Lâm Tấn Bình: Văn hóa của người Chăm là một phần tinh hoa văn hóa dân tộc

Trên đất nước ta có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, nên có nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó có nền văn hóa của cộng đồng người Chăm, với đức tính thông minh cần cù và sáng tạo, họ đã tạo nên một nền văn hóa hết sức độc đáo và rực rỡ, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm đã làm phong phú cho nền văn hóa Việt Nam, xứng đáng là một phần của tinh hoa văn hóa dân tộc. Bình Thuận là địa phương có nhiều người Chăm sinh sống, do đó việc bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa Chăm theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và luôn được chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên để những giá trị văn hóa Chăm thực sự thuần khiết, thực sự phát triển, ngày càng tỏa sáng trong nền văn hóa Việt Nam đương đại và mãi mãi là một phần của tinh hoa văn hóa dân tộc, thì cũng còn rất nhiều việc phải làm.
Nói đến văn hóa vật thể của người Chăm thì thật là đa dạng, đó là đền tháp, bia ký, các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên đá hết sức tinh xảo. Từ trước tới nay người ta thường ca ngợi nhiều nhất, tìm hiểu nhiều nhất đó là các tháp Chăm ngàn năm cổ kính, đó là những tác phẩm nghệ thuật bậc thầy về kiến trúc, về điêu khắc và tuổi thọ công trình, biểu tượng cho một nền văn hóa phát triển vô cùng rực rỡ. Nếu như Kim Tự Tháp ở Ai Cập, đền Angkor Wat ở Campuchia và các lâu đài cổ ở châu Âu được làm bằng đá vôi hoặc đá sa thạch, thì tháp Chăm của chúng ta lại được kết dính bằng gạch nung mà vẫn tồn tại qua hàng ngàn năm lịch sử. Bí mật về chất kết dính làm nên một tháp Chăm đứng vững ngàn năm là một đề tài nghiên cứu vô cùng hấp dẫn của nhiều thế hệ các nhà khoa học trong và ngoài nước mà đến nay chất kết dính đó là chất gì thì vẫn chưa có câu trả lời. Xét trên tất cả các phương diện về khoa học và giá trị thẩm mỹ, tháp Chăm xứng đáng là một kiệt tác của văn hóa, một tài sản vô giá, là niềm tự hào của dân tộc. Còn khi nói tới văn hóa phi vật thể của người Chăm thì thật vô cùng phong phú và đặc sắc, ngoài việc có tiếng nói và chữ viết riêng, có trang phục riêng, có phong tục thờ cúng riêng, thì loại hình ca, múa, nhạc dân gian Chăm là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Bình Thuận nói riêng đều rất tự hào về điều đó, cho nên việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Chăm trong quá trình xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là một công việc hết sức khẩn trương và nặng nề.
Trên thực tế trong những năm qua dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, trên địa bàn Bình Thuận văn hóa Chăm đã được bảo tồn và phát huy khá đồng đều và hiệu quả. Cụ thể là các đền tháp bị xuống cấp trước đây như Ppo Xah Inư, Ppo Dam, Ppo Nit, đền thờ Ppo Klaung Mơnai và Khu trưng bày Hoàng tộc Chăm đã được tiến hành trùng tu, tôn tạo. Cùng với đó là nhiều di tích hoang phế được phát hiện khai quật và lưu giữ. Các lễ hội dân gian có quy mô lớn như Lễ hội Katê đã được phục dựng thành công tại tháp Ppo Xah Inư và đã đưa vào hoạt động hàng năm. Về loại hình nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian Chăm được đẩy mạnh khai thác qua việc hình thành hai đoàn nghệ thuật. Đó là Đoàn nghệ thuật dân gian bán chuyên nghiệp chăm huyện Bắc Bình (năm 1990) và Đội Nghệ thuật chuyên nghiệp dân tộc Chăm tỉnh Bình Thuận (năm 2006). Những hoạt động của hai đoàn nghệ thuật này đã giới thiệu đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế một vẻ đẹp độc đáo của múa dân gian Chăm mà trước đây chưa hề biết đến. Các hoạt động về nghiên cứu, khai thác nghệ thuật ca múa dân gian Chăm đều được khuyến khích hỗ trợ, nhờ đó mà các vở diễn như “Lửa tình yêu”, tác phẩm “Khát vọng sinh tồn”, “Tình yêu làng gốm”, “Vui hội Katê”… của Bình Thuận đã có một tiếng vang lớn trong các hội diễn nghệ thuật toàn quốc cũng như khi đi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa, ở các tỉnh thành khác, hoặc nước ngoài đều được khán giả mến mộ và hoan nghênh nhiệt liệt. Cái rất đáng ghi nhận là qua quá trình hoạt động đã chứng tỏ việc thành lập Đội nghệ thuật chuyên nghiệp dân tộc Chăm, không đơn thuần là phục vụ các nhiệm vụ chính trị, mà bước đầu đã có những đóng góp hiệu quả cho nghành du lịch, một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà. Như chúng ta đã biết, để thu hút nguồn khách du lịch thì phải có các loại hình giải trí, trong đó có giải trí về ca nhạc trong sự cạnh tranh khốc liệt của các dòng nhạc hiện nay, nhưng Đội nghệ thuật chuyên nghiệp dân tộc Chăm vẫn có chỗ đứng vững vàng ở các khu Resort. Điều đó nói lên rằng nghệ thuật dân gian Chăm ở Bình Thuận không hề bị chìm đi, mà trái lại đã tỏa sáng rất được nhiều người ưa thích, nhất là du khách nước ngoài. Bằng chứng là trong nhiều năm qua Đội nghệ thuật dân gian Chăm đã phục vụ hàng trăm buổi tại các khu nghỉ mát ở Hàm Tiến – Mũi Né. Đặc biệt là vào những ngày nghỉ, những ngày lễ lớn, thì lịch biểu diễn gần như kín chỗ. Cùng với bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa dân gian Chăm, thì việc dạy chữ Chăm ở các trường tiểu học có con em người Chăm, chương trình xóa mù và bổ túc văn hóa chữ Chăm ở các địa phương Chăm cũng được quan tâm đẩy mạnh. Chương trình phát thanh và truyền hình tiếng Chăm của tỉnh ta trong thời gian qua đã phát sóng hàng trăm buổi, góp phần nâng cao nhận thức của bà con Chăm về phát triển dân sinh, kinh tế và xã hội. Những việc làm đó thể hiện rất rõ về sự bình đẳng các dân tộc trong chính sách của Đảng và nhà nước ta, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân.Với những kết quả đó đã tạo được sự phấn khởi, đồng thuận trong cộng đồng người Chăm và các nhân sĩ trí thức Chăm.
Tuy nhiên đó chỉ là những kết quả bước đầu, vì để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Chăm theo đúng tinh thần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với nền văn hóa Việt Nam đương đại, thì vẫn còn nhiều điều trăn trở. Trước hết phải thấy rằng ở một số địa phương Chăm việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và các lễ hội của đồng bào Chăm Bà-la-môn và Chăm Bàni vẫn còn nhiều việc phải bàn, cái gì tốt thì nên giữ lại, cái gì không còn phù hợp thì nên loại bỏ dần. Ví dụ như việc tang tuy đã tiến bộ về mặt rút ngắn thời gian tổ chức, nhưng vấn đề ăn uống thì vẫn chưa bảo đảm vệ sinh môi trường, gây phiền hà cho tang gia. Việc cưới xin vẫn còn có những nơi xảy ra nạn tảo hôn, thách cưới, tổ chức ăn uống linh đình. Lễ cúng gia tiên của một số tộc họ nghi thức còn rườm rà. Chi phí vật chất hàng năm cho tập tục vẫn rất tốn kém, là gánh nặng đè lên kinh tế của mỗi gia đình nhất là những gia đình nghèo, nó không phù hợp với cách sống hiện nay. Một điều rất đáng lo ngại là một số thanh niên Chăm lại không am hiểu về văn hóa của dân tộc mình, không chịu học chữ Chăm, không quan tâm tới phong tục tập quán, âm nhạc và nghệ thuật Chăm. Trong lĩnh vực nghiên cứu khai thác vốn văn hóa nghệ thuật dân gian Chăm cũng thế, có một số nhà nghiên cứu, biên đạo, nhạc sĩ đã bỏ ra nhiều công sức để sưu tầm khai thác một số loại hình văn hóa Chăm khác nhau, nhưng nếu không có cái tâm trong sáng, không nắm chắc nội dung ý nghĩa nhân văn của nó, thì sẽ tạo nên một tác phẩm có xác mà không có hồn, làm người xem hiểu sai lệch về tinh hoa của văn hóa Chăm. Trong khi đó lực lượng người Chăm chuyên sâu về lĩnh vực này lại rất mỏng và đang thưa dần, không đáp ứng kịp cho đội ngũ kế thừa.
Những gì mà chúng ta đã làm trong thời gian qua về việc bảo tồn những giá trị của văn hóa nghệ thuật truyền thống Chăm là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên để bảo tồn văn hóa một cách lâu bền không có nghĩa là ta giữ lại nguyên xi những gì mà nó vốn có, mà phải biết giữ lấy những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất, nhân văn nhất. Để làm tốt điều này cộng đồng người Chăm và các nhân sĩ trí thức Chăm đóng góp một vai trò hết sức quan trọng, chính họ là những người gạn đục khơi trong làm cho con cháu người Chăm gắn bó và yêu quý văn hóa của dân tộc mình. Chúng ta cần thống nhất với nhau rằng: Bảo tồn văn hóa truyền thống Chăm là bảo tồn một phần của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam và trách nhiệm này không của riêng ai.
*
Tagalau 10.

6 thoughts on “Lâm Tấn Bình: Văn hóa của người Chăm là một phần tinh hoa văn hóa dân tộc

  1. kính gởi bài thơ này tới bất kỳ ai yêu văn hóa CHĂM PA, người CHĂM PA. Tôi sẽ còn gửi bài thơ này đi nhiều lần nữa, nhiều lần nữa…

    VIỆT CHĂM LÀ MỘT

    VIỆT CHĂM là một mà thôi
    cho dù tiếng nói giống nòi khác nhau
    từ bao lâu đã là nhau
    trong tư tưởng, trong máu đào chúng ta

    như anh em sống một nhà
    muôn đời chỉ một sơn hà mà thôi
    xét về lịch sử xa xôi
    từ thời thượng cổ rời nôi, nhớ là

    HỒ TÔN quốc, sau đổi ra
    LÂM ẤP quốc, người đổi là Khu Liên
    đến Chư Cát Địa đổi liền
    HOÀN VƯƠNG là quốc hiệu riêng thuở này

    thăng trầm biến đổi gớm thay
    NHÀ ĐƯỜNG, nhớ lúc họ bày can qua
    HOÀN VƯƠNG quốc biến thế là
    dân về Quãng Ngãi với là Quãng Nam

    quốc hiệu lúc đó đổi sang
    CHIÊM THÀNH từ đó, mấy hàng lược qua
    ngày nay tên gọi CHĂM PA
    vẫn mang hồn nước, vẫn là VIỆT NAM !

    nói thêm sử Việt ít hàng
    nhớ Mai Hắc Đế hiên ngang anh hùng
    cha vua, xin nhắc nhớ cùng
    người CHĂM chính thống, nhắc cùng với nhau !

    CHĂM PA ơi, hãy tự hào
    không riêng nhà Lý vấn vào mê say
    CHIÊM THÀNH âm điệu nam ai
    thả thương sắc Huế từng ngày mộng mơ

    Nha Trang tên gọi bao giờ
    “con sông lau sậy” có ngờ Chữ Chăm?
    như qua một kiếp tơ tằm
    tháp CHÀM mãi ánh trăng rằm lung linh

    hát bội Bình Định vẫn in…
    ơi… ca vọng cổ nước mình Tây Nam
    ít nhiều âm hưởng Chăm mang
    lúa CHIÊM phấp phới sắc vàng bao la

    ngàn năm xưa tự CHĂM PA
    những bông, khoai, mía… ông bà trồng, lưu…
    Bảo Thiên tháp với thiên thu
    mấy ai biết được do tù CHĂM xây

    Châu Lâm chùa ấy tượng này
    GARUDA đã về đây thở nào!
    ơi bao dấu tích cùng nhau
    mà theo năm tháng máu đào chúng ta…

    ơi CHĂMPA, hỡi CHĂMPA
    dân gian lễ hội mới là đặc trưng
    điêu khắc đặc sắc lẫy lừng
    kiến trúc kì vĩ chưa từng lãng quên!

    nhớ bia chữ Phạn còn tên
    sao trong văn Việt nỡ quên nửa mình?
    dòng nào đâu, lấy làm tin?
    phải văn học VIỆT vô tình quá chăng?

    nói đâu hết được mà rằng
    CHĂM PA văn hóa ngàn năm lạ thường
    nghiêng mình xin đốt nén hương
    tự tâm xin cõi vô thường thứ tha…

  2. Anh Khâm nghĩ như thế nào về ông Hà Văn Thùy??!!!
    Hà Văn Thùy trả lời tiến sĩ Đỗ Ngọc Bích trên BBC.Vietnamese.com, ngày 20.4.2010, nguyên văn như sau:

    “Đến nay, hết thập niên đầu của thế kỷ XXI, không ít người Việt trong và ngoài nước biết rằng, không phải 4000 năm mà lịch sử của tộc Việt bắt đầu khoảng 70.000 năm trước, khi hai đại chủng Homo sapiens là Europid và Mongoloid theo con đường phương nam tới miền Trung và miền Bắc Việt Nam để hòa huyết sinh ra 4 chủng Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid.
    Rồi từ Việt Nam, người Việt lan tỏa sang châu Úc, ra khắp Đông Nam Á. Khoảng 40.000 năm trước, người Việt lên khai thác đất Trung Hoa để 4000 năm TCN xây dựng tại Á Đông nền văn hóa nông nghiệp sớm và rực rỡ nhất hành tinh.
    Khoảng 2600 năm TCN, người Hoa Hạ, tiền thân của người Hán ra đời, là con lai giữa người Bách Việt và người Mông Cổ sau cuộc xâm lăng của người Mông Cổ.
    Tất cả văn hóa vật thể và phi vật thể trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN đều là sản phẩm của tộc Việt.
    Năm 2006 tôi bạo gan đưa ra giả thuyết: “Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán” thì mùa Xuân năm nay, bạn tôi, anh Đỗ Thành, gốc Việt Triều Châu đang sống ở Sacromento Hoa Kỳ, từ giáp cốt văn, kim văn và những thư tịch cổ nhất của Trung Hoa như Việt chép (Việt tuyệt thư), Thuyết văn giải tự đã “Phát hiện lại Việt nhân ca”, “Phục nguyên Duy giáp lệnh của Việt vương Câu Tiễn” và tìm ra “Nguồn gốc chữ Nôm”, chứng minh không thể phản bác là, chữ Nôm của người Việt có trước, từ đó được cải tiến thành chữ Hán! Chiêm Thành, Lâm Ấp cũng không như nữ tiến sĩ lầm tưởng!”

    Theo tôi, đúng là chuyện ĐẠI TẾU trong khoa học!!!

  3. Chào người quan sát! có lẽ Khâm phải đọc lại mới dám trả lời bạn, mà hình như tôi thấy có một vài điều chưa chính xác, tối nay rãnh tôi sẽ đọc lại. Gặp lại sau nhé Người Quan Sát!

  4. Chào NQS!

    Tôi có 3 ý muốn chia sẽ với anh.

    Thứ nhứt: Có một sử gia kiệt xuất nào đó đã từng nói ” Luật đầu tiên của lịch sử là anh không được viết sai, mà nếu lịch sử sai thì anh không thể không viết”

    Thứ hai: Tôi thấy tác giả Hà Văn Thùy trả lời khá chủ quan, mà chủ quan, võ đoán thì anh tự suy…

    Thứ ba: Tôi có cảm hứng khi anh hỏi nên có viết bài thơ này, vì tôi hơi nóng tánh nên phải tập từ tốn, chừng mực trở lại, nên mới hẹn anh từ sáng tới giờ. Anh đọc và cho tôi ý kiến nhé, đừng sợ mích lòng, tôi không giận ai nói thẳng cả. Rằng:

    lịch sử dễ mắc sai lầm
    nếu anh viết thiếu công bằng vô tư
    tinh thần lịch sử không dư ( thiếu tinh thần lịch sử)
    xem xét mọi thứ cứ như ý mình

    thời xa xưa khác văn minh
    phán đoán nhất thiết đặt mình ở trong
    nổi khó rất dễ nản lòng
    cần nhiều đức tính có trong một người

    trí bác học: lẽ buộc đòi
    triết gia: luận giải rạch ròi trước sau
    tánh nghệ sĩ: một phần nào
    tái tạo lịch sử phải trao cảm đồng.

    trí tưởng tượng, tuyệt đối không!
    nó là nguồn gốc muôn phần lệch sai
    trung gian chứng cứ lâu ngày
    tri thức gián tiếp, hỏi ai bây giờ?

    sử gia đâu phải giỡn chơi
    trùng trùng khó nhọc, mấy lời nói qua.

    Thân mến

  5. Xin chào qúi vị và “người quang sát”…
    Tôi là “Nhạn Nam Phi”
    – Mỗi 1 người điều có quyền tự do suy nghĩ và phát biểu ý kiến, Đúng hay sai sẽ có công luận soi sáng và thấy rõ theo dòng thời gian; Galilée ngày xưa bị đưa lên ngọn lữa thiêu sống rồi sau nầy người ta mới biết và chứng thật được rằng trái đất không phải hình vuông mà là hình tròn.
    *Đại hội QUỐC TẾ HÁN HỌC HỘI LẦN THỨ 3 có phục nguyên CỔ HÁN NGỨ bỡi những người có “chuyên môn” và “thẩm quyền” nhất trong hiện tại, kết qủa là mấy trăm chữ tiêu biểu được công bố của “Hoa ngữ” sau khi phục nguyên thì là có phát âm như tiếng Quảng-Đông! mà tiếng Quảng Đông là tiếng Việt/ …Họ “dừng lại” ở đó, nếu “đi” xa hơn thì kết qủa còn khác…; Nếu ai biết được tiếng Quảng Đông 100% thì cũng sẽ biết rằng người Quảng Đông luôn nói ” Ngọ Duyệt dành- ngọ Cỏn Duyệt-iạ/ Tôi người Việt-tôi ‘giãng’ Việt ngữ”…Hoa ngữ bây giờ có qúa nhiều giọng đọc địa phương khác nhau: Chuyên gia ngôn ngữ “Hoa” đã đồng ý : thiénn thỉn- theng théng-thín thình : là có nguồn gốc từ “thiên Đình”.
    _ *”Theo tôi, đúng là chuyện ĐẠI TẾU trong khoa học!!!” tôi copy câu nầy và mời qúi vị nào muốn xem “đại Tếu” như thế nào thì có thể vào nhannamphi.com mà xem hoặc có thể dùng google search PHÁT HIỆN LẠI VIỆT NHÂN CA-PHỤC NGUYÊN DUY GIÁP LỆNH-NGUỒN GỐC CHỮ NÔM-PHẠM LÃI NÓI TIẾNG GÌ?- GHÉT ĐỜI KIỆT TRỤ-NHỮNG LỚP BỤI MỜ CỦA LỊCH SỬ V V…
    _vì thời gian hạn hẹp, nên tôi không có tham gia diễn đàn nào, hôm nay tình cờ ghé qua trang nầy nên lưu lại vài dòng “không thân mà mến”, tôi luôn kính trọng những người có tinh thần nói thẵng nói thật cảm nghĩ của mình…….
    *Chúc qúi vị AN VUI…

Leave a Reply to nhạnnamphi Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *