Về Giải thưởng văn học Đông Nam Á 2005.
1. Ấn tượng Thái Lan
Không phải hệ thống đướng sá hay cao ốc, khía cạnh này Thái Lan không thể bì với nước láng giềng bên cạnh: Singapore hay Malaysia; càng không phải tổ chức thành phố siêu hiện đại như lau như li của Nhật Bản, tạo nên ấn tượng Thái Lan. Đất nước Thái Lan – vẫn cảnh lô nhô nhốn nháo của các khu phố Tàu tạp pí lù như chúng ta thường thấy ở Chợ Lớn, đủ thứ rác vẫn cứ bị vứt bừa bãi ngoài đường phố, con sông, nạn kẹt xe, tay tài xế taxi chèo kéo khách vài động massage nóng bỏng,… vân vân. Như là ở… Việt Nam vậy.
Lạ! Tạo nên ấn tượng Thái Lan chính là con người Thái Lan! Đúng hơn: nụ cười Thái Lan. Nụ cười thường trực trên môi người Thái: mềm dịu, sâu đậm và đầy mời gọi. Đã có cuốn sách hẳn hoi viết về nụ cười này: The Smile of Thailand. Nó thường trực nhưng không giả tạo. Vừa khi bắt gặp ánh mắt ta là nụ cười kia xuất hiện, như là nó đã có đó tự bao giờ, sẵn sàng đón nhận và ban phát. Và xoa dịu, xóa nhòa bao khổ não, lo âu của khách phương xa. Có thể đó là cái cười được huấn luyện có bài đến trở thành bản năng thứ hai của người Thái. Theo tôi, hơn thế nữa, nó bắt nguồn từ truyền thống văn hóa Thái Lan, nền văn hóa xây dựng trên nền tảng triết lí Nhà Phật: khiêm cung và vui sống.
Đi kèm với nụ cười kia, là cung cách chào nhau của người Thái. Ở đây tôi bắt gặp bóng dáng lối chào của dân tộc Chăm xưa, phong thái hiện nay chỉ còn tồn tại trong các nghi thức lễ hội. Mỗi ngày là một lễ hội, lễ hội tạ ân khi ta được ban thêm một ngày mới để sống:
Quỳ gối trước mặt trời thức giấc mỗi sớm mai
tạ ơn chén cơm đói lòng, điếu thuốc hút dở
tạ ơn dòng sông mơ hồ chảy qua tuổi nhỏ
tên ngọn đồi, cánh rừng trong mơ chợt vang lên
tạ ơn bước chân hoang, trái tim lạc lầm…
(Lễ tẩy trần tháng Tư)
Thời gian phôi pha, dòng đời tất bật, chúng ta đã vô tình biến cuộc sống thành gánh nặng, biến nghi thức lễ hội thành một thứ thái độ xã giao trục lợi rồi!
2. Không khí giao lưu
Trời đất! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tôi chưa bao giờ biết đọc diễn văn là thế nào, vậy mà tôi đã đọc một bài diễn văn gần như đạt mức “xuất thần”! Hượm đã, đấy là nói chuyện tối cuối cùng nhận Giải.
Hãy bắt đầu từ buổi họp báo đầu tiên. Ở Việt Nam, cái tôi ngán nhất là phải trả lời các cuộc phỏng vấn. Tôi đã nêu quan điểm của mình trong tiểu luận “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”: “Ở ta, ngoài một số rất ít bài viết được chăm chút gia công, còn lại đa phần chỉ để thỏa mãn thói tọc mạch của độc giả bình dân, do đó quá ư nhảm nhí! Mình không thể nói ý kiến riêng mà nói theo ý/sơ đồ có sẵn của nhà báo/tòa soạn muốn. Các câu hỏi, ở đâu và bao giờ cũng na ná nhau: vẫn quá trình hình thành, nguồn ảnh hưởng của tác phẩm anh, rồi anh nghĩ gì về thơ trẻ hôm nay, các loại hình giải trí phát triển ồ ạt tác động gì đến văn chương, tại sao văn học Việt Nam không lớn, rồi thì: tình hình và thế đứng của thơ dân tộc thiểu số, vân vân… Nghĩa là bất kì nhà báo nào cũng có thể đặt câu hỏi mà không cần phải đọc tác phẩm của anh.”
Vậy mà vì nể tình, yếu đuối [và cả ngộ nhận], đếm sơ sơ tôi cũng có đến nửa trăm cuộc!
Cuộc họp báo được tổ chức tại một khu cực kì sang trọng của The Oriental Hotel. 70 người, cả khách mời lẫn cánh báo chí, có mặt. Vui vẻ và thoải mái. Nhất là nhà thơ Malaysia Abdul Ghafar Ibrahim. Anh kể/đọc loại thơ lạ đời, lối thơ bị cho là “điên, vậy mà 30 năm sau tác giả của chúng được đề cử nhận S.E.A. Write Award”! Hơn một nửa sử dụng tiếng Anh, ngoại trừ bốn vị. Tay thi sĩ kiêm họa sĩ Indonesia Acep Zamzam Noor liều lĩnh chịu chơi: “I don’t know speak English. Let read my works to understand me”! Thế thôi, anh ngồi xuống. Hội trường vỡ cười mất nửa phút.
Ngay tại buổi ra mắt này, tôi nói về các nền văn chương của dân tộc thiểu số cùng ngôn ngữ chuyên chở chúng đang nguy cơ tiêu vong trong thế giới hiện đại. Thi sĩ với tư cách là kẻ cư trú trong ngôi nhà ngôn ngữ ấy cần có thái độ thích đáng. Nếu không, anh sẽ cùng tiêu vong với định phận của nó.
Tôi chưa nửa lần đọc diễn văn ra hồn, dù đứng trước cử tọa cấp nào chăng nữa, tôi luôn luôn nói. Nói – có thể sai hay thiếu, cái được là ta luôn chộp bắt các ý tưởng bất ngờ đang khi phát biểu. Tôi chọn lối đi bấp bênh ấy, xưa nay. Nhưng hôm nay, đem chuông đi đánh xứ người, lại là bằng tiếng Anh! Chẳng một mảnh văn bản trong tay, nhưng tôi cứ mở mắt làm liều. Ơn trời, cũng trót lọt!
Chiều: các Awardees (nhà đoạt giải) giao lưu với PEN Club (Văn bút) và Hội Nhà văn Thái Lan tại Thư viện Quốc gia. Hơn 200 người đến nghe. Các bạn Lào xôm tụ hơn cả, bởi người Lào và Thái nói/nghe hiểu nhau, và nhất là sự nhiệt tình đáng trọng nể của Sứ quán nước bạn. Dân Lào sống và làm việc ở Thái Lan đến khá đông. Khác với anh chị em Việt kiều: 8 người cả thảy. Điều gây xúc động là các bạn từ tỉnh xa, nghe tin và, đến. Vài mươi năm trước, Việt kiều ở đây có bị đối xử phân biệt; tình trạng chỉ bớt căng từ hơn chục năm qua. Bà con không còn phải giấu lai lịch, thoải mái thổ lộ tâm tư bằng tiếng mẹ đẻ, chụp ảnh, tặng sách. Vui!
Tại đây, tôi nói bằng tiếng Việt, giáo sư Thawi đáng kính, “học trò” tiếng Chăm của tôi, dịch sang tiếng Thái. Khi tôi kể mình đã rời bỏ giảng đường khi thấy rằng nó vô tích sự thậm chí có hại cho ý hướng sáng tạo, tôi khuyên các bạn sinh viên chớ bắt chước cái gương xấu ấy; không hiểu “học trò” tôi dịch thế nào mà cử tọa cười ầm lên.
Rồi tôi nói về sự ít giao lưu về văn học giữa các nước Đông Nam Á. Ngay các bạn ngồi đây, đại diện xuất sắc của văn học nước mình cũng không ai biết tên tuổi nhau, nói chi đến đọc của nhau. Tinh thần hậu hiện đại phá vỡ bức vách ngăn văn chương trung tâm với văn chương ngoại vi, văn chương Việt Nam hôm nay là điển hình. Sự chon lựa nhà văn dân tộc thiểu số nhận Giải kì này, nói lên tinh thần ấy. Nhưng văn chương Đông Nam Á vẫn cứ bị xem là ngoại vi bên cạnh nền văn chương [được cho là trung tâm như] châu Âu, châu Mỹ, Trung Hoa,…
Lại anh nhà thơ Zamzam gây náo hoạt Hội trường bằng phát biểu ngắn gọn: Tôi không hiểu các bạn, các bạn cũng chưa hiểu tôi. Nhưng… tôi yêu các bạn.
Một nhà thơ bất cần đời và lập dị, lập dị một cách đáng yêu. Dường như anh ta sinh ra cho sáng tác trong cô độc chứ không cho không khí đầy nghi thức của hội trường. Áo thun đen ngắn tay luôn dính vào mình, và không hề biết đóng thùng là gì. Ngồi ghế danh dự là một cực hình với nghệ sĩ như anh. Tôi nhớ, vài năm trước nhà thơ Nguyễn Quang Thiều qua giao lưu thi ca ở Kuala Lumpur kể rằng có thi sĩ Indonesia cứ đăng đàn đọc thơ tiếng Indo, bất kể trời trăng hiểu? Anh bảo: mình đấy mà!
Ngay buổi đọc thơ lộ thiên giữa cảnh lộ thiên thơ mộng tối hôm sau cũng vậy, anh chậm rãi bước tới, từ từ đọc, rồi chậm rãi đi xuống. Không dài dòng lê thê kể lể. Một bài thơ hay. Chị MC người Thái Lan đọc bản dịch tiếng Anh một lần vẫn không vừa lòng anh chàng người Mỹ yêu thơ, anh xin cái micro đọc diễn cảm lượt nữa cho hả!
Thơ Ibrahim thì miễn “dịch”. Đây đích thị là thứ thơ “con âm” đúng nghĩa, không phải thơ con âm duy mĩ của Dương Tường nhà ta, mà là thứ thơ con âm sôi động, huyền ảo, ma thuật và…vui vẻ! Vấn đề là tại đó.
Nhưng trong khi nhà thơ Rita Dove, một Poet Laureate từ xứ Mỹ xa xôi được mời về làm Guest Speaker, sau vài lời khen bầu trời Bangkok đêm nay rất đẹp, chị chỉ đọc một bài ngắn thì, có vài vị dũng cảm hành hạ lỗ tai và sức chịu đựng của thính giả xa lạ chọn lọc đến gần chục phút!
Ở đâu cũng vậy thôi. Bài thứ hai, rồi thứ ba. Tôi cứ nơm nớp lo sợ quý ngài ấy chơi tiếp bài thứ tư dài [dòng] nữa thì nguy mất! Mà ba vị toàn “không là dân thơ chính hiệu”, mới khổ chứ. Đó là chưa tính đến vài lời phi lộ còn dài hơn cả thơ! Chả ma nào lắng nghe đâu, trời ạ!
Biết mạng mình, tôi đọc “Tháp nắng”, và tranh thủ lướt bớt một đoạn! Riêng khoản đọc bản dịch tiếng Anh, thằng con trai của tôi đang năm cuối đại học đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao!
Đêm cuối cùng: 12.10.2005, đêm nhận Giải có sự tham dự của Công chúa Thái Lan Bajrakitiyabha. Kể rằng các Awardees những năm qua đã phải “khúm núm” ghê lắm, nghe mà rùng mình. Nhưng phải như lời đồn đâu kia chứ. Trang nghiêm, văn minh và đầy sự tôn trọng. Trong Royal Ballroom của khách sạn thuộc hàng đệ nhất. Các thành viên sau nghi thức dâng tác phẩm lên Công chúa, đọc diễn từ bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, giới hạn trong vòng 2 phút. Ở đây, tôi nhấn mạnh sự vươn dậy của thế hệ nhà văn Việt Nam xuất hiện thời đất nước đổi mới và hội nhập, các nhà văn đang vẽ nên nền văn chương Việt Nam hôm nay và ngày mai, đầy sức sống và đẫm chất nhân văn.
Một tuần S.E.A. Write trôi nhanh như gió. Nó thoải mái và bổ ích. Nụ cười Thái Lan huyền ảo mà thực tế. Nhưng đâu đó cũng có vài hạt sạn, nhí thôi. Về phía bạn: cuộc thăm viếng chùa tháp thì hơi nhiều, trong khi cái đáng thăm thú hơn cả đối với nhà văn là National Library thì lại thiếu. Mà tôi nghe nói Thư viện Quốc gia Thái thì cực nề nếp và hiện đại. Về phía ta: [không hiểu từ ban bệ nào] ở bản tóm lược thành tích mỗi Awardees, trong lúc thiên hạ “nổ” bằng cách nhấn mạnh tác phẩm và phong cánh tác giả thì ta kê khai đến ba “Hội viên Hội…”: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học – nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, chiếm đến hơn nửa không gian cho phép. Thế là Inrasara với Lễ tẩy trần tháng Tư mất hút!
3. Giữa bạn bè
Tình bạn là ta tìm đến chứ không ai mang lại cả. Lạ là không ít nhà văn cứ ru rú thui thủi một mình, cất mình trong vỏ sò cô độc. Phiền hơn nữa là thứ trịnh trọng nghiêm trang cho ra dáng nghệ sĩ. Chỉ là thứ hợm mình không hơn kém phân tấc.
Trong tám anh chị em Awardees, tôi thực sự thích một nửa. Acep Zamzam Noor (45 tuổi) thì khỏi nói rồi, dù tiếng Anh anh hơi yếu nhưng chỉ qua cử chỉ và cái nhìn, chúng tôi dễ cảm thông nhau, gần gũi thân tình. Bên cạnh là nhà văn Thái Lan, anh Binlah Sonkalagiri mới 40 đã già dặn trong phát biểu và thái độ, nhưng không vì thế mà kệch cỡm. Con tôi nói: cha phát biểu còn văn viết quá, anh ta mới đích thị văn nói: linh hoạt, giản dị mà thâm trầm. Đây là hai con người tôi dự tính sẽ giới thiệu họ đến với độc giả Việt Nam.
Bạn văn Lào già nhất giữa cánh trẻ: 49 tuổi, anh Bounseune Sengmany, cũng là khuôn mặt đáng yêu: khiêm cung và biết điều. Dĩ nhiên không thể bỏ qua anh nhà thơ đã quá lục thập nhưng vẫn đầy sức trẻ: Ibrahim!
Các bạn được bình chọn như thế nào cho Giải này? Tôi đã thử làm cuộc phỏng vấn mini. Bạn Zamzam bảo không biết gì cả, họ gọi đi là đi! Nhà văn Lào thì được chọn trên 7 tiêu chí, trong đó có: con người tốt, hoạt động xã hội tốt, tác phẩm tốt. Singapore chọn xoay vòng theo thứ tự 4 thứ tiếng được sử dụng trong đất nước–thành phố nhỏ bé của họ: Anh, Hoa, Mã Lai, Tamil. Còn Thái Lan với Việt Nam [năm nay] gần giống nhau: chọn tác phẩm (cho nên ở Thái có tác giả giật được hai lần). Binlah qua tập truyện: Chao Ngin (Princess) và Inrasara với tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư.
Chiều, trước giờ Công chúa đến, anh em trẻ túm tụ nhau tán chuyện. Có vị hỏi: bao giờ chúng ta gặp lại? Ai trong chúng ta sẽ vinh hạnh rinh giải Nobel về cho Đông Nam Á, để thiên hạ không còn xem văn chương chúng ta như phần ngoại vi của thế giới? Tôi nói đùa anh em: Hẹn 10 năm sau! Nhưng chỉ ở S.E.A. Write, chứ không phải Nobel. Bởi nhà văn đoạt Giải Nobel ít được thọ sau đó. Trong khi tôi lại rất ham sống!
4. Trở về
60 tập thơ song ngữ Lễ tẩy trần tháng Tư – The Purification Festival in April mang theo đã được biếu hết sạch. Quan chức, nhà tài trợ, bà con Việt kiều, nhưng tôi ưu tiên chúng cho các sinh viên văn chương và nhất là các bạn văn đoạt Giải. Xin chữ kí với đứng chụp ảnh thì khỏi bàn rồi, Sara luôn là mặt hàng đắt khách!
Không ai hỏi tôi về văn chương Việt hiện đại cả. Câu hỏi cuối cùng tôi nghe được từ vị đại diện Sứ quán Việt Nam tại Thái Lan: bà con Chăm ta tổ chức đón nhận vinh dự lớn này như thế nào? Câu hỏi bất ngờ khiến tôi bối rối giây lát! Tôi từng nghe các tỉnh khác đã tổ chức long trọng đón nhận Thẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho các thành viên tỉnh nhà. Nhưng tôi thì không. Hoàn toàn không. Cả lần thứ nhất đoạt Giải rồi, lần thứ hai nữa. Im ắng!
Tôi nói: Tôi là nhà văn người Chăm mang vài vinh dự cho dân tộc, họ vui và hãnh diện. Như thế cũng đủ rồi. Bao giờ tôi cũng cô độc. Sự cô độc của kẻ sáng tạo.
Các nhà văn đi nhận Giải gói hành trang trở về. Buổi chiều ra Sân bay, mưa đổ xuống như trút, mưa to đến mức máy bay tạm hoãn đến hơn mười phút. Mưa – tín hiệu tốt lành cho quê hương cháy nắng của tôi. Tôi cũng phải trở về. Trở về đúng nghĩa là trở về với trang viết. Nhà văn không sống bởi các bài diễn văn hay hoạt động nào đó, mà bởi tác phẩm.
*
Báo Văn nghệ, ngày 22.10.2005.