Giải trí siêu cấp. TẠI SAO CỨ PHẢI LÀM VIỆC?

Nguyên Sa:

“Có những kẻ yêu nhau không có thì giờ

Tôi lấy đâu mà làm thơ

Em lấy đâu đọc những bài thơ tôi viết…”

Tại sao cứ phải làm việc? Câu hỏi đặt ra mươi năm trước, hôm nay nó cứ đòi lặp lại. Ừ, tại sao làm việc, khi ta chỉ có 50, 60… năm lướt qua mặt đất này?

Cha tôi trước 1975 là “anh hùng lao động”, gia đình tôi nông dân vô sản, cả nhà làm việc kinh. Đứa con gia đình, tôi không khác. Làm, tôi không cho nó cực, mà là vui. Làm ruộng, hứng lên tôi giao hết cho anh Đạm, và đi.

Trung học, tôi không bám chương trình, mà học những gì tôi thích. Đại học, khi thấy chả có gì đáng ngồi ở đó, tôi bỏ không lần ngoái lại. Sao lại phải tự cầm tù, khi mình là sinh thể tự do!

Tại sao làm việc? Hà cớ phải tự biến mình hay biến con cái thành nô lệ.

Dạy con, để con có tinh thần độc lập ngay từ bé, tôi dạy chúng xưng tên với cha mẹ, với tất cả. Học, tôi không dạy, mà gợi cho con học và tự trách nhiệm. Lớp Ba, Jaka đã biết đi chợ và tự nấu ăn cho hai đứa em, ngay đất Sài Gòn.

Ra trường, tôi cho mỗi đứa một mớ, và thả chúng bay tự do trong chân trời riêng mình.

Lãng phí tuổi trẻ cuốc bộ hay đạp xe qua các palei Cham, nhặt từng dòng ca dao nửa trang thơ cổ; tán chuyện với các cụ Cham, được đãi cơm, ngủ lại và chép sách – là niềm vui.

Bỏ giảng đường về quê cày thuê, túi rủng rỉnh tiền tôi nhảy tàu vào Sài Gòn ôm mớ sách về đọc dưới ánh đèn cày – là vui bình phương.

Nhập cuộc chữ nghĩa, tôi được văn giới cho là con người “lao động nghệ thuật” khủng. Có thế đâu! Dù ngồi bàn 10-12 tiếng đồng hồ ngày, tôi không cho đó là làm việc, mà là suy tư và chơi và sáng tạo. Hoàn toàn vắng bóng sự lao khổ, ở đó. Nghĩa là tự do với chính dự phóng của mình.

Sao cứ phải làm việc? Sao phải phí cả thanh xuân để kiếm tiền? Hà cớ chiều lòng ai đó để phải dzô dzô, dù bụng không ưng?

Nhìn sự sự bằng con mắt của loài chim, tất cả thay đổi cái rụp, nhẹ như mây trời.

“Trong hồn tràn lan phong phú, trong điệu ăn nói tầm phào bá láp, và trong tinh thần vô trách nhiệm của trò chơi, thứ trò chơi đùa bỡn như trò chơi trẻ nít – chúng ta ở lại trong khoảng trống thênh thênh vây bọc tất cả mọi sự. Và con người quả thật giống như những con chim của bầu trời.

Con người với tư cách là khách chơi, xuất hiện cởi mở nhất với thế giới, khi dám ném tất cả mọi sự ở lại trong cõi vô hạn” (Eugen Fink, Phạm Công Thiện dịch, ghi theo trí nhớ).

Vô trách nhiệm không phải chây lười để cả đời ăn bám, không phải phó mặc thân, tâm trôi dật dờ vô định, mà là trách nhiệm sâu thẳm và cao vời hơn.

Phật thuyết trách nhiệm tức phi trách nhiệm thị danh trách nhiệm.

Trách nhiệm không phải với đảng hay ông chủ ngu ngốc nào đó, mà là trách nhiệm với vũ trụ, với sinh mệnh và chữ nghĩa mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *