Nhiệm vụ của văn nghệ sĩ Chăm là phải thâm nhập, lùng sục vào mọi xó xỉnh nền văn chương [Champa] này, cắm rễ thật sâu đến những vùng tối nhất của nền văn hóa-văn minh này. Nếu không muốn mất gốc, không muốn bị bứng ra khỏi nguồn cội. Đó là điều khó khăn. Càng khó khăn hơn nữa khi người nghệ sĩ sáng tạo hôm nay đang đứng trước bao cơn lốc thất thường của các trào lưu văn chương, triết học từ mọi nơi đổ tới. Khó khăn thách thức nghị lực, tài năng và bản lĩnh kẻ sáng tạo. Khó khăn làm tăng giá trị của thành quả.
Nhà văn Chăm sáng tác bằng tiếng phổ thông hay viết cùng lúc hai thứ tiếng thì phải gánh thêm một phần việc nữa. Bạn phải làm nhiệm vụ như một thông dịch viên tâm hồn. Nhưng chính nhiệm vụ này sẽ làm mới ngôn ngữ bạn nếu bạn biết khai thác, tận dụng mọi ưu thế của nó.
Cũng như chính những dòng lũ của trào lưu văn nghệ hiện đại sẽ làm phong nhiêu cánh đồng văn chương bạn. nếu bạn không sợ hãi để bạt ngàn cây lúa bạn đón nhận mọi phù sa mới mà không để bị bật rễ khỏi nền đất ruộng quê hương. Bản sắc dân tộc không chấp nhận sự giậm chân tại chỗ, nằm ỳ trong nhà. Con cháu cứ mãi ru rú trong vòng tay tổ tiên chính là con cháu phản bội tổ tiên.
Inrasara, “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay”, 2001.