Ta thần tượng người thành công, nịnh hót dân có tiền, và yêu kẻ… thất bại. Nếu chịu quan sát xung quanh, không khó nhận ra hiện tượng lạ mà không lạ này. Tại sao?
Dễ lắm, tâm lí của đại chúng: Yêu, cho có bạn ‘pa-mưyôk gaup’. Có bạn, ta lân la gần gũi, ta xổ nỗi lòng để vuốt ve xoa bóp nỗi yếu đuối, hời hợt của nhau.
Tụm ba tụm bảy tán phét dễ hơn ngồi suy tư trong cô độc. Cầm lon bia dễ hơn cầm lên một cuốn sách. Lướt mạng dễ hơn nghiên cứu một tác phẩm dày. Bắt lỗi tác giả dễ hơn tìm cái hay của tác giả đó, để học.
Một chú Cham danh giá, vào đầu thập niên 1990, được tôi tặng Văn hóa Chăm do Viện KHXH Thành phố HCM phát hành, mới cầm lên lướt qua vài trang, đã ném mạnh cuốn sách lên bàn:
– “Nhoh patra dôm ban Yôn”…
Hà cớ? Chỉ vì lầm lỗi ở 1 chi tiết nhỏ [đám tang Cham Ahiêr, “9 miếng xương trán cho nữ, 7 miếng cho nam”] mà vứt nguyên một công trình!
Tôi ngược lại, xem đó là tác phẩm quan trọng đầu tiên đưa ra được cái nhìn tổng quan về văn hóa Cham, và thường xuyên tìm tra cứu.
Không học, để rồi hết đời người, vị ấy đã làm được gì? – Không gì cả!
Nơi cộng đồng Cham, tôi biết một sinh linh “bé cậy cha già cậy con”, một “chuyên gia thất bại” [chữ của Mouninho] mà đã thu hút không ít người… thần tượng. Đơn giản, họ tìm đến nhau để có sự mà an ủi, vỗ về nhau. Ở đó cái gì họ cũng biết, cũng nói được nhưng chẳng có cái gì biết, nói cho ra hồn. Lấp lửng vậy thôi, vậy mà cũng tán tụng nhau. Để mà tiếp tục… thất bại.
Thất bại, do ta không chịu học để biết; biết, ta không bắt tay làm; làm, ta không hết mình và tới cùng mà cứ dở dở ương ương.
Qua việc làm và phân tích, tôi đã từng giải-chân lý cổ xưa vốn được coi là bất di bất dịch, như: “Không biết nói dối không buôn bán được”, “Mở quán ở làng Cham thất bại là cái chắc”, “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”, vân vân.
Hôm nay…
Yêu kẻ thành công, tìm đến kẻ thành công để học, tại sao không?!