1. Sự cần thiết của triết học
Hai câu chuyện.
Chuyện 1. Năm 1977, ông thầy cũ ghé nhà tôi tại Caklaing thấy tôi đang ôm cuốn L’Être et le Temps của Heidegger, chợt nhăn nhó:
– Trời đất! Thiên hạ đang chết đói mà mầy lại đi đọc triết! Mầy sống bằng không khí à? Thế là ông thầy lên lớp tôi một hơi về phải học biết thế nào là thực tế, thực tiễn. Tôi im lặng chịu đựng, không một lời cãi lại. Đợi cho ông qua cơn thuyết giáo, tôi mới thủng thẳng hỏi: Thầy có biết mình đang sống dưới chế độ nào không?
– Chủ nghĩa xã hội, đương nhiên.
– Thế chế độ này do ai lập nên? Không phải Hồ Chí Minh sao?
– Thì đúng rồi!
– Mà Hồ Chí Minh là ai? Ông có phải học trò của Lênin, và học thuyết Lênin chẳng phải xây dựng trên nền tảng triết học của Karl Marx? Mà Marx là ai chứ? Ông ta hẳn nhiên là đại triết gia rồi…
Ông thầy nín thinh, tôi tiếp: Con người là cây sậy suy tư… Chỉ cần một làn gió cũng đủ giết chết con người. Nhưng làn gió kia khi giết chết con người, nó không hiểu, còn con người thì hiểu. Pascal đấy, chắc thầy chưa quên. Đây là chế độ đang tác động đến chính cuộc sống của em và mọi người xung quanh em, em là con người, em cần hiểu nó. Hiểu đến nơi đến chốn. Vậy thôi.
Chuyện 2. Năm 1991, một trí thức Chăm từ ngoại quốc về, bên cạnh số người chạy theo cũng có không ít vị chống. Chống và nói xấu ông ta sau lưng. Sự việc vừa xót xa vừa buồn cười. Tôi thử im lặng quan sát. Sau một thời gian ngắn, không ít kẻ chạy theo ông quay lại nói xấu ông. Tôi nói với một bạn trẻ: Cả chạy theo hay nói xấu đều xuất phát từ thiếu hiểu biết. Trong khi trí thức là kẻ hiểu biết, kẻ biết để cho tâm TRÍ mình luôn ở tình trạng THỨC.
Đâu riêng Chăm, quần chúng nhân loại nói chung thiếu chất trí thức. Thiếu, nên dễ bị tuyên truyền làm lung lạc. Ngụ ngôn Trung Quốc: Mẹ Tăng Sâm dạy và rất tin con, khi lần đầu tiên có người đến báo: “Tăng Sâm giết người”, bà chỉ im lặng cười khẩy; lần thứ hai bà nghe ngờ ngợ; đến lần thứ ba thì bà phải bỏ dở công việc chạy ra ngoài xem thật hư thế nào? Ai dè, đó là tên trùng tên.
Các nhà chính trị hoạt đầu thường lợi dụng tính thiếu trí thức đó của công chúng, càng lợi dụng. Vô hình trung, chúng ta trở thành con rối lúc nào không hay.
Hai năm qua vài “trí thức” trong cộng đồng hay nhân danh dân tộc để kết án chú này phản bội truyền thống, bác kia xấu xa. Họ nói mãi, thế nào cũng có kẻ tin. Gặp trường hợp như thế, đòi hỏi trước hết là, bạn phải biết đặt câu hỏi với người phê phán: Anh/ chị là ai? Ai cấp giấy phép cho anh/ chị có quyền “nhân danh” dân tộc? Nguyên động lực nào anh/ chị phát biểu câu đó? Anh/ chị có quan hệ “nợ nần” gì với đối tượng bị phê phán không? Và phê phán với thâm ý gì?
Tôi gọi đó là tinh thần hoài nghi mang tính triết lí.
Hỏi như thế, là bạn đã đặt bản thân kẻ phê phán và vấn đề bị phê phán vào tư thế phải được xét lại; qua đó bạn khiến đối tượng mất tự tin và lúng túng. Bước tiếp theo là, bạn bình tâm tìm hiểu phía bên kia: Đối tượng bị phê phán đó có thật sự hành xử như thế không? Đâu là tang chứng vật chứng? Nếu có, sự thể có đáng bị lên án nặng nề như vậy không? Khi nghe sự phê phán đó, họ đã phản ứng hay tự biện minh thế nào? Bạn hãy lắng nghe họ giải minh.
Vậy là bạn không bị nhồi sọ một chiều mà nhận được thông tin từ cả hai phía. Dĩ nhiên, nếu sự thể động cập đến chuyên môn, bạn cũng cần sự hỗ trợ của các chuyên gia uy tín. Uy tín và đạo đức. Bạn tham khảo thông tin từ nhiều phía khác nữa. Sau cùng, qua tổng hợp và phân tích, bạn có thể đưa ra ý kiến của riêng bạn.
Đó chính là tinh thần tư duy độc lập. Bạn không phải nghe theo, tin theo, nói hùa theo bất kì ai cả! Bạn đủ khôn lớn để phán xét mọi việc.
Làm như thế, chẳng những bạn minh oan được cho đối tượng bị phê phán thôi mà còn giúp chính mình nữa. Bởi vì nếu không tự tạo cho mình tinh thần phản biện, thiệt thòi về phần bạn là chính. Bạn mất cơ hội để nhận biết sự thật, từ đó bạn luôn chịu thao túng của tuyên truyền một chiều. Của báo chí hay của dư luận. Bạn giống thứ thân cây mềm yếu nghiêng ngả theo chiều gió, thành nô lệ của tuyên truyền và không tránh khỏi bị lợi dụng. Không phải lợi dụng tiền bạc bạn mà lợi dụng tâm hồn bạn, lợi dụng sự ngây thơ của tâm trí bạn.
Chỉ khi nào bạn biết độc lập tư duy, bạn mới trở thành người lớn, trở thành chính bạn.
Sự thể này nói lên thái độ công bằng đối với mọi thành phần trong xã hội, tránh cho cá nhân bị nhìn một cách bất công. Sự bất công này dễ đẩy đối tượng đến tình trạng tuyệt vọng hay có phản ứng ngược lại, tác hại đến xã hội không ít. Nếu vài người học biết ứng xử như thế, mọi hiểu lầm to lớn đến đâu cũng được vượt qua dễ dàng.
2. Tư thế độc lập
Không thấy mà tin, là sức mạnh của mọi tôn giáo độc thần; nói mãi vào tai riết rồi sẽ tin, là phương sách của người làm chính trị; thấy rồi mới tin, là điều kiện tiên quyết đặt ra với các nhà khoa học; nhưng triết học thì khác: thấy vẫn không tin. Thấy, biết,… nhưng vẫn cứ đặt câu hỏi về cái thấy, cái biết của mình. Còn ai suy tư điều đã được suy tư? Heidegger đã hỏi thế! Một câu hỏi mang tính vận mệnh của tư tưởng.
Nhưng con người, lạ – vẫn cứ tin. Từ mê tín đến bạo động chỉ cách nhau một bước chân. Cho dù không có nửa dấu vết bạo động trong hành vi, suy nghĩ, ta vẫn cứ bạo động, bao động đủ hình thái, cấp độ. Ở đây, thử xét bạo động theo nghĩa áp chế hay triệt tiêu óc phán đoán độc lập.
Thời hiện đại, giữ tư thế độc lập để có thể suy tư và đưa ra nhận định độc lập, là điều cực kì khó. Con người bị tác động bởi đủ chuyện, từ mọi phía đến không thể cựa quậy được, nói chi tự do suy tư hay hành động. Tôn giáo buộc ta đi theo khi ta lỡ sinh ra trong cộng đồng đó và ta đành phải mang vác nó, chịu đựng nó; chế độ chính trị của đất nước nơi ta sống; nền giáo dục và uy tín gia đình ta buộc phải bảo vệ; chủ trương bè phái phe nhóm mà ta đã lỡ rơi vào; cả lí lịch của ta nữa. Đó là các gò bó dễ nhận biết. Còn bao nhiêu triền phược khác khó nhận ra hơn: Dư luận cộng đồng, truyền thống văn hóa, tập khí từ xã hội và thiên nhiên,… Làm sao cá nhân có thể suy tư độc lập trong môi trường đó, hoàn cảnh đó?
Con người luôn sống trong sợ hãi. Ta sợ suy nghĩ lệch pha bị người đời chê cười, sợ bị cô lập khỏi cộng đồng, tập thể, hoặc thậm chí – sợ bị biến mất!
