Ramưwan buồn-4. INRAHANI
[Những giấc mơ tan vỡ: Câu chuyện & thơ]
Rija Nưgar năm 2021, tôi có tút: “Ba thế hệ Muk Thruh Palei Cham” – kể chuyện giấc mơ tan vỡ của tôi. Nay, Ramưwan Pacam-buồn, kể tiếp hầu bà con, và thế hệ trẻ làm bài học.
Tập dượt Dân ca Cham cho thầy cô giáo ở palei Bblang Kacak vừa qua, cơm trưa, tôi nói vui: Lịch sử 270 năm Ninh Thuận, 2 Cham được Wiki đưa vào Danh sách 9 nhân vật nổi tiếng. Lạ, hai sinh linh ấy khác nhau trời vực: Người thì 4 đời vợ toàn Việt, kẻ lại 3 đời “vợ” rặt Cham.
[1] Câu chuyện
Inrahani là tên tôi đặt cho nàng. Múa đẹp, hát khá, thông minh và khéo ăn nói, còn tính quảng giao với tinh thần xã hội thì miễn chê. Ba năm sống Cambodia và hai năm ở Pháp là trải nghiệm chưa người nữ Cham nào từng. Là chuẩn cao nhất cho Muk Thruh Palei “Bà Tổ Quê hương” của Cham thời hiện đại. Chính là giấc mơ của tôi.
Chuyện “Yêu sau 5 phút, sống một đời”, Thùy Trâm phỏng vấn (báo Doanh nhân Sài Gòn, số 99, 2005) là thật, chớ chẳng đùa. Tôi ưng nàng, dù nàng hơn tôi 9 tuổi và đã hai mặt con.
Lưu ý: Là nhà thơ, dẫu có bốc đồng thi sĩ tới đâu, tôi sống theo NGUYÊN TẮC TRIẾT LÍ do tôi bày ra cho chính mình, hiếm khi để lệch pha. Còn đứng từ chân trời thường nhật mà xét tôi, là hỏng từ nền tảng [sẽ nói sau].
Từ bàn tay trắng, tôi và nàng đồng tâm hiệp lực bon bon vượt bao chặng đường, khổ ải mà đẹp và thơ mộng vô ngần. Nhập cuộc thổ cẩm, nàng thành công lớn. Phần tôi, đưa nàng từ Hà Nội [giải Tháp nắng 1997] qua Bangkok [giải S.E.A. Write Award, 2005] trở lại thủ đô [giải Phan Châu Trinh 2010], cả Không gian Văn hóa Cham ở khu vực ngon nhất nước, và…
Đi qua hơn chục nước, sống qua bao thành phố ngon lành, gặp gỡ hàng trăm nhân vật có tầm. Đã con cháu, đã tiếng tăm, đã giàu có, đã… Nữa, hai chương trình lớn: Phòng Khánh tiết do Jaka dựng lên ở Sài Gòn, rồi Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani ở Chakleng 2010… đủ biến nàng thành Muk Thruh Palei điển hình.
Năm 2007, tôi bàn:
– Mình về quê đi, mẹ nó nhé, lo cho người quê hương, có dịp là theo anh đi làm “phu nhân”. Sài Gòn, mấy đứa con đã đủ lông cánh, ở lại tiếp tục chiến
Nhưng không, nàng quyết trụ lại Sài Gòn, và giấc mơ tôi tan vỡ, từ đó.
[2] Thơ
Trường ca “Quê hương” viết năm 1982 in trong Tháp nắng-1996, được gợi hứng từ nàng, và 3/9 chương là tôi viết dành riêng cho nàng. Sau đó 4 bài thơ lẻ nữa. Tạm trích 2 bài hầu bà con:
INRAHANI
Như đỉnh đầu ngọn lá
mang chứa gió đại dương
em đến từ tha phương
mang tình yêu xứ sở
Vùi chôn trời quá khứ
em về miền gian nan
đất quê hương tư lự
đợi em ngày hóa thân
Tôi đến từ rách nát
của vạn nỗi lạc lầm
niềm đau dài phiêu bạt
chiều cố quận dừng chân
Vẫn cụm mây ngàn năm
trôi ngang vùng kí ức
vẫn cánh chim rạo rực
bay vào tuổi xa xăm
Vẫn con nước trầm ngâm
mong những khuôn mặt nắng
nhớ bước chân lang thang
vẫn dòng sông hoài vọng
Là dòng sông yêu thương
linh hồn ta tắm gội
như con sông quê hương
cuộc tình ta không tuổi.
TẶNG VẬT
Em đến thật êm đềm
như que diêm đốt trên đỉnh gió
ngọn diệm sơn trong anh trầm vỡ
giữa mù đêm
cháy
thật êm đềm
Bước chân em
tặng vật của mong của nhớ
của hoài vọng ngàn năm ấp ủ
nơi hoang mang giông bão tim anh
Đâu phải rủi may dù khoảnh khắc ngẫu nhiên
giữa ngàn điểm cao em tìm về một đỉnh
cho rối rắm số phận anh phút chốc thành đơn giản
hóa giải ưu tư, trôi rữa lạc lầm
Dù lí trí anh có lần làm rã tan
khối thủy tinh em làm nước mắt
toan rêu phong đỉnh trời mơ ước
lót đường cho li tan!
Dù thời cuộc hỗn mang hù dọa tứ thơ
hay oan nghiệt nỗi đời đóng băng dòng sống
Em vẫn đến
như ngày xưa lồng lộng
nóng bỏng tặng phẩm của thiên thu
là dòng sông chảy tan vào biển cả bao la
mỗi rung động mãi là bí ẩn
Vẫn tìm được con đường rực nắng
cho từng cô đơn
Em vẫn đến
bước chân thật êm đềm
lớn dậy trong anh cảm giác
mở rộng cho anh miền đất
miền đất tinh thần
tới khi bất ngờ cái chết đến – vùi chôn.
Ramưwan buồn-5. DIỆP MI LAN
[
Muk Thruh Palei “Bà Tổ Quê hương”, tên tác phẩm gia huấn ca cổ điển Cham. Tác phẩm trở thành một biểu tượng, bởi sự phổ cập và sức sống của nó trong cộng đồng. Dù ở thời hiện đại, vài lời giáo huấn trong đó có vẻ lạc thời, riêng biểu tượng thì không. Ít ra là với tôi.
Muk Thruh Palei – Cham Cambodia gọi rút gọn là ‘Muk Palei’ (Bà Quê hương), người hiểu truyền thống, nắm vững mọi tập tục khả năng bày vẽ cho ‘Halau janưng’ thực hiện mọi lệ tục trong làng. Còn ở Pangdurangga, bà biến thành ‘Muk Buh’ (Bà Đơm) thuần sắm vai người hỗ trợ chủ lễ sắp xếp lễ vật.
Cham theo chế độ mẫu hệ, ở đó phụ nữ có vai trò mang tính quyết định nhiều vấn đề trong gia đình. Cộng đồng Cham lên hay xuống, mất hay còn cũng ở đó. Thế nên tôi luôn nhìn về người nữ Cham với lối nghĩ lạ biệt. Và mang giấc mơ tạo dựng khuôn mặt người nữ Cham theo hình mẫu của Bà.
Cho tương lai Cham.
Tôi có dự cảm, nếu Cham đánh mất Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’, và nếu mỗi palei Cham không còn người nữ sống và làm theo tinh thần Muk Thruh Palei, cộng đồng Cham sẽ rã tan như nó từng tan rã. Cham vẫn còn, nhưng nó mất bản sắc, thiếu hồn, nhợt nhạt. Và khốn thay – ta chỉ còn lại các nhà… nghiên cứu.
Năm 2007, từ quận Tư về Tân Phú, giấc mơ vỡ vụn, tôi khủng hoảng toàn tập.
Thế là tôi đi. Ám ảnh về Muk Thruh Palei cho Cham, tôi – hết làm Bàn tròn Văn chương đến chủ trì Cà-phê thứ Bảy, hết phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn đến Ủy viên Ban Chấp hành Hội DTTS… Thơ rời bỏ tôi lúc nào không hay nữa. Buồn, tôi quay bút sang làm… phê bình, và đi các nơi, diễn!
Diệp Mi Lan, là tên tôi bày ra. Đừng có ai hỏi, nàng cụ thể ở đời thực là ai. Nàng là một và là tất cả. Là giấc mơ hoang của tôi lênh đênh suốt 5 năm: 2007-2012. Đó là bà “vợ” [tưởng tượng] thứ hai của tôi.
Đề từ cho tập Hành hương Em-1999:
“Cám dỗ bởi cái nhìn rất cổ điển, tôi bước theo
người thiếu phụ có dáng đi của loài chim sa mạc
hết nửa đời người tôi chưa dừng nổi bước lãng du”
Tôi có đến 7 “Diệp Mi Lan”, tạm trích 2 bài:
DIỆP MI LAN-3
Nửa nhánh hoa trời lạc chiều phố cổ
với anh kì ngộ một lần
một lần thôi – đời làm xa lạ
nhớ hoài diệp mi lan
Rời Hà Nội anh hành phương Nam
tìm em chân trầm biệt xứ
hoa ở đâu cho dòng thơ vỡ
gọi hoài diệp mi lan
Chợt nửa đêm trần Đà Lạt lên sương
nhánh xưa u huyền vẫy
anh bay theo bóng hoa trời bay mãi
thương hoài diệp mi lan.
DIỆP MI LAN-5 [hay “Hành hương em”]
Bóng tối mang khuôn mặt tự do nhảy múa
dụ ngọn bấc trái tim bị thương tôi gượng cháy vào đêm
với hoang đường tiếng hát em vọng mơ hồ phía trước
Tôi đi
lầm lụi lần theo bờ kí ức
phác thảo giáo đường em thánh linh
Bỏ lại sau lưng ngôi làng mệt nhoài hàng cây đơn điệu lối cỏ rũ buồn
tôi
ngọn gió ngọn đồi và ngọn bấc
đi
Vội vã
như không kịp cho mặt trời kia gầy đi, ngọn đồi kia già đi
như không kịp cho nửa đời còn lại
Câm lặng và tín thành
đổ rụm trật tự, thói lề triền phược nhân gian
tôi
với hoang đường tiếng hát em bỏ quên
vẫy phía trước
Khóc ngàn lần cũng không trôi hết cụm đau qua
nước mắt làm nảy mầm nỗi trống
tôi
vòm trán vươn đầu ngưỡng vọng
hành hương em
Làm hành giả mù cả tin vào bàn chân trần và đốm lửa trái tim bị thương
xăm xăm đất cấm
đàn trâu tuổi thơ bồn chồn gặm mộng
giáo đường em ở bờ xa, ở tít bờ bên kia
Đêm sáng u uyên đường cong cám dỗ
và nâng đỡ
tôi
trang nghiêm cuộc lữ dài
gió thốc mù đất trời
choáng ngợp
Nỗi khát ở phía trước
cà phê Đà Lạt đồi rách mộng, bãi biển Qui Nhơn nát gió, Phan Rang tháp nắng ruỗng mòn
Sài Gòn snack bar hồng chai bordeaux chát bồng tâm thức
Hà Nội gọi mời thu cuồng mê
Thiền Lâm tự triệu cánh tay mở rỗng
phía sau nỗi không ấy bóng giáo đường em mở phơi
trong zic zăc xoá trắng hôm qua em
giẫy sạch lọc lõi đời, hư vinh tôi tất tật
riêng tự do có mặt
cửa sau lưng đóng sập nẻo về
Trồi ngụp, lị, sốt rét rừng, co thắt ngực, toát mồ hôi lạnh
từ chênh vênh đất đứng
tôi hành hương em.
Ramưwan buồn-6. KAMAY
[Những giấc mơ tan vỡ. Câu chuyện & thơ]
Như đã hứa với lòng hơn năm trước, hôm nay tôi đi thăm gia đình “nàng”…
Covid-19, cả ngàn bà mẹ trẻ Cham [bầu, hay con mọn] mắc kẹt ở các tỉnh thành phía nam. Như thường lệ, tôi đưa tin lên facebook, ngay tức thì – Cham và ngoài Cham, trong và ngoài nước “tin tưởng” chuyển tiền về mong Sara cứu chữa.
Tôi dọ ý xem – lạ, không ai hỏi: Sara có cách gì hay để giải quyết vụ việc không, mà 7 người cả Cham lẫn Việt một mực: Thôi đi, khi không ách giữa đàng mang vào cổ, họ níu Sara không thoát được đâu.
Tôi cứ nhập cuộc. Và đẹp, gọn – sau đó tôi “thoát nạn” ngon lành.
May mắn luôn có mặt kịp thời, ở đó có 5 nàng xuất hiện. Cháu ruột tôi: Phú Nhân Tâm con nhà có ăn, đã Cử nhân với tâm tốt đã đành, ngay một “nàng” [xin giấu tên] mới qua Trung học, là công nhân và đang kẹt như ai, cũng góp phần hiệu quả.
Sau cuộc, tôi tặng 900k x 4 nàng và nói: Các cháu tùy ý nhé. “Nàng” tặng 3 xuất cho 3 bà mẹ cùng cảnh ngộ, gửi biên nhận đến tôi. Tôi chat video, một khuôn mặt với nụ cười PHÚC HẬU hiện ra. Hỏi thêm mới biết: chồng nghề phụ hồ, nuôi hai con nhỏ ở quê.
Vậy đó, giữa đêm tối của trận đồ đời, vẫn có sinh linh như thế: ĐÀNG HOÀNG & CHU ĐÁO bật lên, ta nghe ấm lòng.
Và ta không thể không nói to lời tạ ơn ĐUA APAKAAL!
+
Chuyện trên không liên quan đến câu chuyện sau…
Tôi bị mang tiếng với đời là “khoe”, Hoa Fatimah bạn học cũ còn cho tôi “tự khoe khoang” nữa. Chả sứt mẻ gì tôi, kẹt nỗi đó là sai lầm mang tính nguyên tắc! Tang chứng:
Làm thơ từ 13-14 tuổi, nghiên cứu từ tuổi 18, vậy mà mãi tứ thập tôi mới “khoe” ra với đời; 6 năm làm việc ở Đại học, giữa chốn chữ nghĩa, không ai hay Phú Trạm có làm thơ – thì đủ biết tôi khiêm tốn cỡ nào.
Trong khi, tiến sĩ PLT thơ dở ẹc được tạp chí Văn-TP đăng chùm 4 bài, đã tậu đến chục cuốn mang ra Phan Rang tặng anh chị em Cham, chỉ để tỏ ra: Ta đây dù khoa học đầy mình, vẫn nghệ sĩ chán!
Giải thưởng S.E.A. Write Award-2005, sẽ không ai biết, nếu nhà thơ NNHM không đưa tin… sai. Giải thưởng Phan Châu Trinh-2010, tôi cũng không, đến nỗi về Katê ở Hamu Tanran năm ấy, bác Ò 80 tuổi – yêu mến tôi hết mực và là fan của tôi phải kêu: Trạm giấu Cham, giải to như vậy mà không cho Cham hay.
Trước đó, tôi được bình chọn là “Nhân vật Văn hóa” của năm-2005 [ra vẻ to chớ bộ], Hội Đồng hương Cham ở Sài Gòn mãi giờ chót mới hay, vội vã hú nhau đi dự. Tôi có “khoe” đâu mà biết!
Rồi năm 2012, Triển lãm lớn “Tâm & Tài, họ là ai?” tại NVH Thanh niên, tôi vào Danh sách 1@300 Nhân vật Việt Nam thuộc mọi lĩnh vực của thế kỉ XX, cũng hệt. Lạ không, một sự kiện lớn như thế diễn ra ngay giữa thành phố kéo dài suốt nửa tháng, mà không sinh linh Cham nào ghé thăm!
Sau trận ấy, tôi sáng tạo ra NÀNG…
Như mọi mọi nữ trước đó, Kamay là tên tôi đặt cho nàng, với chục bài thơ phiêu lãng. Và cả tiểu thuyết “Palei có gì lạ không em?” đăng dài kì trên Inrasara.com nữa! Tôi nâng nàng thành “vợ” thứ 3 của mình.
Và còn ai nữa, ngày mai?!
[Từ 2010, đăng thơ, tôi bỏ thói quen đề tặng]. Tạm trích hai bài:
EM – LOÀI NẮNG LẠ
Như ngọn gió nồng mùa xuân
bất ngờ
em thổi vào cánh đồng ta mát rượi
ta cây sồi thu cằn cỗi
thức dậy làm ban mai
buồn xưa tàn theo mây mùa hạ
em như loài nắng lạ
tràn đến
tan vào cánh rừng ta
cho
trái tim giá băng ta cháy vỡ
bất ngờ
hiến tặng ta thêm một mùa nữa
ban mai.
TẬP LÀM THƠ VỀ PHAN RANG
anh muốn bắt đầu bài thơ về Phan Rang bằng câu thơ rất cũ
cũng có thể bằng lối thơ rất mòn
“ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới”
như bao nhiêu người làm thơ khác
như bao nhiêu bài thơ khác
đường Trưng Vương quành Cà phê Việt
tóc em bay ướt hơn ca từ bóc rời từ một ca khúc sến
và mắt em sẽ ướt
cho anh có thể làm một bài thơ
làm hai bài thơ
làm thật nhiều bài thơ mà không sợ sến
(không sến thì không thành thơ tình)
“Phan Rang đầy nắng và đầy gió”
em Phan Rang có tên bắt đầu bằng chữ K
kết thúc bằng chữ Y
cũng có thể là một tên rất sến
đã xui anh yêu thành thật Phan Rang
để anh có thể làm thật nhiều bài thơ về Phan Rang
mà không sợ sến.
bài 3. ‘UAK TIAH’ LẠI CON TIM
‘Uak tiah’ là cách dân nhà quê xưa dùng hai thanh gỗ nhỏ vò ra lửa. Trái tim tôi qua tháng năm chai lì, trong khi trong tay chả có gì khác ngoài mầm lửa đang nóng rực. Đâu là chất xúc tác cho con tim kia bật lửa.
Nàng xuất hiện, ban cho tôi hai thanh củi ấy. Tiếc là bài thơ tôi cất kĩ quá, mãi tìm không thấy đâu!