Bứt phá cho tinh thần hậu hiện đại

Nhà thơ Inrasara:
CUỘC BỨT PHÁ CHO “TINH THẦN HẬU HIỆN ĐẠI”
Sông Lam thực hiện

Có một nhà thơ-nhà nghiên cứu, lí luận phê bình văn học đã mang tới Đại hội Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ IV một tinh thần phê phán thẳng thắn và cảm thức hiện đại. Người đó là Inrasara, tác giả 5 tập thơ nổi tiếng: Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em, Lễ tẩy trần tháng Tư, Chuyện 40 năm mới kể và 40 bài thơ tân hình thức và trên 20 cuốn sách nghiên cứu, lí luận phê bình văn học có giá trị. Bên lề Đại hội, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn chớp nhoáng với nhà thơ Inrasara.

Phóng viên: Xin ông cho biết một vài đánh giá sơ lược về đời sống văn học Dân tộc thiểu số và Miền núi hiện nay?
Inrasara: Lấy điểm mốc từ năm 2002, khi xuất hiện hàng loạt website văn học thì đời sống văn chương ở nước ta bắt đầu rộ lên nhiều trào lưu mới. Tôi gọi thời kì này là thời kì hậu đổi mới.
Thế nhưng, văn thơ Dân tộc thiểu số và Miền núi thì khá yên ắng. Thế hệ cũ vẫn miệt mài sáng tác nhưng chưa có những tác phẩm gây được tiếng vang lớn. Các tên tuổi: Mai Liễu, Dương Thuấn, Cao Duy Sơn, Inrasara… vẫn có tác phẩm đều đặn được in và có giá trị nhất định, song vẫn chưa mở ra được một xu hướng mới.
Nói như vậy, không có nghĩa là đời sống văn học Dân tộc thiểu số và Miền núi đang chìm trong không khí u ám. Năm năm qua, đã xuất hiện vài tên tuổi mới hứa hẹn nhiều triển vọng, đó là: Niê Thanh Mai (Ê Đê), Trà Vigia, Jalau Anưk (Chăm), Đỗ Bích Thuý…

Pv: Trong một bài lí luận phê bình, ông cho rằng “Thơ dân tộc thiểu số ở Việt Nam – từ một hướng nhìn động là vừa đi vừa ngủ ở đề tài, ngôn ngữ thể hiện lẫn thi pháp”, vậy theo ông, giải pháp nào để cải thiện thực trạng này (đối với nhà quản lí lẫn đội ngũ văn nghệ sĩ)?
Inrasara: “Vừa đi vừa ngủ”, thực trạng này tôi đã nói phần nào ở trên. Vậy, cần có sự đánh giá, phê bình đúng mức chứ đừng ru ngủ nhau ở vài thành quả khiêm tốn. Nỗ lực tự thân là ở mỗi nhà văn. Nhưng Hội làm gì? Tại sao các trang phê bình, điểm sách ở phía Nam hoàn toàn vắng bóng khuôn mặt nhà văn Dân tộc thiểu số và Miền núi? Con em Dân tộc thiểu số ở các trường Phổ thông trung học biết gì về văn học khu vực này? Một là khoảng trống rất lớn, chúng ta cần phải lấp. Đây là lớp độc giả lí tưởng của chúng ta, tiềm năng sáng tạo, cung cấp nguồn nhân lực to lớn của tương lai văn học Dân tộc thiểu số và Miền núi.
Còn với nhà văn? Chúng ta phải làm gì khi mà truyền thống dân tộc vẫn còn quá tách rời quần chúng, chưa có hành động cụ thể? Vừa qua, tôi đã thành lập thư viện và nhà trưng bày tại làng Chakleng (Ninh Thuận) cho bà con. Người nông dân có thể tận dụng giờ nông nhàn để ghé đọc, xem. Bên cạnh đó, tôi luôn theo dõi sát sao trào lưu văn chương đương đại thế giới và luôn tìm tòi cái mới trong sáng tạo. Tôi gọi đó là tinh thần hậu hiện đại: Suy tư toàn cầu, hành động cục bộ.

Pv: Ông có thể giải thích cụ thể hơn cụm từ “hướng nhìn động”đối với văn học Dân tộc thiểu số và Miền núi hiện nay?
Inrasara: “Động” là không coi bản sắc mãi như là cái đã đóng băng. Chúng ta mãi ôm khư khư nó như kẻ giữ kho của cha ông. Điều chúng ta nỗ lực làm mới hôm nay sẽ là truyền thống ngày mai, nếu nó hay và đẹp. Chất liệu, đề tài, nhịp điệu phải mới, mở. Chúng ta chấp nhận cái mới từ thế giới và chúng ta cống hiến cái mới của mình đến với thế giới. Tại sao không?

Pv: Sau tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư đoạt Giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2005, ông đúc rút được những kinh nghiệm gì trong sáng tạo nghệ thuật?
Inrasara: Với công việc sáng tạo, mọi kinh nghiệm của tác phẩm cũ đều vô bổ. Bạn phải thám hiểm vùng đất mới, đề tài mới, cách thể hiện mới. Lễ tẩy trần tháng Tư khác lối viết của Tháp nắng (tập thơ đầu tay). Rồi Chuyện 40 năm mới kể lại khác hẳn Lễ tẩy trần tháng Tư cả về đề tài lẫn thi pháp. Có thể bạn chưa thành công, nhưng đây là thái độ dũng cảm rất giá trị. Chỉ như vậy, nhà văn mới tránh được bế tắc sáng tạo, văn học Việt Nam mới “động”!

Pv: Đến với Đại hội IV, ông có những đóng góp gì mới?
Inrasara: Cái mới tôi muốn mang tới Đại hội IV là tinh thần phê phán và cảm thức hậu hiện đại. Hậu hiện đại là đạp đổ bức vách ngăn trung tâm với ngoại vi. Đây là thứ tâm lí phân biệt rất kì lạ, nó có mặt ngay trong tiềm thức nhà văn: văn chương Dân tộc thiểu số luôn “lép” hơn dân tộc đa số; địa phương/trung ương; Việt Nam/Châu Âu, Nga, Mỹ…. Khi vượt qua tâm lí đó, nhà văn không còn mang mặc cảm yếu kém nữa mà tự tin làm việc và sáng tạo.

Pv: Kì vọng của ông ở kì Đại hội này?
Inrasara: Tôi hi vọng nhà văn tại Đại hội này sẵn sàng nhập cuộc văn chương hiện nay!
Pv: Xin cám ơn ông!

Báo Dân tộc và Phát triển, 12.12.2007.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *