Mai Liễu: Cảm nhận thơ Inrasara

Tiếp tục mạch tư duy và xúc cảm từ Tháp nắng.
Inrasara không nhằm giới thiệu mà khơi gợi cho ta những ấn tượng về một không gian văn hóa Chăm với những buồn vui, mất còn, những trăn trở, đam mê… Với hơn 20 bài thơ viết trong trại sáng tác, Inrasara chứng tỏ một cây bút đang sung sức, đang đạt tới độ chín trong sáng tạo nghệ thuật, một chặng đường tìm tòi, khám phá không có đích cuối cùng.
Không là gì, không vì đâu
Đi – như là ở lại

(“Thơ – Quan niệm”)

Người cầm bút thường quan niệm: tác phẩm hay nhất của đời mình là tác phẩm chưa viết ra. Và họ tích tụ, dồn nén vốn sống, cảm xúc để rồi một ngày nào đó:
Sẽ bật lên
Tiếng thơ đến sau tiếng thơ cuối cùng
Hơi thơ dài lâu nén dồn lồng ngực
Sẽ bật lên
Hạt mầm vùi sâu hơn hạt mầm vùi sâu nhất
Sau trận mưa tháng năm

(“Ngụ ngôn viết cho mình”)

Thơ Inrasara đau đáu nỗi niềm, tâm tư và triết luận về cội nguồn và truyền thống văn hóa độc đáo của người Chăm, của quê hương anh – một vùng quê:
…nhô lên từ đồng nhiễm mặn
Trồi từ đồi cát hanh
Lọt từ núi đá trần
.
(“Đêm Chàm”)

Nhưng đã để lại cho muôn đời những ngọn tháp kì vĩ và u uẩn tâm linh, để mãi mãi sáng lên trong nền văn hóa Việt Nam đa dân tộc. Từ cội nguồn của dân tộc mình, anh cảm nhận một cách tự nhiên, chân thành và đầy suy tư về văn hóa của các dân tộc anh em:
Rừng về đâu cho chiêng hụt hơi
Người về đâu cho Khan trễ nải

(“Bất chợt Tây Nguyên”)

Điều cảnh báo về sự mai một của văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên không phải là không có cơ sở. Phải có tình lắm với đất và con người Tây Nguyên mới viết được những câu thơ lắng đọng và day dứt ấy.

Thơ Inrasara trong lần “nhập trại” này chủ yếu là những bài thơ triết luận. Dù viết về đề tài nào thì anh cũng muốn đưa ra những lí luận của riêng mình. Vì thế, nhiều bài có sức gợi sâu xa. Đó là điểm mạnh của thơ anh, nhưng có lẽ đây cũng là điểm dễ bộc lộ những bất cập, gượng ép khi luận lí chưa đạt đến độ vừa thâm thúy, sâu sắc, vừa tự nhiên, gần gũi với tâm tư người đọc. Hiệu quả của thơ suy đến cùng là hiểu quả của sự lan truyền cảm xúc sáng tạo. Sự triết luận trong thơ cũng không ngoài quy luật đó.

*
Báo Tân Trào, tháng 11.1998.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *