Chuyện tươi Katê-06. KATÊ, NHỚ TAGALAU

1. Hè 1996, sau Trại Sáng tác ở Đại Lải, tôi đề nghị Hội Nhà văn làm số đặc biệt về Cham trên Văn nghệ Dân tộc & Miền núi. Từ Hữu Thỉnh đến Nguyễn Khắc Trường, rồi Đăng Bẩy kêu Trạm gửi trước để xem bài vở Cham ra sao đã. Tôi lúc đó vô danh tiểu tốt, có ma mới tin.

Chơi liều vậy, mà được. Tôi làm tiếp ở tạp chí Văn nghệ Bình Thuận-1997, rồi tạp chí Văn hóa Dân tộc. Ba kì liên tù tì như thế tôi mới tự tin làm Tagalau. Ba kì khởi động, phần tôi [kí thêm 2 bút danh] có 9 văn xuôi, 10 nghiên cứu, 8 thơ; tác giả khác mỗi người 1-2 bài.

2. Mùa xuân 1999, ra Hà Nội thẩm định sách Ngữ văn Chăm, tôi mang ý định làm tuyển tập Tagalau nói với thầy Bá, thầy Tỷ, tất cả đều “Sara cần… dè dặt”. Nhưng tôi đã quyết.  

Xuống xe đò ở Phan Rang, tôi khua chiêng, Cham ra mòi hào hứng. Vào Sài Gòn, tôi đợi. Một, hai, ba tháng vắng hoe. Tiến, Phăng hứa, mà chả ai rục rịch. Thế là tôi hú hai yut vào.

– Một tuần, mỗi yut nộp cho mình 2 truyện ngắn với 5 bài thơ, mới được về. Cơm nước, bia bọt, cà phê miễn phí. Xong, tôi phone đến thầy Tỷ… Chơi vậy mà nên việc. Tagalau oe oe cất tiếng khóc chào đời đúng tuần lễ bà con Cham chuẩn bị lên tháp vui hưởng Katê.

3. Tôi làm tất tần tật: từ thu gom bài vở [đánh máy, các số đầu tiên] cho đến lo tiền, từ chạy giấy phép cho chí in ấn và phát hành.

Các cây bút đinh: Trà Vigia, Nguyễn Văn Tỷ, Trầm Ngọc Lan, rồi Jaya Hamu Tanran, Phú Đạm. HỘI VĂN HỌC – NGHỆ THUẬT CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM đỡ đầu, nhà thơ Tày Nông Quốc Chấn chịu trách nhiệm bản thảo. Cho đến sự cố “Mỹ Sơn đường về” ở Tagalau-2, mới thôi.

Từ đó tôi đứng “chủ biên”!

4. Sự cố khiến Tagalau mất tên, mà chịu núp bóng dưới Katê Mới (tagalau-3), Núi Trắng (tagalau-4), Nắng Panduranga (tagalau-5), Kraung Dung (tagalau-6). Cả hàng chữ Akhar thrah cũng bị cho ra rìa. Mãi đến kì 7 Tagalau mới lấy lại tên khai sinh.

Sự cố tiếp theo về “Văn học Cham ở đâu” của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng ở Tagalau-8. Vụ này ít ai biết, dù nó không thua kém gì “Mỹ Sơn đường về”. Tôi phải vận dụng mọi ngón nghề giải trình, mới xong.

5. Tiền đâu? – chả ngán!

Tagalau là “tuyển tập”, do tôi không muốn nó là một tổ chức. Tagalau tồn tại dài lâu là một… phép lạ. Không cơ quan Nhà nước tài trợ, Mạnh Thường Quân đỡ đầu toàn phần: không, quảng cáo: không, vậy mà nó sống nhăn!

Tagalau tiêu thụ được, tặng cũng khá chạy, còn thu hồi vốn thì gay. Do đó, mỗi kì Tagalau tôi bù lỗ 7-8 triệu. Sang kì 7-8 mới hết lỗ, do bạn thơ Chế Mỹ Lan xung phong. Số 9-10, tôi lại nhờ Cty Inrahani tiếp. Mãi kì 11 trở đi mới hết… bù, do có anh Ysa Cosiem và vài bạn trẻ Cham nữa đỡ đần.

6. Ngay từ số đầu tiên, tôi đã cố ý tránh “chủ biên”, chỉ từ Tagalau 3, tôi nhận, là do thế buộc. Sau 6 kì, tôi đã đánh tiếng bàn giao thế hệ. Vậy mà mãi đến Tagalau-14 khi tôi hù “bỏ”, mới có Jalau Anưk xung phong lãnh ấn. Khi ấy bạn trẻ còn đòi tôi đồng chủ biên 2 kì, mới chịu.

Đến Tagalau-20 thì ngưng, mãi bà con kêu quá, tôi hỏi Jalau Anưk mới giao lại nhờ tôi tìm chủ biên mới. Rồi thế hệ thứ 3 : Tuệ Nguyên, Jaka, Lưu Tặng cầm gậy Tagalau 1 kì, rồi thôi đến hôm nay.

7. Có ai nhớ Tagalau không? Còn ai nhớ em Tagalau không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *