Văn học Chăm hiện đại 1/ 2

Bản đầy đủ, cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt.
(Phụ lục tác phẩm Văn học Chăm – khái luận (1994), sắp tái bản)

1. Văn hóa một dân tộc tồn tại ở bản sắc, phát triển ở tiếp nhận và sáng tạo. Thế nào là bản sắc? Ta chỉ hiểu được bản sắc một cái gì đó khi đặt nó bên cạnh một/ những cái khác. Đâu là bản sắc văn hóa Chăm? Ở phạm vi hẹp hơn, văn học chẳng hạn, đâu là bản sắc, cái khác biệt nổi bật của văn học Chăm khả dĩ làm đa dạng thêm nền văn học Việt Nam?
Người Chăm biết sử dụng chữ viết từ khá sớm. Văn học vừa là nhân vừa là quả của ngôn ngữ-tư duy Chăm, cả tư duy bình dân lẫn tư duy bác học (tư duy phức hợp, tư duy trừu tượng, siêu hình, tư biện, suy lí…), biểu hiện ở bề nổi lẫn phần chìm trong mọi khía cạnh, lĩnh vực. Ngôn ngữ-chữ viết phát triển thúc đẩy văn học phát triển. Nên ở Chăm, song hành với văn học dân gian: panwơc yaw tục ngữ, panwơc pađit ca dao, dalikal truyện cổ…, là nền văn học viết: văn bi kí, sử thi, trường ca, thơ thế sự, thơ triết lí, gia huấn ca… Nhưng di sản văn học ấy đã thất tán quá nhiều. Nỗ lực thu gom hầu dựng lại khuôn mặt của nó bởi các nhà nghiên cứu hơn thế kỉ qua chưa thấm vào đâu, so với đòi hỏi của nó.
Chính sự thất tán này đã gây không ít ngộ nhận, rằng văn học Chăm không có gì cả, ngoài mươi truyện kể với vài ba thi phẩm chép tay thiếu đầu hụt đuôi. Ngộ nhận đến văn học sử Việt Nam không có lấy dòng nào về nó. Chưa kể các ấn phẩm sưu tầm từ cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu kỉ XX hãy còn lác đác và manh mún, chỉ từ nửa sau thế kỉ trước trở đi, khi các văn bản văn chương Chăm được sưu tầm, dịch thuật và công bố, văn học của dân tộc một thời ngự trị suốt dải đất miền Trung Việt Nam hiện nay mới từng bước chinh phục người đọc.

Văn học dân gian
Truyện kể dân gian gồm thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích được Thiên Sanh Cảnh, G. Moussay… sưu tập, bên cạnh các bài giới thiệu của Lê Văn Hảo, Phan Đăng Nhật, Nguyễn Tấn Đắc, Trương Sĩ Hùng… được xem là những viên gạch nền. Năm 1995, Nguyễn Thị Thu Vân đệ trình luận văn Thạc sĩ Bước đầu khảo sát truyện cổ Chăm tại Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, là công trình đầu tiên hệ thống hoá các mô típ truyện cổ Chăm.
Thơ ca dân gian gồm tục ngữ, câu đố, ca dao, đồng dao, tụng ca,… cũng đã được giới nghiên cứu lưu í thu nhặt.

Văn bia kí được sáng tác từ thế kỉ III đến thế kỉ XV bằng cả hai ngữ là văn tự Chăm cổ và Sanskrit, có mặt khắp miền duyên hải Trung bộ. Thời gian qua, các học giả Pháp phát hiện, dịch và công bố dịch gần 200 minh văn, để đến năm 1995 Claude Jacques thu thập và in thành sách với tên gọi Études Épigraphiques sur le pays Cham dày 330 trang; trong đó Lương Ninh đã dịch sang tiếng Việt 25 minh văn.
Đây là các sáng tác vừa có giá trị sử học lẫn văn chương.

Văn học viết có mấy dòng như Akayet Sử thi, Ariya Trường ca trữ tình, Ariya patauw adat Gia huấn ca, Thơ thế sự, Thơ triết lí,…
Akayet Dewa Mưno. Với 471 câu thơ theo thể ariya cổ điển, xuất hiện ở Champa vào thế kỉ XVI. Câu chuyện được ghi nhận là có quan hệ với Hikayat Dewa Mandu của Mã Lai. Sử thi này đã được Thiên Sanh Cảnh chuyển sang tiếng Việt. Akayet Inra Patra vay mượn Hikayat Indra Putera của Mã Lai được tác giả Chăm chuyển thành akayet vào đầu thế kỉ XVII, gồm 581 câu ariya. Đây là sáng tác thuộc mô tip người tráng sĩ (đại diện cho phái thiện), sau khi vượt qua bao chướng ngại, bằng tài năng và đức độ của mình đã chiến thắng lực lượng đại diện cho bên ác, mang lại an bình cho xứ sở, hạnh phúc cho nhân dân.
Sử thi là một dòng văn học viết quan trọng của Chăm. Dù đa số các tác phẩm được vay mượn từ ngoài nhưng nhà thơ Chăm biết hoán cải chúng phù hợp với thực tế lịch sử – xã hội của mình. Qua các akayet này, thể thơ ariya lục bát Chăm phát triển hoàn chỉnh và tồn tại đến ngày nay.
Thơ thế sự có Ariya Glơng Anak nổi tiếng gồm 116 câu cũng đã được Thiên Sanh Cảnh dịch đăng trên nội san Panrang (1972).
Có thể nói, nỗ lực bước đầu của G. Moussay và Thiên Sanh Cảnh trong việc sưu tầm, dịch thuật các thi phẩm cổ như Akayet Dewa Mưno, Ariya Glơng Anak… là thành tựu rất nền tảng. Chính chúng làm một gợi í cho Inrasara tiếp bước với Ariya Cam – Bini, Ariya Bini – Cam, Ariya Xah Pakei… Các tác phẩm viết bằng akhar thrah được in nguyên văn, dịch và chú thích, đã cho người đọc một cái nhìn nghiêm túc hơn về nền văn học cổ Chăm.

Nhưng chỉ khi bộ ba Văn học Chăm, Khái luận – văn tuyển của Inrasara ra đời năm 1994-1995:
Văn học Chăm – Khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994.
Văn học dân gian Chăm – Ca dao, Tục ngữ, Câu đố.
+ In lần thứ nhất: NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1995.
+ In lần thứ hai: NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2006.
Văn học Chăm – Trường ca, sưu tầm – nghiên cứu.
+ In lần nhất: NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1995.
+ In lần thứ hai: NXB Văn Nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2006.
thì nền văn học Chăm mới xuất hiện tương đối “đầy đủ và có hệ thống về di sản văn học của dân tộc này mà trước đó chưa từng có” (Bùi Khánh Thế, Hội thảo khoa học về Bảo tồn văn học cổ dân tộc ở Malaysia, 1996). Thời gian gần đây, từ năm 1997 đến năm 2000, Cơ quan sưu tập thủ bản Champa Koleksi Manuscrip Melayu Campa thực hiện được ba công trình giá trị về tác phẩm cổ Chăm bao gồm phần dẫn luận, nguyên tác chữ Chăm truyền thống, chuyển tự Latin và Index:
Akayet Inra Patra, P.N.M. et EFEO, Kuala Lumpur, 1997.
Akayet Dowa Mano, P.N.M. et EFEO, Kuala Lumpur, 1998.
Nai Mai Mâng Mâkah – EFEO, Malaysia, Kuala Lumpur, 2000. Lưu í: truyện này nhóm EFEO lấy lại nguyên bản của Inrasara trong Văn học Chăm 1 (1994).
Cũng từ năm 2000, Inrasara chủ trì biên soạn bộ Tủ sách Văn học Chăm, 10 tập gồm khoảng 5.000 trang. Chắc chắn chỉ khi dòng cuối của Tủ sách được trình làng, văn học Chăm mới lộ rõ khuôn mặt thật với sự phong phú và độc đáo của mình(1).

2. Nếu sưu tầm và nghiên cứu chỉ để bảo tồn, ta sẽ làm kẻ giữ kho của cha ông, không hơn. Cần tiếp thu và sáng tạo. Tiếp nối mình và tiếp thu thiên hạ để làm ra cái mới. Hỏi, thế hệ hiện đại Chăm học được gì từ cha ông?
Mỗi tác phẩm nghệ thuật lớn thật sự hầu như chỉ xảy đến một lần, như thể tạo hóa đúc ra cái khuôn cho riêng nó rồi đập vỡ khuôn đi. Nên tất cả những tác phẩm bắt chước nó đều là thứ phẩm. Một Ariya Bini – Cam, Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai hay Ariya Nau Ikak không kéo lê dấu vết của các sáng tác có trước nó. Nó là độc sáng và, độc nhất.

Ariya Bini – Cam dài 162 câu ariya kể về cuộc tình một chiều của hoàng thân Cam Ahier với cô gái Hồi giáo đến từ Mecca, đi qua nhiều vùng đất quê hương với những cuộc chiến, mấy chia li, mất mát. Thời gian và không gian đan xen, đồng hiện, trùng lắp… Nhân vật thoắt vui thoắt buồn, chợt say chợt tỉnh. Ngôn ngữ hàm súc mà bay bổng, tinh tế mà vẫn cuồn cuộn tràn bờ. Kĩ thuật kể chuyện rất gần với thủ pháp sáng tác thuộc dòng í thức (stream of consciousness) hiện đại. Một hiện tượng độc đáo trong văn học cổ Chăm.
Ariya Glơng Anak dài 116 câu ariya Chăm, sáng tác vào khoảng đầu thế kỉ XIX. Đây là thi phẩm triết luận-thế sự đầu tiên trong văn học Chăm phô diễn bằng thứ ngôn ngữ vừa giàu chất tượng trưng lẫn ẩn dụ vừa không thiếu tính minh xác của lập luận triết học, xây dựng trên nền xã hội Chăm đầy biến cố. Tư tưởng và ngôn từ khá khó hiểu nhưng thi phẩm đã cuốn hút bao thế hệ trí thức Chăm đọc và giảng giải.
Pauh Catwai với 136 câu ariya mà mỗi câu như một châm ngôn, một sấm ngữ ngắn, sắc và sâu, mang chứa nhiều tầng í nghĩa nhân sinh và thời sự xã hội Chăm đầu thế kỉ XIX nhiều xáo trộn, đảo điên.

Ba tác phẩm như là ba ngọn tháp đứng biệt lập trong văn học dân tộc. Một ít phân tích sách vở hầu rút ra kết luận mang tính nguyên lí về các yếu tố tạo nên kiệt tác văn học Chăm ở quá khứ:
Nội dung luôn gắn với sinh mệnh dân tộc, tâm cảm dân tộc dù nó có thể thuần tình yêu lứa đôi, triết lí hay thế sự nóng bỏng tính thời sự trong phạm vi một dân tộc, một khu vực nhưng được nâng lên tầm nhân loại, giai độ thế giới. Hình thức (thể thơ, ngôn ngữ, giọng điệu…) đầy sáng tạo gần như đột biến, chưa từng có trước đó. Nhịp thơ Ariya Glơng Anak đi mạnh khỏe, dứt khoát không lê thê rề rà như các sử thi cũ. Và dù đó là các tác phẩm văn chương nhưng chúng cho ta một hiểu biết sâu rộng về nhiều lãnh vực. Đọc tác phẩm, người đọc luôn có cảm giác các tác giả phải là những đại trí thức hàng đầu của Chăm lúc đó.
Đó là ba tác phẩm xuất sắc tiêu biểu. Tiếc rằng chúng không là sáng tác dài hơi. Nhưng biết đâu trong cùng thời điểm ấy, đã xuất hiện các tác phẩm khác lớn hơn của cùng tác giả đã bị thất lạc!(2)

3. Sáng tác văn chương Chăm hôm nay
Thuật ngữ ‘văn chương Chăm hôm nay’ được dùng để định danh các sáng tác của những người Chăm viết văn làm thơ bằng tiếng Việt hay/ và tiếng Chăm, không phân biệt biên giới địa lí. Ở đó, năm 1968, năm “Su-on bhum Cam”, bài thơ tiếng Chăm in giấy đầu tiên xuất hiện.

a. Văn học Chăm hiện đại: sáng tác tiếng Chăm
Sáng tác cận đại.
Khi vương quốc Champa tan rã để hòa vào đất nước Việt Nam thống nhất, dù bao biến động của thời cuộc, xáo động của xã hội, li tán của dân tộc, các cây bút Chăm vẫn cứ sống và viết, làm thơ và hi vọng.

Người Champa đã đến đất này
đào mương trồng lúa, đốt rừng làm rẫy
yêu nhau, sinh con đẻ cái
làm thơ rồi ra đi
gởi Mĩ Sơn ở lại

(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)

Hàng loạt thi phẩm giá trị ra đời đánh dấu một giai đoạn văn chương. Chúng như chòm nến cuối cùng gượng phụt sáng lần cuối cùng để sẵn sàng đi vào đêm tối vĩnh viễn. Các trường ca thế sự: Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai (4 Pauh Catwai), Hatai Paran, Ar Bingu, Ariya Twơn Phauw, Ariya Kalin Thak Wa, Ariya Ơk Lipa, Ariya Kalin Nưsak Asaih, Ariya Ppo Parơng…, trường ca trữ tình, và bao nhiêu bài thơ ngắn liên tục xuất hiện ngoi ngóp giành đất sống dưới ánh mặt trời. Bao cuộc chia li, mấy chục thi sĩ dân tộc tộc đã mất, bao nhiêu ngàn trang thơ thất lạc, ai biết được?! Trong trận hoảng loạn ấy, vỏn vẹn vạn dân, chữ nghĩa chưa qua kĩ thuật in ấn, giấy mực cực hiếm, vậy mà Chăm đã để lại bao nhiêu là thơ…

Năm 1833, sau biến cố Lê Văn Khôi, con dân Chăm trải qua trận càn lớn nhất của lịch sử dân tộc. Lớn nhất và là cuối cùng. Không còn con đường nào khác, phương tiện nào khác, họ chạy bộ. Tán loạn. Qua Xiêm, Cam-bốt, hoặc lên rừng lẩn vào đồng bào Churu, Kơho. Cho đến khi vua Thiệu Trị xuống chiếu kêu những thân phận khốn khổ này trở về làng mạc, ruộng rẫy, kiểm lại Chăm chỉ còn trên dưới vạn người. Nhưng chuyện kiểm kê dân số mới nhiêu khê. Có mỗi chuyện xếp hàng đếm đầu người thôi cũng trầy trật lạ đời. Các nhà nghiên cứu Tây làm ăn khoa học vẫn thế, đủ biết Chăm nửa thế kỉ sau ổn định cuộc sống mãi chưa thôi hãi. Kiểm để làm gì đây?
Năm 1891, Aymonier đoán rằng người Chăm còn khoảng ba vạn. Nhưng sau đó ít lâu, năm 1907-1908, Annuaire Général de L’Indochine lại đếm Chăm ở Phan Rang tới con số 6.000, Bình Thuận 9000, là hết. Thống kê có vẻ kĩ càng hơn của Tòa Khâm sứ Pháp ở Huế và Pnong Pênh vào năm 1910 và 1913 cho hay Chăm Trung Việt có con số lẻ: 15.389 (rất đáng tin), Kinh Cựu ở Phan Rí là 10.000 (có lẽ kiểm đến đây thì Tòa mỏi lưng, nên đoán bừa). Riêng Chăm Cam-bốt đúng ba vạn chẵn.
Từ xó xỉnh rừng núi đi xuống, nhà cửa – không, gia sản – không, lèo tèo sót lại vài người thân với bà con lối xóm cũ hết đường chạy phải ở lại, Chăm gần như không còn gì cả ngoài nỗi hốt hoảng, lòng ham sống cháy bỏng và niềm hi vọng mơ hồ.
Làng Hamu Tanran đông dân nhất ngày nay khi ấy cũng chưa tới năm mươi gia đình, còn Palau quê cha, ông ngoại kể chỉ có hơn chục nóc nhà ẩn mình run rẩy giữa rừng thưa. Chăm làm lại từ đầu: dựng chòi, phát rẫy, khai mương chống chọi với đất cằn, hạn hán cùng bão lũ.
Lâu lắm, chú Mưdwơn Phải kể, làng Caklaing trụ tại Takai Tanưh Wak. Sau đại dịch, làng dời về nơi ở hiện nay. Giữa thế kỉ XX, lần nữa Caklaing chuyển lên Puh Kaghwơ La Sang cách đó non cây số hướng Đông Nam, nhưng chỉ dăm chục năm sau, mưa dầm dề khiến đất nhão nhẹt, làng về lại chỗ cũ. Chú kể lúc đào đất dựng rào còn thấy xương cốt người chôn bị bỏ hoang. Năm 1924, đại hạn. Rồi năm tôi lên năm, đại hạn hán xảy ra ở Ninh Thuận lượt nữa. Hạn hán đến bồ câu mổ trứng [ăn], cây tre trổ bông và làm hạt. Cả làng lên rừng núi tìm hái trái nhi thứ cây chịu hạn luộc ăn chống đói. Bữa chính phải là các loại củ. Có được củ khoai bột là phước đời, nhưng loại này cực hiếm. Còn thì dân làng đánh xe trâu lên núi tìm đào củ nần về xắc, phơi, rửa, nấu. Loài củ độc đến rửa qua sáu nước vẫn còn làm độc. Nước rửa củ nần, to sức trâu uống phải cũng ngoẻo. Vậy mà bọn trẻ con Chăm lứa chúng tôi vẫn phải ăn! Ăn mà sống, mà hi vọng
”.
(Inrasara, Hàng mã kí ức, tiểu thuyết tự sự)

Chòm nến thơ ca kia ngỡ đã tắt hẳn, nhưng không. Các thế hệ Chăm đi tới vẫn cứ sống, làm việc, làm thơ… và làm nên phép lạ.

Khik baik adat Cam drei
Bilan saung harei jang tơl pajơ
Cố giữ nhé, đạo cha ông
Sắp đến rồi kia ngày mai tươi sáng
.
(Pauh Catwai 3, Inrasara dịch)

Sáng tác hiện đại.
Kết cuốn Văn học Chăm – khái luận (1994), phần “Văn học Chăm hiện đại”, tôi viết:

Sau Mưdwơn Jiaw, Jaya Yut Cam – Nguyễn Văn Tỷ có một bài thơ dài 29 cặp lục bát: “Su-on bhum Cam” (Nhớ quê Chăm) đăng trong Ước vọng I, nội san của Trường Trung học Pô-Klong cũ, được xem như khởi đầu cho sáng tác hiện đại“(3).
Xin nhắc lại, đấy là năm 1968. Một cột mốc quan trong. “Su-on bhum Cam”(4) bên cạnh là bài thơ xuất hiện dưới hình thức bản in giấy đầu tiên, nó còn là sáng tác bằng thể thơ lục bát Việt đầu tiên của tác giả Chăm.
Ngay từ đầu thế kỉ XX, có nhiều tác giả sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ được biết đến: Ariya Kei Oy, Po Thien, Mưdwơn Jiaw,… Rồi những thập niên hậu bán thế kỉ, hàng loạt tác giả khác như Phú Bô (tác giả Ariya Rideh Apwei), Thiên Sanh Cảnh, Quảng Đại Hồng, Thiên Ve, Minh Trí,… Nhưng tất cả sáng tác của các cây bút này chỉ được truyền khẩu hay lưu giữ qua bản chép tay, phổ biến trong phạm vi rất hẹp, hoặc chỉ được “nghe nói”. Như là tác phẩm văn học dân gian vậy.
Trong bài viết này, để đảm bảo tính khách quan khoa học, tôi chỉ đề cập đến tác giả có tác phẩm in và phát hành trong cộng đồng Chăm, và phần nào – độc giả cả nước.

Các sáng tác ngoài thơ.
Về âm nhạc, trước hết phải kể đến các tên tuổi nhạc sĩ, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư: Jaya Mrang, Đàng Năng Quạ, Châu Văn Kên, Tantu, Amư Nhân.
Vào những năm sáu mươi của thế kỉ XX, mươi ca khúc lời Chăm “phổ nhạc” Việt của Jaya Mrang được hát từ đầu thôn đến cuối xóm Caklaing – Mỹ Nghiệp, cả trên sân khấu nhà quê nữa; sau đó chúng được hát truyền sang vài làng Chăm lân cận. “Mưlơm jwa” (Đêm vắng), “Jalan dwa gah” (Đường hai ngả), “Harei taum bbauk” (Ngày gặp mặt), “Lơy abih drei” (Ơi anh em ta),…(5) được giới trẻ lúc đó ưa chuộng. Ca từ của ông giàu chất thơ, trữ tình và tha thiết.
Sau đó ít lâu, Đàng Năng Quạ nổi lên như một hiện tượng. Ông viết vừa tình khúc vừa bài ca cộng đồng. Bhum adei gồm mười bốn ca khúc, toàn bằng tiếng Chăm vừa được NXB Thanh niên in năm 2008. Trong đó có nhiều sáng tác nổi tiếng như “Xa-ai Cam adei Bini” (Anh Chăm em Bàni), “Bhum adei” (Quê em), “Palei dahlak” (Làng tôi), “Karei jalan” (Không cùng chung lối). Bài hát của Đàng Năng Quạ xoay quanh hai đề tài muôn thuở của con người: tình yêu lứa đôi và tình yêu quê hương. Bằng ca từ dung dị nhưng khá độc đáo, âm nhạc ông đi sâu vào tâm hồn của nhiều lứa tuổi, mọi tầng lớp quần chúng Chăm. Trong thời gian đó, Châu Văn Kên cũng đã cho ra đời nhiều ca khúc có giá trị. Khác với người cùng thời, chủ đề thường là thế thái nhân tình, vừa sâu sắc ở suy tư, vừa í vị ở nhận định.
Vào năm tám mươi, Tantu với “Kak tian raung anưk nau bac” (Thắt lưng nuôi con đi học) được truyền bá rộng đến nỗi không người Chăm nào là không biết đến nó. Ngoài năm ca khúc được đăng trên Tagalau, Tantu có cả tập nhạc mười hai bài thuần tiếng Chăm chưa in(5).
Nếu nói Đàng Năng Quạ là hiện tượng trước Bảy lăm, thì Amư Nhân chính là nhạc sĩ tiếng Chăm duy nhất của giai đoạn sau đó. Tiếc là đại đa số người Chăm và ngoài Chăm biết Amư Nhân qua các ca khúc Việt phổ thông của anh, mà ít chú í đến phần ca từ tiếng Chăm của chúng. Với tình trạng còn chưa thật sáng sủa của sáng tác Chăm hiện đại, chúng có một vị trí khá quan trọng. Sự chưa ghi nhận đúng mức đóng góp của Amư Nhân ở mặt này là một thiếu sót lớn của nhà nghiên cứu về Chăm. Âu cũng là mặt trái của sự nổi tiếng.
Tôi nói Amư Nhân là duy nhất bởi, các ca khúc tiếng Chăm khác của vài người viết nghiệp dư chỉ là hứng khởi lẻ và ngắn, dù nơi đó không ít bài đặc sắc, nhưng nhìn chung chúng thiếu sự trường sức. Raya Quảng Đại Hôi với “Lakhah” (Hợp hôn) đăng ở Tagalau 5 là rất điển hình.

Về văn xuôi, ngoài Sakaya có tản văn “Yawa ginơng akauk thun” (Tiếng trống đầu năm) in ở Tagalau 4, Chăm mới chỉ có Phutra Noroya. Điều đặc biệt ở đây là cây bút hãy còn vô danh này đã viết nguyên cuốn tiểu thuyết Muk Cơk Dhar Wa bằng tiếng mẹ đẻ dày 200 trang, trong đó chương một đã được Tagalau 4 trân trọng giới thiệu đến bạn đọc. Một nỗ lực khó tưởng tượng ở thời buổi văn chương chữ nghĩa đang xuống cấp này!(6)
Nhưng chắc chắn thành tựu lớn và phong phú hơn cả của văn học tiếng Chăm hiện đại chính là sự phát triển không ngừng của thể loại thơ. Không kể các bài thơ in trong sách Ngữ văn Chăm cấp Một do Ban Biên soạn sách chữ Chăm biên soạn ba thập kỉ qua, non 50 tác giả trên trăm ngàn dân đã kịp thời trình làng trong thời gian ngắn (chỉ kể bộ phận Chăm đang sử dụng akhar thrah là chữ Chăm truyền thống), một con số ngang bằng tác giả Chăm viết bằng tiếng Việt, là sự lạ! Có người sáng tác thuần tiếng Chăm như: Jaya Hamu Tanran, Phú Đạm, Đặng Tịnh, Cahya Mưlơng,… hoặc viết bằng cả hai thứ tiếng như: Quảng Đại Hồng, Inrasara, Trà Vigia,… Ai dám bảo Chăm hết tha thiết với sáng tác tiếng mẹ đẻ? Ở mọi nơi trên thế giới, Chăm thuộc mọi lứa tuổi, thành phần ở bất kì hoàn cảnh nào, họ vẫn đọc thơ và làm thơ. Ngoài Inrasara sáng tác có tính chuyên nghiệp, còn lại hầu hết đều là những cây viết không chuyên đang sinh sống tại nhiều vùng miền: Ninh Thuận, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên,… và cả hải ngoại. Họ làm nhiều nghề khác nhau: giáo viên, bác sĩ, kĩ sư, doanh nhân, nông dân, sinh viên hay học sinh đang ngồi lớp tại vùng sâu vùng xa; tuổi đời cách nhau đến ba, bốn thế hệ. Từ tác giả tuổi quá cổ lai hi như Haji Amin, Cahya Mưlơng, Jaya Yut Cam cho đến thế hệ 8X là Kiều Biên Soạn, Thiên Sanh Huy Hoàng, Báo Thị Thu Trâm.

Thơ tiếng Chăm.
Tagalau 1, Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm ra đời vào mùa Katê năm 2000 đánh một dấu mốc quyết định trong tiến trình văn học tiếng Chăm hiện đại. Quyết định – bởi trước đó, người viết Chăm hoàn toàn không có điều kiện đăng các sáng tác bằng tiếng mẹ của mình. Quảng Đại Hồng ở Caklaing viết bao nhiêu là thơ, nhưng chúng chỉ được các học trò của ông thuộc, chứ chưa được xuất hiện dưới dạng ấn phẩm. Thiên Ve ở Thành Tín có cả trường ca về cuộc chiến vừa qua, để rồi chỉ được phổ biến cho mươi người bạn thân của anh. Ngay các sáng tác của Inrasara cũng chịu cảnh tương tự. Ba trường ca được soạn làm bài đọc thêm cho bảy mươi học viên chữ Chăm tại Caklaing vào mùa hè 1975 chỉ được biết đến trong phạm vi lớp học hè đó(7). Trong hai trăm bài thơ, mới có mười lăm bài hân hạnh đứng chung đầy khiêm tốn với thơ tiếng Việt trong tập thơ song ngữ Sinh nhật cây xương rồng (1997)!
Tagalau ra đời như là mảnh đất tươi tốt cho cỏ mọc.

Bảy mươi bài thơ của hai mươi sáu tác giả góp mặt suốt mười năm ở Tuyển tập là một sự kiện. Người đóng góp nhiều nhất là Jaya Hamu Tanran 17 bài. Tiếp đến là Phú Đạm 8 bài và Phutra Noroya 6 bài. Thơ Trà Ma Hani do Inrasara chuyển sang tiếng Chăm 8 bài, riêng Inrasara 5 bài, Cahya Mưlơng 4 bài. Tác giả 2 bài, có: Báo Thị Thu Trâm, Sakaya. Còn lại mỗi tác giả được đăng một bài là: Bơl Likơm, Đàng Thị Mộng Mơ, Đặng Tịnh, Haji Amin, Hlapah, Jajum Panrang, Kiều Biên Soạn, Minh Trí, Philô Đê, Thiên Sanh Huy Hoàng, Quảng Đại Cường, Racham, Rangauk, Riya Riya, Trà Vigia, Trượng Chóng. Cạnh đó, hơn hai mươi cây bút mới gởi thơ cho Tagalau đang chờ đăng nữa!
Đặc biệt Ariya khik twei jalan adat (Thơ Giữ theo đường đạo) của Jaya Bal Riya dài 177 cặp lục bát Chăm được in trang trọng ở phần cuối Tagalau 8, phần sân lâu nay chỉ dành riêng cho tác phẩm cổ điển Chăm, là một ghi nhận trang trọng cống hiến của tác giả. Hỏi chứ nếu không có Tagalau, thì đâu là đất cho những cây non này mọc và đâm cành trổ lá?
Cuối cùng, khi Văn học Chăm hiện đại – Thơ ấn hành vào năm 2008, bao nhiêu thơ của tác giả tiếng Chăm có phần nữa: Cahya Mưlơng 4 bài, Jaya Hamu Tanran (9), Minh Trí (3), Phú Đạm (8), Phutra Noroya (5), Trà Vigia (2), Inrasara (9). Riêng “Su-on bhum Cam” của Jaya Yut Cam tái xuất để đáp ứng nhu cầu của độc giả.
Ba năm trở lại đây, từ khi website Inrasara.com ra đời, ngoài nguyên tác tập thơ đoạt Giải thưởng hai năm 2001-2002 của NXB Kim Đồng: Em, hoa xương rồng & nắng của Trà Ma Hani được Inrasara chuyển sang tiếng Chăm post lên, cùng lúc hơn năm mươi bài thơ tiếng Chăm của Inrasara cũng lần lượt xuất hiện để phục vụ bà con yêu thơ tiếng mẹ đẻ.
Vài năm qua, kĩ thuật in ấn thuận tiện với điều kiện kinh tế cho phép, các cây bút Chăm cũng đã í thức in thành tập các sáng tác lẻ của mình. Phú Đạm gạn đục khơi trong các bài thơ cũ làm ra Anưk kamei bhum pađiak (Người con gái xứ nắng). Tập thơ in photocopy 50 bản, phát hành vào đầu tháng 5-2009. Là một nỗ lực để làm cuộc song hành với thơ tiếng Việt của các cây bút Chăm.

*
Nhìn suốt các sáng tác tiếng Chăm vừa điểm danh, đậm nổi nhất vẫn là nỗi buồn man mác ẩn sâu nơi tâm khảm người viết khi nhìn nỗi cơ khổ trong sinh hoạt đời thường của bà con lối xóm, mỗi ngày. Hầu như không có tác giả Chăm nào không mang tâm cảm này. Như một ám ảnh không dứt ra được. Bài thơ tiếng Chăm hiện đại được biết đến đầu tiên, nó đã thế. “Su-on bhum Cam” gần gũi ở thi ảnh, cân đối trong nhịp điệu, đơn giản trong câu chữ và nhất là, khơi đúng tâm trạng Chăm, nên được truyền bá rộng đến nỗi bài thơ nghiễm nhiên thành một sáng tác vô danh. Dù không ít người biết tác giả của bài thơ là Nguyễn Văn Tỷ, nhưng họ muốn biến nó thành của chung, thành thứ văn học dân gian, và hát nó bằng điệu pwơc jal vãi chài của dân ca Chăm.

Bier harei dauk ngauk bbwơn jwa
Maung hala kayuw jruh pahwai paha tian drei
Jrơng trun jalan atah bhum palei
Blum lơy hu thuw tian drei harit harau
Raung hatai brai phik tian harau
Prưn ba yawa thwak yam nau ke jiơng…

Ngồi trên đồi vắng chiều nay
Nhìn cây trút lá, lòng này sầu dâng
Trông về cố quận xa xăm
Buồn kia có hiểu cho chăng, hỡi người
Xót đau, ruột rối bời bời
Tơ lòng vương mãi khôn rời bước đi…

Thương xa xôi xứ Bal Riya
Nước khô, đất nẻ ai mà cậy trông
Bin Swơr linh hiển thần thông
Xin về phù trợ, con mong cầu người.
Pabblap Biruw, Pabblap Klak thương ơi
Nước trong gạo trắng, mặt ngời nét hoa
Lời khiêm hạ, dạ thật thà
Không chùng lén, chẳng rẽ chia tình người.
Đời Cwah Patih nỗi đầy vơi
Thương nhau dưa hấu, khoai bùi chia nhau

(Jaya Yut Cam, “Su-on bhum Cam”, Inrasara dịch)(8)

Ba mươi năm qua, khi bọc thiên nhiên bị hủy hoại làm trống huơ trống hoác làng mạc, rồi khi môi trường văn hóa nông thôn Chăm bị phá vỡ, sự cố kết của gia đình mẫu hệ rã tan phân mảnh, Chăm đánh mất dần bản sắc văn hóa truyền thống. Từ đó nguy cơ đánh mất chính mình trước bão táp văn minh tốc độ hôm nay:

PALEI AVAL

Blauh sa harei mei nau
Klak ar hamu dhaung, atah yuw Janauw Pac
Atah xơp khauk bier harei
Klak Jaklu palei anak
Pak bơl – ariya ai ew gilac
Bwai xwan.

Blauh harei hadei mei wơr
Palei drei rabbah
Angin mưraung blang caur cwah
Dan rup di glai, amư cauh pađiak
Dơp ia drei, ke bboh klak ia harei
Kadha yaw nhjom tamư panwơc ru drwai
Harit harau ayun dwa akauk
Gah padai ia xwa – gah kei pađik akauk
Mưta amaik bang twei rai xup mưklơm.

Blauh sa harei mei oh dauk dơr
Sa ragơm kamơng, sa kanain paran dauh
Bimong Bbon Hala xơp hajan Kate pauh
Hơp cuh anrơng, bingu jih dalah – mei wơr
Mei wơr drei anưk Cam
Yuw o dơr drei hu puk pak.

Blauh ariya ai padơm athak
Sa harei.

NỖI BUỒN ỨNG TRƯỚC

Rồi một ngày em di
Xa cái Chạng gầy, bỏ bờ cỏ dại
Xa tiếng mõ trâu chiều, bỏ thằng Klu xóm dưới
Bốn mùa thơ anh gọi
Hụt hơi.

Rồi một ngày em quên
Plây ta nghèo
Gió trưa tràn bãi trắng
Cha trần thân quần quật cuốc nắng
Cuốc mãi cuốc hoài hút bóng ban mai
Lời ca dao ngấn mỗi vạt ru dài
Rưng rưng hai đầu võng
Nửa con đau – nửa đồng lũ cuốn
Giọt mưa vơi khôn vợi buồn đầy.

Rồi một ngày em không còn nhớ
Một dòng ariya, một điệu kamăng
Mùi mưa Katê reo đỉnh tháp Chàm
Văn thổ cẩm hay màu mây cố quận
Em bập bềnh giữa ngữ ngôn hoang đãng
Cuốn dòng chảy thị thành
Em quên mình là Chăm
Như quên mình chưa có giấy khai sinh.

Rồi một ngày
Hơi thơ anh
Tắt lịm
.(9)

Cũng đề tài này nhưng ở khía cạnh khác, Trà Vigia triết lí về đời người, về thân phận Chăm sau chuyến buôn (đời người là chuyến buôn – nau ikak) để làm “một cõi đi về”. Khác với người xưa, chúng ta đến trần gian này tay trắng và rồi trở về tay không, thanh thản và nhẹ nhõm, nhà thơ vẫn còn “cái nhìn ngoái lại”: Chăm mất quá nhiều rồi, thân ta lướt qua mặt đất và đã thụ hưởng từ nó bao nhiêu hoa trái hạnh phúc và khổ lụy, hỏi ta đã trả lại gì cho nó chưa? Một câu hỏi không có tiếng đáp lại.

Hu sa harei…
Prưn dahlak yaum oh dauk kađaung dom!
Caung crauk xwan ew tanhi thei gac…
Hu sa harei dahlak gilac mai sang
Dom nưm krung drut drwai ppamưdơh
Kaji kajơng di bbơng Kut… dahlak yam tamư

Hu lei sa kapu klau?
Wơk paywa ka dunya rai rak!

Có một ngày…
Khi thân tôi đã sức cùng lực kiệt
Mơ dâng đời, ai người hiểu thấu…
Có một ngày, ngôi nhà xưa tôi trở lại
Kỉ niệm buồn cựa quậy khôn nguôi
Ngập ngừng… tôi bước vào cửa Kut

Còn không – một nu cười?
Để gởi lại cho trần gian xưa cũ
!
(Trà Vigia, “Hu sa harei” Có một ngày, Inrasara dịch)(8)

Trong lúc, với tiếng Chăm đạt đến độ nhuần nhị hiếm có, Yaya Hamu Tanran hướng ưu tư về ngôn ngữ và chữ viết, về tương lai thế hệ trẻ, về đoàn kết dân tộc; thì ở Phutra Noroya là tình yêu gia đình, tình cảm quê hương có mặt thường trực, thể hiện qua lối viết khá truyền thống. Một tác giả khác: Jaya Bal Riya, bằng lục bát Chăm cổ điển như tên gọi của nó, có bài thơ dài Ariya khik twei jalan Adat được viết rất chân phương theo cách của nhà mô phạm. Đó là loại thơ tiếp nhận hơi thở từ các gia huấn ca cổ điển Chăm như Ariya Patauw Adat, Kabbon Muk Thruh Palei; chỉ khác ở ngôn từ thơ là của hôm nay.
Riêng Phú Đạm, bởi đây là tập thơ Chăm hiện đại đầu tiên được ấn hành, nên nó được dành vài phân tích cần thiết. Tập thơ Anưk kamei bhum pađiak gồm 38 bài thơ ngắn, tập trung vào ba đề tài chính. Suy tư về thân phận và tâm tình riêng tây, bốn bài: “Than dahlak” (Thân tôi), “Than wak anưk mưtuy” (Thân phận đứa con mồ côi), “Cwak ngauk jalan mai” (Viết trên đường về), “Đwa karun” (Tạ ơn). 9 bài viết về anh chị em, cha mẹ và tình cảm gia đình: “Panoc amaik dauh ru” (Lời mẹ hát ru), “Panoc amư” (Lời cha), “Adei likei” (Em trai), “Harei cei mai” (Ngày cha về), “Rawơng tanum amaik” (Thăm mộ mẹ), “Mưta amaik” (Ánh mắt mẹ), “Panoc amaik” (Lời mẹ), “Adei kamei” (Em gái), “Kadha adei xa-ai” (Câu chuyện anh chị em). Còn lại thơ Phú Đạm nhấn vào đề tài văn hóa dân tộc, bộc lộ nỗi ưu tư về bản sắc văn hóa cùng nguy cơ biến chất của nó trong sinh hoạt đời thường của nhân dân lao động đang bị tác động mạnh bởi quá trình đô thị hóa. Tiêu biểu là những bài: “Nưm krung mưkal” (Dấu tích xưa), “Adei bac akhar” (Em học chữ), “Harei tagok bimong” (Ngày lên tháp), “Anưk kamei bhum pađiak” (Người con gái xứ nắng), “Bhap palei tamư Bai Gaur” (Bà con vào Sài Gòn),…
Bằng giọng thơ mượt mà, ngôn từ chắt lọc thiên về hiện đại, cuộc sống đời thường nông thôn Chăm với bao khắc khoải đời người và người đời được nhà thơ thể hiện khá linh hoạt. Hình ảnh người mẹ, người cha, người em trở đi trở lại; tình bằng hữu, tình hàng xóm láng giềng có mặt xuyên suốt tạo không khí thơ đầm ấm, thân thuộc.

Về nghệ thuật, các cây bút Chăm tiếp nhận nhanh và thể hiện rất thoải mái tất cả các thể thơ mới họ bắt gặp. Họ vận dụng chúng ngay vào các sáng tác của mình, không chút ngại ngần. Từ Jaya Hamu Tanran cho đến Phú Đạm, từ Trà Vigia cho đến Cahya Mưlơng,… Thơ lục bát Chăm hay lục bát Việt, thơ năm chữ, bảy chữ, tám chữ thịnh hành thời Thơ Mới cho đến thơ tự do vần lẫn không vần, thơ theo cách nuốt âm tiết (chỉ tính trọng âm) hay thơ đếm âm tiết,… thi sĩ Chăm sử dụng thuần thục như thể chúng là của Chăm từ đời nảo đời nao rồi.
Và bao nhiêu giọng thơ đặc sắc khác nữa, đã lộ diện hay còn ẩn khuất trong bóng tối của thời cuộc…

*
Có cầu mới có cung. Ngay với môn nghệ thuật vốn được cho là tinh túy nhất trong các môn nghệ thuật là thơ ca, sáng tác thơ tiếng Chăm, dù bị hạn chế tầm phổ biến bởi vô vàn hệ lụy và nguyên do khác nhau, vẫn có đất sống của nó.
Thời hay thế hệ nào và ở bất kì đâu, cộng đồng Chăm cũng nảy ra vài con người yêu say mê ngôn ngữ dân tộc. Say mê và hành động. Bằng mày mò tự học và tìm thầy dạy học. Bằng mở lớp dạy nhỏ lẻ, tự phát. Không phải đợi đến Ban Biên soạn sách chữ Chăm được thành lập vào năm 1978 để liên tục cung cấp cho cộng đồng hàng loạt lứa trẻ có hành trang K, Kh, G, Gh… vào đời, mà ngay từ mùa hè năm đất nước nhập một 1975, tại làng Caklaing, tôi lúc đó mới tí tuổi đầu cùng dăm đứa bạn đã mở khóa đầu tiên tại làng cho 70 học viên đủ lứa tuổi, trình độ hai tháng “xách” đèn vượt qua ải đọc thông viết thạo chữ mẹ đẻ. Sau đó phong trào “lây lan” sang vài làng khác. Tại Phú Nhuận, anh Thuận Ngọc Liêm liên tục mở các lớp dạy trên dưới mươi người tại tư gia. Rồi Thành Tín và thị xã Phan Rang nữa. Vào Sài Gòn, ngay từ năm 1977, mỗi thế hệ sinh viên đều bật ra vài gru với các lớp bac akhar Cam. Trong số đó, nhiều người học rồi chữ thầy trả lại thầy, để tiếp tục học nữa học mãi, dạy mãi… Lắm lúc xeh không cần “ra trường” mà chỉ cần học. Qua sống tận Hoa Kì hay Pháp quốc, Chăm cứ akhar thrah mà dạy nhau. Để có chữ K đeo vành tai. Để không phải hổ mặt với chị em. Thế thôi. Học để biết Chăm còn tồn tại, chữ Chăm còn hiện hữu trên trần đời này. Có người học là có thầy dạy. Trường hợp một thầy một trò không là hãn hữu. Nên, nếu ta tin Nguyễn Hưng Quốc rằng, văn học Việt Nam trước khi có chữ Quốc ngữ là “nền văn học của một đất nước mù chữ”(10) là đúng, thì Chăm ngược lại, thế hệ cha chú chúng tôi, không ai mù chữ Chăm cả! Chưa nói ông ngoại tôi là thầy cao đạo, ngay cụ thân sinh tôi nông dân chất phác, cũng có vài mươi bản chép tay văn chương để sau buổi cày nhọc mệt ngoài đồng, nằm ngửa trên giường tre ọp ẹp, ngâm đọc cho con cháu nghe. Bởi Chăm ham học và ham dạy. Dạy, luôn là miễn phí. Biết chữ thì đi kèm với biết đọc, thậm chí biết làm… thơ. Cũng không cần thơ hay. Dĩ nhiên, giữa trăm người làm thơ, có được mươi cây bút đáng đọc. Mươi cây bút đáng đọc, bật ra một tài năng. Làm thơ và đọc thơ. Vậy thôi.

Trong năm mươi tác giả gởi thơ tới địa chỉ Tagalau, có đến hai phần ba thuộc thế hệ 8X. Dù rất nhiều bài thơ mới ở trình độ ráp vần, nhưng thái độ đó nói lên nhiệt huyết của thế hệ trẻ với chữ nghĩa cha ông và với thơ ca.
Xưa, Chăm đọc pwơc và ngâm hari thơ trong các dịp lễ, đám, ở khoảng trống sân nhà buổi trà dư tửu hậu; nay anh chị em thu âm và phát, in photocopy chuyền tay, đọc trên sân khấu, đăng lên mạng,… Hiện đại đấy chứ!
Tập thơ toàn chữ con giun của thi sĩ nông dân Phú Đạm vừa ra lò 50 bản, phát hành “tặng” chưa trọn tháng đã hết veo! Mục “Thơ tiếng Chăm” trên Website Inrasara.com, hơn trăm khách ghé thăm mỗi ngày. Vào làng Caklaing, nhiều vị không khỏi ngạc nhiên với hiện tượng thơ Đạt Chữ: Đã gần thất thập, ông vẫn miệt mài viết và phổ biến chính các sáng tác của mình đến tận tay [và tai] người đọc [và nghe].

Văn học Chăm I – Khái luận, ở chương “Thơ thế sự”, có đoạn:
Ariya Glơng Anak tin tưởng vào sự sống còn qua cơn sóng gió của định mệnh dân tộc. Pauh Catwai nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của nền văn hóa Champa”(11).
Sức mạnh nội tại ấy có mặt nơi tâm hồn con người Chăm đầy chữ nghĩa thì hẳn rồi, nó còn tồn tại dai dẳng ngay trong trái tim của bao thân phận dường như “mất gốc”, “chối mình là Chăm” nữa, mới lạ. Cao Xuân Hoang (Chân dung Cát), kẻ vô thần sa đọa “không có chữ K đeo vành tai”, vẫn nhiệt nồng thuyết về văn hóa dân tộc, sẵn sàng xả thân bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc(12). Vừa chua chát vừa buồn cười, nhưng sự thể bộc lộ trọn vẹn niềm kiêu hãnh đáng bái phục. Tôi gọi đó là kiêu hãnh Chăm.
Chính bởi và qua tinh thần “hổng chân” đó mà chữ Chăm và văn học Chăm được truyền lưu đến ngày hôm nay, qua bao bão tố của lịch sử và lòng người.

Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui
Chịu chơi cả trong đau khổ
.
(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)

(tiếp kì 2/ 2)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *