Lời tựa tập thơ Phan Trung Thành

Lời mào đầu.
Tôi hiếm khi – và không hứng thú lắm – viết giới thiệu một tác phẩm nào đó, khi nó chưa ra lò. Ngoài vài trường hợp cá biệt: một bạn chăn trâu thuở nhỏ (Nguyên Vi, Kẻ hái lượm thơ) hay bạn thơ Chăm chốn diệu vợi (Chế Mỹ Lan như màu mây qua tháp). Phan Trung Thành ở trong vài nỗi cá biệt đó.
Cá biệt hơn nữa, khi chưa hết hưng phấn (thi sĩ ai mà chả!) với Đồng hồ một kim khá ưng ý, bạn vội vào Chợ Rẫy xả stress. Bạn vào đó đang khi ba ngày đêm chung phòng tôi ở Trại sáng tác nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh tháng 04.2008 tại Cà Mau. Rất đột ngột. Hiện bạn vẫn đang xả, và tôi cũng “xả” bằng gõ lọc cọc lên bàn phím “Lời mào đầu” này.
Với lời cầu nguyện và hi vọng bạn vượt qua nỗi hiểm nghèo thân thể. Để sớm trở lại với cõi người nhiêu khê, cùng chơi lại cuộc thơ khổ ải.

*
ĐỒNG HỒ MỘT KIM – MỘT PHAN TRUNG THÀNH KHÁC
NXB Văn học, H., 2008.

Từ Mang (2004) đến Đồng hồ một kim (2008), bốn năm miệt mài lao động thơ, Phan Trung Thành đưa thơ chuyển dịch sang hướng khác. Khác về đề tài, từ đó – khác cả phong cách, giọng điệu.

Con sông phố với bạt ngàn “cuộc vui thừa mứa những quầy bar vỏ chai nấm mồ” vẫn còn đó, nhưng anh đã bỏ lại sau lưng, để tìm đối mặt vấn đề thời sự của hôm nay. Thách thức hơn, gây đau lòng hơn. Với những con số biết nói, hàng vạn cô dâu Việt bị chà đạp nơi xứ người, với xứ sở rên xiết vì nghèo hèn, mấy bờ Thanh Đa sụt lở. Cùng muôn ngàn hệ lụy khác.

“Thành phố đón bao điều nhạy cảm” như thế, đòi hỏi tiếng nói quyết liệt của văn nghệ sĩ. Nhưng các nhà văn, nhà thơ lâu nay được cho là đại biểu của lương tâm thời đại, đang ở đâu?
Hay họ mãi lo làm thứ văn nghệ hám tiền, văn chương bám váy báo chí, mãi im lặng lếu láo, á khẩu trước nỗi bất hạnh của “bọn thấp cổ” bị “ông to, bà lớn” đè đầu khắp nơi. Và cả thảm cảnh miền Trung của những ngày bão xa, bão gần nữa. Nó có mặt ở đâu trong trang thơ văn hôm nay?

Bao câu hỏi cấp tập đặt ra, buộc nhà thơ nhìn lại mình. Và nhập cuộc. Một thứ thơ dấn thân đựng chứa bao nhiêu đề tài nóng như thế sẽ hết chịu chấp nhận giọng điệu khề khà rù rì như thuở Mang nữa!
Nhịp thơ ở đây trúc trắc và chông chênh hơn, ngôn ngữ thơ góc cạnh và trực diện hơn, hơi thơ khỏe khoắn và dứt khoát hơn.
Đó là một Phan Trung Thành khác. Còn khác như thế nào, người đọc Đồng hồ một kim sẽ tự cảm nhận theo cách của mình.

Sài Gòn, 15.01.2008.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *