Lý Đợi: Đọc Lễ tẩy trần tháng Tư

1. Bởi phần lớn các nhà thơ hiện đại Việt Nam chỉ thành danh với một tập thơ và thường là tập đầu tiên, nên có quan điểm cho rằng sau tập đầu tiên, các nhà thơ không còn gì để đọc. Ý kiến này phần nào đúng với thực trạng cầm bút, tính chuyên nghiệp, khả năng và kĩ thuật của nhiều nhà thơ. Tuy nhiên, đây không phải là quy luật tất yếu, cho nên chúng ta không thể dùng nó để đưa ra những kết luận cho bất kì một giai đọan, thời kì thơ nào. Bởi mỗi giai đọan, mỗi thời kì đều có những tác giả đi chệch ra khỏi quỹ đạo “một tác phẩm” và tạo ra được những điểm sáng. Chính điểm sáng này, mới là điều đáng quan tâm.
Trong thời gian gần đây, tình trạng một tác phẩm và “định mệnh tác phẩm đầu tiên” dần dần mất sức ám ảnh bởi sự xuất hiện đều đặn của vài gương mặt, mà tiếng nói của họ đang trở thành/mang đặc trưng cho giai đoạn. Với Lễ tẩy trần tháng Tư, Inrasara đã thoát được định mệnh ấy.

2. Lễ tẩy trần tháng Tư là sự kết hợp/là lối đi giữa hai ngôn ngữ, văn hóa Chăm và Việt. Đây là cách kể một câu chuyện mang đậm kinh nghiệm cá nhân.

Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này nhúm chữ cái Latinh A B C
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng
. (tr.19)

Thơ là một cách áp đặt hiện thực bằng tưởng tượng. Vì thế, thế giới bên trong, phía sau cánh cửa ngôn ngữ cũng là sự áp đặt. Đọc thơ, là chấp nhận tưởng tượng và tuân thủ luật chơi của sự áp đặt. Bởi thơ là một trò chơi.

Sướng ôi là sướng
truyền thống ở dưới nịt không trên lưng
thằng bạn hôm qua cao hứng tầm chương khệnh khạng
và phán
ngày mai Heidegger bị vượt qua
. (tr.34)

Đọc tập này, chúng ta có thể nhìn thấy 3 cách đặt vấn đề khác nhau – bước đầu tạo ra 3 giọng điệu khác nhau. Đầu tiên, tạm gọi là những tấu khúc về lẽ sống, gồm 11 bài đầu tập (trừ bài “Những ngày rỗng”). Mỗi bài trong phần này như là một tự dạng văn hóa và kinh nghiệm. Có những bài thú vị như “Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay” (tr.16), “Hạt mùa mới” (tr.22), “Những dấu chân ơn nghĩa” (tr.26), “Tháp Chàm muôn mặt” (tr.39). . .
Một đoạn viết về bản thân:

Từ ngôi nhà này
con ra đời và khôn lớn
con biết nghĩ siêu hình / tập làm văn chương
con không quên cha / không quên mình
vẫn đủ giờ suy tư siêu hình, sáng tác văn chương
đủ giờ nghĩ kĩ, viết dài
dài mươi lần trăm lần nghìn lần hơn Pauh Catwai, Glơng Anak
(tr.12)
Hay là:

trang sử hãy mau chóng gấp lại sau lưng như quán bar đóng sau lưng
dù chúng tôi không là kẻ động phản quá khứ
đứa trẻ quên ngay cuộc chơi vừa chơi hôm qua
quên làm chúng lớn
(tr.19)
Một đoạn về thế sự:

tổ tiên góp sức gì vào xuống cấp hôm nay?
tâm hồn đám hậu duệ khô gạch nung
âm tắc đọng vòm họng dân Quảng 500 năm không chịu mất vết
vẫn đậm mắt buồn tháp hoang
vẫn môi dày, mày rậm, tóc gợn, da ngâm, bắp tay săn chắc
. (tr.17)
Một đoạn viết về lẽ diệt vong:

ngọn tháp đổ
tiếng kêu dội vào thành đêm
dội vào trái tim con chim ngủ mê trong oanh liệt của lửa
lay dậy tế bào đôi cánh ngồi rũ
tiếng kêu giữa khuya
. (tr.42)

Phần thứ hai, tạm gọi là Những ngày rỗng. Phần này trích in tám trong chuỗi dài nhiều ngày rỗng, từ trang 27 đến trang 38. Bỏ vài ngày rỗng trong tập này như ban biên tập Nhà xuất bản là đã giảm tính chất của vấn đề và tính suy diễn xuống mức thấp nhất.
Một đoạn trong ngày 10:

Sáng nào cũng vậy
túi xách simili rẻ tiền
trước Trung tâm môi giới việc làm – các nàng đến
ngơ ngác nhìn / hỏi / đưa mắt dáo dác tìm
rồi đi.
Hệt nhau
chỉ quần jean rộng hơn hay chật hơn
mái tóc dài hơn hay ngắn hơn.
Hệt nhau – nơi đi điểm đến
(tr.30)

Hóa ra tính chất của vấn đề và tính suy diễn của những ngày rỗng là cách bày ra những thực trạng trong đời sống, được soi rọi bởi dòng chảy nội tâm của nhà thơ. Nó là thực trạng đã, đang và sẽ như thế. Có điều, bên đời sống thường nhật, nhiều người đã quên. Tất nhiên, cách nói (và cũng là thiên tính) của nhà thơ là khả năng tự nhận ra, nói thật và nói trong sự từ chối cách khiêm nhường; chấp nhận éo le:

Vinh quang lớn / bé 8 – 9 lần
hổ mặt không muốn nhớ mươi lần
giúp người vài lần, chịu ơn đời ngàn lần
nói ngu ngốc, phét lác / làm thơ, viết lách trịnh trọng bộn lần
chịu đói, nhịn khát / tiệc tùng khoái khẩu nhóc lần
. (tr.29)

Phần thứ ba, quan trọng nhất, chiếm một nửa số trang (từ trang 47 đến 90) là Lễ tẩy trần tháng Tư, gồm 12 đoạn, được đánh số từ 1 đến 10. Mỗi đoạn gần như là một bài trọn vẹn và có những bài rất thú vị như “Hành hương về bên kia đêm tối” (tr.48), “Sầu ca trên đỉnh tháp” (tr.63), “Ngụ ngôn mùa đông” (tr.71), “Khởi động của khởi động” (tr.80), “Lễ tẩy trần tháng Tư” (tr.86).
Nếu gọi toàn bộ tập thơ là một cuộc kết hợp – hòa giải giữa văn hóa, ngôn ngữ Chăm và Việt; thì phần này, là lời hòa âm cho xưa và nay, cái còn với mất, cái ẩn và hiện… Nhà thơ về hành hương:

Họ đi lẫn vào bóng tối / bóng tối xua tay khước từ họ
bóng tối tràn lên con đường trước mặt, tràn qua khuôn mặt họ
họ cúi mình thật thấp, thấp hơn kẻ bị lễ bỏ rơi
Kham nhẫn. Họ thu mình nhỏ lại, nhỏ hơn cả bóng mình
. (tr.49)
Viết về tháp:

Như ta
bằng hữu ngươi rụng rơi hay lang bạt cùng trời
Xah Inư cô quả, Tháp Đôi còn vợ mất con, Dương Long đau đời mãn tính
Mĩ Sơn trọng thương trong chiến tranh, hôm nay mặc áo mới
Po Klaung Garai vợ con đủ đầy
Yang Praung trên cao ấy ngàn năm tủi phận con rơi
. (tr.64)
Viết về lễ tẩy trần:

Sớm hơn. Nắng đã khởi động
nắng cưỡi lên chiếc roi mây vũ sư Ka-ing
đánh thức trống baranưng còn nằm phủ bụi trên sà nhà
lay dậy tiếng gáy cặp gà trống đêm cuối cùng chờ hiến tế
. (tr.86)
Và viết về mùa, về cư sĩ, khúc hoan ca, bi ca, những khởi động, ngụ ngôn, sáng tạo, tái sinh và cái chết. . .
Toàn bộ tập thơ được viết bằng lời hồi tưởng, bằng cách liên tưởng những hình ảnh xưa cũ với hình ảnh hiện tại, trong trò chơi tương xứng. Vì thế, đọc Lễ tẩy trần tháng Tư, cũng như theo đuổi một sự kiện đã rồi, sự đã rồi thú vị.

Như
bài thơ đã rồi không vãn hồi được
những con chữ bị bỏ rơi
đứng nhìn trân chỗ trống
anh
mãi ở lưng đồi quá khứ / tương lai
. (tr.31)
Đọc thơ và có thời gian dành cho thơ là một vinh dự.

3. Theo dõi có hệ thống và được nhìn thấy sự phát triển vượt bậc về cảm xúc, cũng như kĩ thuật của nhà thơ lại là một vinh dự lớn hơn. Inrasara không chết bởi những bó hoa đã cũ, anh quan hệ rộng rãi và luôn chào đón, lắng nghe từ giới trẻ – đàn em của mình, vì thế, nhận được sự tiến bộ.
Bởi có dịp đọc hệ thống nên không hiểu tại sao có nhiều bài thơ lẻ, hay những đoạn thơ hấp dẫn lại không đưa vào tập, cũng như “Những ngày rỗng” khác. Phải chăng anh để dành cho những tập thơ sau, với những bật ngờ mới hơn.
Tuy nhiên, sự phát triển trong thơ thường nghiêng về tính kĩ thuật nhiều hơn là cảm xúc – vì vậy, mọi sự để dành trong thơ là điều bất khả và bản thân điều này, đã ẩn chứa sự lỗi thời. Sự tự làm cũ thơ của chính mình.
Cũng nhiều người không cho đánh giá nhà thơ qua những tập cố định, có lẽ họ cho rằng tập cố định là bề nổi, còn những tác phẩm thực thụ đang bị trôi dạt/và ngầm ở đâu đó.
Lễ tẩy trần tháng Tư, có thể, là bề nổi của tảng băng trôi: Inrasara. Hi vọng thế.

One thought on “Lý Đợi: Đọc Lễ tẩy trần tháng Tư

  1. Trong bề bộn thơ những năm qua, tôi thích “Lễ tẩy trần tháng tư” của Insara. Tuy chưa có bản in, nhưng tôi đã tìm đọc các bài đăng trên báo, mạng điện tử. Tôi cũng hy vọng như Lê Đợi đã viết trên đây “Lễ tẩy trần tháng Tư, có thể, là bề nổi của tảng băng trôi: Inrasara”. Lúc nào đến Đà Nẵng, mời anh ghé Hội Nhà văn thành phố chơi. Văn hóa Chàm trên đất Quảng có một dấu ấn đặc biệt. Hy vọng sẽ gợi mở đôi điều cho Thơ và nghiên cứu của anh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *