Chủ nghĩa hậu hiện đại quyết đánh đổ những đại tự sự (grands récits, từ dùng của Lyotard), để thay vào đó bằng tiểu tự sự (petits récits). Cá nhân/cộng đồng kể chuyện về mình, suy tư, phản ứng hay hành động một cách riêng tư trước vấn đề rất cụ thể mà thế giới đặt ra cho mình/cộng đồng mình.
Nó không lo lắng cho cả thế giới, nó chỉ lo lắng cho nó thôi, bởi nó cũng là một thế giới. Khi nó lo lắng cho nó rốt ráo, như thế là nó đã lo lắng cho thế giới rồi. Ví như khi ta trồng cây trong khuôn viên nhà ta, nhắc anh em ta đừng phá rừng là ta đã giúp nhân loại bảo vệ phần nào môi trường thế giới.
Nó bày ra trò chơi cho nó, vì nó, nó chơi trò chơi đó, chơi hết mình. Nhưng nó biết thế giới không phải chỉ có mỗi nó: nó với trò chơi duy nhất. Vì, bên cạnh nó và cùng tham gia trò chơi thế giới (chữ dùng của Heidegger) với nó còn có những “nó” khác. Những “nó” này đang chơi trò chơi của họ.
Nhưng nó không hề tin tất cả trò chơi nhỏ ấy là mảnh vụn của trò chơi vĩ đại nào đó, trò chơi của Chúa chẳng hạn, hay của quy luật biện chứng nào đó con người nghĩ ra, manh tâm áp đặt nó cho nhân loại hay, mơ tưởng rằng thế giới đã/phải như thế!.
Văn chương không phân biệt ngoại vi hay trung tâm, dân tộc thiểu số hay đa số, giàu hay nghèo, nam/nữ, trung ương/địa phương, chính lưu/ngoài luồng, trong nước/hải ngoại,…Đã có nhiều phân biệt, nhưng đó là sự phân biệt giả tạo xuất phát từ mặc cảm giả tạo. Vượt qua mặc cảm đó, người nghệ sĩ của dân tộc ngôn ngữ thiểu số (tiếng Chăm so với tiếng Việt, văn chương tiếng Việt đặt cạnh văn chương Anh ngữ), khi sáng tác phẩm của anh/chị ta đạt tiêu chí nghệ thuật cao, tác phẩm đó khả năng đạp đổ vách tường ngăn trung tâm/ngoại vi đầy tệ hại. Nhiều văn nghệ sĩ [không chỉ người Việt] di dân thành danh ở Hoa Kì chứng minh sáng giá cho chân lí đó. Li hương, họ vẫn giữ được cây Ô-liu trong hồn mình mãi xanh tươi. Ở trong nước, xung quanh ta từ nửa thế kỉ qua, các sáng tác của hàng chục nhà văn dân tộc thiểu số một lần nữa khẳng định sự thật đó. Vậy, tại sao chúng ta không tự tin nhập cuộc!