Trích chuyên luận Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại.
*
Mai Văn Phấn, kết thúc cho một khởi đầu.
Không thể hiểu hết nỗ lực của Mai Văn Phấn, nếu không đặt anh và sáng tác của anh vào môi trường xã hội và môi trường thơ hiện đại miền Bắc. Không phải trong thời gian dài sự sáng tạo và thưởng thức thơ ấy bị bó hẹp bởi khuôn phép hệ mĩ học hiện thực xã hội chủ nghĩa mà đúng hơn, bởi chính quan niệm mang tính phổ quát của người làm thơ và người đọc thơ. Thơ là thơ ca, nó đòi hỏi sự trau chuốt kĩ lưỡng ở ngôn từ, chặt chẽ của tứ thơ, ý thơ cần đẹp, thi ảnh chọn lọc, giọng điệu phải nên thơ. Phá cách tới đâu, người làm thơ cũng chỉ dừng lại ở Đặng Đình Hưng, Lê Đạt hay Dương Tường. Có vậy thôi mà cũng đã chịu bao hệ lụy.
Nghĩa là thơ vẫn cứ phải nên thơ. Và mọi người chấp nhận kêu nó là thơ. Sự thể không có gì sai cả.
Ở miền Nam thì khác. Mười năm sau đất nước nhập một, cả khu vực rộng lớn này hầu như không nẩy nòi một thi sĩ xứng danh nào. Mãi mở cửa cởi trói, các thi sĩ miền Nam mới rục rịch làm thơ trở lại, tìm mọi cách ấn hành để đưa sản phẩm của mình đến với công chúng. Ở đó, họ đã tiếp nhận nhiều truyền thống khác lạ. Thơ Tự do, đi trước họ là mấy tên tuổi lẫy lừng: Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên,… Hậu hiện đại sơ kì, họ có một Phạm Công Thiện với vô lượng từ xô đẩy nhau vỡ bờ vỡ đê, cuồn cuồn khó hiểu nhưng đẹp và lôi cuốn lạ thường; một Bùi Giáng điên chữ, xáo trộn ngôn từ cả Việt lẫn Hán Việt vào bát quái trận đồ chữ liên tu bất tận; đọc chẳng hiểu ông nói mô tê gì cả nhưng vẫn cứ thích. Làm thơ bất kể ngôn từ thông tục, thông tục đến thô tục, họ có Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Tôn Nhan ở sau lưng. Thơ huyền ảo lãng đãng sương khói, Phạm Thiên Thư đã lừng lững. Thơ Thiền, thơ siêu thực, thơ hiện sinh, thơ điên, ca từ nhạc sến, nhạc vàng, vọng cổ… Nghĩa là không thiếu bất kì thứ gì thế giới ngoài kia có. Quan trọng không kém: các bộ phân công chúng văn học khác nhau chấp nhận chúng là các sáng tạo nghệ thuật.
Người làm thơ miền Bắc trong đó có Mai Văn Phấn, có thể cũng đã ít nhiều biết đến nó, nhưng họ không may mắn [hay rủi ro] cư ngụ trọng khí quyển văn chương, thừa hưởng tinh thần nền thơ kia. Đổi mới, không thể viết như cũ, họ biết thế. Nhưng bắt đầu từ đâu? Mở cửa, họ đối mặt với khoảng trắng mênh mông của sáng tạo, của ý thức và trách nhiệm của một nghệ sĩ tự do. Họ cần làm mới, thức nhận rằng mình phải khác. Nhưng mới, khác thế nào?
Đổi mới, rất nhiều nhà thơ chạy tìm náu thân chốn báo chí, và đã không ít nhà thơ đào bới hay tìm lối thoát vô vọng trong vùng đất của các thành tựu trước đó, Mai Văn Phấn là một trong rất hiếm hoi thi sĩ tự giải thoát được mình.
Đồng thời với Nguyễn Quang Thiều; nếu Thiều tìm ra giọng điệu đặc thù từ đó trương nở, mở rộng tối đa giọng điệu tìm thấy qua mỗi tập thơ, thì Mai Văn Phấn theo lối khác hẳn. Mỗi bước đi, mỗi tập thơ của Phấn là một gẫy gập, đứt khúc. Nỗ lực cắt đứt và chối bỏ, lưỡng lự rồi vượt qua – liên tục.
Hiếm nhà thơ hôm nay dứt áo với quá khứ vừa đau đớn, nhọc nhằn vừa khó khăn như Mai Văn Phấn. Bỏ làm thơ trong thời gian dài, mãi sắp bước sang tuổi tứ thập anh mới xuất hiện trở lại. Hai mươi năm qua:
Trong hốc lặng
tôi
im trôi với bao người.
(“Im trôi”, Vách nước, NXB Hải Phòng, 2003)
Bao nhiêu năm im trôi. Bao thế hệ thơ im trôi. Im trôi với tư duy thơ vốn có. Mai Văn Phấn tự thức giữa bao trì trệ và biến chuyển chậm chạp khắp xung quanh. Không phải đợi đến: “tiếng kẹt cửa réo vang/ mở con đường”, Mai Văn Phấn mới dám tìm/ đối mặt thách thức: “được quyền nghĩ những điều đã ước”, vạch “nhịp điệu vẽ lối đi”, “đợi mùa”, anh “ước phục sinh” ngay ở tự thân sáng tác thơ ca.
Hàng trăm bài thơ “truyền thống”, hàng chục tập thơ “tiếp thu và sáng tạo” từ truyền thống với bao giải thưởng, liên tục từ năm 1991 đến 1995, nguy cơ đẩy anh té ngồi vào chiếu văn đầy trang trọng. Nhưng không! Nhìn lùi lại, Mai Văn Phấn vỡ ra rằng có thiếu khuyết, hụt hẫng nào đó. Chúng vẫn còn lang thang ngoài hàng rào thơ ca. Truyền thống với hiện thực xã hội chủ nghĩa, hậu lãng mạn với hậu siêu thực. Anh quyết rời bỏ chúng, lên đường tìm giọng điệu khác. Đây là thái độ dũng cảm của một nghệ sĩ đích thực.
Dù Mai Văn Phấn luôn ý thức các triền phược rơi rớt từ vô thức cộng đồng; ý thức và quyết liệt “chống lại quán tính”, nhưng thơ anh cứ vướng vào quán tính. Quán tính của thế hệ, của vùng miền, của thời đại. Chúng qui định cách làm thơ của anh.
Người ta nói, dòng sông kia đã được tiệt trùng. Tôi thận trọng tắm rửa bằng những hương liệu quý. Lội xuống, nước đến đâu cơ thể tôi bầm đen đến đó, rồi mọc ra những sợi lông vũ. Thế là nửa người trong nước hóa thành chim. Nhưng tiếng hót phải thoát qua vòm họng và lưỡi. Từ đấy, miệng tôi luôn chống lại quán tính của phần bầm đen trong nước đã ngập chìm.
(“Di chứng”)
Dù rất nỗ lực giải thoát thơ khỏi ẩn dụ, nhưng thế nào Mai Văn Phấn cũng rơi vào hệ lụy của vô vàn ẩn dụ. Từ ẩn dụ “Nhà thơ trú trong bóng râm/ Những con chữ bị khoét mất mắt” qua “Đàn quạ lũ lượt chui khỏi ngũ quan, lập tức sà xuống săn mồi theo bản năng của loài ăn thịt” đến ẩn dụ về “những con kiến chữ khổng lồ” hay “Cầm cuốn sách bơi ra phía biển. Cắm con dao xuống đất rồi tưới nước. Trùm chăn đi vào đám cưới. Một mình trèo lên đồi cao giơ tay phát biểu ý kiến. Thổi điệu kèn đưa ma con nhện”.
Chuyển động mạnh nhất ở Mai Văn Phấn trong những năm hậu đổi mới chính là ngôn ngữ. Hết còn thứ ngôn từ sang trọng và trịnh trọng. Ngôn ngữ thơ của Phấn đã thôi còn trau chuốt tỉ mẩn, ngày càng hướng đến sự tự phát và ngẫu hứng. Từ đó, thơ anh cũng thôi đạo mạo với đóng thùng.
Đạo mạo múa tay trong bị
…
Đạo mạo giết một con muỗi
Đạo mạo phát biểu chung chung
Đạo mạo nghiêng mình trống rỗng
Đạo mạo lấy trộm áo mưa
Đạo mạo thở mùi hôi vào miệng người khác
Đạo mạo bọc nhầm một chiếc răng sâu
Đạo mạo tiểu tiện nơi công cộng
Đạo mạo xụt xịt trong khăn mùi xoa
Đạo mạo chỉnh lại con c… trong túi quần nơi hội họp
Đạo mạo xỉ mũi vào cửa kính
Đạo mạo moi tiền của gã ăn mày
Đạo mạo nghe trộm điện thoại
Đạo mạo nhìn ngực chị em trong đám tang
Đạo mạo ký tên vào công trình khoa học
Đạo mạo làm thơ tình khi đã liệt dương…
(“Bài học”)
Quán tính đó, ẩn dụ đó, nhưng bằng thứ ngôn ngữ gần và sát thực hơn, Mai Văn Phấn đã thoải mái phô bày con người thời đại với trạng thái bi quan cùng cực trong tâm trạng mệt mỏi và bất lực giữa một thực tế cuộc sống xô bồ, ảm đạm không lối thoát. Ở đó, con người hết còn mơ mộng ngây ngô đời sống tốt đẹp, văn minh và tiến bộ, hết còn niềm tin vào tương lai tươi sáng. Mỗi người là một thế giới kín bưng, âm u hơn, vô vọng hơn. “Đây với đó chỉ dựng chòi cô độc” (Nguyễn Đức Sơn).
Đêm nay
Rắn rết, bọ cạp tràn vào thành phố
Nhưng đừng sợ!
Nhà nào bây giờ cũng thiết kế kiểu lô cốt
Trời tối không ai ra đường.
(“Còn cậu hãy đứng đằng kia“)
Trong thế giới hỗn độn và phi lí ấy, con người quay cùng với đồ vật quay. Cô độc, bất trắc và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến thành đồ vật.
Những đồ vật quay không thể dừng lại. Thùng rác quay mắc phải khung ảnh, quạt trần, dây điện thoại. Chiếc quần lót mắc kẹt giữa tủ bát đĩa và máy tập thể hình. Chổi cùn, bình diệt muỗi, đĩa CD chui vào tủ lạnh. Con cá tắt thở trên đường gần đến cửa sổ. Lũ chuột nhắt chết đuối bơi qua chảo mỡ. Bột giặt vừa quay vừa rắc lên hoa quả, dao thớt, bàn thờ. Bát nước chấm quay cùng bìa đậu phụ. Lọ tương ớt lao đi trong tư thế lộn ngược. Và kim giây quay chậm hơn hẳn kim giờ…
(“Quay theo mái nhà”)
Cảm thức như thế, nỗ lực thay đổi liên tục liên tục lối thể hiện như thế – từ Giọt nắng (1992), Gọi xanh, Cầu nguyện ban mai, Nghi lễ nhận tên, trường ca Người cùng thời cho đến tập thơ mới nhất: Vách nước (2003) và cả hàng trăm bài thơ lẻ đăng trên Website các nơi, mỗi tập thơ, mỗi giai đoạn là một tìm tòi phong cách độc đáo hơn, mới và khác hơn. Có thể nói Mai Văn Phấn là một trong rất ít nhà thơ tiêu biểu nhất của thơ hiện đại Việt.
Anh sẽ còn đưa thơ đi tới đâu nữa, không biết. Cả anh cũng không biết, trong cõi sáng tạo mù mờ đầy hứng khởi ấy. Điều người đọc biết chắc chắn là, với bút lực hãy còn đầy tràn, tinh thần tìm tòi khai phá không biết mệt mỏi ấy, Mai Văn Phấn vẫn chưa thấy có dấu hiệu ngừng lại.
Sài Gòn, 14-1-2009.