Ariya Bini – Cham, một tình ca bất hủ bị thất truyền

Tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1, 1994.

Trong dòng văn chương trữ tình, ba tác phẩm Ariya Bini – Cham, Ariya Cham – Bini, và Ariya Xah Pakei là ba thi phẩm đã xác lập thế đứng của mình trong dư luận quần chúng Chăm. Thế nhưng, tác phẩm dài hơn cả, và theo chúng tôi có giá trị hơn cả lại là tác phẩm ít được phổ biến nhất: Ariya Bini – Cham.
Tác phẩm có lẽ được sáng tác vào khoảng thế kỉ XVIII. Các sự kiện và nhân vật lịch sự thời Po Rome như Bia Ut (công chúa Ngọc Khoa), Xah Bin (một vị tướng của Po Rome), Bal Debare (thủ đô Champa ở Chung Mĩ) được ghi nhận chứng tỏ tác phẩm ra đời sau thời Po Rome (1651), thời vương quốc Champa lóe sáng một lần cuối cùng để rồi dần dần hòa nhập vào lịch sử Việt Nam.
Đứng về khía cạnh thuần văn học, trong lịch sử văn học Chăm, Ariya Bini – Cham đã đóng một vai trò quyết định. Thể thơ được sử dụng trong thi phẩm này đã tạo một tiền đề quan trọng cho sự phát triển cho thể thơ lục bát Chăm. Nó đã bước ra khỏi căn nhà truyền thống để đi sang ngôi nhà hiện đại. Chính hành động “đi” này, một nghệ thuật mới đang hình thành, và nó đã thành tựu nơi Ariya Bini – Cham, đã tạo một hiện tượng độc đáo. Có một không hai trong nền văn học Chăm(1).
Ngay cả lối cấu trúc tác phẩm cũng là một hiện tượng vô tiền khoáng hậu.
Qua cuộc tình một chiều của một hoàng thân Chăm với một nàng công chúa Islam đến từ Mưkah (La Mecque), nhà thơ đưa chúng ta đi dọc suốt giải đất miền duyên hải nhỏ hẹp, đau khổ và huyền bí; miền đất gần 17 thế kỉ vương quốc Champa ngự trị. Từ Harơk Kah Harơk Dhei (Quảng Bình) đến Bicham (MaLâm) qua các kinh đô cổ kính: Sribanưy (Bình Định) Hanguv (Quảng Nam) Hangwei (Quảng Ngãi) Bal Huh Bal Lai (Tuy Hòa), các kinh thành đổ nát: Debare (Chung Mĩ) Nha Trang…; các di tích lịch sử ghi dấu một thời: Tháp Po Klaung Garay, Tháp Po Dam, núi Po Nai…” theo dấu chân voi của nàng công chúa Bini và dấu chân ngựa của Hoàng thân Chăm được khút xạ qua lăng kính kí ức của anh chàng si tình đang tuyệt vọng, nên thời gian và không gian hoàn toàn bị đảo lộn. Đây là một nét độc đáo khác của thi phẩm.
Thời gian và không gian lướt qua nhanh, nhanh như kịp cho chàng đau khổ, nhanh đến ngỡ ngàng:

Nai mai mưng Mưkah
Blauh takai nai dơh Harơk Kah Harơk Dhei
Nai nau tơl Pajai
Mưng lơmngư Pajai nai jauh akauk sơng
Darak dih pur wang tơl
Riyak har har gilai nai layơm thiap
Wơy gilai rayar layơm thiap
Gilai yung ralap krưh bathak jallidi
Kaung ba nai mưlơng bimi
Nau lihik di mưta chơk sucar
Em đến từ La Mecque
Rồi em dừng chân nơi núi Harơk Kah Harơk Dhei
Em về tới MaLâm
Từ Malâm cảng em trở về quê hương
Biển đông chập chùng
Sóng rì rầm đẩy cánh buồm em đi xa
Ơi cánh buồm mờ xa!
Cánh buồm như cánh mối giữa trùng dương
Cánh buồm mang người tình đẹp xinh
Đi khuất khỏi tầm nhìn xứ sở

Chàng đã mất nàng thật sự rồi. Chàng đang ngồi một mình giữa bãi biển vắng lạnh. Trước mặt là trùng khơi với bọt sóng trắng xóa. Sau lưng là núi rừng đang trổi lên khúc nhạc buồn. Ngày đang tắt. Và ánh trăng đã nhô lên từ phía chân trời.
Than ai rabbah ke tavak takai nai
Quê hương đau khổ khôn cầm bước em

Nghĩ thế, chàng thẫn thờ lên đường trở về. Ngựa đưa chàng trở về Bal Chaung – quê chàng. Đến đây cấu trúc của tác phẩm đã dời bình diện: từ thực tại sang kí ức-hồi tưởng.
Chính từ nơi quê nhà, vị hoàng thân Chăm mới có dịp hồi tưởng lại (hơn ba phần tư tác phẩm) chàng đã theo đuổi nàng công chúa xa lạ ấy như thế nào, đã ôm ấp trong vòng tay tấm thân ngọc ngà của người con gái ấy như thế nào, và đã phải đau khổ như thế nào khi phải chứng kiến những cảnh nồi da xáo thịt giữa hai tôn giáo của dân tộc trong suốt chặng đường đi dọc miền đất quê hương. Để đến lúc này, chàng mới khám phá ra rằng mình vừa đánh mất tất cả: bạn bè, cha mẹ, người tình, và lớn hơn cả – Tổ Quốc:

Kuv yuv urang lihik phik
Abih tamư sang mưgik gilac duh bimong yang
Tanưh riya kuv Pangdarang
Calah grơp jalan dhwan bol bhap uranam
Kuv dauk hagait dalam tangin
Yaum sa drei chiim pơr tamư praittik
Ta như kẻ mất hồn
Hết vào thánh đường lại lên đồi tháp
Pangdarang ôi đất nước
Tan nát rã rời con dân lưu lạc
Khắp phương trời
Ta còn gì trong tay
Một con chim cô đơn bay vào vũ trụ

Một con chim cô đơn với trái tim rớm máu đã hát lên những khúc yêu thương. Con chim chết đi nhưng tiếng hát còn lưa lại với một dư âm trầm buồn trải dài, trầm buồn như khi nó bắt đầu, rồi xuyên suốt thi phẩm để cuối cùng chín rụng ở câu sau cùng: Một con chim cô đơn bay vào vũ trụ.
Đây là một cuộc tình lớn và một tấm lòng lớn. Thi phẩm mang chứa những yếu tố nhân bản và có một giá trị lịch sử nhất định. Riêng về mặt văn chương, nó phải được đặt hàng đầu. Tiếc rằng, Ariya Bini – Cham nay đã thất lạc. Thi phẩm được nhắc đến trong quần chúng Chăm như là một huyền thoại hơn là một thực tế. Người ta nói đến nó, biết là tác phấm đã xuất hiện, nhưng không ai biết là người nào đang sở hữu nó cả(2).
Như vậy, bổn phận của chúng ta hôm nay là phải đi tìm nó, như là tìm Cái Đẹp, đẹp khu vườn văn học Chăm nói riêng và cả nền văn học Việt Nam nói chung vậy.
Sài Gòn, tháng 9-1993.
________

Chú thích
(1) Xem Văn học Chăm, Inrasara, sắp xuất bản.
(2) Người viết rất may mắn được đọc thi phẩm này từ bản chép tay của cụ Thang Tiơng (Mĩ nghiệp) ghi năm 1903.Thi phẩm dài 1.300 câu đơn, nhưng lúc này bản thảo đã bị thất lạc và người viết chỉ còn giữ 700 câu. Phần giữa của thi phẩm chủ yếu mô tả cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước thì đã mất. Rất mong rằng, khi bài viết này ra đời, sẽ có độc giả quan tâm đến văn học Chăm đang giữ thi phẩm trong tay, công bố nó trong một tư liệu riêng, hay trực tiếp biên thư cho người viết, hầu hết văn học Chăm không bị mất đi một viên ngọc quý vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *