Người Chăm có thông minh không? – Thông minh & Sáng tạo 2

Người Chăm có thông minh không?

– Thông minh & Sáng tạo 2: Tự do khỏi những khuôn mẫu niềm tin xưa cũ

 

“Khi bạn đã ném bỏ hoàn toàn – không phải ném bỏ trong tâm trí, mà là hiện thực; khi bạn vứt hết mọi quyền uy tinh thần, gạt bỏ mọi nghi thức tôn giáo, những lễ bái và tín điều, là bạn đã giáp mặt với cô đơn, nghĩa là bạn chấp nhận xung đột với xã hội hiện tại. Bạn thôi còn là kẻ khả kính dưới mắt người đời. Bởi một nhân vật được cho là khả kính thì không thể tiếp cận với khoảng vô thỉ vô chung, cái bất khả lượng định hay thực tại hay Thượng đế, bạn muốn gọi bằng từ nào cũng được.”

So if we completely reject, not intellectually but actually, all so-called spiritual authority, all ceremonies, rituals and dogmas, it means that we stand alone and are already in conflict with society; we cease to be respectable human beings. A respectable human being cannot possibly come near to that infinite, immeasurable, reality (Krishnamurti, Freedom from the known).

 

Hết còn khả kính, – nói như Freud: khi đã “rời bỏ những niềm tin xưa cũ”, rời bỏ những bó buộc triền phược của quá khứ, ta thôi còn là con người khả kính dưới mắt thiên hạ người đời. Ta xung đột với xã hội, bị cô lập với thế giới xung quanh. Chỉ còn mỗi ta giáp mặt với nỗi cô đơn của định mệnh mình.

Là điều kiện tiên quyết sẵn sàng cho sáng tạo.

Dứt áo với vọi vướng bận cũ – đây là điều vô cùng khó khăn. Bởi con người vốn sợ hãi không là gì cả. Dù bao nhiêu cái “gì cả” đó đã từng đưa nhân loại chịu đựng bao nhiêu tai họa, lầm than; và đẩy chính bản thân hắn vào ngõ cụt. Hết còn bất kì cái gì để bấu víu: tôn giáo, quốc gia, ý thức hệ, và cả cộng đồng ta đang sống – hắn tự do. Từ nay, mỗi hành vi hắn là mỗi hắn tự chịu trách nhiệm. Hắn hết đổ lỗi cho Chúa, Phật, tổ quốc, cộng đồng, môi trường… Hết còn đổ lỗi cho truyền thống, huyết thống, di truyền,…

 

Bản sắc dân tộc là gì? – Không là gì cả! Dân tộc tính là gì? – Càng không là gì cả. Hắn biết đó chỉ là tưởng tượng do các học giả phóng chiếu từ tâm tưởng của họ, các nhà làm chính trị diễn giải từ lí tưởng của họ, không hơn không kém.

Bản sắc là một ý chí hơn là một thực tế.

Nói như sử gia Gérard Noiriel – chủ tịch CVUH-, không thể có định nghĩ khách quan về bản sắc dân tộc (il démontre qu’il n’existe aucune définition objective de l’”identité nationale”). Bản sắc dân tộc là một vấn đề sai lầm un faux problème. Nó luôn là cái gì mang tính áp đặt. Nó không là một khái niệm khoa học mà chỉ là một thứ ý hướng chính trị (À quoi sert l’identité nationale?, 2010).

 

Áo dài Việt hôm nay Việt Nam đang hãnh diện đó, cái áo dài Le Mur mới ra đời chưa đến thế kỉ ấy, xưa có phải là bản sắc Việt Nam không? Cả Thơ Mới, thứ thơ nhập khẩu từ Pháp, nhập từ thể thơ, lượng từ trong câu thơ, cách gieo vần cho đến  hệ mĩ học (lãng mạn và hiện thực) của Pháp, mà hôm nay đang dạy trong nhà trường đó, trước đó có là bản sắc Việt không?

 

Dù gì thì gì…

Ta = Bản sắc cũ – Ta là thứ văn bản được viết bởi cha mẹ ta, gia đình ta, nền giáo dục ta thụ hưởng, môi trường xã hội và tự nhiên ta sống, tôn giáo ta buộc phải chịu đựng…

Ta hiểu nó và rời bỏ nó + tiếp nhận cái mới

Ta = sáng tạo

Cái ta sáng tạo ra hôm nay, nếu nó hay, chính nó sẽ là bản sắc tương lai.

 

Hỏi còn ai trong Chăm còn dám tự nhận mình nắm chắc trong tay “bản sắc dân tộc” nữa không? Nói vậy không phải chúng ta không tìm bản sắc dân tộc nữa, mà hãy thật cẩn trọng khi xài đến dụng ngữ này. Và cần ứng xử với nó thật… thông minh.

 

Dân tộc tính cũng chẳng hơn gì! Einstein bỡn cợt: Nếu thuyết tương đối của tôi hứng minh được thì nước Đức nhận tôi là dân Đức, còn người Pháp cho tôi là công dân thế giới. Ngược lại, khi thuyết tương đối không thể chứng minh, người Pháp bảo tôi là người Đức, còn người Đức cho tôi đích thị dân Do Thái.

Cũng chỉ là một thứ áp đặt đầy bạo động.

 

Cả biện chứng pháp cũng chỉ là một tưởng tượng phi thực được các triết gia mang gắn vào lịch sử và nghĩ rằng thế giới xoay theo quỹ đạo mù mịt đó. Cả mấy hệ thống triết học nguy nga nhất, các học thuyết xã hội tưởng như khoa học nhất… cũng là thứ hư cấu trá hình.

