Inrasara trích và bình.
Cốt chuyện Ariya Xah Pakei không hấp dẫn, và có thể nói rất đơn điệu. Mưh Rat lội bộ theo bước chân voi của Xah Pakei, một chiều, đi qua làng mạc, rừng rú, sông suối: có chi lôi cuốn đâu! Thế mà tác phẩm đã gây hứng thú cho độc giả Chăm nhiều thế hệ. Hôm nay nó vẫn còn được truyền tụng. Nguyên do chính: bởi cái đẹp của ngôn từ thơ Xah Pakei. Thử nêu một đoạn ngắn: tâm trạng của Mưh Rat khi đi theo chân voi của Xah Pakei.
– Mưmaun bbrait bbrauk twei Xah Pakei
(Vừa) rủa thầm (trong khi) theo Xah Pakei…
– Takai yam drah twei Xah Pakei
Chân bước nhanh theo Xah Pakei
– Takai dait wait twei Xah Pakei
Chân gấp gáp theo Xah Pakei
– Takai raiy rauw twei Xah Pakei
Chân rón rén theo Xah Pakei
Đây là lối sử dụng ngôn ngữ Chăm đầy tính hình tượng. Diễn biến của tâm lý nhân vật qua từng cảnh ngộ (ở đây là bước chân của nàng Mưh Rat đi threo Xah Pakei) được tác giả diễn tả trong 4 câu thơ gần như lặp lại hoàn toàn số từ đã được dùng ở câu trước, chỉ thay đổi vài hình dung từ, cũng nêu bật được tình trạng/tâm trạng của nhân vật.
Trước hết, cô gái chỉ rủa thầm (sau khi mỏi chân theo Xah Pakei suốt chặng đường dài): tình yêu lẫn lộn với tình ghét. Chân vừa muốn đi theo, nhưng bởi lòng tự trọng và cả tự ái, cô gái còn dùng dằng nán lại. Biết đâu Xah Pakei sẽ chịu dừng voi lại để hỏi han mình. Nhưng không, Xah Pakei tiếp tục thúc voi đi tới, không một lần ngoái lại. Đến lúc này, cô gái mới hiểu phận mình, cô phải bước nhanh (yam drah) cho kịp voi chàng. Cô đã hoảng lên khi bóng Xah Pakei thoắt hiện thoắt mất, cô bước nhanh hơn nữa, guồng chân gấp gáp (dait wait). Không còn thời gian để suy nghĩ, để tự ái hão nữa: người yêu sẽ hút bóng trong khi mình chẳng biết đâu nơi chàng cư ngụ! Nhưng lạ, đến lúc Xah Pakei cho voi đi chậm để nàng bắt kịp thì cô lại cảm thấy sợ hãi: sợ làm người tình giận, sợ về hành vi nông nỗi của mình, sợ mình sẽ không biết làm thế nào cho chàng vừa lòng,…Với bao thứ sợ dồn tới, bước chân cô gái lại ngập ngừng, nhẹ nhàng, rón rén (raiy rauw)…
Tâm lí nhân vật được phơi lộ thật kì tuyệt, chỉ qua ba hình dung từ được đặt đúng chỗ trong đoạn thơ. Đó chỉ là một trong những cái độc đáo của thi pháp Xah Pakei, làm nên tính hấp dẫn của thi phẩm cổ điển này.