Làm được như Krishnamurti, từ bỏ vai trò Đấng Cứu thế của Dòng tu Ngôi sao với hơn bốn vạn tín đồ cùng bao nhiêu bất động sản giá trị, là điều thiên nan vạn nan trong xã hội này. Tôi không muốn đề cập chuyện to tát ấy mà, chỉ muốn nhấn ở làm thế nào có thể giữ được tinh thần độc lập trong một xã hội nhiều bất trắc, rủi ro? Từ đó có thể học biết suy tư độc lập, trong môi trường bạn đang sống.
Họ hàng bà con, anh chị em hay bằng hữu thường nghe theo nhau; khi ta từ bỏ hay hạn chế tối đa sự nghe theo một chiều ấy, là ta đã học biết suy tư độc lập. Người của phe nhóm ta nói sai, tôn giáo ta phán định trật, ta không còn nhắm mắt tin nghe theo, là ta khởi đầu cho tư duy độc lập. Nhận ra truyền thống văn hóa ta cổ hủ, phản tiến bộ, ta thoát ra khỏi nó để làm cái hay hơn, tốt đẹp hơn, là ta đã biết hành động độc lập. Không sợ dư luận khi dư luận đó vô ý tác hại, xâm phạm đến cá nhân hay cộng đồng, ta bình tâm tìm cách phơi bày nó ra để cho mọi người hiểu, là ta đã có tinh thần suy tư độc lập.
Có ai hôm nay sẵn sàng cho suy tư như thế?
Có ba loại trí thức: Trí thức công chức, không thể không lệ thuộc vào cơ quan chủ quản, vào thủ trưởng, không nhiều thì ít; và nếu trí thức đó có theo đảng hay tôn giáo nào đó, thì sự giải thoát càng khó hơn. Loại thứ hai: Trí thức khoa bảng thì luôn phải khép mình vào nền nếp và khuôn phép để “nêu gương sáng” cho thế hệ trẻ. Như vậy chỉ còn trí thức độc lập mới có điều kiện và khả năng suy nghĩ và hành động mà không ngại phạm quy ước hay điều lệ của tổ chức nào, tập thể nào bất kì. Bạn chỉ nghe theo lương tâm và trí tuệ mình. Bạn hành động không định kiến và vô vụ lợi.
Trong xã hội Chăm hôm nay, hỏi ai và bao nhiêu người là trí thức độc lập?
Trí thức độc lập là kẻ biết suy tư độc lập, một suy tư thoát khỏi mọi căm thù cá nhân, mọi vướng mắc quyền lợi phe nhóm, mọi tư tưởng tôn giáo hay ý thức hệ chính trị, mọi cổ hủ của truyền thống hay sai lầm của nền giáo dục ta từng tiếp nhận,… để có thể nhận định trên nền tảng tư duy chín chắn, tâm hồn rộng mở và lương tâm trong sáng. Chỉ khi nào đạt được tầm như thế, chúng ta mới có thể nói đến phản biện xã hội; còn không thì chỉ là những phát biểu hàm hồ, tai hại. Nếu không thể làm trí thức, tốt hơn cả là ta cứ ăn theo đường ngay nói theo lẽ lành – Bbơng twei tapak, hwak twei haniim, là đủ tư cách làm người lương thiện rồi.
3. Tuyên truyền và bạo động
Tuyên truyền áp đặt một chiều tức là đã “bạo động” rồi. Như thể con ngựa bị che kín hai bên để chỉ thấy một lối duy nhất ở phía trước, ta đòi hỏi đối tượng nhìn một chiều duy nhất về vấn đề, sự việc nào đó. “Bạo động” nguy cơ đẩy con người vào cuộc chiến đẫm máu hay chia rẽ nghiêm trọng. Trong khi tinh thần triết học luôn đòi hỏi cái nhìn mở, đa diện và đa chiều.
Con người sinh ra để sống, chứ không phải cúi đầu làm theo một điều gì đó, nhân danh một ý thức hệ nào đó, một tín điều hay chủ thuyết nào đó. Con người sinh ra để sống cuộc sống của mình, chứ không phải để nghe theo mệnh lệnh của bất kì đấng nào, lãnh tụ hay nhà cách mạng nào, dù ông/ bà ta có vĩ đại tới đâu đi nữa! Sinh chỉ một lần và sống chỉ một lần đời sống của chính mình.
Camus: “Một cuộc đời không là gì cả, một cuộc đời là tất cả”! Đó là biện chứng đẹp về ý nghĩa cuộc đời.
Vài nhà văn nghĩ rằng tôi cổ xúy cho trào lưu văn chương hậu hiện đại Việt, tôi nói: không! Sáng tác hậu hiện đại Việt xuất hiện trước khi tôi viết về nó. Đúng hơn, tôi “lập biên bản” khi nó đã có mặt. Như tôi đã ứng xử với các trào lưu, hệ mỹ học khác. Nghĩa là tôi đối xử công bằng với mọi trào lưu văn học. Ngay cả với mỗi trào lưu, tôi cũng đã xử sự rất công bằng với chính nó.
“Lập biên bản có nghĩa là chấp nhận mọi hiện tượng văn chương xảy ra trong thời đại ta đang sống. Bày nó ra như nó là thế, tìm hiểu triết lí trên đó thơ văn đó nảy sinh… Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ của tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như là thế”.
“Nhìn nhận nó như là thế”, chứ không phải bằng quan điểm độc đoán của tôi, để buộc người khác nhìn theo cách nhìn của tôi. Đó là cái nhìn công bằng và rộng mở. Độc giả chưa biết gì về tác phẩm, tôi dẫn họ đến với tác phẩm đó trong tâm thế mở, tránh diễn giải mang tính áp đặt, mà chỉ bày nó ra. Từ đó, độc giả thưởng thức nó theo kiểu của mình, mà không bị chi phối bởi các nhận định của tôi.
Trong cuộc sống, với con cái cũng vậy. Nếu có ghét ai (trong đời sống không thể tránh chuyện hỉ nộ ai lạc), bạn không phải lộ ra cho con cái biết. Chúng cứ đến với đối tượng đó, như tờ giấy trắng. Còn nếu bạn áp đặt cái nhìn của bạn lên tâm trí con cái, là bạn đã bạo động rồi. Con bạn sẽ nhìn đối tượng qua con mắt của bạn chứ không phải của chính nó. Làm như thế, xét về tính thực dụng thì có thể gây hại cho bọn trẻ. Vì nếu đó là kẻ xấu, con bạn sẽ bị lợi dụng. Còn đợi nó rút kinh nghiệm thì đầu nó bị sứt mẻ rồi. Thế nhưng, nhìn từ khía cạnh triết học và nhân văn, bọn trẻ sẽ học được rất nhiều điều, qua va chạm và tiếp xúc.
Tôi gọi đó là tinh thần phi tuyên truyền trong đời sống hàng ngày.
Tuyên truyền bất cứ về cái gì là diễn giải và áp đặt để gây nơi đối tượng một niềm tin. Hậu hiện đại chống lại tinh thần đó, và quyết giải tán nó. Đó là tinh thần dân chủ mới.
4. Huyền nghĩa của XẢ
Xả là buông bỏ, một trong những đức hạnh quan yếu của đạo Phật. Xả, tâm thức ta vững như bàn đá. Xả, ta độc lập với vui buồn, sân hận.
Câu chuyện: Rija Nưgar vừa qua, vài bạn văn Chăm đề cập đến tính ích kỷ của Chăm. Không là ích kỷ sao, khi bí quyết xây tháp đã tiệt mất kỹ thuật cao cường? Không là ích kỷ sao, khi lớp học ngày xưa chỉ có mỗi thầy với một hay vài trò, như thể bí truyền? Hay lối viết giấu chữ ppadơp akhar, sách không cho ai mượn, v.v…, không gọi là tâm ích kỷ thì còn kêu là gì? Anh bạn viện dẫn tục ngữ:
Sunuw đơ bauh habei – Gru si brei đa ka abih.
Bùa bé chỉ bằng củ khoai – Thầy muốn cho ai, e là mất hết.
Kiến thức bé xíu thôi, nếu thầy cho hết thì cái bụng trống trơn, còn chi để ra oai thể hiện uy quyền. Một bạn phản đối quyết liệt lối hiểu này. Rằng Chăm rất nghệ sĩ tính, nghĩa là hào hoa, chịu chơi. Anh muốn dịch câu trên theo kiểu khác, qua dị bản khác, mang ý nghĩa khác:
Sunuw đơ bauh habei – Gru si brei đa ka o hacih.
Bùa bé chỉ bằng củ khoai – Thầy muốn cho sợ [ai] chưa sạch.
Nghĩa là, thầy muốn ban phát lắm, nhưng sợ đầu óc trò không mang vác nổi, hay tâm trò chưa tẩy sạch tham sân si, sẽ dùng chính cái bùa này làm điều bậy bạ. Ý này tôi đã một lần đề cập trong một bài viết. Ông Thành Tín được Nưbi ban cho bài thuốc trừ rắn độc, ông không truyền cho ai, ngay cả với con. Ví ông giấu kín bí quyết để trục lợi thì miễn bàn, đằng này, ông sẵn sàng bỏ buổi cày lặn lội qua chục cây số để chữa trị vô vị lợi cho người bị nạn. Không phải ông không tin người, nhưng biết sao bây giờ? Đã xảy ra bao nhiêu chuyện đau lòng nơi cõi nhân gian này, ai biết được?
Đúng sai không bàn, sự thể ở đây chứng tỏ ông không mang tâm ích kỉ.
Chăm ít cho sách mượn, có lí do chính đáng của nó: văn hóa Chăm chưa trải qua kỹ thuật in ấn, có được một bản chép tay là chuyện thiên nan vạn nan. Nơi đó không ít vị ppalơm tapuk mượn rồi giấu đi. Nên, nếu bác thích thì hãy qua nhà tớ mà chép. Không hợp tình sao?
Các vị đạo sư Bà-la-môn như Vivekananda, Chandra có bao giờ giấu bí quyết đâu! Họ nói tất đấy chớ. Nói và bỏ đi. Buông bỏ, chối bỏ, cắt đứt, thả đi, phóng thích, ra đi, từ bỏ, rời khỏi, triệt tiêu, xua đuổi, dứt bỏ, nhổ bật, bứt rời… là huyền nghĩa của XẢ. Thầy không truyền dạy cho bạn, e là bạn chưa chuẩn bị tâm và trí để đón nhận. Trí chưa thông, bạn bị tẩu hỏa nhập ma như chơi. Tâm chưa sạch, bạn dùng tri thức hay bùa phép lừa người, hại đời. Có thể lắm chứ! Hãy nghĩ đến truyện cổ: Đi tìm học bán vợ, cũng đủ biết Chăm đã quý mến tri thức như thế nào, người học phải trải nghiệm thử thách ra sao.
Xả có nghĩa là buông bỏ những gì mình có, mà không tính toán, không kể số.
Năm 1992, vào Sài Gòn, tôi vô cùng kinh ngạc khi hỏi mượn của một ông anh Ariya Glơng Anak, anh đã nói rất ngây thơ rằng: Sara có gì để trao đổi không? Tôi nói không phải tôi không có nó, chỉ vì vội vào nên quên mang theo. Tôi còn có cả đống bản chép tay ở phòng trọ, anh cần gì cứ sang lấy. Khi tâm hồn ta giàu sang thực sự, ta mới dám cho, dám buông bỏ. Giàu – ta luôn giữ bàn tay mở. Để cho mọi thứ đi vào và đi ra bàn tay ta. Bàn tay ta luôn mới mẻ, mới mẻ để phong phú hơn. Còn thái độ nắm chặt một dúm, thì một dúm đó cứ còn lại mãi thế, không giàu lên được.
Xả là tự do là sáng tạo. Tự do chắc chắn không đồng hành với vô trách nhiệm.
Tự do khỏi Chúa, Phật, khỏi tất cả ý thức hệ tôn giáo và chính trị, khỏi mọi vướng bận truyền thống và định kiến. Càng tự do ta càng trách nhiệm. Khi sai lầm hay phạm tội, ta không còn đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ tội cho thầy, quy trách nhiệm cho truyền thống giáo dục, ta hết còn bởi-tại-vì Chúa, Phật, Allah hay bất kì đảng phái hoặc cơ chế chính trị nào ta tự nguyện quy thuộc vào.
Buông bỏ để giải thoát khỏi vướng bận cũ, những triền phược nô lệ, để dấn mình vào chân trời mới đầy tự do và sáng tạo. Nghĩa là dám đối mặt với cái không biết, kiếm tìm thách thức mới, qua đó làm phong phú tâm hồn và cuộc sống mình. Gauguin từ bỏ cuộc sống hạnh phúc gia đình trong yên ngoài ấm, rời bỏ thành phố văn minh để lên tàu thẳng hướng hòn đảo Tahiti còn hoang sơ, quyết mở hướng đi mới cho nền hội họa phương Tây đang bế tắc và tù túng giữa bao nhiêu trào lưu, trường phái.
Sự buông bỏ có thể dẫn đến thất bại, thậm chí tại họa; nhưng chính nó làm nên sự thay đổi. Từ đó, nó thổi luồng gió đại dương vào lục địa đã quá già cỗi.
5. Giải sân hận
Hirsch cho rằng “đọc thơ là một cuộc phiêu lưu trong sự cách tân, một hành động mang tính sáng tạo, một sự khởi đầu mãi mãi, một cuộc tái sinh của niềm ngạc nhiên”. Stevens gọi người đọc là “học giả của một ngọn nến”. Chăm không đọc Glơng Anak với con mắt soi mói của nhà nghiên cứu cân đong đo đếm câu chữ. Đã có kẻ làm như thế và tuyên tất cả sai bét, riêng mỗi ta đúng. Ngay lối nói ngạo mạn này đã sai lạc tinh thần thông điệp Glơng Anak rồi.
Nếu nhà bác khả năng giảng giải lang yah, tầm chương trích cú Glơng Anak ở câu, đoạn nào bất kì mà tâm bác chưa tận diệt ppalai tung tian mọi căm thù sâu kín, là nhà bác còn chưa hiểu Glơng Anak. Khi tâm hồn bạn còn trì nặng nỗi oán trách nhỏ bé, suy nghĩ nhỏ bé, hay bạn còn nuôi ý định âm u triệt tiêu ai đó, không biết cảm thông và tha thứ, là bạn chưa hiểu tinh thần Glơng Anak. Khi bạn chưa mở lòng với con người hèn yếu xung quanh, với mọi sinh thể trên thế gian mỏng manh này, là bạn chưa thể sẵn sàng đón nhận thông điệp Glơng Anak.
6. Giải thoát khỏi tên tuổi
Tôi biết gì? – Câu trả lời sâu thẳm nhất: Tôi không biết gì cả!
Của đáng tội là tôi có xu hướng bám lấy mấy thứ danh vị vụn vặt đó: nhà văn, tiến sĩ, nhà nghiên cứu; tôi bám lấy mấy thứ ghế: hiệu trưởng, chủ tịch, phó giám đốc,… Nên, khi dự hội nghị hay cuộc họp lớn nhỏ nào đó, nếu có ai kính thưa tiến sĩ, phó chủ nhiệm, vân vân… thì ta khoái ra mặt. Còn không thì ta giận, ta để bụng. Tôi còn bám vào mớ công trình, mấy tập thơ, vài cuốn tiểu thuyết cùng bao nhiêu thứ nữa. Ví dù có ai đó phê bình tác phẩm tôi là tôi mất ăn, thiếu ngủ ngay. Tôi tìm cách trả thù cho hả dạ mới thôi. Một tổ chức rất vu vơ với lèo tèo vài ba người, nhưng tôi cứ khoái cái nỗi chủ tịch với hội trưởng này nọ. Tôi bám, triển khai và bảo vệ cái ghế vu vơ ấy. Rồi khuếch trương chúng ra và bảo vệ chúng quyết liệt hơn nữa. Tôi cần bám cứng vào chúng để tôi được là cái gì đó. Bởi thực sự tôi không biết gì cả, không là gì cả, nếu không có chúng, nếu tôi bị lấy mất mấy thứ ghế, bằng cấp, chức danh lỉnh kỉnh kia đi.
Bạo động và chiến tranh xuất phát từ sự BÁM đó.
Chính sự bám này, chính tinh thần đồng hóa đã gây cho xã hội Chăm mấy năm qua bao phiền phức. Đồng hóa, ta gắn thân ta với cơ quan (cơ quan to chừng nào tốt chừng nấy, ví dụ làm ở Bộ này hay Đại học nọ), gắn tên ta với học vị học hàm hay danh vị vớ vẩn nào đó. Trong khi truyền thống Chăm rất sang cả. Có ai thấy tác giả Chăm nào ghi tên mình lên tác phẩm không? Tháp Ppo Klaung Girai, Tháp Dương Long, Tháp Cánh Tiên,… vô danh đã đành, ngay Glơng Anak, Pauh Catwai hay Ariya Cam – Bini,… cũng vô danh nốt!
Nguyễn Công Trứ: “Không công danh thà nát với cỏ cây”. Khổ vậy đó! Công (sự nghiệp) và danh (tên tuổi) có cái nỗi chi mà to thế chứ. Mèng ôi, chính tâm thế này kéo anh em bà con vào cuộc cãi vã vô lối, hay rộng ra: Khiến loài người lôi nhau vào mấy trận chiến tàn khốc. Hoelderlin thì khác:
Đầy tràn trong công danh sự nghiệp
Nhưng con người sống một cách thơ mộng trên mặt đất này.
Full of merit,
yet poetically, man dwells on this earth.
Tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả: tên tuổi của tôi, các công trình của tôi, để được sống thơ mộng trên mặt đất này. Sống, mà lòng nhẹ như mây trời… Bởi sống là gì, nếu không phải để ngợi ca và cảm tạ? Ngợi ca một nghĩa cử đẹp, một tác phẩm hay, một tấm lòng cao thượng. Cảm tạ một buổi sớm mai hồng, một câu nói ấm lòng hay nửa nụ cười huyền ẩn và linh diệu đột ngột xuất hiện giữa đêm tối cuộc thế và cõi người.
*
Tagalau 10.
“Họ hàng bà con, anh chị em hay bằng hữu thường nghe theo nhau; khi ta từ bỏ hay hạn chế tối đa sự nghe theo một chiều ấy, là ta đã học biết suy tư độc lập. Người của phe nhóm ta nói sai, tôn giáo ta phán định trật, ta không còn nhắm mắt tin nghe theo, là ta khởi đầu cho tư duy độc lập. Nhận ra truyền thống văn hóa ta cổ hủ, phản tiến bộ, ta thoát ra khỏi nó để làm cái hay hơn, tốt đẹp hơn, là ta đã biết hành động độc lập. Không sợ dư luận khi dư luận đó vô ý tác hại, xâm phạm đến cá nhân hay cộng đồng, ta bình tâm tìm cách phơi bày nó ra để cho mọi người hiểu, là ta đã có tinh thần suy tư độc lập.
Có ai hôm nay sẵn sàng cho suy tư như thế?”
Hay wá chú Sara à! Hoan hô chú cái nha. Pà con mình dzậy wài thì khổ wá xá khổ…
Đọc bài bạn viết tôi rất tâm đắc. Xin phép bạn cho tôi đăng tải lại ở trang blog cá nhân của tôi (vudongha.wordpress.com). Chúc bạn luôn bình an. vđh.
Anh Vũ Đông Hà thân
Anh có thể copy đăng lại trên trang web của anh, không vấn đề gì cả. Dĩ nhiên có ghi chú xuất xứ của bài viết từ website này.
Thân
Sara
Bài này anh Inrasara viết cực hay. Viết rất hợp với độc giả đại chúng. Tôi biết có nhiều mạng chép lại.
“Của đáng tội là tôi có xu hướng bám lấy mấy thứ danh vị vụn vặt đó: nhà văn, tiến sĩ, nhà nghiên cứu; tôi bám lấy mấy thứ ghế: hiệu trưởng, chủ tịch, phó giám đốc,…”
Không bám được không?
Hơn thua nhau mấy nả?
Hay lắm!
Đọc bài viết của anh khiến em giật mình.Đâu đó trong em và những người xung quanh đang bị lệ thuộc vào dây trói của dư luận và khổ sở vì nó, không chừng! Ý tưởng của anh giá như đến được với tất cả mọi người, thấm nhuyễn được trong đời sống xã hội hiện nay thì tốt biết bao…
Bài viết của chú rất hay và cháu rất thích. Tuy nhiên, một số điểm cháu không đồng tình với cách trình bày của chú.
Khi đặt vấn đề tôn giáo chúng ta nên trọng sự tín ngưỡng và ý kiến của mọi người chung quanh. Bởi những ý kiến cũng như dư luận xã hội và lời dạy trong tôn giáo sẽ cho ta thấy những cái nhìn để rồi mới có được sự trung lập trong cách nhìn của mình.
Cháu tin rằng không phải ai cũng bị cái khuôn phép xã hội gò bó đâu…..
Vài lời chia sẽ cùng chú…
Chúc chú sức khỏe và có nhiều bài viết hay
Kiến thức anh SARA rất sâu sắc. Tôi chưa đọc được nhà thơ/văn đương đại nào có chiều sâu nội tâm như thế. Rất cảm phục anh!