Người Chăm có thông minh không? – Chuẩn bị cho thảo luận: Thế nào là thông minh 2


* Kiếm Carit, Photo Vũ Kim Lộc.

Người Chăm có thông minh không?
Câu hỏi đặt ra không phải để trả lời có hay không, mà đây là câu hỏi mở chờ đợi những luận giải… thông minh từ nhiều hướng.
Để đi vào thảo luận Thế nào là thông minh?, mời bạn đọc qua đoạn văn:

“Triết học Ấn Độ minh định rõ bốn cứu cánh hay mục đích đời người. Cứu cánh đầu tiên: Artha nghĩa là đại diện cho, thay thế cho, vì, nhằm vào, “là những sở hữu vật chất… để chu toàn những nghĩa vụ cuộc sống”. Bạn bị ném vào đời, hoàn toàn không do chọn lựa của bạn. Không ai hỏi ý kiến bạn trước: Nơi chốn và ngày tháng năm sinh. Bất ngờ có đó, không thể chối bỏ, bạn học cách chấp nhận nó. Bạn cần bảo toàn sự có mặt ấy, bằng thấu hiểu đối tượng bạn theo đuổi, phương tiên đạt đến nó nhằm thỏa mãn nhu cầu căn bản của cuộc sống bạn. Không thể khác. Kinh tế, chính trị, tòa án, công sở nằm ở khu vực này.
Ở một bình diện khác, Kāma hay dục, lòng ham muốn, “là sự khoái lạc và tình yêu thương”, là cứu cánh thứ hai. Bạn học cách thỏa mãn lòng ham muốn [dục tính] của bạn và người bạn tình. Bạn hãy biến chúng thành nghệ thuật, nghệ thuật yêu đương. Cao hơn, bạn nâng nó lên thành kinh – kinh dục lạc.
Nhưng nếu chỉ có thế, khốn khổ cho loài người biết bao: Bạn chỉ là thú vật đơn thuần không hơn! Sống là sống trong tương giao, với cộng đồng. Để tránh cho cộng đồng khỏi đổ vỡ, suy đồi, cứu cánh thứ ba: Dharma, nghĩa là pháp có mặt. Đạo sĩ Bà-la-môn khép mình vào khuôn khổ, tận tụy phụng sự công cuộc đó. Công cuộc gồm thâu mọi “bổn phận tôn giáo và đạo đức” với vô số khế ước xã hội và nghi thức cần tuân thủ.
Như thế vẫn là chưa đủ, cả “tam chúng” trivarga đó. Chúng chỉ là những “theo đuổi thế gian” với bao triền phược, bổn phận với nghĩa vụ, trách nhiệm và gánh nặng. Ở chặng cuối, đạo sĩ Bà-la-môn nỗ lực tự giải thoát để vươn đến cứu cánh tối hậu. Người Ấn sử dụng các hạn từ Mokça, apavarga, nirvrtti, và nivrtti để chỉ mục đích này. Chính tại đây, triết học Ấn Độ ghi nhận những thành tựu oanh liệt nhất trong lịch sử tri thức nhân loại.
Mokça, là “buông, thả, trả tự do, phóng thích; ra đi, từ bỏ, rời khỏi; hay apavarga, là “ngăn chặn, tiêu diệt, xua duổi; dứt bỏ, nhổ bật, bứt rời; hoặc nirvrtti, là “sự biến mất, sự hủy diệt, sự nghỉ ngơi, sự thanh tịnh, sự hoàn tất, sự hoàn thành, sự giải phóng khỏi sự tồn tại của trần gian; và nivrtti là “sự ngừng lại, sự chấm dứt, sự biến mất; sự từ bỏ, sự chừa bỏ, sự thoái vị; sự đình chỉ những hành vi hay cảm xúc thế tục; sự tĩnh lặng, sự cách biệt với thế gian; sự nghỉ ngơi, niềm hạnh phúc”.
Ở tận cùng của hành trình, khi đã tuyệt dứt mọi ảo tưởng, đạo sĩ Bà-la-môn là một thiện tri thức Kalyāṇamitra, hơn thế nữa – một người biết Paramārtha-vid”.
(Trích tiểu thuyết tự thuật: Hàng mã kí ức, đã in, phát hành đầu tháng 4-2011)

Đây là lối phân đoạn hành trình đời người theo triết học Bà-la-môn, tư tưởng ảnh hưởng sâu đậm đến truyền thống văn hóa Chăm và tinh thần Chăm.
Đầu tiên, tạm bàn về “cứu cánh tam chúng”, nghĩa là sinh phận con người với mục đích thế gian phải hoàn thành: TỒN TẠI.
Bạn sinh ra đời ở đó (làng Chăm), được/ bị đóng dấu là Chăm. Bạn không có quyền chọn lựa. Làm thế nào bạn có thể tồn tại trong môi trường xã hội đó? Hay khi dù bạn rơi vào hoàn cảnh éo le hoặc cam go tới đâu, bị đẩy vào môi trường thiên nhiên và xã hội chống lại thân xác bạn thế nào… vượt qua để sống còn và tồn tại, là bạn đã thông minh.
Sống trong rất nhiều môi trường tự nhiên và văn hóa khác nhau, bị phân biệt đối xử, bị đàn áp và khủng bố, dân Do Thái vẫn sống sót và tồn tại – họ thông minh.

Thử xét 2 điển hình phổ phiến ở xã hội Chăm.
Mới hơn nửa thế kỉ trước, chuyện một bà “ba Tàu” thất học đơn độc lạc bước vào làng Chăm chỉ với cây đòn gánh với hai cái thúng; bị chọc quê, bị rầy la hay phá phách đủ thứ, bà cứ vâng vâng dạ dạ; để rồi 5-6 năm sau thôi, bà đã là người giàu nhất làng Chăm đó; đến nỗi hầu hết bà mẹ Chăm chạy bữa phải qua lụy bà – là hiện tượng rất phổ biến.
– Bà đã sống sót được, và tồn tại rất oách nữa, bà già Tàu đó thông minh.
Sinh viên Chăm tốt nghiệp kĩ sư hạng khá. Ra trường có việc làm ngay. Anh được phân công tréo chuyên môn, làm ba tháng anh bỏ. Công ty khác tuyển, ở đó người điều hành anh chỉ mới qua Trung cấp; tự ái – anh bỏ sau chưa đầy tháng. 4-5 công sở và công ty như thế, cuối cùng nửa đời hư, anh vẫn là kĩ sư tập sự, lương vẫn là đồng lương ban đầu.
Tại sao anh không luyện tinh thần chịu đựng, chịu đựng tập sự để trì trì tấn tới, từ nhân viên quèn đến phó Phòng, lên trưởng Phòng rồi phó Giám đốc và cuối cùng là Giám đốc – biết đâu…
– Thái độ anh hùng như vậy, chàng trai Chăm có học hành đàng hoàng ấy có thông minh không? Có thông minh bằng bà già Tàu thất học trên không?
Đừng vội trả lời. Hãy để câu hỏi đó mở ra với bạn thôi.

Qua phân tích, có thể phân cấp sự tồn tại qua mấy bậc sau:
1. Tồn tại để sống qua, để thân xác ta có mặt trên trần gian.
– Tồn tại, nhưng phải “sở hữu vật chất để chu toàn những nghĩa vụ cuộc sống”: bạn phải biết luyện thân thể bạn sao cho nó “đủ khả năng vượt qua biển đời”, bên cạnh biết học làm ra tiền để tự nuôi thân bạn.
– Tồn tại bản thân chưa đủ, bạn còn trách nhiệm tạo ra các tồn tại khác để kéo dài nòi giống: bạn phải lấy vợ, sinh con đẻ cái, và làm việc để chu toàn bổn phận chủ hộ của bạn.
– Tồn tại để phụng sự cộng đồng, gồm thâu mọi “bổn phận tôn giáo và đạo đức”.

Ở bậc tồn tại cuối cùng này, ta xác minh được ý nghĩa của
2. Tồn tại có bản sắc
Tại sao? Bởi nếu bạn sinh con đẻ cháu đầy đàn, nếu bạn giàu có, giỏi giang mà bạn không xác định mình là Chăm – thì vô nghĩa. Có thể ở một hoàn cảnh nào đó, bạn thể hiện sự lanh trí bằng cách chối gốc gác mình để “sống sót”, thì không sao. Bạn còn được gọi là thông minh nữa. Nhưng khi bạn đã qua cơn “sống sót” mà bạn đánh mất cả bản sắc mình – bạn đã đủ thông minh chưa?
Bạn tự nhận là công dân thế giới ư? – Được, nhưng chuyện này ta sẽ còn bàn tiếp…

Qua trận bão táp lịch sử, không ít Chăm đã sống sót, đã tồn tại. Nhưng tồn tại như thế nào? Hỏi có bao nhiêu Chăm đủ giàu có để có phương tiện làm cuộc trở về nguồn cội? Có bao nhiêu Chăm còn nhớ nguồn cội để trở về? Và có bao nhiêu Chăm nhận ra rõ ràng nguồn cội đích thực của mình?
Người Chăm có thông minh không?
Câu trả lời vẫn còn bỏ ngõ…

3 thoughts on “Người Chăm có thông minh không? – Chuẩn bị cho thảo luận: Thế nào là thông minh 2

  1. Chào anh Inrasara và mọi người!

    Tôi mới và đang tìm hiểu để cảm nhận mọi vấn đề về Chăm chỉ qua thông tin (còn hạn chế). Nên tham gia đóng góp những suy nghĩ hiện tại nhớ được vào đề tài này cho thêm phong phú.

    Về tiêu chí thông minh,hiện nay trên thế giới họ đưa ra các chỉ số:
    1. IQ – chỉ số tư duy logic của khoa học (đại diện các nhà toán học)
    2. EQ – chỉ số cảm xúc của nghệ thuật (đại diện các diễn viên điện ảnh)
    3. SQ – chỉ số liên kết độ rộng, bao trùm, khái quát, toàn thể, năng động (đại diện các nhà lãnh đạo )

    Còn áp dụng vào cuộc sống, vào hoàn cảnh, vào lịch sử cụ thể theo 3 chỉ số đó thì sao?

    Còn bản sắc – cội nguồn – trung tâm – nhất thể – thái cực – sáng tạo – thần minh – trực giác – minh triết……có tương đồng? có bao trùm và vượt trên 3 chỉ số trên?.

  2. Ban toi doc ban comment nguoi Cham co thong minh khong, roi chot cuoi mun min mot minh.
    Toi hoi ban toi: doc gi ma cuoi mot minh vay?
    Ban toi tra loi:
    Inrasara noi xa, noi gan ve nguoi Cham co thong minh hay khong? cuoi cung Inrasara co ngu i la Inrasara thong minh nhat cham.
    Do la li do ban toi vua doc vua cuoi mun min cho cai thong minh cua Cham.
    Cham ta hien nay nhieu ke khoi hai that.

  3. Bạn Tamthuc quý mến

    Cám ơn bạn. Nhiều ý kiến bạn nêu ra rất đáng quan tâm. Có lẽ chúng ta còn gặp nhau dài dài.
    Comment của bạn vừa rồi, ta sẽ bàn vào đoạn cuối trong các bài Người Chăm có thông minh không?
    Ở loạt bài này, tôi chỉ đề cập đến “tam chúng” hay ở mục “hình nhi hạ”, của “cõi người”, ta muốn dùng từ nào cũng được – tùy. Tam chúng đó muốn đưa cái nhìn toàn cục của một cộng đồng, chứ không nhấn vào cá nhân nên ta chưa chia thông minh thành các khoản như bạn đề cập.
    Ví dụ: Cộng đồng Chăm ở Ban Khrua – Bangkok, Thái Lan có khoảng 8000 người. Làm sao khối cộng đồng đó bật lên vài nhân vật (nhiều càng tốt) THÔNG MINH để:
    – tồn tại
    – tồn tại có bản sắc
    – tồn tại và sáng tạo. Chính ở phần sáng tạo này, ta sẽ triển khai phần mục bạn yêu cầu. Gồm: thông minh sáng tạo khoa học – thông minh sáng tạo văn học nghệ thuật – thông minh tổ chức (lãnh đạo) môi trường cho cộng đồng sáng tạo cao hơn nữa…

    Cuối cùng là YÊU THƯƠNG, chính là đỉnh cao của thông minh (thông minh của từ bỏ ‘thế gian’, của “hình nhi thượng”, “siêu việt giới…).
    Trích tặng mọi người đoạn văn này của Krishnamurti trong Freedom from the known:
    For what is he to do? If something is you, what can you do? You cannot rebel against it or run away from it or even accept it. It is there. So all action that is the outcome of reaction to like-and dislike has come to an end.
    Then you will find that there is an awareness that has become tremendously alive. It is not bound to any central issue or to any image – and from that intensity of awareness there is a different quality of attention and therefore the mind – because the mind is this awareness – has become extraordinarily sensitive and highly intelligent.

    Thân mến

Leave a Reply to Thieu Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *