Thông Minh Diễm: Hành trình Lễ tẩy trần tháng Tư của Inrasara

Tạp chí Dân tộc, số 61, 1-2006.

Độc giả yêu thơ hôm nay chắc hẳn không ai không biết đến nhà thơ Inrasara, dân tộc Chăm. Ngoài làm thơ ông còn là người sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật nhiều công trình văn hóa – xã hội Chăm. Điều thú vị hơn sau sự kiện ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên ở Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng Văn học ASEAN 2005 với tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư xuất bản năm 2002 (tác phẩm này từng đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003).
Nhà thơ Inrasara tên thật là Phú Trạm, sinh năm 1957 tại Chakleng (tên làng Mỹ Nghiệp) huyện Ninh Phước – Ninh Thuận. Ngôi làng duy nhất có tên trên bia kí cổ Champa và là nơi nổi tiếng sản xuất mặt hàng thổ cẩm Chăm. Ông lớn lên trong một gia đình nhà nông nghèo gồm sáu anh chị em, riêng ông là người may mắn được ưu tiên học hành liên tục. Một ưu thế nữa, ông có một người cha mẫu mực, hiền lành và đam mê sách cổ. Chính lẽ đó, Inrasara lớn dần trong hơi thở, nhịp thở người cha, ông thuộc lòng các trường ca cổ điển như Ariya Glang Anak, Pauh Catwai vào những đêm trăng thanh nơi thôn trang vắng vẻ gợi buồn man mác. Từng lời thơ, câu thơ nâng niu tâm hồn Inrasara ngày còn tấm bé. Sau này trong ông vẫn lấp lánh về hình ảnh đó:

Từ ngôi nhà này
con ra đời và khôn lớn
con biết nghĩ siêu hình / tập làm văn chương
con không quên cha / không quên mình
vẫn đủ giờ suy tư siêu hình, sáng tác văn chương

(Lế tẩy trần tháng Tư, 2002)

Từ ngôi nhà này, đúng hơn từ miền đất Panduranga trong bốn mùa hanh hao nắng gió khắc nghiệt. Nơi đây diễn ra nhiều lễ hội và cậu bé Inrasara cũng nhiều lần chen lấn để xem say sưa điệu cuồng vũ (múa đạp lửa) của Ong Ka-ing trước đống lửa được nhóm lên trước cửa Kajang. Rồi được mẹ dẫn ra sông Lu tham gia cuộc tẩy rửa tập thể.

Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này
nhúm chữ cái Latinh A B C
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng
.

Đến năm 1969, Inrasara rời làng và những con sông tuổi thơ lên thị xã Phan Rang học tập. Thời gian ở ký túc xá Trường Trung học Pô-Klong (ngôi trường mang tên một vị vua Chăm) cách quê hơn mười cây số, trong lúc các bạn háo hức về nhà sau những ngày cuối tuần thì ông lại theo các bạn làng xa về các plây khác. Lang thang qua gần bốn mươi làng Chăm của Ninh Thuận và Bình Thuận. Ông ý thức được mình, đi nhiều, thấy nhiều, hiểu rõ hơn nơi cộng đồng mình đang sinh sống. Năm 1976, vào Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, chưa đầy hai năm thì rời bỏ giảng đường để rồi tiếp tục lầm lụi theo con đường riêng của mình. Năm 1982, được mời về công tác ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm tỉnh Ninh Thuận, rồi sau đó lại thôi việc. Năm 1992, tham gia nhóm nghiên cứu văn hóa Chăm thuộc Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, sáu năm sau lại lặng lẽ ra đi. Thêm nhiều lần nữa các nơi mời cộng tác, nhưng với bản tính đầy phiêu lưu, sáng tạp, điều mà ông muốn là được tự do, cởi bỏ mọi vướng bận, ràng buộc; dành trọn cho cuộc đời và sáng tác (“Có ai hiểu sông Lu đang chảy trong tôi?”, ông viết thế).
Có thể nói, trong thời gian không làm viên chức, Inrasara đã làm việc, kiếm sống chẳng ngại việc nào: làm ruộng, trồng rau, đánh cá, làm thú y và kể cả kế toán với con số khô khan. Nhưng cho dù làm bất cứ công việc gì, ở đâu, để tìm kế sinh nhai, ông luôn tâm huyết dành cho “nàng thơ” sự ưu ái, trân trọng.
Với Inrasara, để có thể đi trọn con đường thơ ca, ông thường nêu quan niệm của mình “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”, tức cô đơn đầu tiên và cuối cùng. Cô đơn giai đoạn đầu thai nghén, khi phải đối diện với trang giấy trắng và cô đơn cả lúc tác phẩm đã sinh hạ. Trước khi có Lễ tẩy trần tháng Tư, tập Tháp nắng (1996) tập thơ đầu tay ra đời khi ông ngót 40 tuổi, đã tạo ấn tượng mạnh trong dư luận và nhận luôn Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997. Tiếp theo Sinh nhật cây xương rồng (1997), Hành hương em (1999). Hầu hết các tác phẩm thơ của Inrasara đều nhận được giải thưởng văn học trong nước.
Với người Chăm, lễ tẩy trần tháng Tư là lễ nghi thức linh thiêng, lễ được tổ chức đầu năm theo Chăm lịch. Linh thánh, với mỗi người Chăm, mỗi làng và cả cộng đồng Chăm, nhằm tống tiễn, tẩy trừ cái xấu xa, nhơ nháp ra khỏi plây, rửa sạch cái cũ cho nó ở lại, đón những điều mới mẻ vào làng. Tất cả sinh thể lẫn vật thể, tự tác hay được tạo tác đón nhận với một tinh thần tràn đầy hân hoan. Và chính là “Lễ hội” hoành tráng được bạn bè khu vực Đông Nam Á đón nhận về di sản văn hóa Chăm độc đáo. Góp phần vào văn học ASEAN, tạo nên khối đoàn kết, vững bước phát triển tiên tiến đậm đà bản sắc đa ngôn ngữ dân tộc Việt Nam hôm nay.

*
Ghi chú: Bài viết này đã cũ, đăng lên chỉ để làm tài liệu tham khảo cần thiết với một số sinh viên và những người quan tâm đến sáng tác của Sara.

3 thoughts on “Thông Minh Diễm: Hành trình Lễ tẩy trần tháng Tư của Inrasara

  1. Bài viết không có gì để đọc cả. Viết về Inra như vậy chả bõ công. Viết chịu khó và kĩ lưỡng như Trần Xuân An còn bị chê huống chi. Nhà thơ cho đăng lên mạng để làm tài tài liệu cũng phải thôi. Đâu cần viết dài mới hay, chỉ cần rất ngắn nhưng có ý là được. Tôi nhớ có đọc bài ngắn của Trân Trân so sánh Chế Lan Viên và Inrasara, rất ấn tượng. Thông Minh Diễm chú ý hơn.
    Xin chép lại:

    Hoàng Phủ Trân Trân
    SUY TƯỞNG VU VƠ
    (Thử bình thơ anh em nhà họ Chế)

    Hai Chế hơn nhau băm bảy tuổi.
    Người ra đi – đi thật xa, kẻ ở lại phải trả nợ cho đời.
    Tôi khoái Chế anh bao nhiêu tôi càng khâm phục Chế em bấy nhiêu. Bởi câu thơ dài mà không dư, không rỗng; dài mà hay, mà văn chương cháy bỏng, khôn cùng.

    Nếu Chế anh xót xa cho tháp “gầy mòn vì mong đợi” thì Chế em nuối tiếc “tháp lạnh”, “tháp hoang”, nhưng chẳng dám nhớ vì không muốn nhớ hay ngợi ca, chỉ mặc cho “bác tiều phu nhớ, dân buôn lậu nhớ”.
    Chế anh bay “theo hồn dân tộc đang bay”, Chế em hát “trái tim đui, khổ đau linh thánh”.
    Chế em “sát na”, Chế anh “sờ soạng”.
    Chế anh nghiêm nghị phê: “Chớ lấy cớ thơ mà viết những chữ thùng thình như áo rộng rộng hơn đời”. Dùng mười sáu chữ thênh thang nhẹ nhàng ghép thành một câu thơ hay, tuyệt bút. Tôi mê, thán phục sát. Chê mà chẳng chút mảy may mất lòng ai. Chê mà lại êm tai, lạ nhỉ! Chê nhưng khiến người mắc lỗi đành cúi đầu tạ tội, tạ ơn rối rít.
    Chế em thành kính tri ân bậc tiền nhân bằng mười bảy chữ ngọt ngào thấm đậm chất thơ: “Hãy hình dung trăm ý tưởng tài hoa chịu làm vô danh cho tháp Chàm có mặt”. Người nhắc nhở con em chớ nên tự cao tự mãn, không nên như con suối kia chưa đóng góp gì cho dòng sông, mà bởi “mãi lo ưỡn ngực làm cao” nên “tự đi tiêu tán ở lưng đồi”.

    Xuân Bính Tuất.

  2. Bak Zinh nói zậy là wan cho anh Zĩm đó. Cũng có chữ để đọc chớ bộ. Anh Zĩm kăk zán kak câu zăn từ nhiều báo khak, rùi từ các tỉu lựng của chú Sara để làm ra bài này. Cháu thấy như zậy là hậu hiện đại. Bác Zinh hổng bít hậu hiện đại nên mới chách.

  3. Bài Diễm viết có tình. Đó là điều dễ thấy đầu tiên. Dĩ nhiên bạn trẻ này vì mới nhập cuộc viết nên chưa sáng tạo, dù trong 1 bài báo. Chuyện chữ nghĩa khó là vậy. Viết thành văn thì học sinh kha khá qua Trung học ai cũng viết được. Viết để đọc được thì chỉ có 10% trong số ấy. Nhưng viết như một nhà văn đủ sức lôi cuốn độc giả theo dõi từ đầu chí cuối, và nhất là đọc lại nhiều lần sáng tạo của mình, là điều khó ngàn lần hơn. Dễ gì 1% người viết văn làm được?!
    Nên, dù có phê bình, nhưng chúng ta khuyến khích Diễm là hơn.

Leave a Reply to Cobewe Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *