Viết ngắn 16: Thơ và tác giả

Khác với thơ Trung đại, nhà thơ làm thơ để nói chí, hay dùng thơ để bàn chuyện đạo đức (Văn dĩ tải đạo); cũng khác nhà thơ Lãng mạn coi thơ như phương tiện biểu hiện “cái tôi cảm xúc”; nhà thơ hiện đại nỗ lực cắt đứt quan hệ giữa văn bản và những gì ngoài văn bản, khi tác phẩm đã hoàn thành. Thơ hiện đại từ chối việc đồng hóa nhà thơ với bài thơ. Đại từ: tôi, anh, ta,… trong bài thơ không hẳn là bản thân tác giả hay một nhân vật nào đó. Cả đối tượng được diễn tả trong thơ cũng thoát khỏi đối tượng thực ngoài đời.
Bình bài thơ Đám tang Nguyễn Duy Diễn của Nguyên Sa:

Diễn đã chết! Diễn đã chết!
Chúng tôi nhảy múa hò reo
Như những người da đen
Thế là nó thoát! Thế là nó thoát!
Thế là nó thoát! Đúng rồi, thế là nó thoát
!
Nguyễn Hưng Quốc luận giải: “Diễn là ai, Diễn chết như thế nào trong bài thơ này không là điều quan trọng. Người đọc biết cũng được. Không biết, cũng chẳng sao. Mà tốt nhất là không nên biết. Nguyễn Duy Diễn đi vào thơ không còn là Nguyễn Duy Diễn cụ thể, nhất định nào đó nữa. Đó chỉ là một người, có thể là bất cứ người nào. Đó chỉ là một nhân vật tồn tại trong bài thơ…”
Một cái tên cụ thể mà đã thế, nói chi một/những đại từ. Nhớ, cách nay một năm, có bạn viết thư trách tôi đã ám chỉ một nhân vật Chăm trong đoạn thơ:

– ôi là phó tiến sĩ hữu nghị đứng giảng đường
ôi là đồng hương bác nông dân cày rẫy Quảng Nam
họ hàng xa cô gái mười bảy bán bia ôm Sài Gòn
chung huyết thống tôi trí thức mang nhiễm triệu virút
sách vở khệnh khạng

(Lễ tẩy trần tháng Tư)
Ôi, nếu là ám chỉ, “tôi” (Inrasara) bị nặng hơn chứ! Nào là “virút”, nào là “khệnh khạng”! Nhưng làm gì có chuyện đó?! Tất cả chỉ là nhân vật, chi tiết cho bài thơ xuất lộ. Hay cả khi tôi viết cho cha, tặng người cha sinh thành dưỡng dục: “Dấu chân trầm”, để đưa tiễn người thương yêu về nơi an nghỉ cuối cùng. Cha tôi mất là sự thật, tình yêu tôi dành cho cha là thật, nhưng khi “cha” xuất hiện trong bài thơ trên, ông [ta] đã thành một nhân vật phụng sự cho ý thơ. Không hơn không kém!
Có người hỏi nhà thơ Vũ Hoàng Chương: Tố Uyển là ai? Nàng đã xuất hiện như thế nào trong đời ông? Đâu là mối tình trái ngang giữa ông với nàng? Cho sinh ra bài thơ Tháng Sáu Mười Hai lâm li và hay như thế? Ông đã trả lời: Tố Uyển không có thực, cuộc tình cũng là tình ảo, thì tui phải bày ra nó để làm thơ đấy thôi!
Đấy gọi là sự phân li giữa nhân vật và tác giả trong thơ. Thế giới thơ là thế giới rỗng. Đọc thơ là thả trí tưởng mình đi vào thế giới rỗng ấy. Nó tách khỏi con người cụ thể đã đành, nó còn vượt thoát khỏi không gian-thời gian cư lưu trong bài thơ nữa.

Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu…

Tôi chưa đi Trung Quốc, dĩ nhiên chưa một lần nhìn thấy lầu Hoàng Hạc. Nhưng sự vụ đó không ngăn cản tôi đọc và thuộc, yêu bài thơ. Và Hoàng Hạc lâu có mặt trong kí ức tôi bền bỉ và biến thiên muôn hình vạn trạng, mỗi lần tôi ngâm nó. Thơ vượt không gian là vậy.
Hay khi nghe tiếng hát Khánh Ly: Mưa vẫn mưa bay trên tàn tháp cổ – dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…, tôi vẫn cứ mơ màng để hồn chìm vào cuộc tình thơ mộng tưởng tượng của ngày xưa dưới chân tháp Ppo Rome. Dù điều chắc chắn tôi biết Trịnh Công Sơn được gợi hứng từ ngôi tháp nào đó ở quê ông, chứ không là tháp Chàm.
“Tác phẩm văn học là một thế giới trống”. Bổn phận của người đọc là đổ đầy ý nghĩa vào thế giới trống đó. Đấy là ý nghĩa của “đồng sáng tạo”. Riêng người đọc cấp cao – nhà phê bình, ông phải viết thế nào để công chúng khi đọc ông, họ chấp nhận ý nghĩa mà ông đổ đầy khoảng rỗng của thế giới tác phẩm đó.

Vậy đó: đồng hóa tác giả với bài thơ là một sai lầm ngây ngô. Dù tác giả đó “nói” tốt hay xấu về mình, người đọc cũng tách bạch chúng ra! T. S. Eliot: [Người đọc] không còn tập trung vào nhà thơ mà phải dựa vào bài thơ để thẩm định hay thưởng thức. Chỉ bằng thái độ đó, chúng ta mới tránh được ngộ nhận không đáng có, hoàn toàn không đáng có chút nào cả. Nếu không thế, với câu thơ: “Tôi là một, là riêng, là thứ nhất”, Xuân Diệu đáng bị cho vào nằm Nhà thương Biên Hòa!
Do đó, các bậc thầy phê bình hiện đại luyôn thái độ lưỡng lự trước thơ ca, nhất là thi phẩm của các nhà thơ mang tính khai phá. Dĩ nhiên không loại trừ kẻ điếc không sợ chữ, cứ phán bừa. Lối phán không gì mới, ngoại trừ thông báo cho bàn dân thiên hạ biết: nỗi liều lĩnh cùng khả năng văn chương của mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *