Văn học Chăm hiện đại 2/ 2

b. Văn học Chăm hiện đại – sáng tác tiếng Việt

Trước 1975
Gần thế kỉ qua, khi Chăm đã hòa nhập vào cuộc sống chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhu cầu sáng tạo và thưởng thức văn học nghệ thuật ở cấp độ cao vẫn còn tồn tại nơi dân tộc này. Và để hội nhập, các cây viết Chăm không thể không sử dụng tiếng phổ thông (tiếng Việt) để thể hiện.
Trước 1975, khi phong trào sáng tác thơ tiếng Việt mới nhen nhúm, vài tên tuổi như Jaya Panrang, Huyền Hoa, Jalau, Chế Thảo Lan,… có đăng báo, tạp chí miền Nam. Đa phần bài thơ của họ xuất hiện qua/ nhờ sự có mặt của nội san Panrang do Thiên Sanh Cảnh làm chủ bút và đặc san Ước vọng của Trường Trung học Pô-Klong. Sau khi đất nước thống nhất, khi hai nội san này đình bản, tất cả đều im ắng.

Sau 1975
Mãi đến giữa thập niên 80, Amư Nhân xuất hiện trong giới ca nhạc Việt Nam tạo nên phong trào khá sôi nổi. Sau đó Inrasara với hàng loạt tập thơ ra đời cùng với các giải thưởng văn chương, văn học Chăm mới thực sự có giọng nói trên văn đàn đất nước. Rồi khi Tagalau, tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm ra đời, Tuyển tập đã tạo được “sân chơi của những tay viết không chuyên Chăm gặp mặt, trao đổi và thể hiện để cùng học tập, sẻ chia” (Lời mở – Tagalau1). Qua mười kì Tagalau, vài khuôn mặt mới xuất hiện và khẳng định mình. Dù Tuyển tập chỉ được phát hành trong phạm vi nhỏ hẹp ở vài tỉnh có đồng bào Chăm sinh sống, thực tế nó đã góp được một tiếng nói nhất định.
Thử điểm danh vài khuôn mặt.

Inrasara, sinh 1957.
Từ tập thơ đầu tay Tháp nắng do NXB Thanh niên ấn hành năm 1996, Inrasara liên tục cho ra đời các sáng tác của mình, cả thơ và tiểu thuyết:
Sinh nhật cây xương rồng, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1997.
Hành hương em – thơ, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999.
Lễ tẩy trần tháng Tư – thơ và trường ca, NXB Hội Nhà văn, H., 2002.
The Purification Festival in April, thơ song ngữ Anh – Việt, NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2005.
Chân dung cát – tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, H., 2006.
Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn, H., 2006.
Từ đó, gần trăm bài viết về thơ văn Inrasara xuất hiện trên đủ loại báo, tạp chí chuyên và không chuyên; ba luận văn Thạc sĩ, một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường Đại học về thơ của nhà thơ đất nắng Phan Rang này.
“Sức nghĩ của Inrasara dồi dào và mạnh mẽ, sâu sắc và hiện đại. Ngòi bút của Inrasara chạm được vào những vấn đề cốt tử của nghệ thuật. Inrasara đã sống thực sự với đời sống văn chương đương thời.
Nói tới Inrasara mà chỉ nói đến thơ thì chưa đủ, mặc dù thơ của anh hiện đại vào loại bậc nhất hiện nay. Nói đến Inrasara mà chỉ đề cập tới phê bình văn học, thì hẳn vẫn còn thiếu sót, mặc dù tiểu luận của Inrasara thuộc loại xuất sắc và đầy tính lí luận… Cái bóng của Inrasara có thể che lấp được những định kiến hẹp hòi, hoặc những mĩ cảm cũ kĩ. Anh dám vượt mình với vẻ ngạo nghễ cần có, dám vượt qua những lực cản bên ngoài một cách đàng hoàng. Inrasara góp công không nhỏ vào công cuộc đổi mới văn học, đổi mới cách tư duy và lối viết”(13).

Trầm Ngọc Lan – 1955.
Có tác phẩm đầu tay in ronéo: Xây sầu trong tim lở (1973) dưới bút danh Chế Thảo Lan ngay từ những năm Trung học Đệ Nhất cấp. Sau 25 năm ẩn mình, Trầm Ngọc Lan xuất hiện trở lại cùng với Tagalau, và là một trong vài cây bút chính của Tuyển tập. Tài hoa cả trong thơ lẫn văn. Thơ anh dồi dào cảm xúc, một cảm xúc trên nền tình yêu thắm thiết dành cho quê, cho mẹ, cho con, cho anh em, bè bạn.

Suối Tre?
khi tôi sinh ra chẳng có một bụi tre
đã thành hoài niệm
hai thánh đường lúc nào cũng nhìn nhau hằn học
Mohamed buồn…

những gánh thuốc thập cẩm
đi đến thập phương
hay bước hành hương?
tìm miếng đắng tương lai
rớt trái nhục lung linh trời thực tại
.
(“Phước Nhơn”, Tagalau 1, 2000)

Giọng văn anh qua truyện ngắn “Chân dung đồng một vụ” (Tagalau 1) tưng tửng mà lôi cuốn, có vẻ bất cần mà đẫm tình. Chỉ bằng vài nét phác tưởng sơ sài, vài đoạn đối thoại ngắn, vài quan sát như lối nhìn trẻ thơ, anh đã vẽ được chân dung của một làng quê Chăm vừa cũ vừa hiện đại, nửa như yên ắng nửa muốn làm sôi động giả tạo trong buổi giao thời nhưng cứ đặc chất Chăm. Đây là lối tiếp cận hiện thực khá hiện đại.

Trà Vigia, Yamy – 1957.
15 tuổi đã có thơ đăng ở nội san Panrang. Thơ Trà Vigia giàu chất suy tưởng, nhiều thể nghiệm mới, luôn tìm tòi bứt phá. Ngôn ngữ thơ nhiều góc cạnh, tứ thơ chuyển bất ngờ, qua đó Trà vỡ vạc những ẩn khuất của tâm hồn con người Chăm trong cuộc sống hiện đại.

MIÊN DU

Mùa xuân bao lần phai phôi
nào hay biết
Đời người bao lần bai bôi
hoài lỡ bước
Que củi cháy để lại than hồng
Que diêm cháy bay vào hư không

Em không mãi là thiếu nữ
Làm duyên ngàn năm trên khung lụa
Tôi không mãi làm câu chữ
Hờn ghen phù du trang giấy cũ

Chỉ vài sợi khói mong manh
Không đủ dò đường lên thượng giới
Gạt đống tro tàn thâu canh
Làm sao thắp nắng tươi ngày mới?!

Em bao lần đi qua
tôi chẳng thấy
Tôi bao lần đi xa
chẳng thấy tôi
.

Nhịp và thể thơ anh liên tục thay đổi, như đang cố vượt con người thi sĩ còn mơ hồ mình để tìm đến một chất giọng riêng.
Nhưng có lẽ nổi trội ở Trà chính là truyện ngắn, bút kí văn học. Có được bút pháp riêng ngay từ dăm truyện đầu tiên, là điều ít nhà văn đạt được. Sáng tạo nghệ thuật yêu cầu sức tưởng tượng vượt trung bình. Mặt này, Trà có thừa. Giấc mơ tưởng tượng của Điềm trong “Dạ hội thần tiên” lạc vào một lễ hội, là chuyện ai cũng có thể nghĩ ra; nhưng điều đáng nói là các chi tiết anh dàn dựng, chúng nằm nơi lằn ranh giữa thực và mộng, lồng ghép, quấn quyện đến không biết đâu mà lần. Thế mà nó cứ thực, thực còn hơn cái hiện tiền xảy ra hàng ngày quanh ta.
Hơn nữa, điều ta cứ than vãn đang thiếu trong văn chương hôm nay là độ sâu của suy tư, đã xuất hiện khá thường xuyên trong sáng tác của Trà Vigia. Tập truyện ngắn Chăm H’ri (NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2008) gồm bảy câu chuyện kể theo bút pháp khá cổ điển, đan xen hiện thực và huyền thoại, thực tế và tưởng tượng đầy sáng tạo, về vài hiện tượng trong đời sống tinh thần và tâm linh Chăm. Nhân vật chính trong “Chăm H’ri” luôn dằn vặt trong cuộc đi tìm một mảnh nguồn cội, Điềm đặt vấn đề về âm nhạc hiện đại trong tương quan của nó với truyền thống, Kaya trầm tưởng về lẽ sống, đạo người (“Người đàn bà hát”). Tất cả đều bật ra từ những chi tiết rất đắc được cô đúc bằng lối kể chuyện đĩnh đạc.
Tôi gọi đó là tiếp thu sáng tạo.

Trần Wũ Khang – 1957.
Đứa con hai dòng máu Chăm – Việt. Viết báo một thời gian, sau đó lui về quê ẩn tích. Bắt đầu viết lại vào năm 2004. Có nhiều tiểu luận và thơ đăng ở Tienve.org, Talawas.org.
“Quà tặng của quỷ sứ” được Đinh Linh dịch ra tiếng Anh: “Gift of the Devil”. Bài thơ ngắn, nhưng từ “khủng bố” [terrorize, terrorism] 32 lần lặp đi lặp lại. Ở đó, khủng bố nổ tan xác âm thanh đẹp nhất của thiên nhiên và thế giới con người. Nó bất kể, bất cần và bất chấp. Nó là trung tâm. Nó là nó, chỉ có nó và, không ai khác. Tuyệt đối. Nó muốn và nó được! Nó – với tư tưởng, chủ nghĩa và hành động khủng bố của nó. Rồi khi mọi thứ đã tanh bành, nó còn lại mỗi mình nó. Như nó muốn.
Hãy chú í từ TAO. Tao khinh thường, khinh bỉ, tao sẵn sàng chà đạp mọi sự chống lại tao. Tao hủy hoại tất cả kẻ cản mũi tao. Hủy hoại cái loài người cho là đẹp (thơ ca), phá nát tương lai của chúng (học hành), triệt tiêu nhân loại và tiêu hủy luôn hành vi tạo ra nhân loại (làm tình). Để cuối cùng, trái đất còn mỗi nó: TAO KHỦNG BỐ.
Còn mỗi TAO đơn độc rồi một [T] trơ trơ, và dấu chấm đen thê thảm [.] rút cục không gì cả [ ]: HƯ VÔ!

Thằng con rớt rơi bởi bố Chăm mẹ Việt, tôi viết
thằng con nhập nhằng hai dòng máu, tôi viết thơ
viết giữa rối mù cỏ cây, xuống dốc niềm tin, tù túng khí quyển văn học

Thằng con bật gốc rễ quê hương kinh niên đói
thằng con sinh non của thánh địa Mĩ Sơn và chùa Một Cột, tôi viết thơ
thơ tát tai căm thù, đá đít kì thị, nhổ bọt luồn cúi

Thằng con hư của phố và quê, của đồng bằng và rừng núi, tôi viết
dưới bóng râm thế hệ còng lưng gánh quá khứ, tôi viết
trong ánh sáng lõa thể của dối trá của độc hại của ảo vọng

Tôi thằng con lai căng qua đụng độ văn hóa Champa/ Đại Việt,
thằng con hoang của mảnh vụn sách vở Tây/ Tàu

(“Thằng con hai dòng máu”, Quà tặng của quỷ sứ, 2009)

Ngôn ngữ thơ Trần Wũ Khang thoải mái, nhịp điệu phóng túng, đề tài thơ động cập trực tiếp bao nhiêu hiện thực hôm nay: hộ khẩu và KT3, bán độ bóng đá, tường lửa internet,… Cả vấn đề thời sự nóng nhất: nạn khủng bố đang tràn lan khắp mặt địa cầu.

Jalau Anưk – 1975.
Là khuôn mặt mới mang hơi thở mới vào thơ tiếng Việt. Ngôn ngữ đời thường cùng cách thể hiện hiện đại phơi lộ tâm tình thế hệ Chăm sinh sau 1975: khỏe khoắn, dân tộc mà “không thiếu thế giới”. Jalau Anưk trộn lẫn tiếng Kinh – Chăm, Việt – Anh trong một bài thơ ngắn đầy tính cảnh báo vừa xót đau vừa phẫn nộ về một thế hệ mới hứa hẹn nhiều tương lai nhưng cũng ẩn náu không ít nguy cơ về sự vong thân, tha hóa:

Ai như em – dán dính mình bằng quần Jean, áo pull, bầm môi như máu ứa?
Ai như em – bập bẹ Chăm, Kinh, nụ cười ngượng nghịu, dáng đi mùa dịch gia cầm – avian flu?
Ai như em – ném vào nhân gian cái nhìn bạc bẽo, cơn đói tờ giấy bạc, giấc mơ nail-doer, hơi thở overseas
?
(Jalau Anưk, “Ng.”, Vanchuongviet.org, 2006)

Thơ Jalau Anưk mang đầy cái nhìn phản tỉnh, một phản tỉnh mới:

Thuở ấy tôi đi
Với
hào quang trước mắt
ngỡ được tắm trong thế giới diệu kì
ngỡ hái trọn bao trái cây mơ ước.
Thuở ấy tôi đi…
mang nông nỗi thời trai trẻ
bơm háo thắng qua vụn vặt kiến thức
nuôi xảo quyệt cơm-áo-gạo-tiền phủ bẩn giấc mơ
.
(Jalau Anưk, “Tạ lỗi”, Tagalau 4, 2005)

Trà Ma Hani – 1948.
Cây viết nữ có bản thảo tập thơ cho thiếu nhi: Em, hoa xương rồng và nắng, Giải thưởng cuộc thi thơ 2001-2002 của NXB Kim Đồng. Bài thơ tiêu biểu:

GIÓ

Gió về từ biển, gió nói với lá điều gì mà lá reo vui
Lá reo vui từ chiếc này sang chiếc khác, tàn này qua tàn khác, hàng cây này nối hàng cây khác

Gió chạy qua sông, nói với nước điều gì mà nước kiểng chân chồm qua bờ như muốn dòm xem trên ấy có gì lạ.
Gió nhảy xa, gió nhảy cao
Gió nhào lộn trên đồi rủ lũ cát tung bay với gió
Gió trườn qua plây, gió trôi trên mái tranh vỗ về nỗi đơn chiếc tuổi già
Gió xô biển làm rì rầm sóng.

Đôi khi gió cũng biết chập chững từng bước rất nhẹ, thật khẽ qua vòm tóc chúng bạn khiến nó vờn bay
Vờn bay cùng giấc mơ tuổi nhỏ
.

Một tác giả nữ khác là Chế Mỹ Lan – 1975, đang sống tại Hoa Kì.
Tập thơ Em và màu mây qua tháp do NXB Văn học in năm 2008, gồm 48 bài thơ sáng tác trong thời gian sống xa quê hương.
Sống giữa quê nhà mà vẫn nhớ nhung quê hương. Cảm giác cô đơn và í hướng lên đường đi tìm thúc giục. Mãi mãi đi tìm. “Lưu vong theo nghĩa rộng, là một trong những định mệnh khả hữu cho nhà văn thời chúng ta”, Nedim Gursel nói thế. “Có ngôn ngữ nào ngọt ngào hơn tiếng mẹ”, biết vậy, nhưng Chế Mỹ Lan không thể khác. Người thơ không viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình: tiếng Chăm. Yêu quê hương, nhớ quê nhà. Yêu từng mô đất đồi, từng bụi cỏ đám ruộng sâu; nhớ từng tà ao dhai bay, từng màu mây trắng chết lịm. Hiếm có người làm thơ nào bị ám ảnh bởi đề tài, hình ảnh quê nhà như Chế Mỹ Lan: “Hai chữ Katê”, “Hoa Champa”, “Nắng Phan Rang”, “Tháp buồn”, “Ao dhai Cham”, “Katê ngày về”, “Màu mây qua tháp”, “Vẽ tháp”,… Chúng trở đi trở lại trong thơ Chế Mỹ Lan. Day dứt, trăn trở.

Hai chữ Katê, ôi thân thương!
Gần mà xa, riêng tư và tất cả
Hôm nay hay mai sau, tương lai và quá khứ
Sống trong ta như đến vĩnh hằng
!

Thơ Chế Mỹ Lan mộc mạc chân tình là vậy.

Đồng Chuông Tử – 1980.
Sau tập thơ đầu tay Thèm ăn được NXB Thanh niên ấn hành 2007, Đồng Chuông Tử in tiếp tập thơ Mùi thơm của im lặng hai năm sau đó (NXB Hội nhà văn, 2009). Tác phẩm vào chung khảo Giải thưởng Thơ Bách Việt năm 2009 cùng Tuệ Nguyên. Đây là sự lạ. Đó là hành trình may mắn cho thơ ca hiện đại Chăm. Như hành trình của Đồng Chuông Tử: Tôi đặt tôi trần trụi trước thơ mình…

Ta xóc hành trang đựng đầy gió
lên
đôi vai gầy gã trai Chăm mơ mộng
cô độc đi

Bởi, mỗi chàng trai Chăm luôn mang quê hương trong lòng mình. Dù bạn đang quê nhà hay mắc kẹt xó xỉnh nào đó của đất nước, hay dù anh lang bạt tận trời Tây, Mĩ đi nữa, bạn luôn mong trở về. Ra đi là để trở về. Tôi gọi đó là chuyến buôn nhỏ, nó thuộc giai độ quê hương. Một trở về đầy khiêm cung nhưng, quyết không tay trắng. Đất quê đang cháy khát, vụ mùa thất thu, vụ thơ thất bát,… Đồng Chuông Tử phải đi. “Túi rỗng, tay không nhưng hồn đầy chất ngất” cùng trái tim mơ mộng. Và anh phải trở về, từ chuyến buôn xa. Không gì cả:

Về
như cơn mưa nguyện cầu mùa hạn trút về…

Đó là thái độ thơ, thái độ sống của Đồng Chuông Tử, một trong vài đại biểu thơ trẻ Chăm hôm nay. Cầu cho chuyến buôn của anh may mắn!

Tuệ Nguyên – 1982.
Tuệ Nguyên in chung photocopy hai tập thơ, rồi in riêng Khúc tấu rối bù, 2007 trước khi Những giấc mơ đa chiều được NXB Hội Nhà văn và Công ty sách Bách Việt chọn vào chung khảo Giải thưởng Thơ Bách Việt năm 2009.

Ở đó chúng ta có làng mạc và văn hóa
chúng ta có thế hệ nối tiếp nhau
chúng ta có ngôn ngữ chữ viết và những trang sách
nhưng chúng ta rất mù mờ…

Vì lẽ chúng ta có những cọng tóc xoăn da ngăm và đầu óc mù tịt
nên chúng ta dễ tổn thương
Vì màu da mà chúng ta phải tắm cho đến khi nhiễm bệnh cảm
chúng ta phải tô đủ thứ son phấn lên khuôn mặt
Vì mái tóc mà chúng ta luôn trùm lên đầu những tấm vải đen
chúng ta luôn lai vãng gần tiệm uốn xoáy duỗi tóc
Vì tiếng nói mà chúng ta phải ngoảnh mặt với nhau

(“Chúng ta là những kẻ đáng thương “, Những giấc mơ đa chiều)

Trong một xã hội nông thôn Chăm bề ngoài tưởng yên tĩnh và cố kết đó, ở bề sâu và mặt sau nó chất chứa bao nhiêu âm thanh và cuồng nộ, đầy biến động, chực đổ vỡ để phải chịu nhận nhiều mất mát sắp tới. Sự bừa bộn trong câu chữ của thơ Tuệ Nguyên rất thích hợp để diễn đạt nó. Không có bảng chỉ dẫn. Cũng không cần thứ bảng chỉ dẫn kia ở đó.
Thơ chàng trai Chăm này phát lộ thoải mái, tự do. Tự do đến tùy tiện.
Ngôn ngữ thô ráp, sần sùi, trần trụi. Thi ảnh thực của một thế giới thực được phô diễn vô trật tự. Nhịp thơ thiếu nhất quán. Thiếu nhất quán không khác gì đời sống tinh thần thế hệ trẻ Chăm hôm nay. Nhưng chính hơi thơ của Tuệ Nguyên đã giữ lại tất cả. Nó tạo một sợi chỉ xuyên suốt, xâu mọi hỗn loạn và bừa bộn kia vào một chuỗi để làm nên giọng điệu thơ Tuệ Nguyên riêng biệt. Không thể lẫn.
Để đâu đó, giữa bao hỗn mang và thất thố, ta vẫn nghe được tiếng hát yêu thương đầy cảm thông cất lên. Tiếng hát đẹp đến ngậm ngùi:

Tiếng hát em bay cao vút lên tận không trung làm bừng tỉnh ánh bình minh
tiếng hát em len vào song cửa sổ đánh thức giấc ngủ

Hỡi nghệ sĩ ban mai tôi xin cám ơn em
cùng em và các chú chim non
tôi sẽ hát khi bình minh thức giấc
về cuộc đời đau thương
và những phận đời bất hạnh
.
(“Nghệ sĩ ban mai & bé gái sứt môi”, Những giấc mơ đa chiều)

Ngoài vài khuôn mặt vừa kể, một Bá Minh Trí (đoạt giải thơ Bút Mới lần thứ V của báo Tuổi trẻ), Diễm Sơn, Sonputra, Tuấn Huy, Thạch Giáng Hạ (nữ, sinh năm 1991),.. xuất hiện đều đặn qua mỗi số Tagalau. Và dần định hình giọng thơ riêng.

4. Truyền thống, bản sắc có lẽ là khái niệm được sử dụng nhiều hơn cả khi nhắc tới văn hóa, thời gian qua. Nhưng thế nào là bản sắc? Bản sắc có phải quay nhìn lui về quá khứ hay đi giật lùi về nguồn? Và phải đi tới đâu mới gặp nguồn như là nguồn? Hỏi tháp Chàm kia có bao nhiêu phần trăm là Ấn Độ, bao nhiêu là Chăm? Nó được người Ấn mang tới hay do một nghệ sĩ Chăm nào đó nổi hứng khênh về, không là vấn đề. Muốn được là tháp Chàm, người nghệ sĩ đã phá nhiều, rất nhiều (tiếp thu sáng tạo, như chúng ta dễ dãi nói thế). Trong hành động “phá” này, vô thức (bản sắc cũ) và í thức (tài năng nghệ sĩ) cùng có mặt. Tài năng cá nhân càng lớn thì phần “phá” càng vượt trội. Một khi có đột biến trong sáng tạo, chúng ta gọi đó là thiên tài.
Như vậy, bản sắc chính/ đa phần là cái gì đang chuyển động hình thành chứ không/ ít là cái đã đóng băng. Mà muốn làm nên bản sắc, con người sáng tạo phải thật sự dũng cảm. Biết và dám khênh về là dũng cảm, dám và biết phá càng dũng cảm trăm lần hơn. Bởi mãi lo khư khư ôm lấy kho bản sắc [cũ], chúng ta đã tự cách li và cô lập mình với xung quanh. Và, chẳng nhích lên tới đâu cả!

Phác nguệch ngoạc vài khuôn mặt tiêu biểu Chăm thời gian qua, nhấn vào sáng tạo cái mới trên nền tảng truyền thống – một bức chân dung còn khá mờ nhạt. Bởi ở bề sâu lịch sử, tiềm lực sáng tạo và hơi thở của thơ ca Chăm rất mạnh. Thế hệ trẻ Chăm hôm nay đã tiếp nhận được hơi thở đó chưa? Câu trả lời dứt khoát là: chưa! Trong lúc nhiều chân trời mới đang mở toang trước mắt ta đòi hỏi tầm sáng tạo tương ứng. Trong lúc nhu cầu thưởng thức sản phẩm nghệ thuật ngày càng cao, càng khắt khe của nhiều tầng lớp xã hội. Và trong khi hơn lúc nào hết, Chăm cần có những đóng góp mới bên cạnh cái đã có tự ngàn xưa.
Nhưng dù sao thế hệ văn nghệ sĩ Chăm đang trên bước đường định hình và giành được tiếng nói nhất định. Bởi, chưa có dân tộc thiểu số nào trên đất nước Việt Nam tự làm nên bộ văn học dân tộc mình đĩnh đạc như thế, cũng chưa có dân tộc nào có được một Tuyển tập như Chăm đã làm được với Tagalau. Dấu hiệu đó, chắc chắn trong tương lai không xa, bằng sự đầu tư đúng mức vào việc sưu tầm và bảo tồn vốn cổ quí giá, bằng tinh thần mở, qua giao lưu học hỏi giữa các dân tộc anh em và nhất là với nỗ lực không ngừng của mỗi cá nhân, tiềm lực sáng tạo sẽ được đánh thức đúng nghĩa. Khi đó, thế hệ trẻ Chăm sẽ có những đóng góp xứng đáng hơn nữa vào văn chương dân tộc, cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt.

Sài Gòn, 7-10-2009.
______________________

Chú thích:

(1) Xem thêm Inrasara, Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, in lần thứ ba, NXB Văn học, H., 2008, tr 122-135.
(2) Xem thêm Inrasara, Sđd, tr. 177-196
(3) Inrasara, Văn học Chăm I, khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994, tr. 268.
(4) Bài thơ này được đăng lại trong Văn học Chăm hiện đại – Thơ, NXB Văn học, 2008.
(5) Các ca khúc này không có tên, tôi tạm lấy từ đầu bài đặt tên cho chúng.
(6) Người viết đang giữ toàn bộ các sáng tác của Tantu và bản thảo tiểu thuyết của Phutra Noroya.
(7) Như truyền thống Chăm, bản thân tôi thời đó cũng ít í thức về bản quyền của sáng tác cá nhân. Ba trường ca tiếng Chăm và 2 tiếng Việt tôi bỏ quên đâu mất. Vài học viên cũ có thuộc vài đoạn đây đó. Một đoạn được Quảng Đại Thính đọc lại trong phim tư liệu: “Inrasara, nhà văn hóa Chăm”, HTV7, 2007, 40 phút.
(8) Các trích dẫn này được rút ra từ Văn học Chăm hiện đại – Thơ, Sđd.
(9) Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1997.
(10) Nguyễn Hưng Quốc, “Văn học trong một nước mù chữ” trong Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ xuất bản, Hoa Kì, tr. 267-284.
(11) Văn học Chăm I, khái luận, Sđd, tr. 204.
(12) Inrasara, Chân dung Cát (tiểu thuyết), NXB Hội Nhà văn, H., 2006.
(13) Trần Thiện Khanh, Tạp chí Văn Việt, số 13, 6-2009.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *