Thơ tự do diễn tả thoải mái ý tưởng của mình

Xuân Quỳnh thực hiện.

Xin chào nhà thơ, nhà phê bình Inrasara, chúc mừng sự ra đời của tập tiểu luận Song thoại với cái mới của ông.

1. Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo có phải là “dấu chân phía trước” của Song thoại với cái mới không, hay nó là một bộ phận làm nên một hình hài biết song thoại với cái mới? Những cái mới mà ông đề cập đến trong tập tiểu luận này là gì?
Inrasara: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo là một hụt hẫng của suy tư nền tảng và toàn diện về vấn đề trung tâm/ ngoại vi của văn chương Việt hôm nay. Song thoại với cái mới làm đầy đủ nó.
Cái mới ư? Đó là thơ dân tộc thiểu số, thơ Chăm, thơ nữ quyền luận, hậu hiện đại, nhóm Mở Miệng, nhóm Ngựa Trời, sáng tác của các nhà văn hải ngoại,… Tôi thấy chúng mang cảm thức mới, khác hay nảy ra từ một nền văn hóa khác, qua lối biểu hiện mới bằng các thủ pháp mới.
Mỗi mảng đề tài được tiếp cận bằng nhiều lối khác nhau, và có thể nói – thể hiện qua hình thức hoàn toàn khác nhau. Khi thì bằng hình thức đối thoại trực tiếp (“Khai mở bế tắc sáng tạo”) hay đối thoại giả tưởng (“Góp nhặt sỏi đá”), hoặc nhận diện từng khuôn mặt (“Thơ dân tộc thiểu số, tờ một hướng nhìn động”) hay từng cụm tác giả (“Thơ nữ trong hành trình cắt đuối hậu tố ‘nữ’”) từ đó đưa ra nhận định mang tính khái quát. Mỗi cái mới có khi được minh định chặt chẽ như một tiểu luận khoa học (“Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”, “Văn chương Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa”), cũng lắm lúc nó có mặt như được bài báo (“Còn ai đọc thơ, hôm nay?”, “Bế tắc trong sáng tạo”) hay một tản văn đầy ngẫu hứng (“Sáng tác văn chương Chăm hôm nay”). Có khi nó công phá như thanh đoản kiếm với đường chọc ngắn và dứt khoát (“Văn chương trẻ Sài Gòn ở đâu?”), nhưng lắm lúc cần đến tầm bao quát rộng lớn cả sự lí giải mang tính lí thuyết dông dài (“Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt”). Nghĩa là linh hoạt, như thể một sáng tạo khác vậy.

2. Nếu như ông được nhận xét là với thơ, ông “Viết như một công dân của thế giới” thì với tác phẩm này ông viết với tâm thế, tư cách gì?
Inrasara: Cũng với tư cách công dân thế giới cư trú trong ngôn ngữ Việt. Song thoại với cái mới lật mở mọi khía cạnh phân biệt đối xử đó: văn học dân tộc thiểu số/ đa số, nam/ nữ, trung ương/ địa phương, chính lưu/ ngoài luồng, trong nước/ hải ngoại, Đông Nam Á/ thế giới… Có quá nhiều phân biệt, nhưng tôi nhận ra đó là sự phân biệt giả tạo xuất phát từ mặc cảm giả tạo. Cần phải đánh sập mặc cảm đó.

3. Hậu hiện đại chấp nhận truyền thống, “muốn khôi phục lại sự liên hệ với tất cả cái gì thuộc về quá khứ” nhưng một số nhà thơ được ông gọi là những người đang khởi động phong cách hậu hiện đại đang phô ra tất thảy những gì truyền thống ý tứ che lại trong thơ. Có gì mâu thuẫn ở đây không khi tính văn hóa luôn là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu trong thơ truyền thống?
Inrasara: Tính văn hóa? Tôi không hiểu bạn muốn đề cập điều cụ thể nào? Truyền thống ư? Nếu thế, thì không có gì mâu thuẫn trong sáng tác hậu hiện đại Việt cả! Các nhà thơ này vẫn sử dụng thể thơ truyền thống: lục bát, tự do. Ngôn từ là ngôn từ bình dân, có khi bình dân và đời thường còn hơn cả ca dao nữa. Hình ảnh thơ là hình ảnh của cuộc sống thường nhật, không tạo khoảng cách khu biệt như thơ tự do, không cao cả như thơ của nhiều nhà thơ hiện đại khác. Hậu hiện đại chấp nhận mọi thứ đã có trước nó. Ví dụ Bùi Chát sử dụng lại rất nhiều ca dao. Lý Đợi đặt vấn đề nổi cộm của cuộc sống hôm nay, thẳng và không kiểu cách. Đinh Linh suy tư và dùng nhiều từ ngữ địa phương, ngôn ngữ của người đường phố, tầng lớp lao động thấp của xã hội. Nguyễn Hoàng Nam đưa âm đia phương Nam bộ vào thơ hay Bùi Chát “nói ngọng” cũng là một cách,…

4. Là một người Chăm đang mang trong mình nỗi lo lắng về sự tàn lụi, mất hút của văn chương dân tộc nhưng tại sao trong tập tiểu luận này ông chỉ dành cho vấn đề này 1,5 tiểu luận đề cập (“Sáng tác văn chương Chăm hôm nay” và một phần trong “Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động”). Có phải những vấn đề mang tính bao quát, rộng lớn thu hút ngòi bút Sara hơn hay ông đã yên tâm về vấn đề này rồi, không cần nói thêm nữa?
Inrasara: Song thoại với cái mới là tiểu luận văn chương. Văn chương Chăm chỉ là một thành tố nhỏ tạo nên tổng thể văn chương Việt Nam nói chung. Như là một cách thế hữu giúp tôi đưa ra ánh sáng vấn đề ngoại vi/ trung tâm, là tư tưởng nền tảng của Song thoại với cái mới.
Các vấn đề về Chăm, tôi đã nêu cụ thể trong Văn hóa – Xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại (NXB Văn học, 2008) rồi, tôi không đặt ra ở đây nữa. Dĩ nhiên các vấn đề như là của xã hội Chăm thì mãi mãi phải được đặt lại. Và tôi đã làm như thế trong Website inrasara.com, mỗi tuần.

5. Ông mong muốn tập tiểu luận này đến với những độc giả nào?
Inrasara: Với mọi tầng lớp độc giả. Nhất là độc giả nghĩ văn chương không cần đổi mới! Và thế hệ trẻ, dĩ nhiên.

6. Khi nào ông ra mắt tập thơ mang tính thời cuộc của mình và ông có định thực hiện tiếp những cuộc song thoại hay đối thoại mới?
Inrasara: Tập thơ Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] cơ bản đã xong. Trong tập này tôi đề cập đến mọi vấn đề nóng đang xảy ra trên thế giới: nạn đói, chiến tranh, khủng bố, phân biệt đối xử, mất tự do, giá dầu leo và xuống thang,… từ Tây Tạng, Trường sa – Hoàng Sa, Iraq, Apganishtan cho đến Miến Điện. Tôi vận dụng tối đa thủ pháp hậu hiện đại. Nó sẽ ra đời khi hội đủ cơ duyên.
Sau Song thoại với cái mới, tôi làm tuyển tập Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại. Tuyển này gồm ba phần: Tổng luận, Phê bình và Tuyển thơ khoảng 18 tác giả.

Sài Gòn, 29-10-2008.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *