LÊ XUÂN ĐỐ VÀ TIẾNG THƠ GIỌNG MUỐI TÌM THẤY.
Đọc Giọng muối, tập thơ của Lê Xuân Đố, Nxb. Văn hóa Thông tin, H., 2003.
Mỗi nhà thơ luôn bị ám bởi một số từ nhất định. Đôi khi chỉ vài từ. Với Lê Xuân Đố, đó là: bão, cát, trăng, hát, mắt lưới, muối, rượu, tiếng sóng, mẹ, cha, giấc mơ, cánh buồm,… Những từ này có mặt dày đặc trong Giọng muối, chúng làm thành tấm lưới giăng mắc tâm hồn anh, hành hạ tâm thức sáng tạo của anh và, quy định định mệnh thơ anh. Không thoát được!
… lưới
giăng từ trẻ thơ lên ba ngồi sóng
tưởng đã quá xa như kẻ chạy trốn
lưới lại buông lấp lánh chân trời
giấc mơ định mệnh
Từ “trẻ thơ lên ba ngồi sóng” cho đến “bạc tóc gối đầu tiếng sóng” là “hơn nửa đời hư” (từ dùng của Vương Hồng Sển). Hơn nửa đời nhìn lại, ta đã làm được gì? Không gì cả! Mà dẫu có được danh phận còm nào chăng nữa, nó chẳng là gì cả giữa mênh mông không gian kia với dài dặc thời gian này. Ám ảnh bởi thời gian, Lê Xuân Đố mãi “gọi giật cơn mơ” (hay cơn mơ gọi giật anh?) quay trở về miền kí ức thẳm xa. Ở đó quê hương-biển của anh ẩn hiện, càng lúc càng mồn một. Vừa nhói đau đồng thời ấm áp. Đó là thứ “giấc mơ lốm đốm tuổi thơ”. “Trong mơ giải thích được gì”? Không thể giải thích và, không cần phải giải thích. Chỉ còn gió nói với gió, vô ngôn đáp lại vô ngôn.
trong mơ không cánh buồm
…giấc mơ biển không còn tăm cá
tôi cũng hết lặn hơi
Giấc mơ hành hạ anh cũng là giấc mơ đưa anh trở về với cha, với mẹ, để được ru lại tiếng ru ban đầu của đời biển. Dù cơ khổ đầy bất trắc nhưng nó đẹp. Đẹp và buồn. Đây là những hình ảnh chỉ có thể nhìn thấy qua/trong giấc mơ:
cha cơn bão khơi
mẹ mạch nước ngầm âm thầm ru hát
đất mềm biển trời
…thổi dọc một đời gió no ruột cát
trong cát mẹ về pha lê nước mắt
Nhưng đôi lúc, giấc mơ đưa Lê Xuân Đố chạm mặt với kỉ niệm bi thương thời chiến: vài người bạn cũ ra đi không trở về, để những con gái-hoa biển một hôm đứng nhìn biển mà lòng dậy sóng. Chiến tranh đẩy về phía chia li và chết chóc mọi sinh thể cư ngụ trên mặt đất mỏng mảnh này, không chừa trừ một ai cả.
chiến tranh mang con trai đi xa biển bờ
tim con gái biển động
sóng có thể cảm thông bào giũa
ngực bớt nhức căng con gái dậy thì
nhưng dấu nằm cát không chịu xóa
hình bóng con trai tiếng sóng đi về
Và để rồi:
… con gái không còn là bờ
hoa biển thành hoa lửa
Hoa lửa đốt cháy biển cát quê hương, đốt cháy kí ức tuổi thơ, thiêu rụi kỉ niệm thanh xuân ngập tràn sao biển, để đột ngột đẩy những đứa con biển xa rời quê biển, đi biệt vô âm tín về phía tha hương.
*
Rời bỏ “Sao Biển”, đứa con ấy làm “Hành Hương” về phía “Gió Bấc”, nồm Nam, đắm chìm vào những cuộc tình “Không Em”: Đà Lạt, Nha Trang, sông Hương núi Ngự, Tây Hồ – lang thang và lang thang. Trải bao chặng đời “Ảo”, “Hình và Bóng” ảo đã đành, ngay cả “Tiệc Thơ”, “Trình diễn Thơ” cũng ảo nốt:
vác phận người nhà thơ lang thang thánh giá
bản mặt nhàu tâm tưởng xóa bôi
thơ mọc nốt ruồi đen đỉnh trán
Thơ không phải phương tiện giải thoát. Bất chợt Lê Xuân Đố vỡ ra điều ấy, anh cầu cứu văn, họa (ít ra hai chủng loại nghệ thuật này còn mang dáng vẻ cụ thể, dễ nắm bắt). Anh tìm đến các bạn văn, bạn họa sĩ: Nguyễn Khải, Nguyễn Sáng, Mai Văn Tạo, Hoàng Ly,… để giao cảm. Nhưng không! Tất cả chỉ là “Bụi và Mây”. Cả thơ, cả văn, cả họa và mọi cuộc tình, mọi bước chân đi hoang. Chỉ quê hương là thực, giấc mơ là thực.
Và, chỉ có tiếng hát là có thực.
Không biết bao nhiêu lần “HÁT” trở đi trở lại trong Giọng muối. Từ “mẹ mạch nước ngầm âm thầm ru hát” cho đến câu cuối cùng kết thúc tập thơ “trong mưa mẹ khóc con / trong mưa người yêu nhau lại hát”. Lê Xuân Đố không cần thơ nữa mà cần: hát.
Không ai có thể hát thay chúng ta
Nơi đây và lúc này
Cả hôm sau, có lẽ.
(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
Hát bất kì đâu, bất cứ lúc nào cũng có thể hát. Hát “cơn bão khơi”, “cát trộn gió lào”. Hát khi “bão lòng không ngớt sóng”, hát từ lúc “tả lót lá cờ chào đời / mẹ ru con thành hát” cho đến “nấm mồ âm bản / nơi linh hồn / ánh sáng thịt da / còn hát”. Hát trong giông, gió, bão động, lũ quét, trưa nắng khét đất hay đêm mưa lê thê não hồn. Hát với bao phận “người theo mưa từ đời này sang đời khác”. Hát, không phải bằng giọng nhòe nhoẹt mùi bia rượu nơi quán cóc che tạm hay trong restaurant gắn máy điều hòa đời mới (chỉ là thứ chạy trốn trá hình hay một hình thức giải thoát tạm bợ) mà bằng: Giọng muối.
Vì Giọng muối, Lê Xuân Đố đã chọn (hay Giọng muối chọn anh thể hiện) nhịp thơ trúc trắc, câu thơ gẫy gập, ý tưởng đứt quãng, lối nói với thi ảnh có vẻ đầy ẩn dụ nhưng không thuần ẩn dụ. Và nhất là, qua ngôn từ đời thường đôi lúc khá bụi được chọn lọc kĩ lưỡng, Giọng muối đã dẫn người đọc trực diện với tâm tưởng nhà thơ, quê hương anh và nhất là, giấc mơ anh, tiếng hát của anh.
Tiếng hát như là “đôi đũa say chống qua mùa lụt bão”, chống qua bao mùa thất thu của thi ca.
Chính bằng giọng này, Lê Xuân Đố đã tìm thấy tiếng thơ đích thực của mình.
Đó là thứ giọng thơ vượt qua cái nhàn nhạt đang tồn tại dai dẳng trong khí quyển thơ Việt hôm nay. Vượt qua nỗi đồng bộ, Giọng muối lấp lánh không ít nét chấm phá mới và lạ, gây hứng thú nhất định. Thế nhưng ở đó, cái lạ lớn và cả cái mới lớn vẫn chưa có mặt, Lê Xuân Đố chưa thử dấn thêm một bước khai phá mang tính thi pháp, nên tư duy thơ anh vẫn còn dừng lại bên này bờ vùng không gian thẩm mĩ cũ.
Một đòi hỏi quá cao nơi Lê Xuân Đố chăng?
Không, bởi chỉ như vậy thôi, thi ca mới mang tới sự khoái cảm lớn cho người đọc, từ đó giành lại từ phía người đọc sự ngưỡng mộ, như một tác phẩm nghệ thuật cao xứng đáng được hưởng, như thế.
*
Báo Văn nghệ, 14.01.2006.