Viết ngắn18: Thơ và nhịp điệu

Khác nhịp thơ của Trung Quốc, nhịp thơ Việt lẻ trước chẵn sau, cả trong sáng tác bình dân lẫn bác học. Đây là nhịp điệu chính quy định cả chiều dài truyền thống thơ tiếng Việt, ít ra là cho mãi đến thời kì Thơ Mới. Ở lục bát và song thất lục bát, thể thơ vốn được xem là thuần Việt, nó đã thế: Sau chẵn.

Hỡi cô / tát nước / bên đàng
Sao cô / múc ánh / trăng vàng / đổ đi
. (Ca dao).

Nhớ từ thuở / đăng khoa / ngày trước
Vẫn sớm hôm / tôi bác / cùng nhau
. (Nguyễn Khuyến).
Đôi lúc, bất chấp đến cấu trúc cú đoạn trong dòng thơ (có thể nhịp lẻ), mà theo áp lực chung của luật thơ, chúng ta “vẫn cứ ngắt các dòng thành những nhịp hai đều đặn, không hề cảm thấy có gì bất ổn cả” (Phan Diễm Phương, Lục bát và song thất lục bát, NXB Khoa học xã hội, H.,1998, tr.44)

Nửa chừng / xuân thoắt / gẫy cành / thiên hương. (Truyện Kiều)
Chỉ khi nào dòng thơ xuất hiện tiểu đối, sự ngắt nhịp ba (nhịp lẻ) mới được phân định rạch ròi. Nhưng lúc đó, nhịp chẵn luôn đóng lại câu thơ ở dòng bát:

– Mai cốt cách / tuyết tinh thần
Mỗi người / một vẻ / mười phân / vẹn mười.
– Dĩa dầu hao / nước mắt đầy / năm canh
. (Truyện Kiều).
Vay mượn Đường luật, chúng ta vẫn cứ thế.

Quả cau nho nhỏ / miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương / mới quệt rồi
.(Hồ Xuân Hương)
Sóng gợn tràng giang / buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái / nước song song
. (Huy Cận).
Nghĩa là nhịp thơ của chúng ta cứ cũ! Như thể cái khuôn có sẵn, nhà thơ cứ thế rót vào: ý, tứ, hình ảnh, vần, với mọi biện pháp tu từ mới lạ tạo sự lấp lánh đáng kể. Riêng nhịp điệu, thì chưa. Trong lúc hầu hết nhà thơ trên thế giới đều đặt nặng ở sáng tạo nhịp điệu để tạo nên khác biệt lớn của tác phẩm, mang đậm dấu ấn cá nhân. Maiakovski: “Nhịp điệu là sức mạnh cơ bản, năng lượng cơ bản của câu thơ. Sự ngắt đoạn và nhịp điệu của bài thơ còn hệ trọng hơn sự chấm câu…”. Charles Hartman quyết liệt hơn nữa: “Nhịp điệu đóng góp toàn bộ ý nghĩa của bài thơ, và phép làm thơ là chuyển nó trở thành ý nghĩa”.
Mãi tới Bùi Giáng, lục bát mới thực sự có nhịp mới: nhịp lẻ, nhất là ở dòng bát. Chúng có mặt đậm đặc, đủ để tạo nên cái phong cách riêng của Bùi Thy sỹ!

Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm / đứng ngó / cây cối và
.
(dòng này còn có thể ngắt: Có / ngàn năm / đứng ngó / cây cối / và )
Sau này, Du Tử Lê đã cố ý cắt nát lục bát bằng các dấu chấm, phẩy, gạch chéo … để tạo nhịp mới, nhịp chỏi cho thể thơ vốn khá mềm mại này – một cố ý thuần kĩ thuật.

– Nằm nghe – chăn gối rơi. Cùng
tháng năm bằn bặt.- Phật còn ở không
Tôi nhìn – tôi rất chon von
núi non âm bản. – rừng son vẽ.- Buồn

Với thể thơ 5,7 chữ cũng vậy, các nhà thơ Thơ Mới và hậu Thơ Mới đã tạo một cú hích khác làm chuyển động nhịp điệu vay mượn từ Trung Quốc:

Em ơi / Ba Lan / mùa tuyết tan
Đường bạch dương / sương trắng / nắng tràn
. (Tố Hữu).
Chuyển động thôi, chứ chưa làm một phá vỡ. Bởi hiện tượng phá nhịp ở thể 5, 7 chữ trong Thơ Mới rất hiếm. Như thể cái khuôn chỉ chịu dãn nở chứ chưa nứt vỡ ra. Thật sự chỉ đến khi chúng ta tiếp nhận Thơ Tự do, nhịp điệu thơ Việt mới được giải phóng toàn triệt. Ở đây đơn vị cơ bản của nhịp điệu là dòng thơ dài/ngắn rất chênh nhau. Trong một câu dài, chúng ta có thể ngắt làm nhiều nhịp nhỏ chẵn/lẻ, dài/ngắn thoải mái. Nó ít lệ thuộc luật thơ mà chủ yếu dựa trên quan hệ cú pháp, logic, biểu cảm và nhịp thở của nhà thơ lẫn kẻ tiếp nhận.

– Tháng Tám về rồi đây
Hôm nay / nghìn năm / gió thổi
Trời muôn xưa
Đàn con hè phố
Môi hớn hở
Ngày hẹn đến rồi
Các anh ngậm cười / bãi núi / ven sông
. (Nguyễn Đình Thi)

Những chiều xa quê / tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời /
cho tôi được nhìn thấy
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi / như hai hốc đất ven bờ / nơi những chú bống đến làm tổ / được giàn giụa nước mưa sông
. (Nguyễn Quang Thiều)
Lắm lúc, nhất là ở thơ xuôi, nhịp thơ gần như bất tận muốn làm hụt hơi:

Anh tạ ơn trời đất đã sinh ra anh mang thương tiếc ngồi khóc nhớ em đêm hôm nay ngẩng đầu trăng sáng gục đầu trăng cũng sáng như sương bay mù không gian dắt tay em về anh ngó qua một chút. (Bùi Giáng)
Nhưng dù ngẫu hứng và tự do đến đâu – nhất là tự do trong phá vỡ luật cân đối về lượng âm tiết trong một/nhiều câu thơ –, thơ thời kì này vẫn còn chịu sự trì níu của dư hưởng bằng/trắc. Câu/bài thơ luôn tạo cái thuận tai quen thuộc, nên nó cứ cho ta cảm giác cu cũ. Thử xét 2 đoạn trích dẫn ở trên:

… cười / …. núi / …sông: bằng / trắc / bằng.
…quê / …trời / …thấy và …bờ / …tổ / …sông.

Chỉ vài năm trở lại đây, bằng thủ pháp vắt dòng (đa phần và có chủ định), bằng cố ý tạo nhịp trúc trắc, nhịp chỏi, các nhà thơ trẻ đã làm mới cái mới của Thơ Tự do: một đóng góp quan trọng vào cách tân nhịp điệu thơ Việt:

Nằm nghiêng lạnh
hơi lạnh cũ. Ngoài đường khô tiếng ngáy
Nằm nghiêng. Mùa đông
nằm nghiêng trên thảm gió mùa
. (Phan Huyền Thư)

Rốt cuộc
Người đàn ông luôn bị chính cái đầu mình lừa dối
Không gì ngăn cản không gì thôi thúc
Người đàn ông bước theo sau dòng chảy cần mẫn thu lượm bóng cái đầu của chính mình và trả lời thay cho cái đầu về những điều chưa bao giờ cái đầu tự hỏi
Trong khoảnh khắc ấy
. (Trần Tiến Dũng)

Như thế, nhịp điệu trong thơ hôm nay đã thực sự được giải phóng. Khỏi mọi trói buộc: vần, luật bằng trắc, lượng chữ/âm tiết hay số câu, các lề lối tu từ cũ…. Nó dõng mãnh đi tìm luật tắc cho riêng nó, ở từng bài thơ, từng tập thơ, từng tác giả. Một nhịp điệu nội tại phát sinh qua trường cảm xúc (hơi thơ – hơi thở) ngay trong quá trình sáng tác bài/tập thơ. Với hi vọng mở toang mọi cánh cửa để thơ đến thẳng tâm hồn người đọc, không qua bất kì tấm kính thẩm mĩ cũ nào. Nên với thơ hôm nay, nó ít khi chịu bị ngắt ra vài dòng/đoạn để khen chê. Thành công hay thất bại là của cả khối.
Nhịp sống hôm nay đã khác, nhịp điệu thơ cũng phải khác. Không chịu phận lọt tọt theo đuôi, thơ hôm nay chẳng những đánh bạn song hành với đà sống, hơn thế, nó còn tham vọng lĩnh xướng đánh nhịp cho cuộc sống sắp tới. Nó thách thức cái mòn cũ, do đó – thách thức chính nó. Luôn luôn là vậy!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *