Lời giới thiệu tập truyện Trinh nữ Ma-nơ-canh của Lê Anh Hoài, NXB Trẻ, 2014
Một sự kiện lớn, ảnh hưởng cả đời người hay quyết định số phận một dân tộc, một đất nước lắm khi có một xuất phát điểm quá ư tầm phào. Một quyết định nông nỗi, một ý nguyện vô lí, một nguyên do không đâu vào đâu, thậm chí chỉ là một nhầm lẫn đầy sơ hốt. Sự kiện lịch sử hay tác phẩm văn chương, chẳng khác nhau là mấy.
Lê Anh Hoài mở đầu truyện “Công ty Khai thác và Phát triển ngôn ngữ” với ý tưởng điên rồ và vô lí như thế. Của nhân vật Mr. T:
“Vào đúng lúc viện Hàn lâm tư vấn cho Chính phủ ban bố điều luật về quyền sở hữu tuyệt đối với những giá trị sáng tạo, trong đầu Mr. T bỗng lóe lên một sáng kiến mà càng lúc, theo thời gian trôi qua, nó càng trở nên vĩ đại: Ta sẽ sở hữu những từ riêng do chính ta nghĩ ra.”
Từ đó, câu chuyện hình thành, cuộc sống sinh thành, và các định mệnh được kiến tạo và tự khuôn định. Nơi ấy, các nhân vật với vai trò xã hội cụ thể có mặt: viện trưởng, phó viện trưởng và thư kí; chủ tịch hội đồng, nhà khoa học và nhà kinh doanh; ca sĩ, người mẫu thời trang, chuyên gia tổ chức sự kiện báo chí… cùng bao nhiêu dịch vụ ra đời: Viện Hàn lâm, tổ chức quốc tế, công ty đa quốc gia, truyền hình và phát thanh… với những hoạt động: chứng nhận bản quyền, sinh lợi, cố vấn, quản lí sổ sách, thuế khóa, thu phí và tiền phạt, du lịch ra nước ngoài, bảo tồn và phát triển… cùng vô vàn tính chất: độc quyền, bảo thủ và cách tân, hung hăng, bôi bẩn và tham nhũng, ít học… Nghĩa là cả một thế giới ra đời, chỉ từ:
“một ý nghĩ lại nổ bùng lên trong trí óc thiên tài của T: Mới đầu làm gì có từ nào có nghĩa. Vậy ta sẽ cấp nghĩa cho những từ của ta!
Đây là bước ngoặt quan trọng nhất trong quá trình tư tưởng lớn này.
Mr. T đã gắn được hết nghĩa cho 49 từ.”
Nếu Người đàn bà trong cồn cát của Kobo Abe hình thành từ một ý tưởng “điên rồ” của một nhà côn trùng học nghiệp dư muốn tên mình tồn tại vĩnh cửu qua tên loài côn trùng lạ lẫm chưa được khám phá, đã tạo nên một tuyệt tác văn chương kì diệu, để đưa tên tuổi ông vốn đã nổi tiếng, vượt qua biên giới Nhật Bản, để trở thành nhà văn thế giới, thì qua ý tưởng “rồ dại” không kém, “Công ty Khai thác và Phát triển ngôn ngữ” của Lê Anh Hoài cũng mở ra một thế giới phong nhiêu, đa dạng với những biến động khôn lường – không thua kém một thế giới thật nào bất kì. Ở đó, các truyện còn lại chỉ như những mảng được đào sâu thêm, mở rộng ra ở một góc cạnh nhỏ hẹp của cuộc đời bao la kia.
Còn hơn thế, văn xuôi Lê Anh Hoài đã gợi mở bao cách đọc. Có thể đọc “Công ty Khai thác và Phát triển ngôn ngữ” như một tác phẩm hiện thực; bởi ở đó là mênh mông hiện thực ngồn ngộn hiện tiền đang diễn ra trước mắt ta, xung quanh ta, tưởng như sờ mó được. Ngược lại, cũng có thể đọc truyện ngắn này theo lối đọc truyện viễn tưởng, với bao sự kiện không thực nổi lên ở bề mặt tác phẩm.
“Trái tim trong W.C”, “Cuộc đời khốn nạn của một bản thảo”, nhất là “Bầy mắt” gợi cho ta cách đọc vừa như một tác phẩm đẫm chất siêu thực vừa như một công trình phân tích tâm lí con người ở tầng sâu. Khi con người bị gò bó, khu trục vào khuôn phép gắt gao nhất chính là lúc cá thể ấy muốn phá vỡ khuôn phép nhất.
“Đ đã oang oang nhắc V: “Này, 11h đóng cửa nội bất xuất ngoại bất nhập đấy nhé, mày nhớ chứ?! Bảo thằng bồ mày đấy nhé!”.
“Mà không được đóng cửa tiếp khách đấy nhé!”. Rồi:
“Và không được tắt đèn”.
Đi cùng với quy ước nghiêm ngặt kia là những “bầy mắt”, “những con đom – đóm – ánh – mắt – cô – Đ… bỗng hiện ra không chỉ ở khe cửa, mà ở khắp nhà”, vừa như dòm ngó canh chừng đồng thời – như đe dọa. Chính lúc sự dòm ngó lên cao độ lại là lúc V làm tình tốt nhất, hứng thú nhất. Do ức chế tâm lí bấy lâu cho nên một cách vô thức, V đã động phản lại. Cho đến lúc thay đổi chỗ ở, khi “những con đom – đóm – ánh – mắt” kia không còn, cũng là lúc V nghe hết hứng thú, và đuối.
Cũng có thể đọc Lê Anh Hoài như đọc một ngụ ngôn, thậm chí một câu chuyện diễm tình ướt át.
Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở đó thôi, nghệ sĩ này sẽ đánh mất giọng đặc thù hậu hiện đại đẫm chất Lê Anh Hoài, như anh đã từng làm được với thơ, với nghệ thuật trình diễn, và cả với tiếu thuyết Chuyện tình mùa tạp kĩ (NXB Đà Nẵng, 2007). Xuyên suốt tập truyện (…) là giọng giễu nhại và bỡn cợt. Đậm nhạt, sâu nông, rộng hẹp khác nhau.
Bỡn cợt từ câu chuyện: “Chinh phục”, hay tên truyện: “Trinh nữ ma-nơ-canh”, “Chuyện tình mùa đông, hay Anh không thể xa em”, cho đến giễu nhại ngôn từ bị lạm dụng mãi ở đầu môi thành mòn, nhàm đến nhảm: “Hội ‘Giữ gìn sự trong sáng của tiếng ta’”, bỡn cợt cả các hành vi thực của người thực nhưng cố ý đặt sai tình huống: “một vị cảnh sát ngôn ngữ xuất hiện bắt quả tang, và lập biên bản, ghi vé phạt”. Và nhất là giọng điệu:
“Quan trọng hơn, đây hoàn toàn là “hàng nội chất lượng cao”, có thể thay thế rất nhiều từ mượn của nước ngoài. Quan trọng nữa, với những từ kiểu này, Mr. T “đóng góp cho quốc gia và dân tộc” bằng cách chỉ thu mức phí tượng trưng (ông rất hạn chế việc miễn phí, bởi như thế có thể gây ra sự rẻ rúng từ tâm thức người dùng và việc sử dụng bừa bãi mất kiểm soát). Và hình ảnh của Mr. T như một người yêu nước chân chính ngày càng được tô đậm trong lòng công chúng”.
Bỡn cợt bao nhiêu điều người đời vốn cho là nghiệm nghị, nghiêm trọng: “viện sỹ K hạ giọng: “Đây là một lĩnh vực mới, rất mới mẻ. Và không phải tượng trưng đâu. Nó hoàn toàn có thể sinh lợi. Cho ông, cho Viện và cho cả đất nước này!”, Lê Anh Hoài muốn gửi đến người đọc thông điệp. Rằng, cuộc đời không gì hơn “là một vở kịch tồi, được kể bởi một thằng khùng, đầy âm thanh và cuồng nộ” (Macbeth).
TFN, 22-8-2014.