Con người không thể nhìn thấu “sự thật” lịch sử. Chỉ nhìn theo cách thức mù sờ voi qua vô vàn mảnh ghép. Các mảnh ghép kia lại chịu sự tiếp nhận của trí thức chắp vá ta, bị hạn chế bởi môi trường tự nhiên và xã hội ta bị vây bọc, bị quy định bởi niềm tin và thiên kiến của ta, bị bóp méo theo ý hệ và quyền lợi của ta, cuối cùng bị diễn ngôn bởi ngôn ngữ tràn khiếm khuyết của ta. Không nhìn thấu sự thật lịch sử, sự thật tâm hồn con người, mỗi hệ thống là mỗi phiến diện và đầy bất toàn. Mọi hệ thống nào bất kì đều dẫn đến bạo động, ngu muội, và khốn khổ.

 

Hình tượng Khổng, Chúa, hay Đức Phật,… cũng chỉ là những tưởng tượng.

Đừng tin tưởng một điều gì vì phong văn. Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều người nói đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng. Đừng tin tưởng một điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào có uy tín của các thầy dậy. Đừng tin tưởng ngay cả lời ta nữa mà chỉ tin tưởng điều gì chính các người đã tự mình từng trải, kinh nghiệm và cho là đúng mà thôi” (Angutara Nikaya, Thích Đức Nhuận dịch).

Chính Đức Phật dạy thế!

 

Cắt đứt, rời bỏ, chối từ, chống lại tất cả,… hắn làm gì?

Làm sao bạn có thể như thế như thế mà bạn không chán nản bi quan yếm thế, không rơi vào hồ đồ, ngông ngạo, cuồng bạo, bạn không hư vô chủ nghĩa,… Nghĩa là bạn vẫn là Chăm? Vẫn có thể hành xử hòa bình, yêu thương và sáng tạo?

Freud đòi “rời bỏ những niềm tin xưa cũ”, Einstein cười vào mũi cái gọi là dân tộc tính, nhưng họ vẫn cứ là Do Thái? Krishnamurti cả đời đi ngược dòng giáo lí, tôn chỉ Bà-la-môn, Ấn giáo; mọi phát ngôn đều chống lại tất cả những gì tôn giáo Ấn Độ hằng tin tưởng và truyền dạy, nhưng thế giới vẫn coi ông là đại sư tiêu biểu nhất của… Ấn Độ!

 

Làm sao bạn từ chối mọi truyền thống Chăm, cắt đứt mọi ràng buộc tư duy cũ của Chăm mà bạn vẫn là Chăm? Câu hỏi chỉ đặt ra với kẻ chưa “thấy”.

– Khi đã “thấy”, bạn nhảy. Nhảy thẳng vào tự do. Chỉ khi tự do bạn mới giáp mặt với cái mới, bạn lao mình vào một thế giới vô nhiễm. Cô đơn trong thế giới vô nhiễm chính là sáng tạo.

Hỏi bạn có đủ dũng khí để nhảy không? Đây là điều vô cùng khó khăn. Nó đòi hỏi sự dũng cảm quyết liệt, tâm tinh tấn bất thối chuyển vô tiền [khoáng hậu]. Thấy rồi mới tìm. Bạn thấy và bạn lên đường đi tìm. Như Tất Đạt Đa đã thấy, quyết cắt rời, và dũng mãnh lên đường đi tìm.

 

Cắt đứt, rời bỏ, dứt áo, từ biệt… Đây là ý nghĩa uyên áo huyền vi của chủ trương từ bỏ “thế gian” của Đức Phật, hay nói như đại sư Bà-la-môn Krishnamurti: giải thoát tri kiến, tự do khỏi cái biết freedom from the known. Khi đã như thế như thế, bạn sẽ làm gì?

Câu hỏi xảy ra khi bạn chưa kinh qua khủng hoảng.

Nhìn sang phía sáng tac văn chương, tôi viết:

“Hời hợt tư tưởng nên khủng hoảng nếu có, chỉ là khủng hoảng bề mặt. Hệ quả là mỗi phản kháng chỉ là những thứ phản ứng lớt phớt, cạn cợt, rộ lên một hồi rồi thôi, không gì khác, không gì thêm. Như cây non vươn vội lên khoảng xanh, chỉ qua cơn nắng nhiệt đới đầu mùa, nó tàn lụi nhanh chóng. Tận sâu thẳm tâm hồn ta chưa xảy ra cuộc nổ lớn, để ta có thể phản tỉnh sâu và toàn diện, qua đó nhà văn đặt vấn đề trên nền tảng vững chắc hơn, đẩy vấn đề đi tới cùng hơn.

Bất tín đại học các loại, hỏi có nhà phê bình [tương lai] nào đứng giữa giảng đường phê phán chương trình lạc hậu kia và dũng cảm từ bỏ nó chưa? – Chưa! Hết còn tin tưởng vào sứ mệnh văn học, có nhà văn nào dám cắt đứt với văn giới, không thèm nhìn lại văn chương chữ nghĩa chưa? – Chưa! Hoàn toàn mất niềm tin vào cơ cấu xã hội hiện đại, có nhà thơ Việt Nam nào đã thắt cổ tự tử chưa? – Càng chưa bao giờ!” (Inrasara, “Khủng hoảng, phản kháng và dối lừa”, Tienve.org, 3-2011).

 

 

Tiếp theo:

Người Chăm có thông minh không?

– Thông minh & Sáng tạo3: – [Đam mê] Học để [đam mê] Sáng tạo

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *