Trao đổi văn học

Đây là trao đổi qua lại giữa Inrasara và phóng viên báo tiếng Anh ở trong nước (tạm viết tắt là TL). Bản tóm lược đã được dịch và in trên Thanhniennews Daily. Nay xin đăng lại bản “nháp” đầy đủ để làm tư liệu.
Inrasara
*
Dear Inrasara
You have spent your whole life and career learning, writing about, and promoting Cham culture and literature. So can you give me a sense of the Cham writers now? What are they particularly good at? What are their weaknesses? And their concerns? Are they similiar to you in any way? I want to ask you some more things:
You often say you want to try new things (for instance, you don’t want to reprint your works). But is there any contradiction between wanting to try new things and yet, at the same time, being so attached to the old Cham culture?
Have you ever thought that when you write about the Cham people and life, your works would be remembered more for their cultural values – rather than something universal that can address the depth of every human being?
The concern for preserving a dying culture is very real. Yet, is not CHANGE that makes every culture beautiful, diverse and rich? For instance, the Cham culture itself is so rich because it once incorporated external influences like those influences from Hinduism and also Buddhism?
Some people have compared you to Che Lan Vien and I guess for two reasons: when they appeared, both your poetry and his poems provided something fresh in subject matters and techniques. And perhaps the similarity is also that one source of Che Lan Vien’s inspiration was also the Cham’s tower ruins and this once great civilization.
Now, my question is: do you think this is a fair comparison? Is there a difference between your concern for Cham culture and that of Che Lan Vien?

Thank you
TL

*
Saigon, 25-3-2009
TL thân mến

Chăm có năng khiếu sáng tạo văn học nghệ thuật, nhưng sau biến cố lịch sử, với người Việt, họ vẫn giữ khoảng cách còn lại. Nên sau 1975, vẫn chưa có tác giả nào có mặt trên văn đàn cả nước. Mãi từ giữa thập niên 90, vài cây viết Chăm mới bắt đầu viết trở lại. Nhất là từ khi tạp chí Tagalau (Bằng lăng) xuất hiện vào năm 2000, họ mới có đất để thể hiện mình. Qua 9 số, gần 100 người viết xuất hiện, trong đó có 10 cây bút đáng chú ý.

Ưu thế rõ rệt nhất của Chăm là thơ, hát, múa. Nói chung là văn nghệ và thể thao. Có vài tác giả văn xuôi có lối viết rất mới (dù vẫn giữ được giọng truyền thống Chăm). Nhưng nhược điểm của anh chị em Chăm là sự hòa nhập yếu, dù họ sáng tác tiếng Việt không kém người Kinh. Có người không sống trong môi trường chữ nghĩa, nên sức viết cũng chưa nhiều, chưa mạnh.
Mối quan tâm của người viết Chăm chính là sáng tác bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Có nhiều sáng tác bằng tiếng dân tộc, nhưng ít có chỗ in ấn, nên mảng này chưa phát triển. Quan tâm nữa là văn hóa truyền thống và môi trường nông thôn đang bị phá vỡ, tệ nạn xã hội đang mấp mé cộng đồng Chăm vốn rất cố kết trong chế độ gia đình mẫu hệ. (Chú ý là xưa nay xã hội Chăm không có nạn đĩ điếm và ăn xin, nhưng ngày mai thì chắc không thể tránh được rồi).
Đó cũng là quan tâm của Inrasara. Tuy nhiên, Inrasara có cái may mắn hơn là người đi trước mở đường, và có nhiều lợi thế về sinh hoạt. Tôi lại hoạt động đa hệ, nên đã có vài đóng góp được cho cộng đồng về nhiều mặt: nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác, phê bình,…

TL thân mến! Cám ơn bạn đã đọc mình kĩ như thế. Về phần thứ hai, nói thêm vài điểm giải minh nhé:
Trước đây, mình nghĩ có mâu thuẫn giữa con người sáng tạo và con người văn hóa trong Inrasara, nhưng sau đó – không! Ở tư thế con dân tộc Chăm, mình cần bảo tồn văn hóa dân tộc. Vừa trách nhiệm vừa vui thú. Nhưng khi sáng tạo, mình là kẻ phiêu lưu đúng nghĩa. Khám phá và chỉ có khám phá: miền đất mới, ý tưởng mới, cách diễn đạt mới.
Khi đi đến tận cùng dân tộc, bạn sẽ gặp thế giới. Khi đi đến tận cùng tâm hồn một cá nhân, một sinh thể, bạn cũng sẽ găp nhân loại. Con người ở đâu cũng thế. Nhân loại luôn là nhân loại phổ quát trong một hoàn cảnh khác biệt. Văn chương không nói cái phổ quát, mà chỉ động cập cái khác biệt, một khác biệt đầy phổ quát. Nếu không nêu lên được đặc điểm đó, bạn thất bại trong sáng tạo. Hãy nghĩ đến Dos đã làm cho con người cư trú nhiều vùng miền khác nhau, chịu ảnh hưởng các nền văn minh khác nhau xúc động. Qua Dos, họ khám phá tâm hồn họ.
Văn hóa Chăm so với văn hóa Việt có nhiều khác biệt, đó là điều không thể chối cãi. Phục dựng nó làm cho văn hóa đa dân tộc Việt Nam thêm phong phú. Người Việt biết văn hóa này, giúp họ học biết tôn trọng người anh em mình hơn đồng thời qua đó, họ có thể “vận dụng sáng tạo” ra cái mới của hôm nay. Như vậy là đất nước Việt Nam được một lúc HAI cái mới: mới của hôm qua (vào kho tàng truyền thống chung) và mới cho ngày mai (tiếp nhận để sáng tạo).

Riêng về việc so sánh Chế Lan Viên và Inrasara, theo mình, không vấn đề gì cả! Đó là quyền của nhà phê bình và người đọc trong tiếp nhận tác phẩm văn học. Chính đề tài Chăm của hai tác giả đã nảy ra sự so sánh đó, chắc thế. Tuy nhiên, nhìn gần Chế và Sara đã rất khác nhau.
Chế là người Kinh sống trong vùng có nhiều tháp Chàm, nghe kể nhiều về chuyện Chàm. Và ám ảnh. Và ông thể hiện nó rất thành công qua phương tiện nghệ thuật. Sara là Chăm “chính gốc”, sống trong đời sống Chăm hiện đại, nuôi dưỡng bởi nguồn sữa văn hóa Chăm, làm thơ, viết văn, nghiên cứu, hoạt động xã hôi, va chạm cuộc sống Chăm hằng ngày.
Chế Lan Viên 17 tuổi đã in Điêu tàn gây nên “một niềm kinh dị”, còn Sara làm thơ từ 15 tuổi, mãi tuổi tứ thập mới ra tập đầu tay. Rồi cả 4 tập sau đó đều liên quan đến Chăm.
Cái khác nhau rõ nhất là ở cách xử lí nghệ thuật và cách nhìn của hai người. Thử phân tích 2 điểm chính:
– Về tâm cảm: Chế thương tiếc thời liệt oanh Champa xưa:

Đây những cảnh huy hoàng trong Chiêm quốc…
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành

Sara ngược lại, nhấn vào cuộc sống Chăm hiện đại. Trong cuốn Tự sự (tác phẩm mới nhất, đang in): Inrasara & Chăm & Chữ, mình viết:

“Thế giới đã nói nhiều về bí ẩn của kĩ thuật xây tháp Chàm, nói nhiều về kĩ thuật tạo dáng hay lối chạm trổ tuyệt kĩ của nghệ nhân Champa xưa trên các đồ trang sức bằng vàng, bạc, về huyền thoại loại giếng vuông Chăm còn phơi mặt dọc duyên hải miền Trung nắng gió nhưng không bao giờ khô nước, về gốm Bàu Trúc, về vị vua đầu tiên của Đông Nam Á thuộc Ấn Độ giáo ở đầu thế kỉ thứ V đã làm cuộc vượt đại dương sang bờ sông Hằng… Người ta đã nói nhiều về chúng, tốn bao giấy mực lí giải sự ra đời và biến mất của chúng – những bí ẩn Chăm xa xưa với bao nhiêu kỉ lục. Tôi thì khác, tôi muốn kể câu chuyện về những huyền bí của đời sống Chăm hiện đại. Chăm đương sống cuộc sống kì diệu của ngày hôm nay…”

– Về cách thể hiện: Chế làm thơ rất chuyên nghiệp (có thể nói chuyên nghiệp bậc nhất Việt Nam). Ông có nhiều thay đổi trong bút pháp. Nhận định chung: Chế đã tạo ra 3 đỉnh cao cho riêng mình. Đó là điều chưa từng có trong văn học Việt Nam hiện đại. Nhưng về Chăm, ông chỉ có tập thơ duy nhất là Điêu tàn, vừa tượng trưng vừa siêu thực. Mình không hình dung được nếu không có sự kiện lịch sử Mùa thu 45, thơ Chế sẽ đi về đâu. Riêng Sara, thơ về Chăm luôn chuyển phong cách và thi pháp: từ tiền hiện đại (Tháp nắng, Hành hương em) sang hiện đại (Lễ tẩy trần tháng Tư) đến một phần hậu hiện đại (Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức).
Bổn phận của nhà thơ là gì, nếu không phá đổ lề thói cũ, đưa ra cái nhìn mới qua thể hiện kĩ thuật mới, hầu mở rộng kinh nghiệm trường để làm phong phú cuộc đời, của mình và của người đọc. Chế Lan Viên nhìn thấy “tháp gầy mòn vì mong đợi”, “lở lói rỉ rên than” – là hay. Nhưng hôm nay, mình phải nhìn khác Chế. Thấy khác và viết một cách khác. Mình đã từng phục Chế, điên mê Chế, thuộc lòng Chế. Với “những tháp gầy mòn vì mong đợi”, Chế Lan Viên nói lên một tâm trạng tháp một cách bình thường. Bằng thành thật, câu thơ đã rung động người đọc ở thẳm sâu.
Bài thơ nổi tiếng của Văn Cao cũng rung động độc giả ở khía cạnh khác.

Tự trời xanh
Rơi
Vài giọt
Tháp Chàm
.

diễn tả cái gì thánh thiện, siêu việt. Tháp được nhìn bằng con mắt duy mĩ, sự có mặt của tháp thoát khỏi mọi nắm bắt của trí tuệ con người.
Sara thì khác, phải khác. Mình nhìn tháp qua nhiều góc độ, tình huống và tâm trạng. Tháp hiện diện trước mắt nhà thơ muôn màu muôn vẻ: “tháp Chàm muôn mặt”. Cô độc và kiêu hãnh: “tháp nắng”. Bị bỏ rơi và run rẩy: “tháp lạnh”. Âm u đầy bí hiểm: “tháp hoang”. Tháp đột ngột xuất hiện trong ta khi ta làm tha hương nơi đất khách quê người: “Đôi lúc / nửa đêm / tôi nghe tháp mọc ngang trời”. Khi “là chim”, “tháp bay”. Là bóng ma, tháp “trườn qua đêm tối những triều đại”. Buồn, “tháp ngậm im lặng màu tro”; giữa thất thường khí hậu miền Trung: “tháp thét gào với bão”; qua chiến tranh tàn phá, tháp đổ: “tháp lãng du thế giới cỏ cây”; rồi khi tất cả tiêu tan: “tháp chuyện trò cát bụi”. Trời nóng nực: “tháp ở trần nằm”, trời lạnh: “tháp ngủ”, nhớ vương quốc: “tháp đứng”, hứng khởi: “tháp bay”,… Nhưng như thế vẫn còn chưa đủ. Khi:

Tháp đang trôi trong hoàng hôn
chợt mắc cạn
ở lưng đồi

Tháp đã thành biểu tượng cho một suy tàn của vương quốc (hoàng hôn), một dang dở của nghệ thuật hay văn minh (mắc cạn), một ở lại với trần gian đầy đau xót, tức tưởi (ở lưng đồi). Đây là một hiện thực đầy khổ ải mà chỉ có thi sĩ Chăm chính gốc mới nhận thấy và nói ra được. Tóm lại: nó rất người.” Cái nhìn này được đẩy đến cao hơn,trắng hơn, lắm lúc giễu cợt. Đó là tâm thức hậu hiện đại:

Tháp cho nhà báo đề tài viết báo
số Katê mỗi năm
(tuần chay nào cũng có nước mắt)
kiếm ít tiền xài
cho nhà khảo cổ cơ hội ăn theo
tên tuổi
.
(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Tháp Chàm muôn mặt”)

Trích một đoạn nữa trong Tự sự trên:
“Đạo sĩ Bà-la-môn khi đã rời bỏ rừng sống đời khất sĩ, trút mọi gánh nặng hay thành quả sau lưng, nhẹ nhõm như mây trời, làm cuộc phiêu lãng vô định và bất tận. Mãi mãi trên đường.
Thơ ca nảy sinh và rớt lại trên con đường vừa đi qua đó.
Chưa đặt chân sang bờ bên kia, chưa là người biết Paramārtha-vid mà đã xài chữ, đã vội vã “sáng tạo”, bạn chỉ dừng lại ở kẻ tập tò làm vần. Viết ở bờ bên này, chẳng những bạn làm bẩn tư tưởng thôi mà còn xả rác vào chính ngôn ngữ nữa. Còn khi đã sang bờ bên kia, nếu không ngoảnh lại, bạn chưa thể trở thành một nhà thơ chân tính. Hiểu māyā, khuất phục māyā, vượt qua māyā, nhưng bạn vẫn ở lại với māyā. Đấy là hành động cao cường của Ra-ariya, một Bồ tát-nghệ sĩ Bodhisattva-artist!”

Thân mến
SARA.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *