Sáng sớm 7-4, lên xe về Pacam – làng cuối của Cham miền Trung. Cơm trưa nhà Kim Thanh, liền vội qua Sang Mưgik: quý chức sắc đang chờ. 40 vị chớ chẳng ít. Tay bắt mặt mừng, như kẻ lạ từng quen biết từ xưa xa.
Chiều, tôi lang thang qua vài hẻm làng: nghèo, quá nghèo. Tối, lần nữa vào Sang Mưgik gặp mặt thân hào nhân sĩ, tôi mới biết thêm dân Pacam học ít và ít học quá! – Buồn!
Chiều hôm qua, 8-4 tôi được bạn đưa đi vòng quanh thị trấn Tánh Linh, thăm ba khu Ghur Bini, cả Ghur cổ. Tôi thèm vào ‘talabaat muk kei’ (lễ bái tổ tiên), nhưng không, tôi không mang theo ‘kaya angui’ (y phục đặc dụng). Hẫng!
Tối, trằn trọc đến 12g khuya mới ngủ được – là điều tôi hiếm khi bị. Do ham nói từ Sài Gòn qua, để chuyện với quý ‘Halau janưng’, tôi vài lần gắng ngăn cơn ho.
Buồn không cất vào đâu được.
Cham mình ở đây chân chất đến lạ. Chuyện hiếm ở xã hội hôm nay, đám trẻ con biết giá, qua quán vắng chủ, tự giác bỏ tiền vào hộp, lấy kẹo đi. Tuy nhiên bà con nghèo và ít học quá. Nhà mặt tiền hai bên đường Trần Hưng Đạo 4 làn xe chạy dài non nửa cây số, vậy mà không có quán hay tiệm nào gọi là. Học, không có giáo viên cả ba cấp, ngoài hai cô mới ra dạy mầm non. Mỗi chàng qua Đại học về dạy cấp ba, lại đi theo vợ… Việt. Nghĩa là không ở lại để vực thế hệ sau vượt lên.
Tôi ước gì mình được trở lại thời “đại gia” của 20 năm trước, để có thể hỗ trợ bà con mở vài tiệm, bán cho Cham và cả cho người Việt trong vùng, như tôi đã. Và khích lệ, và tạo điều kiện cho cánh trẻ học. Nhưng thời huy hoàng kia đã xa rồi, mà HẬU DUỆ thì tôi tìm chưa ra.
Buồn…
Trường ca cổ Ariya Twơn Phauw, ông ‘Tôn’ này từ Cambodia qua Pacam “dấy binh”. Churu, Raglai, và cả Cham tan nát để mãi hôm nay cả làng mới có 335 hộ, 1.900 khẩu! Nhiều địa danh trong thi phẩm, nay không còn ai nhớ. Hồi tái bản Trường ca Cham năm 2006, tôi muốn tìm đến để xác minh. Rồi hết trì hoãn đến khất, là chuyện tôi ít khi bị, để hôm nay đành ôm khối buồn to như trái núi.
Ở Sang Mưgik, sau mục tặng sách và món quà mọn – tôi nói gì?
Pacam – làng tách biệt hẳn với các palei Cham, sau 200 năm chịu “cô độc”, dân làng vẫn giữ được truyền thống ông bà là VÔ CÙNG QUÝ.
Đạo Bà-ni là tôn giáo đẹp và quý hiếm vô ngần.
Pô Rômê – vị vua tài ba nhất của lịch sử Champa, đã hóa giải Islam thành Bà-ni, và hòa giải với Bà-la-môn thành Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’. Dân tộc, nhân văn và hòa bình. Một dân tộc thuộc hai tôn giáo khác nhau từng kình địch mà sống chung nhau suốt 400 năm không nửa lần va chạm, không tuyệt sao!
Trả lời thắc mắc của một vị Imưm về vấn đề “Hồi giáo Bà-ni” đang cộm, tôi nói:
Đó chỉ là nhóm nhỏ lợi dụng sự thiếu khuyết của lịch sử, thao túng Cham hòng trục lợi. Hồi giáo và Bà-ni khác, rất khác nhau. Hai điểm chính:
– Về đức tin, Hồi giáo độc thần, còn Cham Bà-ni cũng như Cham ‘Ahiêr’ đa thần. Ta biết trên: PÔ, ta hiểu dưới: YANG, ta đội ơn cả những người đã công lao với mảnh đất này: MUK KEI và PÔ YANG.
– Về lễ nghi, Cham Hồi giáo tuyệt đối không chung đụng với Cham Bà-ni Awal, càng không với Cham Ahiêr. Trong khi Cham Bà-ni và Cham Bà-la-môn gắn kết không thể tách rời. Nói ‘Ahiêr Awal’ tuy hai mà MỘT, là vậy.
Sara đi các nơi diễn thuyết, thế giới bên ngoài rất bất ngờ về độc đáo đó của Cham. Hôm nay, tôi xin nói to lên lời Tạ Ơn ‘ĐUA APAKAAL’ bà con và quý chức sắc palei mình!
Sáng nay, 8-4 lên xe sớm, tính ghé Karang Vĩnh Hanh, buồn quá đành về thẳng…
Tuần trước – tối 28-3 đón xe đò vào Sài Gòn.
7 ngày liền gặp mặt 7 khách văn tứ phương. Non một năm xa Sài Gòn rồi là gì. Bạn văn thì bạt ngàn chuyện để lai rai, để tán.
Rồi 3 ngày đêm liên tục ngồi computer hoàn tất ba bản thảo bút kí và tự truyện. Mệt phờ, đành khất chị bạn từng quen mà chưa biết. Nữa, lẽ ra phải là sáng Chủ nhật, nhưng Ramưwan ở Pacam hơi khác: sinh hoạt chính vào thứ Năm. Để đến với bà con, tôi phải lỡ hẹn với chị bạn lần hai và chịu bị dọa “lần sau Sara chớ vậy nhé”!
Đến, lắng nghe và thấu hiểu. Hiểu để buồn, một buồn CẦN THIẾT!