“Bạn không nhìn thấy cái gì đó, không phải nó không có” – Inrasara nói thế!
[xem video ở kênh Inrasara-TV]
Lạ lắm, tôi vừa biết có người kêu Cham không có chữ ‘xalam’ (chào)! Người có học đàng hoàng chớ chẳng đùa. Như trước đây…
[1] Có bạn kêu Cham không có chữ ‘karun’ (cảm ơn). Chuyện dài tập, từ thời Ban Biên soạn, các bác chưa dùng, mãi khi tôi vào làm việc, đưa ra đủ đầy tang chứng, Ngữ văn Cham mới có ‘karun’ từ đó [đã kể].
[2] Cũng có nhà nghiên cứu kêu Cham không có “họ”, như ‘Inra, Cri, Putra…’. Lạ chớ, cứ muốn làm khác Sara, trong khi mình sai mà chả thèm biết luôn.
[3] Thêm vài nhà, cái gì cũng A thay vì Ư, như ‘nưgar’ cứ viết ‘nagar’. Cho nó sang, cho nó cao cấp. Truyền thống hơn cả Từ điển Moussay (1971), cả Aymonier (1906), chớ gì Bùi Khánh Thế với Ban Biên soạn!
Moussay viết mỗi ‘nưgar’, Aymonier viết ‘nưgar’ còn [nagar] trong ngoặc vuông, nghĩa là nó CHÍNH THỐNG.
[4] Nữa, nhà thơ với 2 nhà nghiên cứu, để chống Sara, kêu tiếng Cham ‘nao ikak’ không có nghĩa “đi buôn”. Tôi chìa ra 2 vật chứng: Truyện cổ “nao ikak hala” (đi buôn trầu), và tục ngữ ‘Nao ikak nao ke, mưtai yêr le tuh thre ka gaup’, nói có sách tận “truyền thống” ông bà xa xưa hẳn hoi, cãi vẫn cứ… cãi!
[5] Hôm nay là CHÀO. Để chỉ vài thao tác:
– “Lạy”, Cham có chữ ‘Kakuh’. Thêm thao tác khác là: “Khwai kakuh’: quỳ gối lạy.
– “Lạy” rạp người xuống là: ‘Talabat’ hay ‘Jabat’. Lạy chào đầy thành kính có: ‘Jabat xalam’.
– “Chào” là: ‘Xalam’/ ‘Xulam’/ ‘Ssalam’/ ‘Salam’ tùy cách viết. ‘Xalam’ phát xuất từ tiếng Ả Rập: “Salam aelaykum”: xin chào. Chữ ‘Xalam’ xuất hiện nhiều lần trong sử thi cổ nhất: Akayet Dewa Mưno. Sau đó ‘xalam’ có mặt trong cả 3 Từ điển lớn: Aymonier, Moussay, Đại học.
Tạm nêu vài tang chứng:
Akayet Dewa Mưno, ‘khwai kakuh’ xuất hiện ở câu: 6, 8. Câu-8: ‘Dom nan gait tamư khwai kakuh’.
‘Jabat xalam’ có trong 3 câu: 172, 197, 201. Câu 172: ‘Pataw, po bia, panraung jabaul nau rauk/ Krưn bijip biak anưk, jabat xulam Dewa Mưno’.
‘Talabat’, câu 337: ‘Limư urang twơn patri abih drei/ Talabat blauh brei…’.
P.S.
– Còn các thao tác “chào”, tôi tìm thấy trong các Rija của Cham.
– 3 Sử thi Cham vay mượn nhiều từ Sanskrit và Ả Rập.
– Trong Akayet Um Mưrup, chữ ‘Axulam’ để chỉ tôn giáo Islam. Islam có nghĩa “vâng mệnh, quy phục Thượng đế”.
Còn ‘likuw axulam’ có mặt ở 2 câu 61 và 66, mang nghĩa quy phục hoàn toàn. Câu 61: ‘Hơc ula gilac akauk wơk mưrai/ Hajiư dak po hai halun likuw axulam’.