[1]
TÔI ĐÃ PR CHAM ĐẾN ĐÂU?
Tôi được cho là người nổi tiếng thì hẳn rồi, thế nhưng nổi tiếng kia được gì, và để làm gì?(*)
Không gì cả, ngoài…
Cho người thiên hạ ngoảnh về tôi, từ đó ngoảnh về Cham. Qua đứa con Cham “nổi tiếng” ấy, người ngoài biết đến Cham nhiều hơn, để tiếng CHAM vang lên rộng và xa hơn – những Cham đau khổ, tài năng và nhân bản.
Không kể các buổi thuyết giảng và workshop ở Sàn Art hay Distant Horizons, không kể buổi nói chuyện tại Sứ quán Thụy Sĩ, các Đại học tại Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan; càng chưa tính vô số buổi nói chuyện với các bộ phận công chúng khác nhau ở khắp tỉnh thành đất nước. Riêng các tờ báo đưa Inrasara, sinh linh Cham và qua tôi – đưa tin về Cham lên TRANG NHẤT suốt 15 năm cũng là cách PR Cham. Thử điểm qua:
Tạp chí Văn nghệ Dân tộc & Miền núi (số đặc biệt về Cham), 9-1996
Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận (số đặc biệt về Cham), 9-1997
Tạp chí Văn hóa Dân tộc (số đặc biệt về Cham), 9-1998
“Inrasara, đứa con của gió đi tìm âm vang của lời”, Thanh niên, 28-8-2003
“Inrasara, một phong cách mới trong thơ ca”, Bình Thuận, 24-7-2004
“Inrasara, lần thứ hai nhận giải thưởng Hội Nhà văn”, Tiền phong cuối tuần, số 1, 2004
Tạp chí Văn nghệ Dân tộc & Miền núi (số đặc biệt về Cham), 9-2006
Tạp chí Tia sáng (số đặc biệt về Cham), 5-10-2006
“Inrasara, người con của Tháp nắng”, Lê Viết Thọ thực hiện, Bình Định, 19-6-2007
Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận (số đặc biệt về Cham), 9-2007
“Thiếu tư tưởng, nên phê bình ăn theo sáng tác”, Lao động, 11-8-2007
“Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”, Văn nghệ trẻ, 11-8-2007
“Tuyển ai tùy thuộc vào ai tuyển”, Tiền phong cuối tuần, 9-8-2009
“Nên dành riêng cho tác giả người dân tộc?” báo Tiền phong cuối tuần, 11-2009
“Mưdwơn gru Hán Phải”, báo Dân tộc và Phát triển, 15-3-2010
“Đi, tôi tin là có con đường trước mặt”, Sài Gòn Tiếp thị, 19-3-2010
“Gru Adơm Thiên Sanh Sở”, Dân tộc và Phát triển, 11-8-2010.
“Xét vào Hội Nhà văn, nên khách quan hơn”, Tiền phong cuối tuần, 13-3-2011
“Inrasara: Phá hủy là sáng tạo”, Pháp luật, 19-6-2011
“Lịch sử luôn cần được kể lại”, Lao động cuối tuần, số 25, 7-2011
Cham cần được các dân tộc trong đất nước hình chữ S này biết đến, biết đến và hiểu nhiều hơn; Cham cũng cần cho thế giới bên ngoài biết đến. Để người ngoài không nghĩ rằng tộc người Cham đã tiêu vong, không nhận lầm Cham với Khmer, nhất là hiểu đúng con người lẫn văn hóa Cham hơn. Để cùng sống, làm việc và yêu thương.
Tôi đã, các bạn – thế nào?
____
(*) WIKIPEDIA bình chọn:
NHÂN VẬT NỔI TIẾNG NINH THUẬN 11 người, là:
1. Ca sĩ hải ngoại Chế Linh
2. Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara
3. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
4. Nhà thơ, phi tần vua Tự Đức Nguyễn Thị Bích
5. Trung tướng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
6. Diễn viên Thương Tín
7. Nhà yêu nước, quan triều Nguyễn Phan Cư Chánh
8. Họa sĩ Đỗ Quang Em
9. Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Pinăng Tắc, cha đẻ của Bẫy đá Pinăng Tắc
10. Ths. Dương Anh Vũ, người sở hữu 4 kỷ lục trí nhớ học thuật thế giới
11. Nhạc sĩ Từ Công Phụng
Web KHÁM PHÁ NINH THUẬN bình chọn:
NHÂN VẬT NỔI TIẾNG CỦA VÙNG ĐẤT NINH THUẬN 09 người, có:
1. Nhà yêu nước, quan triều Nguyễn Phan Cư Chánh
2. Nhà thơ, phi trần vua Tự Đức Nguyễn Thị Bích
3. Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Pinăng Tắc
4. Trung tướng quân đội, cố tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu
5. Ca sĩ, nhạc sĩ hải ngoại Chế Linh
6. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
7. Họa sĩ Đỗ Quang Em
8. Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara
9. Diễn viên Thương Tín
[vắng: Ths. Dương Anh Vũ, và nhạc sĩ Từ Công Phụng]
[2]
TÔI NỢ CHAM NHỮNG GÌ?
“Vai mình mang một quê hương
Còn mang nặng cả nỗi buồn tử sinh” – Hoài Khanh.
Cuối mỗi năm, tôi thói quen làm tổng kết buồn vui nỗi người và cuộc chữ. Hơn 60 năm sắm vai sinh linh Cham, tôi nợ dân tộc tôi những gì?
TỪ ĐIỂN VIỆT CHAM
Năm 1976, Hè, chả biết làm gì, tôi đóng cửa soạn từ điển Việt Cham. Từ điển song ngữ Cham Việt đã có ba cuốn, trong khi thế hệ mới cần tiếng Việt đặt trước tiếng mẹ đẻ, thế là… soạn. Đang cao trào thì vào học lớp 12 Nguyễn Trãi, đành dang dở. Nợ này gắn với tôi suốt, để mãi năm 1994 mới có Từ điển Việt Cham đầu tiên ra lò, 10 năm sau là Từ điển Việt – Chăm dùng trong Nhà trường, rồi 10 năm sau nữa, qua sự chung tay của ông anh quý mến Ysa Cosiem: 4.650 Từ Việt – Chăm Thông dụng chào đời. Đến nay 2.000 bản đã biếu cạn.
Cuốn bỏ túi này, tôi dặn lòng sẽ ghép nối tiếng Cham Tây vào cho đủ bộ, nhưng rồi mấy năm thoảng qua, thất hứa = nợ.
URANG CHAM
Dự tính 40 nhân vật Cham thế kỉ XX góp vui trong không gian chung ấm áp, ai dè đang ngon trớn với 28 khuôn mặt cấp tập xuất hiện trên Inrasara.com, thì khựng lại. Một người hổng chịu ngồi trên mạng, tôi đành cho “ẩn”; hai vị không ưng trả lời phỏng vấn; thêm một nhân vật rất gồ đòi hỏi dành nhiều thời gian và công sức. Ba ba nhập một, nên tạm ngưng = nợ.
TOÀN CẢNH VĂN HÓA CHAM
Hứa hẹn sẽ như là thứ bách khoa toàn thư về văn hóa, lịch sử, con người… Cham. Đã được 80%, đã thư mời ba nhà [không còn trẻ] vào cuộc, mọi người ừ, nhưng chưa thấy ai nhúc nhích. Hơn năm rồi còn gì! Mất hứng như chơi. Bao giờ? = nợ.
LỊCH SỬ PALEI CHAM NINH THUẬN
Đã gom nhặt lưng túi và đang rất hứng. Cũng đã rủ rê bảy bạn trẻ nhập cuộc vào chính palei mình, nhưng ngó qua ngó lại chả thấy ai hào hứng như ta cả. Sự vụ đình trệ, mình thì sắp lên lão tới nơi. Làm gì? = nợ.
Thôi thì ta chơi trò khác vậy…
TRUYỆN & THƠ CHO TRẺ CON
Ngó quanh, người người nhà nhà lo cho người lớn: sinh viên với đồng hương tận đẩu đâu, tôi chơi trò cá biệt: nhắm đến cánh nhi đồng ở quê, là bộ phận người bị các anh chị trí thức bỏ rơi. Tội không, và có hỏng hóc chỗ nào không?
Ở đây, tôi đã làm được vài món. Riêng sách, công cuộc khởi động từ 12 năm qua, đã ra năm cuốn ngon lành trong khi hộc hồ sơ còn cả khối tư liệu chưa xử lí. Vậy, chương trình cần được liên tục thôi. Thay vì đẻ hai năm một, giờ ta thử sinh đôi mỗi năm xem sao.
CÂU CHUYỆN CHAM
Như thông báo từ năm kỉa kia, sau tuổi 60 tôi sẽ về quê làm một Storyteller. Kêu là “dựng” bộ tiểu thuyết sử thi thì có vẻ nổ quá, e mấy ổng ghét Sara cơ hội phấn khởi hồ hởi bởi có lí do chính đáng để ỉ ôi, nên ta cứ khiêm tốn xíu: kể câu chuyện Cham.
Và cuối cùng là… ĐI TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR AWAL, là tâm điểm của mọi tâm điểm. Trong đó có SAN ĐỊNH KINH CHAM ‘AHIÊR’, là nền.
Hiện tôi đang dịch Kinh Thánh, tập trung cao độ ở Cựu Ước; Kinh Phật thì đã tụng đọc từ thuở tìm học; Kinh Ahiêr có biết ít nhiều, cần dùi mài kinh sử thêm; riêng Kinh Awal thì đang làm nóng ngoài sân.
Hi vọng ba nợ này trả hết, thì bốn món kia coi như bà con và Bà Trời xí xóa.
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài… thì tan – Kiều.
[3]
TÔI CÒN MUỐN LÀM GÌ?
Đã in gần 40 tác phẩm, và còn 40 bản thảo khác, nhưng tôi hết muốn cho chúng ra đời rồi. Non một phần ba thời gian của đời người dôi thừa trên mặt đất, tôi còn muốn làm gì? Lời giải đáp cần đến vài câu hỏi cốt tủy khác.
Tôi biết gì? Tạm kê:
Tâm hồn con người Cham, tư tưởng Cham và tinh thần [không phải kiến thức] văn hóa Cham. Thơ Việt đương đại, nghĩa là phần nào tâm hồn con người Việt Nam.
Mang tinh thần hậu hiện đại: “Suy tư toàn cầu, hành động cục bộ”, tôi nghĩ và làm trên lằn ranh truyền thống và hiện đại, ngoại vi và trung tâm, Cham và Việt Nam, dân tộc và thế giới, vân vân.
Tôi có gì? Thử kiểm:
Kẻ tư tưởng ít nhu cầu, nên đời sống vật chất tôi ổn, sức khỏe: tốt.
Qua sáng tác, nghiên cứu, phê bình và diễn thuyết, tên tuổi tôi ít nhiều được công chúng Cham và Việt Nam biết đến, mức độ nào đó: khu vực và quốc tế.
Tôi có vài diễn đàn, trong và ngoài nước để trình bày tư tưởng.
Tôi đã mất gì?
Ở Sài Gòn, Phòng Khánh tiết INRA để trưng bày sản phẩm văn hóa và thuyết trình được dựng lên năm 2010, nay bà xã biến thành kho chứa thổ cẩm.
Ở Chakleng, Nhà Trưng bày ở tầm rộng hơn để cho Cham và du khách muốn nghiên cứu văn hóa Cham có việc thì đến, ba năm qua cũng rơi vào thảm cảnh tương tự.
Nhà Chung ở Pangdurangga như là trung tâm cho Cham [và Việt quan tâm đến Cham] gặp mặt, sinh hoạt được gợi ý với Sứ quán Ấn Độ bảy năm trước, nay đã xong nhưng hoàn toàn biến tướng.
Những năm tháng tới, tôi không có mảnh đất nào ra hồn để diễn.
Cộng đồng Cham đang thiếu gì?
Giáo dục ở cấp độ cao! Khi giáo dục truyền thống ông bà mất, con cháu ta phó mặc cho nhà trường, mà nhà trường XHCN thế nào ta biết rồi. Cùng lắm ta chỉ thu thập ở đó kiến thức. Còn tinh thần và tư tưởng? Các thế hệ đi tới sẽ trôi về đâu? Là câu hỏi cấp bách nhất cần đặt ra và trả lời.
Tôi còn muốn làm gì?
Không phải viết hay in sách, đã quá đủ, mà thuyết.
Giai đoạn bốn của một đạo sĩ Bà-la-môn Cham hiện nay không phải “phong phanh giữa trời đất”, mà cần có ‘THANG’ nhà với không gian và tiện nghi tối thiểu cho cá nhân có chỗ suy tư, để nhóm người cùng gặp mặt học tập, trao đổi.
Nhóm năm, mười người. Không ăn uống nhậu nhẹt xô bồ, mà trà, cà-phê, bánh trái thanh tao. “Cứ thanh nhã để cho đời bớt tục”.
Từ đó, Cham hiểu mình, hiểu người để nhập cuộc về hướng mở.