Bức tâm thư gởi Trạm

Lời Inrasara:
Đây là bức thư viết tay của ông anh họ xa. Bức thư riêng có đề cập nhiều vấn đề. Thư cho một nhà văn nên nó động cập đến nhiều cái chung. Bức thư có ý tưởng “lành mạnh” được viết rất cẩn thận. Được ông anh cho phép, tôi xin mạo muội đăng lên Inrasara.com để bà con đọc và suy ngẫm. Thư không có sửa đổi, chỉ lượt bớt mấy chuyện riêng tư, bỏ đi các ví dụ tên tuổi cụ thể dễ gây ngộ nhận.


* Kể Damnưy với trẻ Chăm – 2001.

Ninh Thuận ngày 7 tháng 12 năm 2010.
Trạm mến!
Nhiều lần muốn viết thư cho Tr lắm, nhưng anh cứ ngại. Lấy cớ gì để viết đây? Tán chuyện xã hội thì anh em mình đã tán nhiều rồi, nhưng anh muốn nói qua thư, nói về nhiều việc. Để chính anh còn suy nghĩ về sau. Rồi sẽ xưng hô thế nào đây? Gọi em xưng anh thì e không phải phép, bởi dù sao Tr đã là nhà thơ – học giả tiếng tăm. Còn gọi là nhà thơ xưng tôi, thì quan cách quá. Thôi thì tạm thời làm như xã hội Chăm ta. Có gì mong em cho qua.
Anh có biết ít nhiều về sinh hoạt xã hội Chăm ngoài kia. Riêng những gì Tr viết thì anh đọc không sót cái nào. Ở quê nhà nghe tin em không tham gia vào “chiến trường email”, anh rất mừng cho em. Mừng cả cho Chăm ta nữa. Nghĩ nếu em bị kích động, không dằn được lòng mình mà nhảy vào thì sẽ rối rắm ra sao?

Hiểu em thông minh và biết điều. Gặp nhiều xuyên tạc bất công vậy mà em đứng vững là quý lắm. Nhưng rồi anh cứ sợ, Tr sẽ chịu đựng được đến bao giờ?
Biết em luôn suy nghĩ chín chắn khi quyết định làm điều gì đó. Thí dụ có tạp chí phê phán em nhiều lần, nhưng em không dùng tạp san Tagalau chống lại, là điều anh thấy rất đáng yêu. Em biết đó là tạp san chung dành cho bà con Chăm ta, nhất là dành cho thế hệ con em về sau, chứ không phải là của cá nhân mình. Phải bản lãnh lắm mới nhẫn nhục được như vậy. Nhưng rồi anh cứ sợ, em sẽ chịu đựng được như thế mãi hay không?
Hãy hiểu cho nỗi sợ của anh. Vì quý nhau nên có chuyện sợ như thế.
[cắt bỏ: chuyện riêng tư]

Tại sao? Vì mới đây anh có đọc thấy vài chuyện:
– Em viết bài đính chánh cho một bức thư (…) không là tên thật. Em bảo do email đó đã được mang đăng lên 2 tờ báo mạng của Chăm ta ở nước ngoài. Bài đính chánh hiền hòa, em giải thích bằng ngôn từ rất lịch sự.
– Sau đó em viết thư gởi cho một người đã nhiều lần phát ngôn chống báng em, lời trong thư cũng rất ôn tồn và nhã nhặn. Anh ước gì cộng đồng Chăm ta ai cũng có thái độ như thế.
– Mới đây thôi, mạng điện tử của em có đăng bài mà theo nhiều người nói dễ gây ý kiến trái chiều. Như thế những người vốn ghen ghét em lâu nay nghĩ lầm là em đăng để chống họ. Rồi em lại phải mất công viết đính chánh nữa…
[cắt bỏ: phần ví dụ cụ thể]

Anh chỉ lấy ba thí dụ gần đây. Anh nghĩ rằng tất cả đều không đáng với tầm cao của một nhà tư tưởng như Inrasara. Hiểu là em cần đi xuống để phù hợp với trình độ quần chúng, qua đó em mới can thiệp vào đời sống nhân quần. Để cho họ hiểu em hơn cũng như Chăm ta hiểu nhau hơn. Nhưng có cần thiết phải vậy không em?
Vì:
– Quanh em có nhiều người luôn sẵn sàng phản pháo em, tâm lí người đời mà.
– Vì lúc này đây Chăm có vài phe nhóm đang chống bác nhau, không ai nghe ai cả.
– Vì Tr còn phải làm nhiều việc khác lớn hơn, ích lợi cho cộng đồng lâu dài hơn.

Nên anh cứ sợ. Sợ em vào giây phút sơ sẩy nào đó, mà tự đánh mất mình.
Uy tín của em lớn lắm. Đạt đến nó là vô cùng khó, còn đánh mất nó thì rất dễ.

Thành tích của em chắc không ai hiểu hơn em, anh chỉ thử phân ra:
– Về nghiên cứu, dễ ai có được giải thưởng Phan Chu Trinh? Đó là kể luôn người Việt, chứ đừng nói riêng Chăm. Anh không mê tín vào giải thưởng các loại đâu (vì quá nhiều giải thưởng không giá trị, nhiều Hội đồng giải thưởng từng mang tiếng), nhưng hãy xem giải thưởng em đạt được. Hôm xem tivi, thấy em đứng chung với 3 người nữa toàn nhân vật hàng đầu trong cả nước, nhiều người xúc động đến ứa nước mắt.
– Còn “Nhân vật Văn hóa trong năm 2005” của em, hỏi 50 năm nữa có nhân vật Chăm nào lọt vào mắt xanh này không? Năm đó em đứng chung với “Nhân vật Thể thao trong năm” là nguyên cả Đội tuyển Bóng đã nữ Việt Nam phải 3 lần quán quân Đông Nam Á mới đạt được. Không phải riêng anh mà cả xã hội Chăm hãnh diện.
– Nói thật lòng là anh không hiểu thơ em, nhưng theo những gì anh nghe được, sáng tác của em mới tuyệt vời. 2 lần đoạt Giải Hội Nhà văn Việt Nam, một lần Giải Đông Nam Á. Cả thế kỉ sau chắc gì có ai vươn đến tầm đó. Rồi thơ của em được 5 thạc sĩ làm luận án, vài chục luận văn sinh viên làm ra trường, nghe nói sắp tới người ta còn làm tiến sĩ nữa. Một con dân Chăm chưa có bằng đại học mà nhiều luận án làm về mình như thế, thì phải nói trên cả tuyệt vời.
Em viết phê bình còn hơn thế, có một nhà văn người Việt mà anh quen nói như vậy.
Nhà văn cầu có một thôi cũng chưa tới, còn em thì được quá nhiều.

Ai có nói sai về em, ai xuyên tạc em thì hãy bỏ qua đi. Không hề hấn gì em đâu. Nói đúng thì nghe, không thì thôi. Đó là nói về bản thân em. Riêng về xã hội anh nghĩ nếu Tr nhảy vào cãi vã nhau ăn thua đủ thì sẽ có xáo trộn lớn. Nên anh cứ sợ. Hãy tránh xa chúng ra để xã hội Chăm ta được ổn định.
[cắt bỏ: các ví dụ]

Không dám khuyên Inrasara đâu, anh nghĩ em quá thừa thông minh để hiểu, nhưng vì lo lắng nên anh mong em hãy thật cẩn thận, chớ có nghe theo lời những người:
– Vì ngây thơ muốn sự thật, muốn chuyện đúng sai đề nghị em lên tiếng để phân minh.
– Vì ghen ghét ai đó, vì phe phái hay nịnh bợ, khích em nhảy vào.
Anh cho là cả hai đều không cần.

Bởi là:
– Tinh thần và tài năng của em thế nào ai cũng biết, họ nghĩ về em ra sao thì kệ họ. Đừng để mấy cái nhỏ nhặt kéo mình xuống.
– Em còn có trách nhiệm khác lớn hơn để làm. Muốn đi xa thì cần bỏ bớt các hành lí không cần thiết. Ý này dường như Tr có nói đâu đó rồi.
– Em cần tập trung thời gian và công sức viết tác phẩm lớn hơn để đời. Mấy chuyện nhỏ vụn này không còn ai nhớ tới đâu.
– Cuối cùng là khi Inrasara viết nên tác phẩm lớn, chúng sẽ tăng thêm uy tín cho Chăm ta.

Cụ thể anh mạo muội góp ý như sau:
Tagalau đến kì này thì em nên giao hẳn cho bọn trẻ đi. Thế hệ ngày nay khác rồi, họ làm ra tiền dễ lắm, thế hệ anh và em không bì kịp đâu.
– Em cần ngưng sớm website Inrasara.com đi, mất thì giờ em ghê lắm. Ngưng nhưng vẫn để đó cho mọi người vào tham khảo.
– Em chỉ nên quan tâm đến chuyện thực của đời sống Chăm mà thôi. Quan tâm như thế em có 3 cái lợi: Về mặt xã hội, em hiểu được bà con để nói tiếng nói thay mặt bà con Chăm. Về mặt cá nhân, tác phẩm em có chiều sâu hơn. Sau cùng là uy tín em tăng cao hơn.
Bảo trọng
Mến!
Anh của em.

12 thoughts on “Bức tâm thư gởi Trạm

  1. Dwa karun Ông anh họ xa của Sara!
    Ông anh đã gói ghém hết cả ý tưởng, nỗi lo lắng, và nhận xét của mình (và chắc chắn là của nhiều người Chăm nữa) trong bức thơ nầy.
    Mình ít khi lên mạng để nói tốt về Sara vì sợ thiên hạ cho là xu thời nịnh bợ, nhưng phải viết lên đây lời cảm ơn Ông anh họ xa vì ổng đã nói lên dùm mình. Tuy nhiên có 1 điều ông anh họ xa hơi quá đáng là bảo Sara đừng nên quan tâm nhiều đến Inrasara.com nữa. Mình ko đồng ý chút nào vì như thế là sẽ có rất nhiều người như mình buồn lắm. Websites Chăm đầy rẫy nhưng đâu có thi sĩ, đâu có mênh mông, và nhất là đâu có hài hòa và cảm thông như Inrasara.com đâu? Mình đi làm về là chỉ mong mở website của Sara lên để đọc tin Chăm, thơ thẩn vài vần thơ (thú thật mình cũng ko hiểu thơ Sara nhiều cho lắm) nhưng vẫn thích đọc. Dò xem hôm nay Sara có giới thiệu thêm một vài nhân vật Chăm nổi tiếng nào nữa hay ko. So sánh chữ Chăm CĐ với Chăm Panduranga trong Thành Ngữ Chăm. Nếu Sara mà ko nhúng tay vào thì Inrasara.com chỉ có nước dẹp tiệm. Nói thật đấy. Vài hàng tản mạn với Chăm drei.

  2. Rất hâm mộ anh. Cả về tài năng cũng như nhân cách và cách đối nhân xử thế của anh. Đống ý và cảm thông nhiều với anh.

  3. Nhất trí với Ysa Cosiem:
    Tagalau là một tuyển tập, Sara có thể giao cho người khác phụ trách vì Tagalau không phải là Inrasara.
    Inrasara.com nói chung là hiện thân của Inrasara. Không nên giao nó cho người khác phụ trách!
    Thân ái

  4. Inrarasa đã “bỏ phiếu” cho Jalau Anưk để chuyển giao Tagalau và nhiều người cũng đã đồng tình cho sự lựa chọn trên. Tất cả điều chỉ mong muốn cho Tagalau có mặt dài lâu với Chăm. Theo tôi, việc chuyển giao cần rõ ràng, chứ không là “phụ trách” hay “ban trẻ” gì gì đó. Rõ ràng về trách nhiệm, vai trò, tài chính, quan hệ … và cứ để cho JA và … thể hiện khả năng, cái trẻ, cái mới cho Tagalau trên nền tản truyền thống lâu nay đã được thể hiện. Tôi tin chắc rằng thế hệ kế tiếp này có đủ khả năng để Tagalau tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Tôi! sẽ ít nhiều sẽ góp vài giọt sương cho Tagalau tỏa hương sắc.

  5. Về tương lai Tagalau, xin thưa như sau:
    – Tôi rất muốn giao hẳn cho Ban Tagalau trẻ ngay từ sau kì 10, nhưng mọi người vẫn chần chừ.
    – Ngay số 13 ra rồi, vẫn có vài ý kiến Inrasara xem lại, nên “rút từ từ”, từ đó mới sinh ra chữ “Phụ trách”
    – Tôi cũng rất muốn bàn giao luôn chữ “chủ biên” ngay từ số 14 tới.
    – Bản thân Inrasara cũng hạn chế tối đa có bài tham gia, như Trà Vigia và Nguyễn Văn Tỷ đã làm như thế. Không có bài nào càng tốt hơn.

    Vậy, yêu cầu:
    + Jalau Anưk họp sơ bộ Ban Tagalau trẻ và vài anh chị em thân tín bàn trước (không có Inrasara tham dự) để đi đến quyết định.
    + Sớm càng tốt. Để có thể bàn giao khoản tài chánh, và còn nhận bài và kế hoạch khác nữa…
    Thuk siam
    Inrasara

  6. Câu này Mai kaiapa viết hơi căng đây:
    “Theo tôi, việc chuyển giao cần rõ ràng, chứ không là “phụ trách” hay “ban trẻ” gì gì đó. Rõ ràng về trách nhiệm, vai trò, tài chính, quan hệ…”
    Không cần thiết viết như vậy. Anh Inra và mọi người nói là để gợi ý.

    Tôi đồng ý với anh Inra là chuyển giao hết cho cánh trẻ. Kì này anh buông luôn đi. Còn nếu cánh trẻ không làm thì cứ để cho cây hoa Tagalau chết một bữa, cũng chả sao .
    Ý này tôi nhớ anh Inra nói lâu lắm: Ai chủ biên sau Inrasara cũng nên giữ tôn chỉ anh em Tagalau đề ra buổi đầu. Còn không thì nên làm đặc san khác.
    Theo tôi ý này tốt, nhưng người Chăm mình nên có một Tagalau thôi. Và tôn chỉ ban đầu cũng rất là hay. Trẻ có làm mới là mới ở sức trẻ.
    Cảm ơn

  7. Ông Inrasara nghỉ là vừa, đồng ý với Mai Kaipa. Chứ chỗ nào cũng có ông, chán lắm. Để ông qua cãi nhau với đám nhà văn Việt. Ông Inrasara có năng khiếu chuyện này. Ổng từng cãi bay các nhà văn nhà phê bình Việt. Mấy ông nhà văn nhà thơ ăn hại tiền thuế nhân dân. Chờ mãi không thấy ông Inrasara cãi nhau với mấy ông người Chăm. Trời cho ông khiếu văn học. Hãy phát huy. Ông Inrasara làm 7 kì Bàn tròn Văn chương, ông nghỉ mà chả có mống nào làm nên thân để cho bàn tròn chết. 8 ông ủy viên hội đồng thơ cứ năm nào như năm nấy, ông Inrasara xuất hiện làm thay đổi cái rup….
    Ông qua bên văn học Việt đi, cãi nhau cho vui. Có ích cho dân cho nước hơn…

  8. ông Nguyễn nói: “Mấy ông nhà văn nhà thơ ăn hại tiền thuế nhân dân”, đúng là phát ngôn bừa bãi!. “Chờ mãi không thấy ông Inrasara cãi nhau với mấy ông người Chăm”: ông Nguyễn này nói dai, nói hoài cái chuyện này nhé! bữa nào mời ông uống nước trà một bữa coi sao!?

  9. Mai Kaiapa hãy thử lên kế hoạch cho Tagalau sắp tới đi, để người ta tin. Bạn nói không không vậy khó mà quyết lắm. Tôi thuộc thế hệ đi trước thì không có ý kiến rồi. Tôi biết Inrasara làm rất tốt. Tôi cũng tin Jalau Anuk làm được, mà Inrasara cũng tin như tôi. Nhưng Mai Kaiapa thử lên kế hoạch để mọi người xem thử…

  10. Nếu đã tin JA sẽ làm được thì cứ để việc này cho JA và cộng sự mới lên kế hoạch và thực hiện. Tôi mà lên kế hoạch nữa e là trật nhịp. Cứ trao nhiệm vụ và tin tưởng, để bọn trẻ đủ tự tin, tự hào quyết tâm thực thi chúng. Chắc chắn sẽ có vài vấp ngã ban đầu, nhưng sẽ thành công. Lưu ý: tôi là Ma kaiapa (thừa 1 chữ i)

  11. Tôi thấy nhà thơ Inrasara viết rất rõ:
    Vậy, yêu cầu:
    + Jalau Anưk họp sơ bộ Ban Tagalau trẻ và vài anh chị em thân tín bàn trước (không có Inrasara tham dự) để đi đến quyết định.
    + Sớm càng tốt. Để có thể bàn giao khoản tài chánh, và còn nhận bài và kế hoạch khác nữa…

    sao Ma kaiapa còn nói thêm gì nữa nhỉ? Lạ quá! Họp riêng, họp sớm và cho nhà thơ này biết rồi anh bàn giao tất thôi. Rất ư là rõ ràng. Quá TIN đấy chứ!!!!!!!

  12. Cei Sara rất muốn giao hết, để về hưu, theo cách nói của Cei. Do có vài bác bàn lui nên Cei cũng có vẻ ngại. Bây giờ không bàn nữa, mùa Katê chơi đã, sau đó anh JA sẽ họp anh em tiếp quản Tagalau. Cei Sara thì tuyệt vời rồi. Hội nhà văn nổi tiếng bảo thủ vậy, Cei vừa đưa ra sáng kiến, đã phải cải cách.
    Cei đứng trụ Tagalau thì tuyệt vời rồi. Bây giờ hãy cho bạn trẻ anh hoa phát tiết.
    Chúc Cei sức khỏe kajap karo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *