Lệ Thu: Đối thoại miền cổ tháp

Lệ Thu
ĐỐI THOẠI MIỀN CỔ THÁP
Gửi Inrasara – tác giả tập thơ Sinh nhật cây xương rồng, báo Văn nghệ, 1997.

Những nền văn minh nhân loại đi qua, để lại sau lưng mình bước chân tuyệt mỹ
Có nhà thơ mang trái tim công chúa một vương triều
Trong kí ức người lãng du lòng đang sục sôi giấc mơ ngày phục sinh ngôi báu
Trái tim nguyện cầu: Ngọn lửa tình yêu thiêng liêng
Hãy cháy đượm trong lòng ai, đừng gây thêm hận thù như muội khói.

Những gì đã qua là qua; chỉ giữ lại những âm vang có thể làm cho
tâm hồn người cao đẹp.
Lịch sử không lặp lại lần thứ hai, giáo gươm đừng điệp khúc.
Chúng ta đâu phải người hành khất
Khi nguồn suối trinh nguyên ai đã gọi đúng tên mình
Đứng trước chân trời bình minh, người còn đếm bước chi trong căn nhà nhỏ?
Trái đất này, sự vật và con người đã ngàn đêm cư ngụ
Không lãng quên
Không ngái ngủ
Nhưng gây chi gió bão làm ngã nghiêng những cổ tháp – hồn người.
thì nắm tay nhau ra khỏi hoài mộng u uyên
Khỏi tiếng chó tru ma vọng từ tiền sử.
Dưới giọt sương đêm có thể bật dậy vạn chồi xanh ngôn ngữ
– ngôn ngữ tươi non nuôi dưỡng hồn người
Những gì đã qua, vĩnh viễn qua rồi.
Lịch sử như dòng sông chảy suốt.
Khát vọng phục thù, ước mơ đảo ngược…
Chẳng phải vật tế lễ thiêng liêng an ủi những linh hồn.
Những ngọn tháp đêm trường như ngọn lửa tinh khôi, huyền ảo đứng canh,
thắp sáng nhân gian, soi rọi hồn người, xua đi từng ý nghĩ tối tăm
Phôi thai nơi góc khuất
Những hoàng tử các vương triều đã thành nhà khoa học; họ đang gặp nhau
tươi cười trên mạng intemet
Lịch sử đã đi qua nẻo đường chật hẹp và đến tận những vì sao xa mở cửa cuộc đời.
Nhân loại ra đi từ mọi chân trời và gặp nhau nơi giấc mơ hạnh phúc
Lịch sử không lặp lại lần thứ hai
Khổ đau ơi, xin đừng điệp khúc!

Bình Định, Xuân 1998
_______________
* Những chữ in nghiêng là chữ dùng của Inrasara trong tập thơ trên

*
Trần Ngọc Tuấn
THAM DỰ LỄ TẨY TRẦN THÁNG TƯ

Tháng Tư – xương rồng xanh ưu tư dõi đôi mắt lửa. Này người anh em hãy cùng tôi hành hương về tháp nắng để tham dự lễ tầy trần.

Ơ kìa! bên bờ sông Lu, Ai giống như chàng thi sĩ Chăm mà tôi đã gặp hơn bảy trăm năm trước tại Mĩ Sơn. Đúng rồi! Thi sĩ đang gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu nầy nhúm chữ cái Latinh ABC / nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một và thi sĩ vui vẻ tắm với chúng.
Này người anh em có nghe thi sĩ cất tiếng: Khi sông Lu ẩn cư miền sa mạc – còn ai nâng chông chênh tiếng hát – sớm mai? Câu hỏi chạm vào tháp nắng rồi vọng lại: Không ai có thể hát thay chúng ta bởi phía khổ đau linh thánh, không có ai / tim dễ cháy hơn trái tim chúng ta.

Này người anh em hãy cùng tôi tiếp tục hành hương về phía bên kia đêm tối để được nhìn thấy điệu nhảy thịnh mùa của loài chim sa mạc… vũ điệu của bữa tiệc cuối cùng… Này người anh em có nhìn thấy thi sĩ đang trầm tư trước Tháp Chàm muôn mặt? Có tìm thấy dấu chân của thi sĩ đi vào khoảng sáng cánh rừng? Trên miền cao tư tưởng, trong khoảng tối của gió mùa có nhận thấy tâm hồn thi sĩ cô đơn như hố thẳm cô đơn?

Này người anh em có nghe tiếng trống Baranưng như niềm vui bất ngờ vang lên trong lễ hội. Cái cuối cùng có thể cứu vớt chúng ta là TIẾNG HÁT. Này người anh em hãy cùng tôi lắng nghe thi sĩ hát bải sầu ca trên đỉnh tháp bằng ẩn ngữ Pauh Catwai: Giữa sa mạc người trần gian ta khát / buồn ta chiều nay lớn dậy và vỡ oà tiếng hát / sầu ca vọng vào nẻo đường bỏ quênSau lễ tẩy trần tháng tư năm nay / cả con sẻ nhỏ yếu, cái kiến mọn hèn nhất / cũng có đất để sống, để chơi. Này người anh em hãy cùng tôi lắng nghe thi sĩ hát bản hoan ca giữa lòng cuộc đời:… dưới bầu trời bao dong – sau đường cày đầu tiên – bài thơ tinh khôi vỡ ra và nẩy mầm trên đám ruộng tâm hồn đã SẠCH

LỄ TẨY TRẦN THÁNG TƯ đang khởi động, này người anh em hãy lắng nghe tiếng thầy chủ lễ lầm rầm khấn bài kinh nguyện cầu… và hãy nhớ bảy trăm năm sau cùng tôi hành hương về làng vô danh tận Brazil để gặp lại chàng thi sĩ Chăm mà chúng ta hằng ngưỡng mộ.

______________________

* Ghi chú: chữ in nghiêng là thơ INRASARA

*
Ngô Thanh Dũng
HOA TÂM LINH
gửi Inrasara

Hoàng hôn xuống! Bóng tối chực chồm lên
anh cúi xuống! Để tràn bao kí ức
anh xua bóng đêm – bằng lời ca bản ngữ
bên thềm rêu ẩn tích
rơi vào khoảng không vụn vỡ.

Mặt trời lên! Cho bao miền ánh sáng
anh đứng lên! Chợt khát trái tim mình.

Anh vực dậy! Nơi chốn bình minh hư lãng.
rừng âm u trút lá
vọng tiếng hoang sơ
tiếng gọi nhau của loài chim đi trú
bằng hơi thở ngữ ngôn
bên lòng mồ thi sử.

Anh đánh thức!
từng hạt sương đang cựa mình trên tàu chuối mượt
những miệt mài của dòng sông
giữa đêm nguyệt rạng – trong hồ mắt Chàm xưa
trũng sâu hồn đá tảng – bằng âm vọng
từ một trái tim hồng máu
xa xưa vực gọi.

Anh bật dậy! Bóng tháp Chàm rêu phủ
miệt mài chỏng chơ đứng đợi
trên đồi trơ ôm bóng hoàng hôn
không phải bằng khoa ngôn dị ứng
với một triết lý li tâm
như vũ điệu Tandava muôn đời bất tuyệt.

Tất cả! Anh đánh thức!
mắt Chàm trong dáng tháp – trong điệu Ginang thúc giục
trong nhịp Baranưng vỡ òa hoài khứ.
Tất cả! Tất cả!
cho tháp Chàm
hiện hữu dáng Chàm xưa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *