Tôi viết thật lòng mình, cô ta vắt kiệt hồn mình bày ra trang giấy, thơ cần phải thật, thơ chỉ có thể cảm chứ không cần hiểu, anh ta làm thơ quá kĩ thuật,… Chúng ta từng nói, viết, lập ngôn như thế và tin như thế, lâu nay.
Với tình cảm tốt đẹp, bạn chỉ có thể làm nên thứ văn chương rẻ tiền – A.Gide nói thế. Tại sao?
Tại sao lại sợ kĩ thuật, dị ứng với phương pháp sáng tác? Và thế nào là hay? E. Pound: Không có bài thơ hay nào được sáng tác bằng phong cách đã hiện hữu cách nay 30 năm! Chớ tìm đâu xa, cứ nhìn vào tiến trình thơ Việt Nam cũng đủ biết. Chỉ nói về thể thơ thôi: đâu phải cứ Lục bát truyền thống với Hát nói mà cày! Trong không đầy một thế kỉ, các thế hệ nhà thơ Việt đã biết đến Thơ Tám chữ, Sáu chữ, Tự do có vần và không vần, rồi là Thơ xuôi,… Riêng lục bát, đâu phải mỗi lục bát dân gian Nguyễn Bính mà còn có lục bát trí thức Huy Cận; bên cạnh thi pháp lục bát mơ hồ sương khói nhà Phật của Phạm Thiên Thư còn có thi pháp lục bát hậu hiện đại của Bùi Giáng; rồi lục bát vắt dòng, ngắt nhịp bằng dấu gạch chéo, dấu gạch ngang,… của Du Tử Lê nữa.
Thế thì nếu sợ phương pháp sáng tác, chúng ta cứ dậm chân tại chỗ, không bao giờ nhích lên cõi sáng tác chuyên nghiệp được là cái chắc.
Và “thật” là gì? Thế nào gọi là tự nhiên? “Tự nhiên” hôm nay của anh/chị không gì hơn là quả cấu thành từ bao nhiêu nhân trước đó: nền giáo dục anh/chị tiếp nhận, các cuốn sách anh/chị đọc, giao tiếp với anh em bạn bè ta, di truyền từ cha mẹ ta, môi trường tự nhiên ta sống,..
Hãy dám là mình: cái mệnh đề lâu nay vài bạn thơ trẻ hót như vẹt ấy, thời thượng và hời hợt ơi là hời hợt! Về sáng tác thơ, nỗi “tự nhiên” với “thật” của anh/chị chắc chắn chỉ là tàn tích rơi rớt lại đâu từ thời Thơ Mới hay Thơ của nhóm Sáng tạo miền Nam để lại mà không hay không biết!
Nguyễn Đình Thi: “bao nhiêu người thành thật làm khổ chúng ta, khi bắt ta đọc thơ tâm tình của họ” (“Mấy ý nghĩ về thơ”, Tạp chí Tác phẩm mới, số 03.1992).
Với hội họa Lập thể, Trừu tượng, Dã thú,… hay thơ thể nghiệm cũng không khác mấy. Đâu biết đâu là đâu! Câu cú dài ngắn chẳng ra thể thống gì cả; từ ngữ thì rối rắm, lắm lúc thô tục; vần chẳng thấy đâu; nhịp điệu trúc trắc gồ ghề; rồi là các dấu, đủ thứ dấu; con chữ khi to khi nhỏ, lúc viêt bông lúc thì không; cấu trúc bài thơ vô trật tự, ý tưởng nhảy cóc như lũ khỉ, đang nói chuyện này nhảy sang việc khác; rồi thì có tay còn cướp cạn [nhại giễu] thơ kẻ khác làm thơ mình nữa chớ!… Vân vân. Nghĩa là không thể hiểu được bọn tự vỗ ngực là tiền vệ nói cái gì, bài giống bài, tập như tập, tác giả hệt tác giả.
Không đâu vào đâu, chủ yếu là do thói quen thơ của chúng ta. Thói quen làm với thói quen đọc. Một khi chúng ta chịu dịch chuyển suy tư sang chiều hướng khác, chịu chấp nhận cái khác mình, mọi sự sẽ thay đổi.