Chuyện vặt 12. SARA… ĐI MỸ

1. Tôi không có mạng đi nước ngoài. Không có mạng, lỗi tại mình. Hứng thú phiêu lưu của tôi là khám phá TƯ TƯỞNG, chứ không phải vùng đất. Ngay Việt Nam, tôi đi khắp, chỉ bởi công việc hay tổ chức mời. Với các nước Đông Nam Á, cũng vậy, chớ đi xa hơn, rất hiếm.
Nhật Bổn, vào năm 2000, tôi đi theo diện làm thông dịch kinh doanh cho bà xã. Còn hồi 2015, Ra mắt tác phẩm về ĐHN có in tiểu luận của tôi, họ mời, tôi ừ, sau đó giờ chót tôi xin kiếu. Ban tổ chức tính nói tránh rằng, Sara qua thuyết trình về văn hóa Cham chứ không phải về sự kiện này. Tôi nghĩ, chớ gì qua mặt an ninh Việt Nam, vả lại tôi không muốn xạo.
Trước đó một năm, thời điểm vụ ĐHN đang căng, Đại học châu Âu và Úc mời tôi qua vài nước thuyết về đề tài: Người Cham & Điện hạt nhân, tôi nói không. Đi, vừa vui vừa nổi tiếng, túi còn rủng rỉnh đôla, sao lại chối? – Dễ ợt, trong nước, tôi lên tiếng được cho là “phản biện”, chứ ra ngoài đó tôi thành kẻ phản đối, rồi nâng cấp thành “phản động” mấy hồi. Họ cấm cửa tôi về, thì tiêu.
Riêng Mỹ, thuở Clinton và Obama, tôi có 2 cơ hội ngon lành, do thiếu nhiệt tình mà hỏng. Lần này, tôi nghe hứng hơn. Ừ, thì 50-50.

2. World India Congress, kéo dài 3 ngày tại Chicago, lại Kỷ niệm 125 năm nơi Đại sư Vivekananda thuyết pháp, đâu phải chuyện đùa!
Nhận lời mời từ tháng 5, do không muốn NỔ, thêm: nổ, e bị hố, nên tôi chỉ tin cho 2 bạn Cham ở Mỹ hay, để họ hỗ trợ về mặt pháp lí. Ai dè, phía Ấn Độ lại chơi trước:
Ngay đầu tháng 7, họ đã nộp 300usd phí tham dự, đồng lúc đăng tin và thư mời lên web ban tổ chức với tên tuổi Inrasara cực long trọng. Họ còn cho bá quan biết Sara có tham luận rất oách ở hội nghị [sau đó còn trao đổi tại Forum] nữa!(*)
Thế buộc, tôi phải chạy Visa, và tin cho bà con, anh chị em thân thiết hay.
Cạnh đó, tôi không quên mục luyện tiếng Anh với thao tác nhìn xuống ngẩng lên rất nghề. Ngoảnh lại, bận này mình ngon lành thiệt. Cái bụng tính, sau đại hội, sẽ đánh vài trận lẻ khác [các nơi mời], sau đó là cả chương trình với cộng đồng Cham bên ấy.

3. Và rồi đến tiết mục phỏng vấn. Cần ghi lại để người đi sau rút kinh nghiệm.
8:15g sáng ngày 10-8-2018. Xếp hàng đúng bài bản. Sinh linh nữ đứng trước tôi được dành 5 phút xổ bầu, xổ đã đời để người phỏng vấn… lắc đầu. Và dù bị ra dấu mời khỏi hàng, sinh linh tội nghiệp kia vẫn cố làm vài coda, khá mùi. Nhưng cái đầu kia lắc vẫn cứ lắc.
Riêng ông Sara được dành cho diễn bài Thơ 5 Kâu đúng 1 phút:
– Xin chào chị.
– Anh làm nghề gì?
– Tôi nghiên cứu văn hóa Cham.
– Anh đi Mỹ lần nào chưa?
– Chưa, mấy năm gần đây tôi có đi Cambodia và Thailand [người phỏng vấn dòm qua Passport có chứng thực]
– Anh có bà con ở Mỹ không?
– Không, tôi có những người quen thân.
– Anh làm cho công ty nào ở Việt Nam không?
– Không, tôi là nhà văn tự do, chị à.
– Kì này anh không được rồi, – vẫn cái đầu ấy lắc đúng tư thế ấy.
– Nhưng Đại hội Thế giới Ấn mời tôi mà… – Tôi cố gượng.
Người phỏng vấn ra dấu mời tôi ra khỏi hàng, tôi nghiêm chính chấp hành.

KẾT. Thế là mất công, mất giờ, và mất 160usd phí hồ sơ.
Lỗi tại ai? Tại người Ấn chưa hiểu hết về Việt Nam và Mỹ, hay tại cái PASSPORT CÔNG DÂN VIỆT NAM [sinh linh đi rồi trốn ở lại ảnh hưởng đến kẻ vô tội đi sau] – không biết được.

(*) Sau sự vụ, tôi có thư báo cáo nhanh, ngay tức thì Đại diện Ấn ở Việt Nam mail ngay cho Trưởng Ban Tổ chức Đại hội (trích): “His [Phu Tram Inrasara] visit to the WHEF 2018@Chicago was of utmost critical importance. His gracious presence would have helped showcase and connect the Cham Hindu Vietnamese community to the mainstream Hindu community worldwide.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *