Inrasara Phú Trạm được giải thưởng Phan Châu Trinh
Bài đã trích đăng trên báo Phụ nữ Thành phố, 23-3-2010.
Đọc đầy đủ tại khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
Ngày 19-3-2010 Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh vừa công bố quyết định trao Giải thưởng về nghiên cứu cho Inrasara Phú Trạm. Ông là một nhà thơ cách tân, đồng thời là một nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp, nổi bật ở việc sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hoá, văn học dân tộc Chăm cả truyền thống lẫn hiện đại. Trước ông, công việc này đã có một số người thực hiện và đạt được kết quả không nhỏ; nhưng với Inrasara, trong điều kiện thuận lợi về thông tin và phổ biến, văn hoá văn học Chăm mới được tổ chức sưu tầm, nghiên cứu một cách hệ thống và bài bản.
Từ đầu những năm 80, Inrasara làm việc ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm ở Ninh Thuận; sau đó, từ năm 1992, ông tham gia nhóm nghiên cứu văn hoá Chăm ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Tất nhiên, là người Chăm am hiểu cội nguồn văn hoá của dân tộc mình, ông có thuận lợi lớn trong lĩnh vực nghiên cứu này. Nhưng thành công của ông, bên cạnh lòng say mê và sự lao động bền bỉ, còn nhờ cách tiếp cận mới mẻ, hiện đại mà ông tiếp thu từ sách báo nghiên cứu nước ngoài.
Về ngôn ngữ, Inrasara là tác giả hay đồng tác giả của bốn công trình có giá trị: Từ điển Chăm – Việt (1995), Từ điển Việt – Chăm (1996), Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường (2004) và cuốn sách viết riêng Tự học tiếng Chăm (2003). Đây là những cuốn sách công cụ giúp ích một cách thiết thực cho những người học tập và nghiên cứu tiếng Chăm, đồng thời góp phần đưa sự giao lưu văn hoá có truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc Việt – Chăm đi vào chiều sâu.
Về văn hoá Chăm, Inrasara đã cho xuất bản hai tập tiểu luận: Các vấn đề văn hoá – xã hội Chăm (1999) và Văn hoá – xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại (2003). Cuốn sách thứ hai này đã đem lại cho tác giả giải thưởng chính thức của Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam.
Về văn học Chăm, ông đã có công sưu tầm, dịch thuật, tổng hợp, khảo cứu và quảng bá cả văn học truyền khẩu lẫn văn học thành văn. Bốn công trình ghi dấu ông như một nhà văn hoá tiêu biểu có công bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc mình là: Văn học dân gian Chăm: tục ngữ, câu đố (1995), Văn học Chăm, tập I – Khái luận (1994), Văn học Chăm, tập II – Trường ca (1996), Trường ca Chăm (2006), và gần đây nhất là Akayet – Sử thi Chăm (2009). Tập I và tập II của công trình Văn học Chăm đã lần lượt nhận được giải thưởng của Trung tâm Lịch sử và văn minh Đông Dương thuộc Trường Đại học Sorbonne (Pháp) và Hội đồng Dân tộc thuộc Quốc hội Việt Nam.
Đồng thời với việc nghiên cứu chuyên sâu mảng văn học Chăm truyền thống, Inrasara còn quan tâm rộng rãi và thường xuyên đến sự phát triển của văn học Chăm đương đại, trong đó xuất hiện ngày càng nhiều những tác giả mới, đặc sắc, nhất là ở thể loại thơ. Mười năm qua, ông đã kiên trì chủ biên và tìm mọi cách vận động để xuất bản “Tủ sách văn học Chăm” và đặc biệt là Tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu Chăm mang tên Tagalau. Đây thực sự là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng sáng tác của những tài năng trẻ, chấp nhận những thể nghiệm mới mẻ trong thơ và văn xuôi.
Inrasara đã để lại một dấu ấn nổi bật trong quá trình nghiên cứu văn hoá, văn học Chăm. Nhưng sự quan tâm của ông không giới hạn ở lĩnh vực đó. Ông theo dõi rất kỹ tiến trình thơ ca Việt Nam đương đại, nắm bắt nhạy bén và kịp thời những hiện tượng mới của tiến trình này, tìm cách soi sáng và lý giải nó dưới ánh sáng của lý thuyết hiện đại và hậu hiện đại. Ông phân tích “Thơ dân tộc thiểu số từ một hướng nhìn động”. Ông kêu gọi đổi mới thơ trên nền tảng tính chuyên nghiệp trong sáng tạo văn học. Đặc biệt, ông luôn đề cao sự tự do thể nghiệm và ủng hộ những tìm tòi nghệ thuật của các nhà trơ trẻ, các nhà thơ nữ. Những bài viết này được tập hợp trong tập tiểu luận Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (2006).
Khi giải thích và bình luận những vấn đề quan tâm, Inrasara không đưa ra những ý kiến một chiều. Ông đặt câu hỏi: “Phải chăng văn học thiểu số đang già đi?”. Từ hiện tượng lặp lại mình trong thơ trẻ, ông nói đến sự khủng hoảng trong thơ Hậu đổi mới. Ông điểm danh những căn bệnh của phê bình văn học hiện nay và than phiền “phê bình truyền thông đang lấn át phê bình hàn lâm”.
Có thể nói Inrasara là người coi trọng bản sắc dân tộc nhưng không phải là người dân tộc chủ nghĩa. Bằng chứng là ông không tự giới hạn trong khuôn khổ của truyền thống mà luôn “song thoại với cái mới”, tham chiếu các trào lưu văn học phương Tây, nhìn “văn học Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa”.
Inrasara kết hợp truyền thống và hiện đại cả trong cách phổ biến và hoạt động văn hoá. Những công trình và bài viết của ông được công bố trên sách báo in lẫn trên phương tiện internet. Ông tham gia các hội thảo có tính chất quốc gia để giới thiệu văn hoá, văn học Chăm; trong khi ngay tại tư gia ở quê nhà (làng Mỹ Nghiệp, xã Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) ông tổ chức Thư viện và Nhà Trưng bày văn hoá Chăm để phục vụ đồng bào địa phương và du khách.
Có thể nói, cùng với nhiều trí thức Chăm hàng đầu khác, Inrasara Phú Trạm đã hành động thiết thực để củng cố những nhịp cầu văn hoá giữa hai dân tộc Chăm – Việt, góp phần phát triển nền văn hoá đa dân tộc của nước Việt Nam hiện đại.
Tại phần ĐÍNH CHÍNH về việc nhà báo PH đưa tin sai, nhà thơ Inrasara có viết là:
“Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh là do Hội đồng bầu chọn, không có việc gởi tác phẩm dự thi. Tất cả mọi người đều thế. Inrasara cũng vậy.”
Tôi lấy làm rất ngạc nhiên, tại sao lại như vậy?
Nhà thơ Inrasara có nói vài lần đây đó là nhà thơ không bao giờ gởi tác phẩm dự giải, vậy mà được giải rất nhiều. Tôi không tin lắm.
Bạn Jabeh thân mến!
Bạn “không tin” như vậy mà hay! Trước, đã có vài người cũng không tin như thế viết trên web Chamyouth. Và lại ĐÚNG NHƯ THẾ thật.
– Về Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, “không tin” bạn cứ email hỏi Hội đồng thì biết ngay tức thì.
– Giải Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Giải Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam,… thì Nhà xuất bản hay Hội đồng giới thiệu, tôi không liên can.
– Giải CHCPI thuộc Sorbonne thì PGS Bùi Khánh Thế đi dự Hội thảo Khoa học ở Pháp mang qua bên đó giới thiệu.
– Giải ASEAN thì Hội đồng thuộc Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu, tôi nghĩ thế (đến bây giờ tôi cũng không tò mò tìm hiểu để biết)
– Tặng thưởng Tienve.org và… thì tôi đăng thơ, tiểu luận… lên báo họ, và BBT bình bầu để đạt Giải, vậy thôi.
Còn nhiều nữa…
Chứ tôi chưa một lần gọi là nộp tác phẩm tham gia dự giải nào bất kì.
À, một lần duy nhất: tôi nộp BẢN THẢO tiểu thuyết Hàng mã kí ức tham gia Giải Văn xuôi Bách Việt năm 2010, chỉ với mục đích duy nhất là nó được in. Nhưng rồi có lẽ cũng là lần duy nhất tôi thất bại).
Biết thêm: Tôi 3 lần làm việc ở 3 cơ quan Nhà nước khác nhau ở các thời điểm khác nhau, nhưng không ai tìm thấy đơn xin việc của Sara đâu, bởi đơn giản tôi chưa làm đơn xin làm việc bao giờ!
Vui bạn nhé!
Thầy Phương viết về anh Inrasara rất từ tốn, đĩnh đạc, đúng phong cách của một nhà giáo. Còn việc bạn đọc Jabeh nói là “không tin” thì sai rồi. Bạn thông cảm cho Thy nhé.
Cám ơn thầy.
em THY
Nếu ai đã biết Inrasara và GS Huỳnh Như Phương thì mới thấy bài viết là của một con người đáng kính về một nhà thơ đáng quý! Trân trọng GS! Cảm phục Inrasara!