Thế hệ nhà văn sau 1975: NHẬN DIỆN & TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT

Phát biểu tại Hội thảo 2019 & trả lời phỏng vấn VOV:

Tôi không nói đến cách tân mà nêu lên khác biệt: vùng miền, tác giả, dân tộc… Nhà thơ miền Nam ít quan tâm đến “cách tân”.

Từ phản tỉnh đến phản kháng sang “phản động”. Hầu hết khuôn mặt thơ sáng giá nhất ở miền Nam tự chọn lối in photocopy các tác phẩm của mình, dù ở đó không ít tập có thể chui lọt cửa nhà xuất bản chính thống. Họ muốn thế. Chỉ với mục đích duy nhất: khẳng định tư thế tự do của một nghệ sĩ sáng tạo.

1. Từ Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Bình Phương

Thiều: ngoài cách làm trương nở câu thơ dẫn đến hiện tượng thừa chữ tạo nhịp điệu mới cho thơ, Thiều đã dựng một hình ảnh mang tính biểu trưng cho thơ mình – là điều hiếm.

Phương: cảm thức hiện sinh xuyên suốt. Giữa thập niên 50 ở miền Nam, sáng tác hiện sinh đã xuất hiện, do biến động thời cuộc, các nhà thơ chuyển hướng. Nguyễn Bình Phương tiếp tục nỗi dở dang ấy, và đi đến tận cùng. Xin nhắc: tôi nói cảm thức hiện sinh, chứ không chủ nghĩa hiện sinh

Nếu Thiều khẳng định Hiện thực Đời sống một vùng đất, thì Phương đối thoại với cái thiếu nguồn cội của Vô thể.

2. Đến Nguyễn Quốc Chánh và Trần Tiến Dũng

Nhà thơ miền Nam ít quan tâm đến “cách tân”.

Chánh: là người đầu tiên nhìn cận cảnh ảo tưởng – “Ba thế hệ sưu tầm ảo tưởng”. Ảo tưởng lây lan đến tận thế hệ mới: “Có những kẻ vĩ cuồng đến nỗi/ Chưa mọc răng khôn cứ nơm nớp sợ đời quên”.

Dũng: đối mặt với hiện thực Sài Gòn u ám và nham nhở, ban đầu Dũng chối bỏ hiện thực bằng cách nhìn nó đầy siêu thực. Sau đó, thơ Dũng bề bộn bụi bặm cuộc sống thực Sài Gòn, và đậm tinh thần phản kháng.

Từ phản tỉnh đến phản kháng sang “phản động”. Hầu hết khuôn mặt thơ sáng giá nhất ở miền Nam tự chọn lối in photocopy các tác phẩm của mình, dù ở đó không ít tập có thể chui lọt cửa nhà xuất bản chính thống. Họ muốn thế. Chỉ với mục đích duy nhất: khẳng định tư thế tự do của một nghệ sĩ sáng tạo.

3. Khác biệt ở 2 khuôn mặt khởi động thơ nữ quyền

Dư Thị Hoàn, tiên phong ở miền Bắc về thơ nữ quyền: tách đàn đi theo “lối nhỏ” thôi đã là cách mạng rồi.

Ở miền Nam thì khác, Thảo Phương mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Từ bỏ quẩn quanh miền thân xác, khu vực giường chiếu và hàng rào ngôi nhà mình, với những em em anh anh như thơ nữ từng, Thảo Phương “buông tấm khăn choàng/ hừng hực cháy…”. Một đòi hỏi giải phóng tình yêu [cạnh đó là, tình dục] vượt ra khỏi vòng cương tỏa chẳng những khuôn định ở định kiến Việt Nam, mà – thế giới. Chẳng những giải thoát cho riêng ta, mà mang khả tính giải phóng cho muôn người khác.

4. Khác biệt thơ Cham và các dân tộc thiểu số phía Bắc

Khác biệt từ tư duy thơ: Tư duy phố và “tư duy biển lớn” (chữ Tạ Chí Đại Trường).

Khác biệt về thi ảnh và lối nói: Thay lối nói dân dã, mộc mạc với những thi ảnh cụ thể, bằng cách biểu hiện rất hiện đại, thậm chí hậu hiện đại.

Khác ở thái độ: Nhập cuộc hết mình với dòng văn học đương đại Việt Nam, phản tỉnh và phản biện mạnh mẽ, thẳng thừng, và vui vẻ.

Khác biệt từ cách xuất hiện: Trong khi các nhà thơ dân tộc thiểu số ở phía Bắc chỉ xuất hiện trên báo chí chính thống, hay cho ra mắt tập thơ ở các nhà xuất bản có giấy phép của Nhà nước, thì các cây bút Cham đã khác hẳn. In chính thống hay phi chính thống, thơ in giấy hay đăng lên mạng. Có người còn mở nhà xuất bản riêng nữa.

Kết

So sánh đối chiếu khác biệt mang tính vùng miền không là thái độ phân biệt đối xử, mà là một thao tác khoa học trong nghiên cứu văn học.

Dẫu sao tôi không cho thơ ở vùng này thì “hiện đại” hơn miền kia, tôi cũng không cho tư duy thơ của nhà thơ này thì tiến bộ hơn nhà thơ nọ, càng không nói thơ Cham hay hơn hay kém hơn thơ các dân tộc ở phía Bắc… mà là sự khác biệt.

Khác biệt lớn. Ngoài khác biệt qua cách nghĩ, lối nói riêng của mỗi dân tộc, chính khác biệt mang tính vùng miền đã làm nên sự đa dạng và phong phú của thơ tiếng Việt đương đại. Chúng làm giàu thêm nền văn học đa dân tộc Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *