nhà thơ danh tiếng của Mỹ khoảng 50 người dự, có chục ông Mỹ và Đức tới nữa. Họ cũng gọi nó là Tọa đàm nội bộ. Còn nếu Hội thảo mời được lối 20 nước nữa tham gia, thì là Hội thảo Việt Nam mở rộng, như Giải Tennis Úc, Pháp… mở rộng vậy. Tôi có hỏi một nhà văn, ở Việt Nam chỉ có một lần duy nhất gọi là Hội thảo văn học quốc tế, khi ấy có trên 100 nước đến Việt Nam. Hội nghị có trên 300 đại biểu.
Không phải bởi người Chăm mình ít nên chỉ có bấy nhiêu. Mà tôi mong bà con Chăm mình biết mình biết ta hơn, mà kêu cho ĐÚNG tên gọi hơn mà thôi. Thế giới đâu phải chỉ có Chăm mình thôi, mà người ta dòm vào, người ta cười cho. Nêu lên 2 ví dụ để thấy người ta kêu đúng. Không phải họ khiêm tốn đâu, mà họ kêu vậy là đúng.
Còn mình thì… Thôi không nói nữa, kẻo Hara báo công an thiệt thì phiền tới nhà thơ Inrasara.
Tôi viết dài rồi. Thế là tôi dại.
Góp ý lần nữa: nhà thơ Inrasara nên biên tập mấy chữ không hay.
Trần Sáng bình luận về tên “hội thảo quốc tế” là đúng.
Nhưng ngôn từ của anh rất sai (ban đầu). Ông viết: “Hay trí thức người Chăm hiều chữ quốc tế khác nhân loại? Xấu hổ quá đi.” Vậy mà ông trách Inrasara không biên tập ngôn từ không hay!
Harayatha sai ở chỗ “công an”. Sao lại phải mang công an vào chỗ ta đang bàn về văn hóa nhỉ? Tôi đồng ý với ông Trần Sáng là vụ ông Ng Thành Thống qua rồi thì thôi.
Chúc các bạn vui vẻ
Viết thêm: Ông Trần Sáng còn sai chỗ cho Inrasara phân biệt, khi anh chỉ phê bình giới văn chương VN mà bỏ qua phê bình Chăm. Đó là do ông chưa theo dõi kí. Mà anh Inrasara sống trong xã hội VN hoạt động lĩnh vực anh ta thì anh ta bình luận là chuyên đương nhiên. Không có chi để gọi phân biệt cả. Tư tưởng anh Inrasara đúng là vậy.
Xin lỗi quý bà con và bạn đọc
Do Computer và vài trục trặc nhỏ, cho nên vài “Phản hồi” nhảy cóc hơi khác lạ.
Dĩ nhiên tất cả ý kiến đều được tôi cop lại nguyên văn, để phòng bất trắc.
Nếu có thấy vài hiện tượng lạ, quý bà con và bạn đọc mách giùm.
Đwa karun & Thuk siam
Sara
Hình như chúng ta đang đi chệch hướng của phê bình.
Có lẽ xuất phát là từ lời bình luận của Nguyen Dung, khi anh cho rằng Sara quá đỗi dè dặt, coi thường, một đằng một nẻo, ngại va chạm… Tất cả là những dấu chấm hỏi, nhưng có vẻ Trần Sáng xem nó như là một thực tế và chuyển thành dấu… chấm, khẳng định rằng: “đâu thấy nhà thơ phê bình” và kết luận là Sara nửa vời.
Có thật là Sara chưa nói gì? Từ thời Chamyouth, Tagalau mới chớm, cho đến các tác phẩm tiểu luận văn hoá xã hội Chăm hay trên web này? Sao vội vàng khẳng định về một con người chỉ vì vài dòng viết của người khác hay vì vô minh của bản thân?
Hãy giữ tinh thần điềm tĩnh và khách quan, cộng thêm một chút nghiên cứu cho bản thân mình, chúng ta sẽ hiểu những lời bình luận thiếu suy xét hơn, hiểu nhà thơ hơn, mà không cần phải viết hay giải thích gì nhiều.
Test message
Luận điệu của ông Sáng hôm nay nghe dễ chịu và nghe đỡ hơn nhưng cũng còn gây gắt với cá nhân tôi mặc dù ông là người đã có những lời không có tính chất xây dựng dân tộc mình. Đoạn sau nghe dễ chịu hơn và đúng là có tinh thần xây dựng.
Cái gì cũng vậy phải có tính chất xây dựng dù ông là Chăm hay Kinh.
Dù ông giàu có, thông thái, lớn tuổi… hay gì gì đó thì kệ ông, đừng cho mình phỉ báng người khác.
Bản thân tôi bộc trực, thấy ai nói không tốt dân tộc mình thi tôi không bỏ qua chắc đó là điểm yếu của tôi.
Vụ ông NTT tôi nhắc lại là để mọi người cùng tránh (cả Chăm lẫn Kinh), tôi thấy chẳng có lý do gì để ông nói tôi không tôn trọng con người.
Còn phó chủ Xã thì em ruột tôi đang làm, nó làm tốt lắm. Dân mến, dân tin.
Còn vụ “công an” là tôi tưởng ông là người Kinh và phản pháo lại vấn đề “lịch sử” nên nhắc nhở trước.
Nếu tôi có sai thì cũng xuất phát từ luận điệu của ông, ông đừng trách tôi, trách người khác mà nên tự trách mình.
Ông Trần Sáng đích nhân là xúi quẩy.
Anh Harayatha hoặc anh em khác đừng lầm về cường điệu của ông Trần Sáng vì có thể lúc trầm lúc bổng đấy! Thật lòng tôi không muốn web của anh Sara có những tranh luận không hay, nhất là chuyên mục văn học nửa, nhưng nếu anh đã khách quan hay để lọt sàng cho Trần Sáng vô tư nhạo báng Chăm như thế thì hãy khách quan với tôi để có đôi điều với Trần Sáng.
Qua các comment của Trần Sáng, tôi thấy rõ hai cường điệu và mục tiêu rõ ràng của “nhà văn” này xin được làm rõ:
– Comment thứ nhất ông quan tâm đến văn học, cụ thể là vấn đề phê bình văn học của Sara. Tôi thấy tất cả ông cho là đúng và tâm đắc… Trần Sáng không đi tiếp v/đ văn học mà chỉ dừng lại ở đoạn tân bốc Sara để chuyển hệ một cách lạc đề, thô thiển và ấm ức sang mục tiêu là xúi quẩy Sara (tất nhiên không dễ gì) đến v/đ chẳng liên quan gì đến chuyên mục này bằng comment thứ hai.
– Comment thứ hai Trần Sáng xúi một cách thô thiển rằng: “Theo tôi nếu nhà thơ hành xử như thế thì hơi phân biệt. Tôi có theo dõi tình hình người Chăm,có nhiều điều trớ trêu”… Đại ý của TS rằng nếu Sara không “xử” nhóm trí thức đồng tộc mình thì Sara là người phân biệt. Đến đây mới thấy TS đích nhân là xúi quẩy. Đúng đấy Trần Sáng ah, ông là người “THEO DÕI TÌNH HÌNH NGƯỜI CHĂM” như ông đã nói chứ ông không phải là người quan tâm đến văn học đâu, tôi biết. Không những thế ông còn theo dõi các tổ chức người Chăm ở nước ngoài nửa cơ! Nực cười thật “nhà văn” TS ah! Thử hỏi “nhà văn” TS theo dõi những chuyện phải nói là không hay đó để làm gì nhỉ? Chắc để làm thơ chắc! Thôi, cảm ơn và xin miễn nhé!
Tên Sáng họ Trần nhưng xưng “tôi là Chăm” để ngạo mạn nhạo báng người Chăm: “trí thức người Chăm hiểu chữ quốc tế khác nhân loại? Xấu hổ quá đi”. Trần Sáng dấu đầu lòi đuôi (xưa rồi Diễm!) để khoác lác so sánh các tổ chức của người Chăm với các tổ chức của người Kinh để làm gì nhỉ, thưa ông Trần Sáng? Người Kinh mà đọc thấy ông viết thế này chắc họ không bảo là ông thiếu tế nhị đâu! mà là hồ đồ đấy, thưa ông.
Nói tóm lại, Trần Sáng không nên lợi dụng chuyên mục văn học của Sara để làm rối reng và mất đoàn kết trong cộng đồng người Chăm. Ông đích nhân là xúi quẩy đó, ông lu bu bấy nhiêu đấy đủ rồi, stop here đi nhé!
Bận việc quá, tạm biệt thôi!
Người Chăm cãi lộn cùng người Chăm… ai hưởng lợi?????
– Putrachampa nói cãi lộn là không đúng đâu.
Nêu ra vấn đề và trao đổi thì rất ích, miễn là biết tiết chế. Và tôi nghĩ nhà thơ Inrasara biết làm sao đừng quá đà. Các bạn không đọc kĩ nhà thơ Inrasara thôi. Anh nói anh không trao đổi với người Chăm nữa.
– Anh nói rõ rồi. Ông Trần Sáng không biết, chứ anh Inrasara đâu sợ rồi thành này nọ… với phân biệt Việt Chăm.
Theo tôi, anh già rồi. Sắp thành… già làng rồi.
Già làng thì hoặc anh cố chấp và độc tài. Ông… thì có xu hướng như thế.
Có xu hướng yếu đuối, sao cũng được, xử thì mong xử hòa, anh Inrasara xu hướng sau.
Tôi xin lỗi về câu: “Hay trí thức người Chăm hiểu chữ quốc tế khác nhân loại? Xấu hổ quá đi.”
Không phải vì tôi sai, mà vì nói vậy là không phải. Từ nay tôi đề nghị dùng chữ HỌP NHÓM cho cuộc “hội nghị quốc tế” đó là đúng lý lẽ hơn cả. Dù sao lần nữa tôi thành thật xin lỗi anh Inrasara và độc giả trang mạng này vì quá lời.
Nói vậy là để cho các tổ chức của người Chăm khác ở hải ngoại bỏ chữ international đi. Kì lắm.
Tôi biết còn có vài tổ chức như vậy, có 2 người thôi nhưng cũng quốc tế. Nói tên ra thì mất lòng.
Còn Hara bảo là “ai nói không tốt dân tộc mình” thì anh không bỏ qua, thì sai rồi. Như vậy là anh thích mật ngọt chết ruồi rồi. Vậy thì ta đâu cần bàn thêm chi nữa.
Phê bình một người Chăm hay phê bình một số người Chăm thì không giống với phê bình dân tộc Chăm. Một người nào đó hay một nhóm người nào đó không đại diện cho cả dân tộc. Không ai bầu họ cả. Nếu họ tự xưng họ đại diện là khờ khạo đó.
Tôi nhớ chính Inrasara từ chối mình là nhà thơ đại biểu dân tộc Chăm. Nói vậy là khôn ngoan. Tạp chí Tagalau cũng không đại diện cho người Chăm. Tôi đọc đâu đó thấy nhà thơ Inrasara cũng đồng ý là Tagalau không là đại diện. Chỉ khi nào tạp chí này hay thì nó sẽ có uy tín, bà con Chăm tin. Bà con Chăm gọi nó là đại diện.
Trả lời anh Jalo-panrang.
Nếu tranh luận gọi là xúi quẩy thì thôi không tranh luận nữa vậy. Thế là hết!
Tôi đâu có đi nước nào khác đâu, tôi cả đời ở trong đất nước nghèo và lạc hâu này. Nên tôi thấy người Kinh họ tổ chức với lại họ gọi như thế. Nhỏ thì gọi theo nhỏ, vừa thì theo vừa, lớn thì theo lớn, to hơn nữa thì mới quốc tế.
Thôi thì nếu anh Jalo muốn người Chăm mình kêu quốc tế cũng không ai bắt bỏ tù cả (tôi lấy ý của Hara). Vậy thì cứ kêu QUỐC TẾ đi cho đã!!!
Nữ đại biểu Quốc hội trong trang phục truyền thống
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/07/nu-dai-bieu-quoc-hoi-trong-trang-phuc-truyen-thong/
cãi nhau làm gì, có gì cho nhau Yahoo rồi PM chửi nhau. chửi như thế có người cười cho…
Sao gọi là cãi nhau nhỉ?
Tranh cãi gọi là xấu hổ, chứ “quốc tế” như trí thức Chăm hiểu ko xấu hổ sao?
Nếu xấu hổ 1 lần để khỏi xấu hổ nữa ko tốt sao?
Ông Sáng đã chịu hi sinh để từ nay ta ko nên “quốc tế” nữa. Phải nói là ông có công lớn!!!
Ramadan vui vẻ!
Nói như Jalo_Panrang “…dấu đầu lòi đuôi”. Xin lỗi Trần Sáng, ông hay (bà) có thể nói rõ thêm tại sao trong phản hồi của mình lại có tên tôi vào đó?
Lâu quá mới ghé lại. Nghe nói người Chăm mình đang bàn cãi rất xôm.
Đọc lướt qua thấy mình đang nói rất xa đề tài. Thế mà cũng hay. Thôi thì tôi cũng xen vào:
– Nguyễn Dung nói anh Inra bênh Chăm, đụng Chăm thì anh Inra nói nhẹ nhàng, còn với văn chương Việt thì anh không nể nang ai cả. Thế là có chuyện. Tôi thấy anh Nguyễn Dung đúng.
– Trần Sáng khen anh Inra về chuyện Inra phê bình nhà phê bình chỉ điểm PQT. Ý này đúng. Nhưng khi anh bình luận về chữ “quốc tế” do nhóm Chăm ở nước ngoài, có chỗ đúng và chỗ sai: anh phê bình như thế là rất đúng (tôi cũng nghĩ như anh nhưng tôi không dám nói); nhưng giọng điệu thì dễ mất lòng.
– Harayatha phản công, thế là anh Sáng xin lỗi ở khoản giọng điệu. Rất hoan nghênh anh về điều này. Nhưng anh Hara sai ở chỗ dùng chữ “nhãi nhép” với anh Sáng. Hara sai khi cho anh Sáng là người Kinh. Nếu anh Sáng là người Việt mà anh nói đúng, cũng phải nghe chớ.
– Ông Lưu Văn đồng ý về “quốc tế” với anh Sáng. Nhưng ông chê anh Sáng ở chỗ nói anh Inra chưa bao giờ phê bình Chăm. Japluai đưa ra vài dẫn chứng bênh Inra rất thuyết phục.
Vân vân…
Ý của tôi: bình luận trên mạng Inrasara.com rất hay và rất cần. Chưa thấy dấu hiệu đi quá lố. Tôi đồng ý với Japluai. Nói và biết đúng sai để vặn volume lại là tốt chứ sao. Có người còn biết nhận lỗi nữa (ví dụ anh Sáng và Hara).
Về Diễm, dường như anh là nhà thơ. Câu “xưa rồi Diễm” là thành ngữ Việt chớ đâu phải nhắc tên anh. Tôi đọc không thấy chỗ nào Trần Sáng “giấu đầu lòi đuôi” cả!
Phê bình văn chương là một việc hay nhưng quá phi thực tế. Vì sao? Nhìn vào thực tế các bạn sẽ nhận ra ngay,kể cả một người mù cũng có thể nhận ra! Đó là: xã hội của các bạn, dân tộc của các bạn, nền văn hóa của các bạn đang chết dần chết mòn. Các bạn liệu có nhận thấy?!
Đồng ý với Jadar.
Có một lần kia tôi bình luận là nếu nhà thơ chỉ chuyên tâm vào xã hội Chăm, anh sẽ vĩ đại. Rất vĩ đại.Nhưng anh ham làm nhiều nên bị phân tán.
@Jadar:
Tôi trích từ Hàng mã ký ức đoạn sau:
Đây không phải là chuyện của triết học. Để làm gì – triết lí, trong cuộc đời tai ương giữa thời đại thiếu tinh thần này? Hay phê bình hậu hiện đại, đâu phải thuần văn chương.
– Tại sao nhà thơ không lo tập trung cho nghiên cứu văn hóa Chăm, cho chính sáng tác của mình, mà tốn quá nhiều công sức cho phê bình văn chương đương đại Việt Nam? Một phê bình quá mới, mới cả với người Kinh. Có thể nhà thơ thích phiêu lưu tìm thách thức, khai phá tư tưởng mới mẻ hơn. Có cần thiết không, bởi chính việc làm đó nhà thơ đã gây ra không ít ngộ nhận, ngộ nhận rất tai hại cho bản thân nhà thơ?
Đúng lắm! Có lẽ hôm nay, tôi là người phê bình duy nhất về văn chương hậu hiện đại. Nhưng nếu vậy mà cho rằng phê bình hậu hiện đại không thổi ngọn gió hiu hắt nào đến [văn chương và xã hội] Chăm, thì lầm to.
Văn chương là một phần của cuộc sống. Phê bình văn chương hậu hiện đại, cách nào và phần nào đó, là nói cho văn chương và xã hội Chăm. Nó tác động đến sự nhìn nhận của cộng đồng khác về Chăm, trước mắt hay lâu dài. Phê bình hậu hiện đại còn ý hướng phá vỡ bức tường mặc cảm, mặc cảm hậu thuộc địa, mặc cảm thiểu số với tỉnh lẻ, mặc cảm phái yếu tòng thuộc (nữ), mặc cảm với chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Rời bỏ tinh thần dĩ Âu vi trung, tâm lí lệ thuộc, chối bỏ các đại tự sự từng/ toan thống ngự cuộc sống con người hay nền văn hóa ngoại biên, để mỗi cá nhân tự khẳng định vị thế của mình, mọi nền văn hóa nhỏ lẻ có tiếng nói của riêng mình.
Một suy tư như thế chắc chắn không tránh khỏi phản bác. Cả những phản bác nặng nề, phi lí và phi nhân văn nhất: Phản động, phản bội truyền thống quá khứ, xem thường văn hóa dân tộc, có ý đồ khích động, xu hướng vọng ngoại,… Dẫu sao, bên cạnh những phản bác hay tố giác, phê bình kia cũng đã nhận được bao nhiêu là tụng ca: Cây bút phê bình lỗi lạc, lí luận sắc sảo, lối phê bình mới mẻ, độc đáo và trách nhiệm, tư duy độc lập, phê bình mang tính phát hiện, luôn biết làm mới mình,…
Và Trần Sáng tui bữa nay thử bênh ông Inrasara:
– Jadar nói phê bình văn chương là phi thực tế! Hỏi có phi thực tế như vẽ, triết học hay hát hò… không? Hà cớ Cham ta bỏ hết món đó để 1, 2, 3 làm thực tế hết sao?
– Phê bình của ông Inrasara có phải là loại phê bình xoa dịu, bình tán không? Tôi còn thấy nó quá quyết liệt nữa là đằng khác nhé! Nó tấn công thẳng thứ phê bình “dối lừa” mà không sợ mất lòng ai, nó kêu đòi “phản kháng” trong văn học và “tự do” cho con người. Và nhiều nữa…
– Ông Inrasara mà phi thực tế? Bỏ mấy điều ông đã làm nghĩa vụ cho Cham đi. Bài “Ghi chép” mới nhất, ông nêu 3 vấn đề bự cồ (xin chưa bình luận đúng hay sai nhé): “Chục người Cham Bàlamôn theo Islam, – Nghĩa vụ quân sự đối với thanh niên Chăm – Vấn đề nhà máy điện hạt nhân vẫn cứ là ám ảnh không nguôi…”. Đó là 1 chuyện cũ mà mới, và 2 điều rất mới. Ông Inrasara là kẻ nêu ra đầu tiên.
Ông nhà thơ này còn quá cha thực tế nữa là khác!!!
Nói thêm nữa nè:
– Theo chủ quan tui, ông Inrasara đa tài. Mỗi món hỗ trợ bổ khuyết cho nhau.
– Rồi tui còn nhớ: ông ta nói và ông ta khuyến khích giới trẻ làm ngoài vòng Cham.
Xin lỗi, tôi thì ưa nói dài. Thành ra nói dại…
Một chi tiết không nằm trong bài viết, nhưng các bạn đã góp lời bàn, rất vui. Xin cho nói vài lời cuối:
Về tính “nổ” của con người, mời quý độc giả đọc qua đoạn văn của Nguyễn Văn Tuấn viết trên web nguyenvantuan.net, 4-8-2011:
Cũng cần phải nói thêm rằng không phải có chữ “national” trong danh xưng mới có tầm vóc quốc gia.
Đọc câu phát biểu mang tính khẳng định (của Đại học Quốc gia Hà Nội): “Trên thế giới cách đặt tên đại học và các trường thành viên rất đa dạng, nhưng những đại học có tầm vóc quốc gia thì bao giờ cũng gắn với từ quốc gia – national. Ví dụ: ANU (Australia National University), SNU (Singapore National University), SNU (Seoul National University)…” tôi thấy không đúng với thực tế. Chẳng hạn như Đại học Quốc gia Úc là đại học nhỏ, chỉ giới hạn trong một số bộ môn. So với các đại học lớn hơn và lâu đời hơn như Đại học Sydney, Đại học Melbourne, Đại học Queensland (tất cả đều không có danh xưng national) thì Đại học Quốc gia Úc chỉ là một viện tí hon! Cũng cần nói thêm rằng ở Anh, Mĩ, Canada, v.v. không có trường nào mang danh xưng national để mang “tầm vóc quốc gia” cả. Đại học Harvard, Yale, Oxford, Cambridge, Sorbonne, Toronto, v.v. đều không có tên national nhưng ai cũng biết uy tín của họ là tầm vóc toàn cầu chứ chẳng riêng gì trong nước.
Inrasara bình luận:
“Nổ” gần như là thuộc tính của con người.
Qua trích dẫn trên, ta thấy [Đại học Quốc gia Hà Nội] Việt Nam nổ, ngay cả [Đại học Quốc gia] Úc “tí hon” thế, cũng nổ! Dĩ nhiên Chăm mình thì nổ to hơn cả, bởi không dừng ở national, mà tận… INTERNATIONAL.
Còn khi người ta thực chất, như: Harvard, Yale, Oxford, Cambridge, Sorbonne, Toronto… thì người ta không cần… nổ.
Cũng là bài học đấy chứ nhỉ!
Mong bạn đọc không còm về chi tiết này nữa – Đwa karun!
Người Chăm chúng ta phải công nhận rằng: Họ là một dân tộc yêu văn chương, ca hát, nói chung là một dân tộc yêu nghệ thuật. Nhưng, ở đây tôi chỉ mong các vị gác lại một chút gì đó thuộc về văn chương để có thể nhìn thấu hơn vào tình hinh của “môi trường sống” của chính dân tộc chúng ta. Sự đe dọa của nhiều yếu tố, nhất là yếu tố con người đang dần dần đẩy chúng ta vào một con đường “tận thế”. Nếu thử nhìn lại cách sinh hoạt văn hóa của tất cả các palei Chăm, chúng ta sẽ nhận ra ngay thôi. Văn chương dù có bàn tới bàn lui cũng chỉ có nghe và cảm nhận chứ không giúp được hay cứu vớt cho dân tộc được.