*
Đọc Khu vườn lưu lạc, tập truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên,
Nxb.Văn nghệ, Tp.Hồ Chí Minh, 2007.
*
Ngay ở truyện ngắn đầu tiên – truyện ngắn được dùng đặt tên cho cả tập truyện –: “Khu vườn lưu lạc”, Nguyễn Vĩnh Nguyên để mặc các nhân vật của mình đối mặt với sự tan rã, sự biến mất, cái bất định và nỗi vô thường của vật hiện thể thân mật và quen thuộc. Đột ngột! “Khu vườn đã biến mất sau một giấc ngủ dài của ngày trở về”, “Tất cả biến mất sau một đêm”, “tất thẩy đã biến mất trong những sáng mù sương”, (“Khu vườn lưu lạc”). Sự thể ném hiện thể con người rơi vào giữa một hoang mang lạ lẫm. Chẳng những nó đặt con người trong “mất mát” sự vật xung quanh không thôi mà còn làm nguy cơ đánh mất chính hắn. Sự mất mát lần nữa lặp lại trong truyện “Người đàn ông và nhà ga cũ”: “Tôi bị mất trí trong thời gian dài”, “có những đoạn kí ức bị xóa trắng”, “những khoảng đứt đoạn trí nhớ”, “và kí ức cũng dần nhòe đi”,…
Ý định phục hồi lại kí ức, hay muốn chạy “[t]rốn khỏi những ám ảnh của sự biến mất và lãng quên câm lặng này” (“Khu vườn lưu lạc”), bằng trận chơi thâu đêm suốt sáng, những cuộc làm tình, bằng lao đầu vào công việc, gắn chặt mình vào nghĩa vụ đủ loại,… đều bất khả! “Khi khu vườn này biến mất, những đôi mắt biến mất, bạn sẽ cùng cô ấy ra đi” (“Khu vườn lưu lạc”). Không phải ra đi có chủ định, mà là lưu lạc, thất lạc, là bật khỏi cội rễ, vô sở trụ và, lang thang lạc lõng.
Là trôi đi trong những vùng mơ hồ. “Tôi thường trôi cùng với nó trong những đêm khuya, vào những miền sâu hun hút”, “tôi thấy mình trôi đi” (“Người đàn ông và nhà ga cũ”). Tôi, ngôi nhà và khu vườn, cả con sông tuổi thơ hay ngăn kệ nặng chĩu đống sách này, bạn bè, kẻ thù và người tình, cả trái đất này cùng trôi đi. “Một dòng sông câm đang trôi qua trước mắt mình”, “dòng người qua lớp cửa kính kia trôi đi” (“Một chuyến ra đời”). Bất cứ lúc nào và ở đâu, khi chúng ta thoát khỏi mọi lo âu thường nhật, khỏi trách nhiệm lớn bé. “[T]ôi trôi bồng bềnh dưới bầu trời chang chang nắng” (“Những vùng đau vô định”).
Xao xuyến: đó là cảm thế tính nền tảng của hiện tính thể. “Xao xuyến để mặc chúng ta trôi nổi bập bềnh, vì nó mang vật hiện thể trong toàn thể lướt xa đi. Cả chúng ta, những con người đang hiện thể, cũng cùng lướt xa đi giữa vật hiện thể… Trong xao xuyến vật hiện thể trong toàn thể trở nên mong manh” (M.Heidegger, What is Metaphysics?, bản dịch của J.Glenn Gray & Joan Stambaugh, trong Basic Writings, HarperSanFrancisco, USA, 1977, p.103-4).
Một buồn chán mênh mông vây bủa ta, gây ngột ngạt.
“Buồn chán sâu xa trôi giạt đây kia trong hố thẳm của hiện thể chúng ta như một sương mù câm lặng, qui tập mọi sự vật và con người và chính chúng ta trong một nỗi dửng dưng kì lạ”. (Sđd, p.101).
Tôi thấy cuộc sống phi lí biết bao, trái đất nhẹ hều biết bao! Trong buồn chán sâu thẳm này không còn đất cho các câu hỏi mang tính siêu hình nữa. Chỉ thuần sự biến mất, sự trôi đi và buồn chán ở lại. “Tôi lại thấy bị lôi tuột ra khỏi sự hứng khởi công việc” (“Một chuyến ra đời”). Hứng khởi sáng tạo, hứng thú cách tân thơ, ngây ngất bởi lời xưng tụng, háo hức đến cuộc hẹn hò,…đột nhiên bị lôi tuột ra khỏi tôi.
Tôi nghe mình rơi vào trạng thái mất trọng lực.
Tôi thấy tất cả đều xa lạ. Tôi cô đơn cùng cực. Cô đơn cả khi tôi đi giữa đám đông ồn ào. “Không có quê hương trong thời gian” – nói như R.M.Rilke. Càng không có quê hương trong không gian. Tôi bị nhổ bật khỏi mọi gốc rễ và trôi dật dờ vô định. Cội rễ lâu nay làm như vững chắc lắm, trong một sát na hoát ngộ, tôi thấy nó cũng chỉ là một “sản phẩm lịch sử”. Rất giả. Con người luôn có khuynh hướng đồng hóa mình với cái gì khác ngoài mình, để chạy trốn khỏi hư vô, khỏi cái không-là-gì-cả. Một thần tượng, một thói tật, đoàn thể, tông giáo, đất nước, …để mình được là cái gì đó. Ở đây là gốc gác. “Khái niệm gốc gác cũng chả quan trọng gì”. Tôi không như cô gái kia luôn “sự tự vấn về gốc gác” (“Một chuyến ra đời”), “băn khoăn về gốc gác của mình”. Tự vấn, băn khoăn và luôn mồm khẳng định đầy kiêu hãnh: “Em là người gốc Hoa” (“Toilet cổ trong ngôi nhà cổ, ngôi nhà cổ ở trong phố cổ”). Như thể thế giới này sẽ sụp đổ mất, nếu cô không là người gốc Hoa, Nhật, Việt,… hay gì gì đó! Trong khi thứ tôi cần hơn cả lúc này là: toilet! Cụ thể hơn: cầu tiêu, hố xí, hay một góc khuất nào bất kì ở giữa phố cổ quá ư nghiêm trang và lịch sự nhưng đầy bất tiện này. Để giải quyết nhu yếu cấp thiết nhất của cá nhân tôi bây giờ là: tiểu. Trần trụi hơn: đái, tè!
“Tôi đang ngồi trên cầu sông cổ với một bụng đầy căng nước đái và cô gái cư dân chính hiệu phố cổ đang băn khoăn về gốc gác của mình” (“Toilet cổ trong ngôi nhà cổ, ngôi nhà cổ ở trong phố cổ”).
Bằng cách đặt thứ [được cho là] thấp cấp nhất bên cạnh điều cao cấp nhất, xóa bỏ ranh giới từ thô tục, bình dân với từ [được cho là] sang trọng mang đầy tính văn chương, Nguyễn Vĩnh Nguyên góp phần giải thiêng sự việc, phi tâm hóa trật tự các khái niệm từng hiện hữu ưu tiên thứ lớp trong đầu óc chúng ta. Hơn thế, anh còn thiên về điều nhỏ bé, vặt vãnh, đời thường. Không còn các ưu tư siêu hình, chấm hết các thứ trang nghiêm đầy nghiêm trọng. Chỉ có mặt sự thể trần truồng là hiện thể con người với nhu cầu thiết yếu của nó. Nó đối diện với chính nó. Một sinh thể yếu đuối, mỏng manh không cội rễ đang trôi bồng bềnh cùng hằng sa vật hiện thể đang bồng bềnh trôi giữa vũ trụ vô cùng. Nó sẵn sàng tiêu vong. Chắc chắn và, bất kì lúc nào. “Chỉ có những cuộc biến mất vẫn đi qua ngôi nhà chúng ta như một nỗi rình rập” giữa “những giấc mơ huyên náo” của sinh hoạt của con người (“Người đàn ông và nhà ga cũ”).
Đây là điều cốt tủy – như triết lí phi lí của Albert Camus –: vô nghĩa của cuộc sống, nỗi vô thường, cái mong manh của phận người, việc mất trung tâm của mọi sự thể, sự biến mất không thể cứu vãn của vạn hữu, … là gợi ý cho khởi đầu chứ không phải kết thúc một suy tư về hiện thể. Sau trận bềnh bồng trôi đi cùng vật hiện thể, hiện thể con người rơi xuống mặt đất trở lại. Hiện thể (Da-sein) ở đó. Hắn nhìn cuộc sống bằng con mắt khác: hắn thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông. Hắn an cư trong lòng đêm sáng Quê hương, như là ở nhà mình. Hắn không “mất gốc” nữa. Ở cấp độ thấp hơn, chính hành động phi tâm hóa sự thể hay sự thức nhận sâu thẳm mình sẽ chết bất kì lúc nào này dẫn đến hai thái độ trái chiều: hoặc hắn rơi vào tâm trạng tuyệt vọng, chán sống, cùng với nó là các hành vi tiêu cực có thể dẫn đến sự hủy hoại [mình/người]; hoặc hắn dũng cảm cư ngụ nơi vùng đêm sáng, từ đó hắn không làm nghiêm trọng vấn đề, hắn sống và biết hân hưởng đời sống, biết cảm thông và tha thứ.
Ồ, như thế, vô hình trung tôi đã đưa dẫn các bạn lạc vào vòng xoáy của diễn dịch rồi còn gì. Rời khá xa khỏi Khu vườn lưu lạc! Trong khi ở đây chúng ta đang bàn về văn chương, cụ thể hơn: tập truyện ngắn mới, đặc sắc, đòi hỏi được tiếp nhận trực tiếp, phi diễn dịch.
Tập truyện ngắn Khu vườn lưu lạc của Nguyễn Vĩnh Nguyên là một chỉnh thể thống nhất. Nó tham vọng nhìn sự vật ở bề trái, vùng tối, chiều khác trong tầng lớp chưa được khai phá của tâm hồn và cuộc sống con người hiện đại. Hi vọng tạo lập vùng không gian mơ hồ sương khói, một chiều kích cho hiện thể con người khám phá ra hiện tính thể nền tảng của mình. Nỗi sợ hãi căn nguyên thường trực có mặt. Con người xao xuyến cho thân phận mình. Xao xuyến không đến từ các biến cố trọng đại, mà từ vài sự kiện nhỏ bé, vụn vặt. Một phút giây xao lãng công việc, đôi lần buồn chán vô cớ, những khi ta tách mình ra khỏi thế giới. Hay nói như Nguyên: từ “những vùng đau vô định”.
Nhưng Nguyễn Vĩnh Nguyên không là triết gia nên, anh không triết lí.
Anh ném các nhân vật rơi vô căn vào đêm sáng của chiều kích khai mở, sẵn sàng cho một lên đường rồi, bỏ mặc chúng ở đó. Anh không giải đáp câu hỏi siêu hình. Nghệ sĩ sáng tạo không mang ảo tưởng về tái tạo hiện thực cuộc sống đương đại trong tác phẩm của mình, không nỗ lực sở hữu chân lí, không rao giảng đạo đức, càng không đề xuất biện pháp giải quyết vấn đề như nhà xã hội học.
Cái đẹp của Khu vườn lưu lạc là ở sức gợi và nhất là, ở hình thức và ngôn từ. Chính vì tập truyện như một chỉnh thể thống nhất về ý tưởng và giọng điệu nên người đọc vừa có thể đọc nó như các truyện ngắn biệt lập hoặc, như một “tiểu thuyết” có thủ pháp khác lạ với những mảnh rời lắp ghép. Thủ pháp đòi hỏi ở người đọc thái độ chủ động khi tiếp nhận. Đồng sáng tạo – nếu có thể nói thế. Việc lặp lại một số từ/cụm từ hay mệnh đề nhất định góp phần vào sự nhất thống giọng điệu đó. Ở “Khu vườn lưu lạc” là: “biến mất”; qua “Người đàn ông và nhà ga cũ” là: “những giấc mơ”; đến “Một chuyến ra đời” là: “trôi”,… Các hạn từ trở đi trở lại đầy ám ảnh, chúng như thể sợi dây vô hình kết nối các đứt quãng cố ý giữa những chi tiết tưởng rời rạc, nhưng gắn kết khá chặt chẽ. Văn xuôi của Nguyên gần gũi với thơ ca là vậy. Nó hấp dẫn ngay nơi luân chuyển của các tứ, các từ, các mệnh đề chứ không hệ tại cốt truyện.
Một anh chàng đi dạo phố cổ cùng “người vợ tưởng chừng sắp cưới” với bọng đái đầy nước thì khó có thể lôi cuốn nổi ai. Nhưng tác giả đã biết cách đẩy nhịp độ câu chuyện lên cao trào qua từng trang viết, để cuối cùng nó vỡ ra ở đoạn cuối cùng, đã tạo một sự hấp dẫn khác biệt.
Thống nhất ở ý tưởng, giọng điệu; thế nhưng ở mỗi truyện, Nguyên cố gắng tìm cách tiếp cận các sự kiện cụ thể mỗi khác. Do đó, vấn đề “viết” thế nào cần phải được đặt ra. “Viết về sự trống rỗng”, “những vùng đau vô định”, về sự trôi và xao xuyến, về biến mất,…thì không thể sử dụng lại thủ pháp lâu nay quen thuộc với đại đa số độc giả Việt.
“Thật bi kịch vì điều gì cũng được minh họa bằng vốn ca từ nghèo nàn và một tiết tấu lẽ ra chỉ được dùng trong việc kéo dài một đời sống bình dân của một dân tộc bình dân hết cỡ và tưởng như không bao giờ biết giải thoát ra khỏi kiếp bình dân” (“Những vùng đau vô định”).
Một nhận định rất dễ gây choáng, tạo dị ứng. Dị ứng – nhưng, cần thiết.
Nhận thức sâu thẳm như thế, Nguyễn Vĩnh Nguyên nỗ lực làm mới truyện ngắn của mình. Mỗi truyện của Khu vườn lưu lạc là mỗi khởi đầu khác, xử lí kĩ thuật khác. Khởi đầu và thách thức. Còn chúng thách thức cách viết tới đâu và nhà văn này có thành công hay không, hãy để cho người đọc tự khám phá và đánh giá.
Với tôi, đặt trong dòng chảy của văn chương hôm nay, Khu vườn lưu lạc là tập truyện ngắn rất độc đáo. Độc đáo ở bút pháp đã đành, nó còn mang chứa giữa “lời” của mình khả tính đưa dẫn người đọc lân la cõi miền suy tư sâu thẳm hơn về cuộc đời và thân phận con người.
Nhưng dẫu sao đi nữa, đây cũng chỉ là lối diễn dịch một văn bản nghệ thuật. Sự chống diễn dịch cũng có giá trị của nó nữa!
Sài Gòn, cuối tháng6.2007.
*
Bài viết đọc tại Càfê Văn học của Hội đồng Anh:
“Phê bình văn học trên báo chí – lí tính & cảm tính”, tại Tp.HCM, 06.07.2007.
Báo Văn nghệ trẻ, số28.07.2007.
Tôi rất cần trích dẫn bài viết “Sau nỗi lưu lạc của khu vườn quen thuộc”. Vậy xin tác giả có thể cho biết tên cụ thể được không a. Xin chân thành cảm ơn!
Tất cả bài viết mà KHÔNG ghi tên tác giả trong website này đều là của chủ trang web: Inrasara.
Cảm ơn bạn.