Hải Yến: Lễ Tẩy trần tháng Tư, thứ ngụ ngôn kiêu hãnh

Tạp chí Cửu Long, 9-2010.


* Trịnh Hải Yến, photo tác giả cung cấp.

Tôi gặp Inrasara vào ngày mùa Thu đang khoe mình trên phố. Sắc vàng của lá, sắc xanh của trời cùng với chút se se lạnh đặc trưng của khí trời miền Bắc. Làm người và cảnh trở nên hiền hòa, đáng yêu hơn.
Inrasara là người thật đặc biệt. Cái đặc biệt không thể dùng ngôn ngữ để lý giải. Có điều gì bí ẩn nằm trong cái khí chất của con người ấy. Ở Inrasara là một sự bình dị hiếm gặp. Anh không ra vẻ ta đây như bao người thành danh khác. Inrasara rất bình thường, một cái bình thường của đời thường. Anh chia sẻ và biết lắng nghe như một người anh, người bạn. Anh tạo cho tôi cảm giác thoải mái, thân thuộc giữa một người đàn anh với đàn em chứ không phải cảm giác dạy đời giữa người trên với người dưới. Thực sự tôi không hiểu nhiều về anh. Có lẽ cái khí chất bên trong người nghệ sỹ luôn tạo ra cái gì đó thật mơ hồ về cảm xúc. Bởi vì có những lãnh địa không một ai có quyền xâm phạm ngoài chính bản thân người nghệ sỹ. Inrasara không thích nói về bản thân cũng như tác phẩm của mình. Anh quan niệm ngôn từ tự thân nó sẽ biết cách truyền tải tới trái tim người đọc. Với Lễ Tẩy trần tháng Tư, Inrasara đã tạo nên sự kỳ diệu của ngôn ngữ. Ở đó ta sẽ bắt gặp một Inrasara đang chơi đùa chữ nghĩa. Một Inrasara đang định nghĩa ngôn ngữ bằng đời. Giống như đứa trẻ tìm thấy chân trời mới, Inrasara đã tìm thấy cho mình chân trời ngôn ngữ. Cái chân trời ngọt ngào nhưng cũng đầy cạm bẫy như có một sức hút vô cùng to lớn không thể cưỡng lại đối với bất cứ người cầm bút nào, cũng như với Inrasara.
Với Lễ Tẩy trần tháng Tư, Inrasara đã tạo nên được sự kỳ diệu của ngôn ngữ, nét chấm phá của riêng anh. Ngôn ngữ không phải là cái gì đó cao siêu, khó nắm bắt, mà ngôn ngữ trở thành một thực thể, hiện hữu như đứa trẻ để anh vui vẻ chơi đùa, tắm cho chúng. Thật là lạ, ngôn ngữ từ xưa đến nay đâu phải là đứa trẻ muốn làm gì thì làm. Vậy mà với Inrasara thì:

… Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T,
đầu này nhúm chữ cái la tinh A B C
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng

(“Bất ngờ nhiều ý nghĩa tối nay”)

Ta thấy ngay sự sủng ái trong sự sảng khoái của lao động chữ nghĩa. Một sự vui vẻ độc đáo hiếm có trong lĩnh vực lao dộng chữ nghĩa. Một lĩnh vực thực sự khó khăn giống như:

Có những chân trời không có người bay
Lại có những người bay không có chân trời

Trần Dần

Phải chăng chính sự vui vẻ, sảng khoái trong ngôn ngữ ấy đã tạo ra một Inrasara đời, một Inrasara thơ và một Inrasara của ngôn từ, người chủ của ngôn từ. Ngôn ngữ với Inrasara không phải cái gì đó tượng trung mà nó có hình dáng, có thể nắm bắt được, uốn nắn được, chơi đùa được. Có thể nói người làm chủ ngôn ngữ cũng giống như nghệ nhân làm gốm. Trước khi sản phẩm ra lò thì đã phải trải rất nhiều công đoạn. Nhiều khi tưởng đã hoàn thành nhưng không may có một vết nhỏ nào đó mà chính tay người nghệ nhân tạo ra nó phải đập đi. Ngôn ngữ trong văn chương cũng giống như thế. Trước khi đạt đến khả năng làm chủ ngôn từ người nghệ nhân ngôn ngữ cũng phải chới với giữa dòng ngôn ngữ hoang đãng, giống như một con ngựa hoang khó bảo bậc nhất. Ngôn ngữ – ngôn ngữ một thứ ngụ ngôn tưởng chừng như đơn giản, vậy mà thời gian đi qua con người vẫn còn toát mồ hôi hột với chúng.
Có thể nói ngôn ngữ như không khí quanh quẩn lẩn thẩn bên cạnh con người. Ngôn ngữ là một chủ nợ háu đói đối với người trót lỡ yêu văn chương. Những người coi văn chương là cuộc đời, là hơi thở thì ngôn ngữ trở nên thật đáng sự. Ngôn ngữ sẽ biến thành đao phủ lăm le lưỡi hái chực chờ. Thúc ép người cầm bút phải đi, phải đi tìm nghĩa trang chữ nghĩa ẩn giấu nơi thiên đường mộng mị đã mê hoặc trong thế giới mỗi con người. Và Inrasara cũng không ngoại lệ. Anh cũng phải kiếm tìm, khai mở những vũng đất ngôn ngữ chìm lấp đâu đó trong hơi thở cuộc sống đời thường. Cuộc hành hương của sự cô độc luôn là cuộc hành trình đầy cạm bẫy. Cuộc hành trình lẻ loi đến từng chi tiết. Inrasara cũng đã tìm và nhặt ngôn ngữ để tự mình xây lên vương quốc Inrasara chữ. Những chữ được tác tạo từ chính cuộc đời, sự trải nghiệm để rồi đi vào đời một cách tự nhiên như chính anh.
Dù chỉ là một câu tục ngữ, một dòng ca dao, nửa bài đồng dao, một trang thơ cổ anh cũng đi tìm và nhặt. Với niềm sung sướng như đứa trẻ tham gia vào trò chơi mầu nhiệm, một niềm tin không ai lay chuyển được. Chỉ cần kiên trì chỉ cần cố gắng những viên sỏi kia sẽ biến thành lâu đài, một lâu đài bé nhỏ dẫu chỉ để cho riêng mình cũng đã đủ hạnh phúc lắm rồi. Và thời gian sẽ trả lời cho tất cả, khi tất cả sự nhỏ nhoi ấy góp mặt cùng nhau thì sẽ tạo nên một sức mạnh đặc biệt, một sự tỏa sáng để ai cũng phải ngước nhìn, phải công nhận. Điều đó giống như công việc chữ nghĩa:

Tôi đốt lên hàng đống chữ
dưới tàn tro
bươi lấy vài lời

(“ Những ý tưởng không mùa”)

Đừng nghi oan cho chữ ở trên đời, chúng nào có tội. Cũng như Inrasara đi tìm hàng đống chữ dưới lớp tàn tro chỉ để bươi lấy vài lời. Chỉ để thấy nụ cười hả hê sau mỗi lần đốt lên, tìm kiếm. Để rồi sau khi bươi lấy vài lời lại tiếp tục cuộc hành trình:

Trong kiêu hãnh đắng cay
Khi ốc đảo biết gọi mời ốc đảo
Ngón tay đan ngón tay khai sinh hơi ấm không hề gầy
Rắn rỏi hơn đức tin vào chúa

(“Hạt mùa mới”)

Phải thế chăng ngôn ngữ, nhà ngươi là hạt giống thiên đường? Dù có vấp ngã, dù bị ghẻ lạnh, sống trong lời miệt thị thì với sức mạnh bí ẩn khai sinh từ hơi thở người cũng sẽ vượt qua sống cùng với thời gian khi lòng người còn ấm áp. Khi thế gian vẫn còn mải mê chăn gối với chữ nghĩa thì ngôn ngữ vẫn còn đủ sức lan toả đến trái tim con người. Và cũng chỉ những ai thực lòng yêu ngôn ngữ, thực lòng sảng khoái trong ngôn ngữ thì mới:

Làm hôn phối hơi thở và ngôn ngữ
Ngôn ngữ và trò chơi

(“Tiếng trống Ginang”)

Dường như ngôn ngữ là lời nguyền trói buộc con người vào với nhau. Đọc Lễ Tẩy trần tháng Tư, tôi có cảm giác đây là lễ tẩy trần ngôn ngữ. Và ngôn ngữ hóa thành những nốt nhạc thanh tẩy lòng người.
Ngôn ngữ trong Lễ Tẩy trần tháng Tư là một thứ ngụ ngôn kiêu hãnh.

Hà Nội ngày gió Thu.

One thought on “Hải Yến: Lễ Tẩy trần tháng Tư, thứ ngụ ngôn kiêu hãnh

Leave a Reply to U.Truong Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *