Vietvan.vn thông tin sáng ngày 6-6-2011 tại khoa Sáng tác và Lý luận – phê bình văn học đã diễn ra Lễ bảo vệ tác phẩm tốt nghiệp khóa 10 (2007-2011). Tại hội đồng thơ, cùng với Giấc của Lữ Thị Mai, tác phẩm tốt nghiệp: Mục: xó xỉnh, cười của Du Nguyên đạt số điểm tuyệt đối (10 điểm).
Inrasara.com xin chúc mừng bạn. Dưới đây là toàn văn “BẠT” của Inrasara cho tập thơ: Du Nguyên, tiệm tiến mà vẫn quyết liệt:
Trong tiến trình của thơ Việt đương đại
, thơ của người làm thơ nữ thập niên qua đã làm cuộc nhập thế đầy tự tin. Nó là một phần không thể thiếu, khi thơ và người làm thơ ý thức góp phần mình vào việc giải trung tâm các sự thể trong cuộc sống, nhiếp dẫn văn chương phát triển theo hướng dân chủ. Trong đó, sự phi tâm hóa giới là một yếu tố cực kì quan trọng.
Khác với các bạn thơ cùng thế hệ ở miền Bắc: đằm tính, đĩnh đạc và cân đối ngay khi vừa xuất hiện, thơ nữ ở miền Nam hoàn toàn khác. Nó chông chênh hơn, nên nguy cơ thất bại lớn hơn. Hoặc từ phá cách lội ngược về phía ổn định; hoặc từ mực tím, áo trắng lớn dần lên để chín tới trên hành trình suy tư và viết
Du Nguyên bước đi giữa hai con đường ngược chiều đó.
Người đàn ông ấy nói lời yêu khi tôi cạn kiệt những sắc màu thiếu thắt
Người bạn ấy nói lời xin lỗi vì đã bỏ tôi lại
Khi tôi phải cảm ơn điều đó vì cho mình được nhấm nháp nỗi cô đơn
Kỉ niệm gọi quay về khi tôi chỉ còn mấy xu lẻ
Và tôi hát, bài hát tật nguyền
(“Lẻ.”)
Mối tình tật nguyền gây nên bao kỉ niệm tật nguyền, để trái tim tật nguyền cất tiếng hát lên bài hát tật nguyền.
… Tôi là kẻ khất thực đêm
Trắng tay đi yêu nỗi cô đơn không phải của mình.
(“Lẻ.”)
Nỗi cô đơn ngoại nhập, không là của mình. Nó cần bị phân hủy. Tôi phải tiêu hủy nó. Làm thế nào? – “Bào gọt tâm”, Du Nguyên nghĩ thế. Và thi sĩ này đã quyết làm thế.
Tôi nhặt lọn tóc đen cuối cùng tết bằng kỉ niệm
Và những khuôn mặt đêm lượm về trên phố
Cùng mùa thu vầng trăng hình như khuyết
Gửi vào số máy 09…015
“Tin nhắn gửi tới số 09…015 chưa thực hiện được”
(“Bào gọt tâm”)
Kỉ niệm và nỗi nhớ, kí ức với bao cảm giác êm ái cũ… đã mất không gọi lại được. Đường dây trống, thi sĩ đánh mất mình từ từ, tuần tự một. Bất khả phục hồi. “Tôi không nghe tim mình đập”, dù không nghe tôi vẫn biết mình còn hiện hữu. Nhưng rồi khi thời gian đã mất, cả “tôi” này cũng vắng mặt. Chỉ còn “T” và “…”. Lại lạ thay! Chính lúc đó, thi sĩ tìm thấy mình, tìm thấy giọng thơ đích thực của mình.
Thơ Du Nguyên chín và chững chạc ngay từ những bài đầu tay được đưa ra công chúng thơ. Nhưng đó là cái chín đã cũ, đã xưa. Nó thuộc giọng thơ những năm chín mươi của thế kỉ trước nơi đã in đậm dấu chân của những người đi trước, nay đã rất lạc thời. Du Nguyên cần “tìm mình”. Vượt qua chính mình cũ, để tìm lại mình. Đó là một dũng cảm hiếm có trong sáng tạo nghệ thuật. Nhất là với người làm thơ đang được đào tạo ở Khoa Viết văn hệ chính thống.
Du Nguyên không cắt đứt một lần cho tất cả. Không như đại đa số thi sĩ miền Nam thế hệ @ hay thế hệ hậu đổi mới, quyết nổi loạn lật đổ mọi bảo thủ và ngoan cố, để làm lại từ đầu từ ngổn ngang đổ nát, Du Nguyên chọn cho mình cách đi tiệm tiến.
Tôi cắt xén giấc mơ thành những mẩu nhỏ
Một, hai, ba, bốn, năm
Xới xáo vài ngăn trong chiếc áo ngoại cỡ
Đủ giấu mình vào trong
Rồi biến mất
Như chưa từng tồn tại
(“Thoại OOOXYZzzz…”)
Tiệm tiến nhưng không phải là thiếu đi sự dứt khoát.
Đêm
Tôi gom về những mùa gió vụn
Gõ
…
Cho nát vụn thêm
(“Những mẩu vụn của gió”)
Đó là điều khó. Từ bỏ một kỉ niệm làm thành định mệnh mình đã khó, từ bỏ quán tính thơ thì khó bội phần. Và lạ thay, nữ thi sĩ còn rất trẻ này đã làm được. Làm được ngay từ khởi đầu cuộc chuyển hướng. Chuyển hướng tạo được dấu ấn ngay ở tập thơ đầu tay: Mục: xó xỉnh, cười. Một chuyển hướng sẵn sàng cho một sáng tạo quyết liệt hơn nữa. Ở tương lai.
Sài Gòn, 17-4-2011